- Định nghĩa bệnh và số liệu thống kêXem chương này
- Nguyên nhânXem chương này
- Triệu chứngXem chương này
- Chẩn đoánXem chương này
- Điều trị Xem chương này
Chỉ vài thập kỷ trước, trong số tất cả các bệnh về đường tiêu hóa liên quan đến axit, bệnh loét dạ dày tá tràng thường đứng top đầu. Bây giờ vị trí đó đã được thay thế bằng bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt ở các nước có mức sống cao. GERD không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như loét thực quản, Barrett thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.
Nhận thức được tính nghiêm trọng của GERD là bước đầu tiên để phòng ngừa và điều trị hiệu quả căn bệnh này. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về GERD, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị, giúp bạn bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của bản thân và gia đình.
Định nghĩa bệnh và số liệu thống kê
Định nghĩa về bệnh
Trước hết chúng ta cần hiểu, trào ngược dạ dày thực quản (GER) còn gọi là trào ngược axit, là hiện tượng các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản – ống cơ dẫn thức ăn và chất lỏng từ miệng đến dạ dày.
Thỉnh thoảng mọi người có thể bị trào ngược sau một bữa ăn, điều này là bình thường. Trào ngược dạ dày thực quản chỉ được coi là bệnh (GERD) khi mức độ trào ngược có tính chất nghiêm trọng và kéo dài (mạn tính). Nếu trào ngược dạ dày thực quản xảy ra hơn 2 lần một tuần trong vài tuần, có thể được coi là GERD.
Số liệu thống kê về bệnh
Tỷ lệ mắc bệnh theo phân loại bệnh
Hiện nay, GERD được chia thành 2 dạng:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không có tổn thương niêm mạc thực quản (NERD)
- Viêm thực quản ăn mòn và Barrett thực quản
Có hơn 60% trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản không có tổn thương niêm mạc thực quản. (Xem nguồn)
Tỷ lệ mắc bệnh theo độ tuổi
- 36,7% ở bệnh nhân dưới 60 tuổi.
- 0,4% ở bệnh nhân trên 60 tuổi.
Sự khác biệt về bệnh lý kèm theo
- Bệnh nhân dưới 60 tuổi: Thường kèm theo bệnh lý gan mật tụy.
- Bệnh nhân trên 60 tuổi: Thường kèm theo bệnh tim mạch (bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp).
Tỷ lệ mắc bệnh theo khu vực
Một nghiên cứu đánh giá được công bố trên tạp chí Gut báo cáo tính tỷ lệ mắc GERD trong dân số toàn cầu: [4] | |
18 đến 28% | Bắc Mỹ |
9 đến 26% | Châu Âu |
3 đến 8% | Đông Á |
9 đến 33% | Trung đông |
12% | Châu Úc |
23% | Nam Mỹ |
Tỷ lệ mắc bệnh dựa trên triệu chứng:
- 22,7% khi dựa trên tiêu chí Genval (ợ nóng 2 lần/tuần trở lên).
- 37,5% khi dựa trên tiêu chí của một số nhà nghiên cứu khác.
Số liệu thống kê tại Việt Nam:
➤ Thông tin trên báo Đại đoàn kết - năm 2022
- Theo số liệu thống kê từ Hội Nội khoa Việt Nam, Việt Nam có khoảng 7 triệu người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trong đó, khoảng 60% không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng về hô hấp, hẹp thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản.
➤ Thông tin trên trang VTV - năm 2023
- Theo thống kê, tại Việt Nam, 70% dân số có nguy cơ mắc phải các bệnh liên quan tới dạ dày, trong đó có 20% dân số là người trào ngược dạ dày thực quản và 30% trong số đó là mạn tính. Đối với hội chứng ruột kích thích, thường phổ biến ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong khoảng 18-30 tuổi và giảm sau tuổi 50. Nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới với tỷ lệ 2:1.
➤ Thông tin trên trang Vietnamplus - năm 2024
- Ước tính 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. (Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Cập nhật điều trị ngoại khoa bệnh trào ngược dạ dày - thực quản" do Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/4.2024)
- Tại Bệnh viện Bình Dân, trung bình mỗi ngày có khoảng 700 lượt khám bệnh về bệnh lý đường tiêu hóa; trong đó có khoảng 20-30% (tương đương khoảng 200 người) có triệu chứng trào ngược dạ dày.
Tóm tắt:
Từ 7 triệu người mắc trào ngược dạ dày thực quản vào năm 2022, con số này đã tăng lên 10 triệu người chỉ sau 2 năm, cho thấy mức độ gia tăng nhanh chóng của bệnh lý này. Thực tế, số liệu thống kê có thể chưa phản ánh được bức tranh hoàn chỉnh về mức độ phổ biến của bệnh, vì không phải tất cả những ai mắc bệnh đều tới bệnh viện khám. Nhưng những số liệu này cũng đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân về việc bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa. Đây không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là thách thức đối với hệ thống y tế quốc gia, đòi hỏi sự chú trọng từ cả cộng đồng và chính phủ. Việc tăng cường nhận thức và kiến thức về bệnh lý GERD, cũng như các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời là hết sức cần thiết.
Nguyên nhân
Cơ chế bệnh sinh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản được xem là một bệnh lý phụ thuộc axit, trong đó dịch dạ dày, đặc biệt là axit clohydric (HCl) và enzyme pepsin, đóng vai trò chính trong việc gây tổn thương.
Cơ chế bệnh sinh trào ngược dạ dày thực quản gồm có 5 yếu tố chính sau:
1. Giảm nhu động thực quản
Nhu động thực quản là những chuyển động co bóp của cơ giúp đẩy thức ăn xuống dạ dày.
