Thỉnh thoảng đau thượng vị sau khi ăn có thể không quá đáng ngại. Thế nhưng, nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên và kéo dài, bạn cần cảnh giác với một số bệnh lý đường tiêu hoá. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần được xử lý cấp cứu nếu ăn vào đau thượng dữ dội.
Mục lục
Đau thượng vị là gì?
Đau thượng vị là tình trạng đau ở vị trí vùng bụng giữa ngực, dưới hai xương ức và trên rốn. Một số địa phương, vùng thượng vị còn được gọi là mỏ ác. Tuỳ vào nguyên nhân cụ thể mà người bệnh có thể gặp phải cơn đau nhói, đau âm ỉ, đau quặn hoặc đau dữ dội.
Cơn đau có thể bao trùm vùng thượng vị nhưng điểm đau trung tâm thường có xu hướng lệch về một vùng bụng. Đây là dấu hiệu quan trọng giúp định hướng tìm hiểu nguyên nhân, cụ thể:
- Đau thượng vị lệch về bên trái: Điểm đau ở khu vực này thường liên quan đến dạ dày, tuyến tụy và lá lách.
- Đau thượng vị lệch về bên phải: Có thể cảnh báo các vấn đề liên quan đến hệ thống mật, gan và tuyến tụy.
- Đau thượng vị chính giữa: Là vị trí liên quan đến dạ dày, tuyến tụy
Đau thượng vị có thể xảy ra khi một người ăn quá nhiều hoặc quá nhanh. Thói quen này khiến dạ dày thường xuyên phải giãn căng để chứa thức ăn và tăng nuốt khí khi ăn gây ra đầy hơi, chướng bụng. Trường hợp này, cơn đau thượng vị thường không quá khó chịu và sẽ cải thiện dần sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau bữa ăn.
Ngược lại, bạn cần cảnh giác nếu ăn uống bình thường nhưng cơn đau thượng vị có xu hướng tăng dần sau ăn kèm theo các triệu chứng khác như: nóng rát dạ dày, tiêu chảy, sống phân, nôn mửa, táo bón,… Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiêu hoá cần được thăm khám và điều trị sớm.
5 bệnh lý tiêu hoá gây đau thượng vị sau khi ăn
Thượng vị là khu vực có kết nối với nhiều cơ quan tiêu hoá như: dạ dày, tuyến tụy, tuyến mật,… Vậy nên, khi một trong số cơ quan này gặp bất thường, người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau thượng vị sau khi ăn. Dưới đây là 5 bệnh lý tiêu hóa thường gây nên tình trạng này.
1. Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, xuất hiện các ổ viêm loét. Khi người bệnh ăn, dạ dày tiết acid nhiều hơn và tăng nhu động co bóp để tiêu hoá thức ăn. Quá trình này khiến vết tổn thương trên niêm mạc cọ xát với thức ăn và bị acid tấn công nhiều hơn. Vì vậy, người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường bị đau thượng vị sau khi ăn.
Ban đầu cơn đau thượng vị do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra xuất hiện nhiều ở vùng giữa xương ức. Sau khoảng 30 phút, khi thức ăn bắt đầu xuống vùng tá tràng, vị trí đau có thể lệch nhẹ về vùng bụng bên phải. Tính chất cơn đau khác nhau ở từng người bệnh, có thể đau nhói từng cơn, đau âm ỉ, đau nhâm nhẩm hoặc đau lâm râm. Mức độ đau cũng không cố định, có người bệnh đau một lúc tự khỏi nhưng có người chỉ giảm sau khi uống thuốc.
Tính chất và mức độ cơn đau thượng vị không đại diện cho mức độ tổn thương dạ dày. Do đó, những người đau ít không nên chủ quan nghĩ là mình bị bệnh nhẹ. Để biết mức độ viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh cần thực hiện nội soi dạ dày tá tràng để có kết luận chính xác.
Ngoài cơn đau thượng vị sau khi ăn, người bị viêm loét dạ dày có thể gặp phải các triệu chứng khác như:
- Ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn.
- Đau, nóng rát ở vùng bụng hạ sườn trái.
- Đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, ăn không ngon.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, một số người có thể bị sút cân.
Viêm loét dạ dày tá tràng không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị và ung thư dạ dày. Một số dấu hiệu cho thấy viêm loét dạ dày tiến triển nặng hơn như:
- Phân có màu đen, nâu đậm như bã cà phê hoặc lẫn máu, mùi khắm khó chịu.
- Nôn ra máu đỏ tươi, máu cục hoặc dịch sền sệt như bã cà phê.
- Đau bụng đột ngột, dữ dội, bụng cứng như đá.
