Dịch vị là một hỗn hợp gồm: axit và các enzyme tiêu hóa được tiết ra bởi các tuyến vị trong dạ dày. Trong đó, axit dạ dày đóng vai trò quan trọng trong chức năng tiêu hóa nhưng cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý dạ dày. Vậy, axit dạ dày là gì? Bài viết hôm nay sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu những vấn thông tin xoay quanh loại axit này.
Mục lục
Acid dạ dày và sự thay đổi pH trong dạ dày
Acid trong dạ dày là acid clohydric có công thức hóa học là HCl. Trước khi được tiết vào lòng dạ dày, nồng độ acid cao nhất tại các ống dẫn tế bào có thể đạt đến 160mM, độ pH là 0.8. Tuy nhiên, khi được tiết vào lòng dạ dày, acid được pha loãng đến nồng độ khoảng 0,0001 – 0,001 mol/l. Ở người lớn khỏe mạnh, độ pH của acid clohydric trong dạ dày dao động từ 1.5 – 2.5 khi đói.
Sau khi ăn, dạ dày tăng tiết acid và enzyme tiêu hóa khiến độ pH dịch vị giảm xuống 1 – 2. Ngay sau đó, niêm mạc dạ dày tiết ra các chất đệm khiến pH dịch vị tăng lên 3 – 4. Sau khi thức ăn được tiêu hóa, pH của dịch vị thường dao động khoảng 4.5 – 6.0. Mức độ và thời gian gia tăng độ pH acid dạ dày phụ thuộc vào các loại thức ăn và tốc độ tiêu hóa của dạ dày.
Acid clohydric trong dạ dày được xếp vào nhóm acid mạnh, có khả năng hòa tan xương, răng hay thậm chí là kim loại. Nhờ vậy, hầu hết thực phẩm khi vào đến dạ dày đều được dịch vị phân huỷ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thu dinh dưỡng ở ruột. Khi tiếp xúc với niêm mạc, acid dạ dày ngay lập tức gây mất nước, kích ứng, viêm, thậm chí là hoại tử nếu không được xử trí kịp thời.
Acid dạ dày được tạo ra như thế nào?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, acid dạ dày được tiết ra bởi các tế bào thành trên vùng niêm mạc ở đáy và thân dạ dày. Quá trình bài tiết acid được kiểm soát chặt chẽ qua nhiều cơ chế, trong đó có 3 cơ chế đóng vai trò chủ đạo gồm: dây thần kinh phế vị, gastrin và histamin. Hoạt động sản xuất acid HCl tại tế bào thành dạ dày được mô tả như sau:
Đầu tiên, các tế bào thành sẽ tiết ra 2 loại ion là Cl– và H+ vào ống dẫn của tế bào. Điều này tạo ra điện thế âm khoảng -40mV đến -70mV trên màng tế bào. Sự chênh lệch điện thế khiến các ion K+ và Na+ từ trong tế bào (tế bào chất) khuếch tán ra các ống dẫn.
Cùng với đó, dưới sự xúc tác của enzyme carbonic anhydrase, CO2 tác dụng với nước tạo thành acid carbonic. Acid này phân ly thành H+ và HCO3–. Sau đó, ion H+ được bơm từ trong tế bào đến ống dẫn qua bơm phản vận chuyển H + /K + ATPase.
Trong lúc này, các ion Na+ và K+ được tái hấp thu tích cực vào trong tế bào. Như vậy, trong ống dẫn chỉ còn lại ion H+ và Cl–. Hai ion này được trộn lẫn vào nhau và tiết vào lòng tuyến ở niêm mạc đáy và thân dạ dày.
Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, lượng acid dạ dày sẽ tiết ra khác nhau ở từng giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn đầu: Khoảng 30% lượng acid được tiết ra khi cơ thể được kích thích bởi mùi hoặc vị của đồ ăn, gây ra cảm giác đói cồn cào. Quá trình này được điều khiển bởi các tín hiệu truyền từ não qua dây thần kinh phế vị đến các tế bào.
Giai đoạn dạ dày: Khoảng 60% lượng acid được tiết ra vào thời điểm này nhằm phục vụ cho hoạt động tiêu hóa.. Hoạt động bài tiết acid ở giai đoạn này được kích thích bởi sự có mặt của thức ăn và sự căng phồng của dạ dày.
Giai đoạn ruột: Khoảng 10% lượng acid được tiết ra vào thời điểm dịch vị xuống ruột non. Quá trình tiết acid lúc này được kích thích bởi sự giãn nở của ruột non.