Khi nhu động thực quản suy yếu, thức ăn và dịch dạ dày có thể di chuyển ngược lên thực quản, dẫn đến trào ngược.
2. Giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản dưới (LES)
LES là một cơ vòng nằm ở cuối thực quản, có vai trò ngăn cản sự trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.
Khi áp lực LES giảm, LES có thể dễ dàng mở ra, tạo điều kiện cho dịch dạ dày trào ngược.
3. Trào ngược axit, pepsin và axit mật
Dịch dạ dày chứa axit clohydric (HCl) và pepsin, hai chất có khả năng tiêu hóa thức ăn.
Axit mật từ gan và túi mật giúp tiêu hóa chất béo.
Khi những chất này trào ngược lên thực quản, chúng có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng, rát bỏng, nghẹn.
4. Rối loạn nhu động hang vị dạ dày
Hang vị (antrum) là phần cuối của dạ dày, có nhiệm vụ trộn lẫn thức ăn với dịch tiêu hóa.
Khi nhu động hang vị dạ dày rối loạn, thức ăn có thể di chuyển chậm chạp, dẫn đến ứ đọng trong dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược.
5. Quá trình làm rỗng dạ dày khi tiêu hóa thức ăn đặc bị chậm lại
Dạ dày có nhiệm vụ chính là tiêu hóa thức ăn, biến đổi thức ăn từ dạng rắn thành dạng lỏng thông qua sự co bóp của cơ dạ dày và sự tiết ra của dịch tiêu hóa. Sau khi thức ăn đã được tiêu hóa một phần, dạ dày sẽ đẩy chúng xuống ruột non để tiếp tục quá trình tiêu hóa và hấp thụ.
Khi dạ dày không thể làm rỗng thức ăn một cách nhanh chóng, thức ăn rắn còn lại trong dạ dày lâu hơn bình thường. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, như rối loạn vận động dạ dày, các vấn đề về cơ vòng dạ dày (cơ vòng pyloric), hoặc do ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu.
Lúc này do thức ăn rắn tồn tại quá lâu trong dạ dày, nó tạo ra áp lực lên cơ vòng thực quản dưới (LES) khiến cơ vòng thực quản dưới bị suy yếu, dẫn đến việc axit và thức ăn có thể trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng và đau rát ngực.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ góp phần vào sự phát triển của bệnh GERD (Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản) bao gồm:
1. Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Điều này có thể liên quan đến các vấn đề về cơ hoặc cấu trúc thực quản, dạ dày được di truyền từ bố mẹ sang con.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng biến thể DNA có tên GNB3 C825T xuất hiện ở tất cả những người tham gia nghiên cứu mắc bệnh GERD, nhưng lại không có ở nhóm đối chứng không mắc bệnh.
Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Barrett thực quản - một tình trạng tiền ung thư do trào ngược dạ dày thực quản lâu năm (nhiều năm) gây ra. Nghiên cứu khác cho thấy GERD, hội chứng Barrett thực quản và ung thư thực quản đều có tỷ lệ trùng lặp về gen di truyền đáng kể.
Các nhà khoa học tin rằng việc phát triển bệnh GERD là sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống. Mặc dù bố mẹ hoặc anh chị em ruột của một người bị mắc GERD không có nghĩa là người đó chắc chắn sẽ mắc bệnh, nhưng nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên.
Những ai có tiền sử gia đình mắc GERD,thì nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.
Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, ngay cả khi có yếu tố di truyền.
2. Độ tuổi
Nguy cơ mắc GERD có xu hướng tăng theo tuổi tác do một số yếu tố. Một lý do chính là vì khi chúng ta già đi, các cơ hỗ trợ cơ thắt thực quản dưới (LES) và hỗ trợ tiêu hóa có thể yếu đi. Sự suy yếu của LES này có thể dẫn đến khả năng cao hơn của việc dịch axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Bên cạnh đó, sự hao mòn tự nhiên của các mô thực quản theo thời gian có thể khiến chúng dễ bị tổn thương hơn bởi tác động ăn mòn của dịch axit dạ dày, từ đó làm tăng thêm nguy cơ mắc GERD.
2. Thừa cân, béo phì
Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Lượng mỡ bụng dư thừa sẽ tạo áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới (LES) - cơ vòng ngăn cách giữa thực quản và dạ dày. Khi LES hoạt động kém hiệu quả hoặc yếu đi, dịch axit dạ dày và dịch tiêu hóa sẽ trào ngược lên thực quản, dẫn đến các triệu chứng của GERD.
Từ đây có thể thấy, thừa cân là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu. Giảm cân sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục vừa phải để kiểm soát cân nặng phù hợp chiều cao.
4. Thai kỳ
Thai kỳ không chỉ mang lại những thay đổi về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của người phụ nữ. Một trong những vấn đề thường gặp là trào ngược dạ dày thực quản (GERD), biểu hiện chủ yếu qua chứng ợ nóng.
Nguyên nhân gây ra GERD ở phụ nữ mang thai:
- Thay đổi nội tiết tố: Sự gia tăng của các hormone estrogen và progesterone trong thai kỳ có tác dụng làm giãn cơ thắt thực quản dưới (LES) - "cửa ngõ" giữa thực quản và dạ dày. Khi LES giãn ra, dịch axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây ợ nóng và các triệu chứng GERD khác.
- Tăng áp lực ổ bụng: Kích thước thai nhi ngày càng lớn dần chèn lên khoang bụng, tạo áp lực lên dạ dày. Áp lực này đẩy dịch axit dạ dày lên thực quản, gây ra trào ngược.
Theo thống kê, khoảng 40-80% phụ nữ mang thai sẽ trải qua các triệu chứng ợ nóng, đặc biệt là vào ba tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Mặc dù GERD trong thai kỳ thường không nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bà bầu.