- Choáng váng, vã mồ hôi, chóng mặt, mạch nhanh, mất mạch và ngất xỉu
☛ Tìm hiểu: Viêm loét dạ dày: Thực phẩm nên ăn và nên tránh
2. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch vị chứa thức ăn, men tiêu hoá và acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Acid dạ dày có khả năng phá huỷ mô, gây tổn thương cơ thắt thực quản dưới và niêm mạc thực quản. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh trào ngược dạ dày bị đau vùng thượng vị.
Trào ngược dạ dày thường có xu hướng xuất hiện sau khi người bệnh ăn no do dạ dày giãn căng làm tăng áp lực khiến cơ thắt thực quản dưới mở ra. Vì vậy, người bệnh dễ bị đau, bỏng rát vùng thượng vị sau khi ăn. Ngoài ra, trào ngược dạ dày cũng gây ra một số triệu chứng khác như:
- Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn và nôn.
- Cảm giác khé cổ, vướng nghẹn thường trực ở vùng ngực và họng.
- Tăng tiết nước bọt khiến người bệnh có phản xạ nuốt nước bọt liên tục.
- Thường xuyên gặp các vấn đề về hô hấp như: ho kéo dài, viêm họng, thở khò khè, khàn giọng, mất tiếng.
- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, khó vào lại giấc sau khi thức dây.
Thực quản không có lớp chất nhầy bảo vệ như dạ dày. Vậy nên, nếu trào ngược dạ dày không được điều trị đúng cách, niêm mạc thực quản có thể bị loét nghiêm trọng và tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: chít hẹp thực quản, barrett thực quản và ung thư thực quản. Bạn có thể phát hiện những vấn đề này thông qua các dấu hiệu như:
- Cảm giác thức ăn ứ nghẹn tại ngực kéo dài trong nhiều giờ.
- Đau khi nuốt, ngay cả khi ăn đồ lỏng hoặc uống nước.
- Dịch nôn có lẫn máu đỏ tươi.
- Đau nghiêm trọng thường xuyên ở vùng ngực.
☛ Tham khảo: Khám trào ngược dạ dày ở đâu tốt nhất? Quy trình khám, xét nghiệm
3. Thoát vị hoành
Trong cơ thể, vùng bụng và vùng ngực được phân chia bởi lớp cơ hoành. Thoát vị xảy ra khi một phần của dạ dày bị đẩy qua lỗ mở trên thành cơ hoành và “chui” vào khoang ngực. Phần dạ dày thoát vị bị kẹt lại tại khoang ngực và cơ hoành gây ra sự chèn ép qua lại dẫn đến đau âm ỉ kéo dài ở vùng thượng vị. Một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau dữ dội và đau tức nhiều ở bên ngực trái.
Bên cạnh đau thượng vị, thoát vị hoành có thể gây ra các triệu chứng khác như:
- Ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nôn.
- Đầy bụng, khó tiêu, bí đại tiện hoặc trung tiện.
- Viêm họng, nuốt nghẹn, mắc kẹt ở vùng ngực.
Thoát vị hoành nhẹ thường không gây triệu chứng hoặc có triệu chứng trào ngược. Trường hợp này có thể được theo dõi và điều trị bằng các thuốc ức chế tiết acid. Ngược lại, thoát vị hoành nghiêm trọng khiến người bệnh đau đớn nhiều và cần điều trị phẫu thuật. Nếu không được xử trí đúng cách, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng như: loét dạ dày thực quản, xuất huyết tiêu hoá, sẹo thực quản hay tắc ruột hoại tử.
4. Viêm tuyến tụy
Viêm tuyến tụy là tình trạng tuyến tụy bị sưng đỏ do bị tấn công bởi dịch mật, rượu và enzyme trong dịch tụy (gồm: trypsin, phospholipase A2 và elastase). Tuyến tụy thường hoạt động mạnh hơn khi đến bữa ăn nhằm cung cấp đủ enzyme tiêu hóa thức ăn. Khi tuỵ bị sưng viêm, chức năng này trở nên “quá sức” khiến người bệnh thường cảm thấy đau vùng thượng vị.
Người bệnh có thể nhận diện viêm tụy thông qua một vài triệu chứng sau:
- Cơn đau bắt đầu ở vùng thượng vị sau đó lan ra sau lưng.
- Đau thường kèm theo buồn nôn và nôn mửa nhiều.
- Ban đầu cơn đau xuất hiện gián đoạn nhưng sau đó dần trở nên liên tục.
- Người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn khi ngồi chúi người về phía trước.
- Đầy bụng, chướng hơi, phân mỡ.
- Cơ thể suy nhược, tiều tụy, ốm yếu.
Viêm tụy mạn tính nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng kém hấp thu, cơ thể mất dần khả năng hấp thu chất béo, vitamin tan trong mỡ và glucose. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng như: tắc nghẽn ống mật hoặc tá tràng, vỡ ống tụy, huyết khối tĩnh mạch lách, giả nang gần tụy và ung thư biểu mô tuyến tụy.