Vai trò của acid dạ dày
Vai trò chính của acid clohydric là tạo môi trường acid trong dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi sự xâm nhập của các loại vi sinh vật có hại. Cụ thể:
Hàng rào bảo vệ cơ thể
Sự có mặt của acid trong dịch vị là cơ chế phòng vệ mạnh mẽ của cơ thể trước sự xâm nhập của các loại vi sinh vật gây hại cho đường tiêu hóa. Theo đó, khi các loại vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập vào dạ dày qua hoạt động ăn uống, chúng sẽ gặp phải môi trường acid cao.
Ở điều kiện pH từ 1.5 – 3.5, acid dạ dày dễ dàng phá vỡ màng tế bào, khiến vi sinh vật bị phân huỷ hoàn toàn. Ngoài ra, độ pH thấp khiến một số enzyme hoặc protein của vi khuẩn bị biến đổi hoặc bất hoạt. Quá trình này khiến vi khuẩn mất khả năng hoạt động và không có khả năng gây hại cho cơ thể.
Môi trường axit của dạ dày làm giảm lượng vi khuẩn trong thức ăn, tạo ra một hàng rào ngăn chặn vi sinh vật có hại xâm nhập vào ống tiêu hóa. Quá trình này góp phần duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa.
Tiêu hóa thức ăn
Acid dạ dày tham gia vào quá trình tiêu hóa và hấp thu protein, vitamin và chất khoáng. Cụ thể như sau:
Tiêu hóa protein
Tế bào chính của dạ dày sản xuất một loại enzyme tiêu hóa protein là pepsin. Tuy nhiên, enzyme này được tiết ra dưới dạng pepsinogen – tiền chất không hoạt động của pepsin. Chỉ khi được acid dạ dày phân cắt, pepsinogen mới được chuyển hóa thành dạng hoạt động – pepsin.
Sau khi được hoạt hóa, pepsin mới có khả năng phân huỷ protein thành các chuỗi peptit nhỏ hơn. Sau đó, chuỗi peptide đến ruột non được phân huỷ thành acid amin và được hấp thu vào máu, cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
Hấp thu chất khoáng
Acid dạ dày tạo điều kiện thuận lợi cho sự phân ly muối sắt từ thức ăn. Bên cạnh đó, axit dạ dày cũng khử muối sắt (sắt ferric) thành dạng sắt dễ hòa tan hơn. Tiếp đó, môi trường acid cho phép hình thành phức hợp giữa sắt và vitamin C (ascorbate), đường và amin. Dạng phức hợp này giúp sắt được hấp thụ ở tá tràng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, acid dạ dày cũng hoà tan sắt từ thực phẩm (thành dạng cation), qua đó cải thiện hấp thu sắt tại ruột non. Mặt khác, acid dạ dày chuyển đổi các muối canxi kém hoà tan thành dạng hòa tan hơn, giúp tăng hiệu quả hấp thu canxi.
Hấp thu vitamin
Vitamin B12 tồn tại trong protein từ thực phẩm. Để cơ thể hấp thụ được, vitamin cần được giải phóng khỏi các protein này, sau đó liên kết với các yếu tố nội và protein R để được hấp thu tại ruột non (hồi tràng). Acid dạ dày và enzyme pepsin có khả năng phân giải protein, giúp giải phóng vitamin B12 khỏi thực phẩm. Điều này lý giải vì sao những người khoẻ mạnh sử dụng thuốc ức chế tiết acid có nguy cơ bị thiếu vitamin B12.
Bên cạnh đó, acid dạ dày cũng góp phần bảo tồn vitamin C ở dạng hoạt động. Bởi vậy, những người sử dụng thuốc ức chế tiết acid thường gặp tình trạng giảm nhẹ nồng độ vitamin C trong huyết thanh.
Giảm acid dạ dày có thể gây ra bệnh gì?
Giảm acid dạ dày (Hypochlorhydria) là hiện tượng dạ dày không tiết đủ acid clohydric. Tình trạng này được xác định khi pH dạ dày khi đói ở mức 3 – 5. Nếu pH dịch vị vượt quá 5, bạn có thể đối diện với nguy cơ dạ dày ngưng tiết acid. Nguyên nhân gây giảm acid dạ dày thường do: viêm teo niêm mạc dạ dày, căng thẳng kéo dài, phẫu thuật dạ dày, nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori, sử dụng thuốc kháng acid hoặc thuốc ức chế tiết acid trong thời gian dài.
Thiếu hụt acid dạ dày làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, dẫn đến một số vấn đề sức khoẻ như:
Rối loạn tiêu hóa
Acid dạ dày tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hóa thức ăn, phân giải và hấp thu: protein, vitamin B12, vitamin C, sắt và canxi. Vậy nên, khi dạ dày không tiết đủ lượng acid cần thiết, thức ăn dư thừa lưu trữ trong đường ruột có thể bị lên men và sinh hơi.