5. Chế độ ăn uống
Mối liên quan giữa thực phẩm và bệnh trào ngược dạ dày thực quản vẫn là chủ đề được nhiều chuyên gia nghiên cứu. Nếu một người chỉ thi thoảng gặp phải chứng ợ nóng, thì thực phẩm thường không phải là thủ phạm. Tuy nhiên, nếu ai đó bị ợ nóng thường xuyên,họ có thể nhận thấy một số loại thực phẩm hoặc đơn giản là thói quen ăn uống vô độ cũng có thể kích hoạt các triệu chứng. Về cơ bản, thực phẩm có thể ảnh hưởng đến GERD theo hai cách: làm giãn cơ thắt thực quản dưới (LES) hoặc kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit hơn.
Nhóm thực phẩm làm giãn cơ thắt thực quản dưới (LES):
Thông thường, LES đóng chặt để giữ thức ăn và dịch vị lưu lại trong dạ dày. Nếu LES giãn ra không đúng lúc, thức ăn và dịch vị có thể trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác ợ nóng khó chịu.
Dưới đây là một số ví dụ về thực phẩm có thể làm giãn LES:
- Đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ
- Thịt nhiều mỡ
- Bơ và margarine
- Mayonnaise
- Sốt kem
- Nước sốt trộn salad
- Các sản phẩm từ sữa nguyên béo
- Socola
- Bạc hà
- Đồ uống có caffeine như nước ngọt, cà phê, trà và ca cao
Nhóm thực phẩm kích thích sản xuất axit dạ dày:
Ợ nóng cũng có thể xảy ra khi dạ dày sản xuất quá nhiều axit, dẫn đến tình trạng trào ngược lên thực quản.
- Đồ uống có caffeine
- Đồ uống có ga
- Rượu bia
- Đồ ăn cay
- Hạt tiêu đen
- Trái cây họ cam quýt
- Nước ép cà chua
Muối:
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều natri (muối) có thể gây trào ngược axit, dẫn đến GERD. Tuy nhiên, đối với người khỏe mạnh, chế độ ăn nhiều muối dường như không làm tăng trào ngược axit. Cần có thêm nhiều nghiên cứu, nhưng ít nhất, muối có thể là yếu tố kích hoạt chứng ợ nóng ở một số người nhất định. Cách duy nhất để biết chắc chắn là thử giảm lượng muối ăn vào để xem có sự khác biệt hay không.
6. Thói quen ăn nhanh uống vội
Ăn quá no: Ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc sẽ khiến dạ dày căng đầy, tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES) và dễ dẫn đến trào ngược axit.
Đi ngủ ngay sau khi ăn: Nằm xuống ngay sau khi ăn no có thể khiến dịch axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản. Nên duy trì khoảng cách ít nhất 3-4 tiếng giữa bữa ăn tối và giờ đi ngủ.
7. Hút thuốc lá
Thuốc lá có thể làm suy yếu LES và gây kích ứng niêm mạc thực quản.
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động đều được coi là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Hút thuốc lá làm giảm sản xuất nước bọt, trong khi đó nước bọt đóng vai trò trung hòa axit trong miệng và hỗ trợ tiêu hóa. Nên lượng nước bọt tiết ra ít hơn do hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit.
Không chỉ vậy, hút thuốc lá có thể khiến dạ dày co bóp chậm lại, làm thức ăn và dịch axit lưu lại lâu hơn trong dạ dày, tăng áp lực và nguy cơ trào ngược lên thực quản.
Nicotine trong thuốc lá kích thích các tế bào dạ dày sản xuất nhiều axit hơn mức cần thiết, làm tăng nguy cơ trào ngược và gây ợ nóng. Các chất độc hại trong thuốc lá có thể kích ứng và làm tổn thương niêm mạc thực quản, khiến nó nhạy cảm hơn với tác động của dịch axit dạ dày.
Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày, tình trạng này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng GERD.
Vì vậy, bỏ thuốc lá có lẽ là một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể làm để giảm bớt các triệu chứng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh trào ngược ngay từ đầu.
8. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID):
Bao gồm aspirin, ibuprofen (Motrin, Advil), naproxen (Aleve).
NSAID có tác dụng phụ gây loét dạ dày, nhưng cũng có thể làm tình trạng ợ nóng, viêm thực quản do trào ngược axit trở nên tồi tệ hơn.
Ở những người đã mắc GERD, NSAID có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ngược lại, đối với người chưa từng bị GERD, việc sử dụng NSAID lâu dài cũng có thể góp phần gây ra bệnh.
Một số thuốc theo toa:
Ngoài NSAID, một số loại thuốc theo toa cũng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của GERD. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong khi dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Dùng để điều trị huyết áp cao và bệnh tim.
- Thuốc kháng cholinergic: Dùng trong các thuốc điều trị rối loạn đường tiết niệu, dị ứng và glaucoma (cườm nước xanh).
- Beta-adrenergic agonist: Dùng cho bệnh hen suyễn và các bệnh phổi tắc nghẽn.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Amitriptyline, Tofranil (imipramine), Pamelor (nortriptyline).
- Thuốc kháng histamine: Dùng cho dị ứng.
- Giảm đau kê đơn: Codeine và các thuốc có chứa acetaminophen và hydrocodone.
- Progesterone: Hormon thường dùng trong liệu pháp thay thế hormone (HRT) cho phụ nữ.
- Quinidine: Thuốc chống sốt rét cũng được dùng để điều trị rối loạn nhịp tim.
- Thuốc an thần và benzodiazepine: Valium (diazepam).
- Theophylline: Thuốc giãn phế quản dùng cho hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi khác.