Trong trường hợp viêm tụy cấp, các nang giả chứa dịch tụy và chất hoại tử được hình thành sau khoảng 4 tuần nếu không điều trị. Trong số này, có khoảng 1/3 người bệnh bị hoại tử tụy và đối diện với nguy cơ tử vong. Ngoài ra, người bệnh có thể bị suy đa tạng dẫn đến tử vong. Những dấu hiệu cho thấy viêm tụy chuyển nặng cần can thiệp y tế ngay bao gồm:
- Người bệnh đau bụng dữ dội
- Nhịp tim nhanh, thở hụt hơi.
- Vàng mắt hoặc vàng da quanh rốn và hai bên mạn sườn.
5. Sỏi mật
Sỏi mật là tình trạng trong túi mật hoặc ống mật lắng đọng những chất có dạng tinh thể nhỏ và cứng. Tình trạng này xảy ra khi có tỷ lệ cholesterol trong mật quá cao hoặc rối loạn chức năng túi mật.
Sau bữa ăn, đặc biệt là những bữa ăn no hoặc giàu chất béo, người bệnh sỏi mật thường cảm thấy đau tức thượng vị kèm theo buồn nôn và nôn. Nguyên nhân là do sỏi mật làm tăng áp lực trong túi mật hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật gây cản trở quá trình tiêu hoá chất béo trong thức ăn.
Cơn đau do sỏi mật thường xuất phát ở vùng hạ sườn phải, sau đó lan lên thượng vị, vai phải hoặc sau lưng. Cường độ đau có xu hướng tăng dần và kéo dài khoảng 30 phút đến vài giờ. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Mẩn ngứa, vàng da, vàng mắt.
- Đầy bụng, chướng hơi, ăn không ngon.
- Tiêu chảy kéo dài, phân có màu đất sét.
Sỏi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: tắc ống mật chủ, viêm túi mật, tắc nghẽn ống tụy, tắc ruột và ung thư túi mật. Bạn cần khám ngay nếu gặp phải những dấu hiệu sau:
- Đau bụng dữ dội kéo dài đến thượng vị, trên vai và sau lưng kéo dài trong nhiều giờ và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.
- Sốt cao trên 38 độ C, người bệnh sợ lạnh, sợ gió và vã mồ hôi.
- Bụng căng chứng, nôn mửa liên tục.
Một số cách giảm đau thượng vị sau khi ăn
Các biện pháp giảm căng cứng cơ vùng bụng – ngực, giảm áp lực dạ dày và thúc đẩy tiêu hoá có thể cải thiện triệu chứng đau thượng vị sau khi ăn. Dưới đây là một số cách giảm đau dễ thực hiện
Chườm ấm
Nhiệt độ ấm của túi chườm giúp thư giãn cơ vùng bụng ngực, tăng cường tuần hoàn máu đến vùng bụng, qua đó thúc đẩy quá trình tiêu hoá thuận lợi. Bạn chỉ cần thêm nước nóng khoảng 40 – 50 độ vào một một túi chườm hoặc chai nhựa. Sau đó, di chuyển túi chườm trên bụng, quanh vùng thượng vị trong khoảng 10 – 15 phút. Bạn có thể thực hiện cách này sau khi ăn khoảng 30 phút hoặc khi có cảm giác đau.
Ngoài chườm ấm, bạn cũng có thể tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm cũng cho hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, cần chú ý nhiệt độ của nước đủ ấm để có hiệu quả tốt nhất.
Massage
Massage đúng cách giúp thư giãn cơ vùng ngực – bụng, kích thích tuần hoàn máu và cải thiện nhu động đường tiêu hoá, giảm áp lực cho dạ dày. Bạn chỉ cần xoa lòng bàn tay cho ấm lên, sau đó áp bàn tay vào bụng, massage tròn nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ khoảng 5 – 10 phút. Tiếp đó, dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào vùng thượng vị, day tròn trong khoảng 5 – 10 phút hoặc đến khi có tiếng ợ, giảm nhẹ cơn đau.
☛ Tìm hiểu: 7 cách bấm huyệt chữa đau thượng vị
Uống nước ấm
Uống nước ấm là cách giảm đau thượng vị hiệu quả cho những trường hợp bị tăng tiết acid dạ dày. Nước ấm làm thư giãn cơ trơn đường tiêu hoá đồng thời “pha loãng” acid trong dạ dày, qua đó giảm kích thích và giảm đau cho người bệnh.
Để uống nước ấm hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Không nên uống nước ấm ngay sau khi ăn no.
- Chỉ nên uống mỗi lần khoảng 50 – 100ml.
- Nên uống từ từ từng ngụm nhỏ.
Ăn vào đau thượng vị có thể không được quá nhiều người chú ý. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Bởi vậy, bạn không nên lơ là chủ quan nếu gặp phải tình trạng này. Thay vào đó, hãy tập trung theo dõi những thay đổi của cơ thể và thăm khám sớm để có biện pháp xử trí kịp thời.