Bên cạnh đó, quá trình lên men thức ăn cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức, gây rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng thường gặp như:
- Đau chướng bụng, đầy hơi.
- Tiêu chảy, táo bón hoặc đi ngoài phân sống.
- Ợ chua, ợ nóng, ợ hơi.
Ngoài ra, giảm acid dạ dày kéo dài có thể khiến người bệnh đối diện với tình trạng thiếu hụt dưỡng chất. Những dấu hiệu nhận diện tình trạng này thường là: móng tay giòn, tóc rụng, da nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi, thường xuyên tê bì chân tay, đau đầu hoặc giảm trí nhớ.
Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm dạ dày
Acid dạ dày giảm đi đồng nghĩa với pH tăng lên. Ở điều kiện này, khả năng tiêu diệt vi khuẩn và nấm của dịch vị giảm đi. Những loại vi sinh vật theo thức ăn vào dạ dày có thể phát triển và gây bệnh tiêu hóa, phổ biến là: vi khuẩn Helicobacter Pylori, vi khuẩn vibrio và nấm Candida.
Vi khuẩn hoặc nấm phát triển quá mức trong dạ dày có thể khiến niêm mạc dạ dày tổn thương, suy giảm chức năng tiêu hóa. Các triệu chứng có thể xuất hiện gồm:
- Đau dạ dày hoặc đau bụng nhiều lần.
- Buồn nôn, nôn.
- Bụng sình chướng.
- Tiêu chảy, đi ngoài phân đen hoặc phân lẫn máu.
- Chán ăn, sụt cân.
Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm dạ dày có thể khiến người bệnh mất nước, suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như: thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, ung thư dạ dày.
Tăng acid dạ dày gây ra bệnh gì?
Acid dạ dày đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa và bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, acid tăng tiết quá mức có thể trở thành tác nhân tấn công và gây tổn thương cho hệ tiêu hóa. Tình trạng này được xác định khi nồng độ gastrin trong huyết thanh lúc đói tăng ≥10 lần và >1000 pg/mL. Tăng acid dạ dày kéo dài có thể gây ra một số bệnh lý sau:
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi acid từ dạ dày trào lên thực quản gây tổn thương niêm mạc. Tình trạng này thường do cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu hoặc giãn mở bất thường. Người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
- Cảm giác nóng rát lan xuyên từ dạ dày lên thực quản.
- Ợ chua, buồn nôn và nôn.
- Nghẹn vướng cổ họng và ngực, khó nuốt.
- Tăng tiết nước bọt khiến người bệnh nuốt nước bọt liên tục.
- Ho, đau họng, viêm họng, khản giọng mãn tính.
Trào ngược dạ dày nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây tổn thương nghiêm trọng trên niêm mạc thực quản. Lâu dần, người bệnh có thể phải đối diện với những biến chứng nghiêm trọng như: loét thực quản, chít hẹp thực quản, barrett thực quản hay ung thư thực quản.
Viêm loét dạ dày
Tăng tiết acid quá mức có thể phân huỷ lớp chất nhầy, tấn công vào niêm mạc dạ dày gây ra tình trạng: sưng tấy, phù nề, viêm hoặc loét dạ dày. Một số triệu chứng thường gặp của tình trạng này gồm:
- Đau, nóng rát vùng bụng phía bên trái (hạ sườn trái), vùng thượng vị (dưới xương ức).
- Cơn đau thường xuất hiện khi đói bụng.
- Ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn.
- Đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi.
- Đi ngoài phân đen.
Nếu không có biện pháp điều trị phù hợp, viêm loét dạ dày có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị hay ung thư dạ dày.
Viêm loét tá tràng
Lượng acid dạ dày dư thừa không được trung hoà bởi dịch mật và dịch tụy theo thức ăn xuống tá tràng gây viêm, loét niêm mạc tá tràng. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng này gồm:
- Đau, nóng rát thượng vị hơi lệch sang phải.
- Cơn đau âm ỉ và thường xảy ra lúc đói, ăn vào đỡ đau hơn.
- Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
- Tiêu chảy, táo bón hoặc đi ngoài phân đen.
Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở bệnh nhân viêm loét tá tràng gồm: xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét và hẹp môn vị. Để tránh tình trạng này, người bệnh cần thăm khám sớm và tuân thủ phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định.
Trên đây là bài viết giải đáp câu hỏi: Axit dạ dày là axit gì? Mong rằng những chia sẻ này đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu cần giải đáp thắc mắc, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.