- Diazepam: Thuốc chống co giật.
- Dopamine: Dùng trong điều trị bệnh Parkinson.
- Bisphosphonate: Dùng để điều trị bệnh loãng xương.
- Kháng sinh: Tetracycline.
- Thực phẩm bổ sung kali: Dùng cho người thiếu hụt kali.
- Thực phẩm bổ sung sắt: Dùng cho người thiếu sắt.
9. Thoát vị khe hoành
Thoát vị khe hoành là hiện tượng một phần dạ dày di chuyển lên ngực qua lỗ diaphragm (cơ hoành) - cơ ngăn cách khoang ngực và khoang bụng. Tình trạng này làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES), khiến LES không đóng chặt được, tạo điều kiện cho dịch axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Thoát vị khe hoành có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi; nhiều người trên 50 tuổi khỏe mạnh bình thường cũng có thể gặp phải tình trạng này với kích thước nhỏ và không gây triệu chứng.
Thoát vị khe hoành có thể không gây ra triệu chứng gì ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi lỗ thoát vị lớn hoặc kèm theo trào ngược dạ dày, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Ợ nóng
- Ợ chua
- Khó nuốt
- Đầy bụng
- Đau ngực lan lên vai hoặc lưng
10. Bệnh Celiac và Không Dung Nạp Gluten
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc bệnh Celiac hoặc không dung nạp Gluten có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tuy nhiên, mối liên hệ chính xác giữa GERD, bệnh Celiac và không dung nạp Gluten vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu Gluten có trực tiếp gây ra các triệu chứng GERD hay chỉ đơn giản là tình trạng trào ngược thường gặp hơn ở những người không dung nạp Gluten và bệnh Celiac?
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính xác. Nhưng điều thú vị là GERD có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở những người mới được chẩn đoán bệnh Celiac. Còn đối với những người đã mắc bệnh Celiac lâu năm, việc loại bỏ Gluten khỏi chế độ ăn có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc GERD.
Vì vậy, những người thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc GERD do bệnh Celiac hoặc không dung nạp Gluten, việc tuân thủ chế độ ăn không Gluten là vô cùng quan trọng. Bằng cách này, người bệnh có thể kiểm soát cả hai bệnh lý, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống.
11. Bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 1, thường có nguy cơ cao bị liệt dạ dày (gastroparesis). Chứng này khiến dạ dày chậm làm trống hơn so với bình thường - thức ăn không được di chuyển từ dạ dày vào ruột non kịp thời. Do đó, áp lực bên trong dạ dày có thể tăng lên, dẫn đến hiện tượng trào ngược axit, làm tăng khả năng phát triển bệnh GERD.
12. Suy giáp
Suy giáp, tình trạng tuyến giáp hoạt động kém và không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Mối liên hệ này xuất phát từ việc suy giáp có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến tình trạng thức ăn lưu lại lâu hơn trong dạ dày. Cơ chế ảnh hưởng tương tự như ở bệnh tiểu đường.
13. Bệnh xơ cứng bì
Bệnh xơ cứng bì (Scleroderma) là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Nhiều người mắc bệnh xơ cứng bì cũng gặp phải GERD bởi vì thực quản là cơ quan thường bị ảnh hưởng nhất trong bệnh xơ cứng bì.
Trong bệnh xơ cứng bì, hệ thống miễn dịch gây tổn thương cho các mô khỏe mạnh như collagen và thay thế chúng bằng mô sẹo, gây ra sự dày lên và co rút của da cũng như tổn thương đến các cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể, bao gồm cả thực quản. Khi đó tình, trạng co rút và sẹo có thể khiến thực quản thu hẹp lại và cơ vòng thực quản hoạt động yếu hơn. Điều này có thể dẫn đến "rối loạn nhu động" - gây khó khăn trong việc thức ăn và chất lỏng di chuyển xuống thực quản.
Xem thêm: Nghiên cứu khoa học về trào ngược dạ dày thực quản trong bệnh xơ cứng bì thực quản
14. Hen suyễn
Hơn 75% người mắc bệnh hen suyễn được cho là cũng mắc bệnh GERD.
Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng hai bệnh lý này có thể ảnh hưởng lẫn nhau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của nhau.
Giả thuyết về mối liên hệ:
- Áp lực ngực do ho: Ho thường xuyên và dữ dội trong cơn hen suyễn có thể tạo ra áp lực lên ngực, đẩy ngược axit dạ dày lên thực quản, dẫn đến trào ngược.
- Tác dụng phụ của thuốc hen suyễn: Một số loại thuốc điều trị hen suyễn, đặc biệt là thuốc giãn phế quản, có thể có tác dụng phụ là làm giãn cơ LES (cơ thắt thực quản dưới), khiến axit dạ dày dễ dàng trào ngược.
- Viêm đường hô hấp: Viêm đường hô hấp do hen suyễn có thể lan đến thực quản, làm suy yếu chức năng của LES và tăng nguy cơ trào ngược.
15. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
COPD, một bệnh về phổi bao gồm viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Áp lực tăng lên ở ngực do ho thường xuyên và khó thở có thể thúc đẩy trào ngược axit vào thực quản.
16. Bệnh thận (Giữ nước)
Bệnh thận, đặc biệt khi kèm theo tình trạng giữ nước, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Khi thận không hoạt động hiệu quả, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc đào thải nước dư thừa. Điều này dẫn đến tình trạng giữ nước, gây chướng bụng và tăng áp lực lên ổ bụng. Áp lực tăng cao trong ổ bụng sẽ dồn lên dạ dày, đẩy ngược dịch axit lên thực quản, gây ra các triệu chứng của GERD.
Bệnh thận có thể dẫn đến rối loạn điện giải trong máu. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày và thực quản, làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược axit.
17. Suy tim sung huyết (Giữ nước)
Suy tim sung huyết là tình trạng tim không thể bơm máu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Một trong những hậu quả của suy tim là tình trạng giữ nước.
Giống như bệnh thận, suy tim sung huyết làm tăng nguy cơ GERD tích tụ dịch trong cơ thể khiến máu khó lưu thông về tim, dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch trong các mô, bao gồm cả ổ bụng. Tình trạng này gây chướng bụng và tăng áp lực lên dạ dày, đẩy ngược dịch axit lên thực quản.
Suy tim có thể làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày, ảnh hưởng đến khả năng co bóp và nhu động của dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng nguy cơ trào ngược.
18. Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) thường được sử dụng để giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy HRT có thể làm tăng nguy cơ mắc GERD.
Nguy cơ phụ thuộc vào liều dùng và thời gian: Mối liên quan giữa HRT và GERD có vẻ như phụ thuộc vào liều lượng estrogen và thời gian sử dụng liệu pháp. Liều lượng estrogen càng cao và thời gian sử dụng càng lâu thì nguy cơ mắc GERD càng tăng.
Đọc chi tiết hơn: Bài báo về mối liên hệ giữa liệu pháp hormone và nguy cơ mắc bệnh GERD đăng trên website trường đại học Y Harverd
Triệu chứng
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng đa dạng, ảnh hưởng đến cả thực quản và các cơ quan khác ngoài thực quản.
Mô tả triệu chứng chung
1. Triệu chứng thực quản:
- Ợ nóng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của GERD, gây cảm giác nóng rát ở ngực sau xương ức do axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Trào ngược: Dịch dạ dày có thể trào ngược lên cổ họng, tạo cảm giác chua, đắng hoặc có thể nôn ra thức ăn.
2. Triệu chứng ngoài thực quản:
- Bụng: Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn.
- Hô hấp: Ho khan, khàn giọng, viêm họng, hen suyễn.
- Tim mạch: Đau tức ngực (tương tự như đau tim), tim đập nhanh.
- Tai mũi họng: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản.
- Răng miệng: Hôi miệng, sâu răng, mòn men răng.
Lưu ý: Mặc dù một số triệu chứng ít phổ biến hơn như ho khan, hen suyễn, viêm phổi tái phát... có thể liên quan đến GERD, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chẩn đoán chính xác vì chúng cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể biểu hiện đa dạng với nhiều triệu chứng khác nhau. Điều này khiến việc chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý khác, trở nên khó khăn và tốn kém, điển hình là chi phí để chẩn đoán loại trừ các cơn đau tim và các vấn đề tim mạch.
Mô tả triệu chứng theo giai đoạn bệnh
Giai đoạn 1: Những triệu chứng âm ỉ nhưng không nên bỏ qua
Hầu hết những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản đều bắt đầu từ giai đoạn 1, được đặc trưng bởi các triệu chứng đau tức nhẹ và/hoặc trào ngược axit. Ở giai đoạn này, niêm mạc thực quản phía dưới thường chỉ bị viêm nhẹ.
Những triệu chứng của GERD giai đoạn 1 có thể kể đến:
- Ợ nóng: nóng rát hoặc khó chịu ở ngực, sau xương ức, có thể lan lên cổ họng.
- Đau ngực (có thể bị nhầm lẫn với đau tim) tuy nhiên thường không dữ dội và không kèm theo khó thở.
- Cảm giác vướng víu, khó nuốt hoặc như có gì đó mắc nghẹn ở cổ họng.
- Trào ngược thức ăn hoặc dịch dạ dày: Dịch vị chua hoặc thậm chí cả thức ăn có thể trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác khó chịu, thậm chí buồn nôn.
Mặc dù các triệu chứng của GERD giai đoạn 1 thường nhẹ và không gây cản trở nhiều đến sinh hoạt, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua. Nếu không được điều trị kịp thời, GERD có thể tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
GIai đoạn 2: Mức độ bệnh trung bình
Trào ngược dạ dày thực quản giai đoạn 2 ảnh hưởng đến khoảng 1/3 số người mắc bệnh. Đây là giai đoạn đáng báo động vì các triệu chứng trào ngược axit xảy ra nhiều lần trong một tuần, gây viêm thực quản dưới nghiêm trọng hơn.
Những triệu chứng của GERD giai đoạn 2 bao gồm:
- Ợ nóng: Cơn đau rát bỏng hoặc khó chịu ở ngực, thường xuyên hơn so với giai đoạn 1.
- Đau ngực: Tương tự giai đoạn 1, nhưng có thể xuất hiện nhiều hơn.
- Cảm giác vướng víu, khó nuốt hoặc có gì đó mắc nghẹn ở cổ họng diễn ra thường xuyên.
- Trào ngược thức ăn hoặc dịch dạ dày: Xảy ra nhiều lần trong tuần, gây cảm giác khó chịu, ợ chua và thậm chí buồn nôn.
Điểm khác biệt lớn nhất so với GERD giai đoạn 1 là các triệu chứng ở giai đoạn 2 thường không dễ kiểm soát bằng các thuốc kháng axit thông thường mua ngoài tiệm thuốc. Người bệnh GERD giai đoạn 2 có thể cần kê đơn thuốc ức chế tiết axit, chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc chẹn thụ thể histamine 2 (H2 blocker) để kiểm soát bệnh..
Giai đoạn 3: Mức độ bệnh nghiêm trọng
GERD giai đoạn 3 là một bước ngoặt đáng lo ngại. Không chỉ các triệu chứng trào ngược axit trở nên trầm trọng hơn, mà thực quản còn bị viêm nhiễm kéo dài và nghiêm trọng. Khoảng 15% người mắc GERD rơi vào giai đoạn này, thường xuyên trải qua các triệu chứng khó chịu nhiều lần trong một tuần, thậm chí có thể là hàng ngày.
Những triệu chứng của GERD giai đoạn 3 bao gồm:
- Ợ nóng: Cơn đau rát hoặc khó chịu ở ngực thường xuyên và dữ dội hơn so với các giai đoạn trước.
- Trào ngược thức ăn hoặc dịch dạ dày: Xảy ra nhiều lần trong tuần, thậm chí hàng ngày, gây ợ chua, khó chịu và buồn nôn.
- Đau họng: Do dịch axit từ dạ dày trào ngược lên, gây kích ứng và viêm họng.
- Giọng khản: axit trào ngược cũng có thể kích ứng dây thanh âm, dẫn đến khản tiếng.
- Ho mạn tính: Trào ngược axit kích thích các thụ thể ho ở đường thở, gây ho dai dẳng.
Ở giai đoạn này, thuốc men thường không còn đủ hiệu quả để kiểm soát GERD. Người bệnh GERD giai đoạn 3 có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng, nên khám bệnh chuyên sâu là điều cần thiết. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như nội soi dạ dày (endoscopy), đo áp lực thực quản (esophageal manometry) và theo dõi độ pH thực quản để đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Giai đoạn 4: Cực kỳ nghiêm trọng
Giai đoạn 4 của GERD là hậu quả nghiêm trọng nhất của việc trào ngược axit không được kiểm soát trong thời gian dài. Khoảng 10% người mắc GERD có thể tiến triển đến giai đoạn này.
Các triệu chứng của GERD giai đoạn 4 bao gồm:
- Đau tức ngực (heartburn): Cơn đau rát bỏng hoặc khó chịu ở ngực thường xuyên và dữ dội hơn nhiều so với các giai đoạn trước.
- Trào ngược thức ăn hoặc dịch dạ dày: Xảy ra thường xuyên, gây ợ chua, khó chịu và buồn nôn.
- Đau họng: Do dịch axit từ dạ dày trào ngược lên, gây kích ứng và viêm họng mãn tính.
- Giọng khản: axit trào ngược cũng có thể kích ứng dây thanh âm, dẫn đến khản tiếng kéo dài.
- Ho mạn tính: Trào ngược axit kích thích các thụ thể ho ở đường thở, gây ho dai dẳng không dứt.
- Khó nuốt (dysphagia): Thực quản bị tổn thương do viêm loét lâu ngày, khiến thức ăn khó khăn khi đi xuống dạ dày.
Đây là giai đoạn đáng báo động nhất vì người bệnh GERD giai đoạn 4 có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng như:
- Hẹp thực quản (esophageal strictures): Sẹo hình thành do viêm loét lâu ngày khiến thực quản bị hẹp lại, gây khó nuốt.
- Barrett thực quản (Barrett’s esophagus): Tình trạng thay đổi tế bào niêm mạc thực quản dưới, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
- Ung thư thực quản (esophageal cancer): biến chứng nguy hiểm nhất của GERD không được điều trị.
Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu như nội soi dạ dày (endoscopy) để kiểm tra tổn thương, đo áp lực thực quản (esophageal manometry) và theo dõi độ pH thực quản để đánh giá mức độ nghiêm trọng. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc điều trị ung thư (nếu phát hiện) để loại bỏ các tế bào bất thường và ngăn ngừa biến chứng.
Phân tích triệu chứng chính
Nội dung này Hantaxit tập trung vào triệu chứng ợ nóng - biểu hiện phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
1. Tỷ lệ xuất hiện:
- Ợ nóng là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân GERD, chiếm đến 81% trường hợp.
- 57% trường hợp có triệu chứng ợ chua (trào ngược axit)
- 42% trường hợp có đau ở vùng thượng vị
🠞 Ợ nóng là triệu chứng điển hình và thường là triệu chứng duy nhất của GERD. Bệnh nhân thường mô tả ợ nóng như cảm giác đau rát, nóng bỏng với mức độ và thời gian khác nhau sau xương ức, có thể lan đến cổ họng, cổ và hiếm khi là thượng vị.
2. Nguyên nhân phát sinh triệu chứng
Ợ nóng trong GERD chủ yếu do axit dạ dày và pepsin tiếp xúc lâu với niêm mạc thực quản do suy giảm chức năng cơ vòng dưới thực quản (LES) và trào ngược dạ dày thực quản.
Mức độ tổn thương niêm mạc phụ thuộc vào tần suất, cường độ và thời gian tiếp xúc với axit (thường là khi pH < 4).
Trong một số trường hợp, các thành phần của dịch mật trong dạ dày cũng có thể gây ra ợ nóng, đặc biệt khi có sự trào ngược từ tá tràng lên dạ dày (duodenogastric reflux), thường gặp trong các bệnh lý về đường mật và tụy. Bệnh nhân cũng thường cảm thấy vị đắng trong miệng, đặc biệt là vào buổi sáng.
Chẩn đoán
Nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên tới bệnh viện và khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị.
Thông thường, nếu nghi ngờ bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng không thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để thay đổi lối sống và chỉ định một số loại thuốc để người bệnh sử dụng tại nhà.
Tuy nhiên, nếu như các triệu trứng không cải thiện, người bệnh có thể cần thực hiện một số xét nghiệm, nhất là những người nghi ngờ bị trào ngược dạ dày thực quản và có biểu hiện khó nuốt.
Các phương pháp chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ loại trừ bệnh không liên quan và đánh giá đúng hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Cần phân biệt bệnh trào ngược dạ dày thực quan với các bệnh lý khác liên quan đến thực quản, bao gồm:
- Loét thực quản do axit
- Ung thư thực quản hoặc ung thư dạ dày
- Co thắt tâm vị
- Co thắt thực quản lan tỏa
- Xơ cứng bì hệ thống
- Viêm túi thừa
Cần phân biệt GERD với các bệnh lý ở các cơ quan khác, bao gồm:
- Động mạch vành, tim mạch
- Loét dạ dày
Dưới đây là các biện pháp chẩn đoán phổ biến giúp bác sĩ đưa ra kết luận rằng một người có mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay không:
1. Chụp X-quang đường tiêu hóa trên (Upper GI series)
X-quang không dùng để chẩn đoán trực tiếp GER hay GERD, nhưng giúp bác sĩ quan sát và đánh giá hình dạng của đường tiêu hóa trên.
Lưu ý trước khi thực hiện:
Xét nghiệm này không cần gây mê. Bệnh nhân cần nhịn ăn, uống trước khi tiến hành.
Quá trình thực hiện:
Bệnh nhân đứng hoặc nằm trước máy X-quang ở các tư thế khác nhau, uống barium sunfate trộn với nước (có vị như phấn). Bari phủ lên thực quản, dạ dày và ruột non, giúp bác sĩ quan sát hình dạng các cơ quan này rõ hơn trên phim chụp X-quang.
Ứng dụng của phương pháp:
Chụp X-quang có thể phát hiện các vấn đề liên quan đến GERD như thoát khe hoành. Tuy nhiên, phương pháp này không thể phát hiện kích ứng nhẹ, nhưng có thể phát hiện tình trạng thu hẹp thực quản do GERD gây ra - cùng với sự xuất hiện của vết loét.
Lưu ý sau khi thực hiện:
Chụp X-quang đường tiêu hóa trên thường không gây rủi ro gì, lượng bức xạ ảnh hưởng tới cơ thể là không đáng kể. Tuy nhiên, phụ nữ có thai nên thông báo với bác sĩ để chỉ định phương pháp xét nghiệm khác phù hợp để tránh gây dị tật thai nhi.
Sau khi chụp, bệnh nhân có thể bị chướng bụng và buồn nôn trong thời gian ngắn. Phân có thể có màu trắng hoặc nhạt trong vài ngày do bari di chuyển qua đường tiêu hóa.
Người bệnh nên uống nhiều nước hơn bình thường để giúp loại bỏ bari và ngăn ngừa táo bón, đây có thể là tác dụng phụ của xét nghiệm.
Bác sĩ sẽ nêu hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống sau khi thực hiện xét nghiệm này.
2. Nội soi đường tiêu hóa trên (Upper endoscopy)
Nội soi đường tiêu hóa trên (còn gọi là nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng) là xét nghiệm phổ biến để đánh giá mức độ nghiêm trọng của GERD.
Lưu ý trước khi thực hiện:
- 7 ngày trước khi nội soi: Ngừng dùng sắt, aspirin, các sản phẩm chứa aspirin hoặc Pepto Bismol.
- 5 ngày trước khi nội soi: Ngừng dùng thuốc chống viêm không steroid (ví dụ Motrin, Advil (ibuprofen), Feldene, Naprosyn, Nuprin, Celebrex và Vioxx).
- 1 ngày trước khi nội soi: Không ăn bất kỳ thức ăn đặc nào sau nửa đêm, đêm trước khi làm thủ thuật.
- Ngày nội soi: Không ăn hoặc uống gì ít nhất 8 giờ trước khi làm thủ thuật. Không ùng bất kỳ loại thuốc kháng axit nào trước khi tiến hành nội soi. Mặc quần áo rộng rãi thoải mái.
Quá trình thực hiện:
Đầu tiên, bệnh nhân được gây tê cục bộ bằng cách súc miệng hoặc xịt thuốc vào phía sau họng hoặc trong một số trường hợp cần gây mê tiêm qua đường tĩnh mạch.
Bệnh nhân có thể được tiêm thuốc an thần truyền qua tĩnh mạch ở cẳng tay, để cảm thấy thư giãn trong quá trình nội soi
Sau đó, bác sĩ sử dụng ống nội soi nhỏ, linh hoạt có gắn đèn và camera. Camera sẽ truyền hình ảnh video tới màn hình, cho phép kiểm tra kỹ niêm mạc ruột.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng ống nội soi này để lấy sinh thiết (một mảnh mô nhỏ trong đường tiêu hóa) để kiểm tra bằng kính hiển vi và xác định mức độ viêm.
Ứng dụng của phương pháp:
Quá trình nội soi đường tiêu hóa trên có thể phát hiện các thay đổi viêm nhiễm, xói mòn, loét, hẹp thực quản, và thực quản Barrett. Đây là một phần quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi tiến trình của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), cũng như trong việc đánh giá hiệu quả của điều trị.
Nội soi đường tiêu hóa trên là một trong những phương pháp chính để đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm thực quản do trào ngược, nhưng nó không thể chẩn đoán GERD ở giai đoạn sớm khi không có thay đổi niêm mạc thực quản, cũng như không đánh giá được tần suất và thời lượng của các cơn trào ngược bệnh lý.
Lưu ý sau khi thực hiện:
Người bệnh sẽ được đưa đến khu vực hồi sức để ngồi hoặc nằm yên sau khi nội soi trong khoảng 1 giờ hoặc lâu hơn. Trong thời gian này, các y tá sẽ theo dõi phản ứng của người bệnh cho tới khi thuốc an thần bắt đầu hết tác dụng.
Khi ở nhà, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khó chịu nhẹ sau khi nội soi, chẳng hạn như:
- Đầy hơi
- Đau bụng
- Đau họng
Những dấu hiệu và triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu cảm thấy khá khó chịu thì nên quay trở lại bệnh viện để khám.
Sau khi dùng thuốc an thần, người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ do vậy nên tránh lái xe, vận hành máy móc hoặc đưa ra quyết định quan trọng cho đến khi cảm thấy tỉnh táo hoàn toàn.
3. Theo dõi pH thực quản
Theo dõi pH thực quản là phương pháp chính xác nhất để phát hiện acid trào ngược, đo lượng chất lỏng hoặc acid trong thực quản khi người bệnh thực hiện các hoạt động bình thường, bao gồm ăn uống và ngủ nghỉ.
Lưu ý trước khi thực hiện:
Người bệnh có thể tỉnh táo trong suốt quá trình xét nghiệm. Gây mê không cần thiết cho xét nghiệm; tuy nhiên có thể áp dụng trong trường hợp cần thiết.
Trẻ em và trẻ sơ sinh có thể cần phải ở lại bệnh viện để thực hiện xét nghiệm theo dõi pH thực quản.
Người bệnh không ăn hoặc uống, hút thuốc sau nửa đêm trước khi xét nghiệm.
Một số loại thuốc có thể thay đổi kết quả xét nghiệm, do đó nên tránh uống rượu hay các loại thuốc dưới đây trong khoảng từ 24h - 2 tuần trước khi xét nghiệm:
- Thuốc chẹn adrenergic
- Thuốc kháng axit
- Thuốc kháng cholinergic
- Cholinergic
- Corticosteroid
- Thuốc chẹn H2
- NSAID
- Thuốc ức chế bơm proton
Quá trình thực hiện:
Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng (ống nasogastric) qua mũi hoặc miệng của người bệnh xuống dạ dày, sau đó kéo trở lại thực quản. Người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn đôi chút khi ống thông đưa qua cổ hong.
Đầu ống trong thực quản có một cảm biến nhỏ để đo lường mức độ acid (pH) trong thực quản (thời gian khi nào và bao nhiêu chất lỏng hoặc acid trào ngược lên thực quản). Đầu kia của ống, gắn với một máy đo bên ngoài cơ thể, hiển thị các số đo được ghi lại, người bệnh cũng ghi chép các triệu chứng cũng như hoạt động của mình trong 24 giờ tiếp theo vào một nhật ký.
Ngày hôm sau, người bệnh sẽ quay trở lại bệnh viện để gỡ bỏ ống theo dõi. Thông tin từ thiết bị ghi dữ liệu sẽ được so sánh với ghi chép trong nhật ký của người bệnh.
Thông tin về phương pháp mới:
Hiện nay có một phương pháp mới để theo dõi axit thực quản là sử dụng một thiết bị không dây đo pH. Đây được gọi là hệ thống theo dõi pH Bravo.
Cách thức hoạt động của hệ thống Bravo:
- Một thiết bị giống như viên nang được gắn vào lớp niêm mạc phía trên của thực quản bằng endoscope.
- Thiết bị này ở lại trong thực quản, đo độ axit và truyền dữ liệu pH về một thiết bị ghi dữ liệu đeo trên cổ tay.
- Viên nang sẽ tự rơi ra sau 4 đến 10 ngày và di chuyển xuống hệ tiêu hóa. Sau đó, nó sẽ được thải ra ngoài cùng với phân và cuối cùng được xả xuống toilet.
Quy trình này giúp theo dõi chính xác mức độ acid trong thực quản, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến acid dạ dày và thực quản.
Ứng dụng của phương pháp:
Xét nghiệm này rất hữu ích khi kết hợp với việc ghi chép cẩn thận nhật ký về thời gian, loại thức ăn và lượng thức ăn mà người bệnh tiêu thụ cùng với các triệu chứng GERD phát sinh. Bác sĩ có thể thấy mối liên hệ giữa các triệu chứng và một số loại thức ăn hoặc thời điểm trong ngày. Quy trình này cũng có thể giúp xác định liệu trào ngược có gây ra các triệu chứng hô hấp hay không.
Quá trình theo dõi pH thực quản giúp xác định số lượng và thời gian kéo dài của các tình huống mà pH dưới 4 và trên 7, cũng như mối liên hệ của chúng với các triệu chứng chủ quan, việc ăn uống, tư thế cơ thể, hút thuốc, và việc sử dụng thuốc. Điều này cho phép việc lựa chọn phương pháp điều trị cá nhân hóa và kiểm soát hiệu quả của thuốc.
Lưu ý sau khi thực quản
- Xét nghiệm nói chung khá an toàn, không có lưu ý gì đặc biệt. Người bệnh có thể làm việc bình thường sau khi hoàn thành xét nghiệm.
- Trong một số hiếm trường hợp, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp tim khi đặt ống hoặc hít vào chất nôn nếu ống thông gây nôn.
4. Đo áp lực thực quản
Đo áp lực thực quản là xét nghiệm dùng để kiểm tra xem các cơ ở thực quản có hoạt động bình thường không.
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện xét nghiệm khi có các triệu chứng như:
- Ợ nóng ( nóng rát ở ngực do axit dạ dày trào ngược lên)
- Khó nuốt hoặc đau khi nuốt
- Đau ngực
- Nôn
Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm này để chuẩn bị cho phẫu thuật thực quản hoặc để theo dõi và đánh giá chức năng sau phẫu thuật.
Lưu ý trước khi thực hiện:
- Người bệnh nhịn ăn ít nhất 6h trước khi xét nghiệm.
- Thông báo với bác sĩ về việc dùng thuốc điều trị bệnh để được hướng dẫn chi tiết.
Quy trình thực hiện:
Bác sĩ sẽ xịt thuốc tê vào họng hoặc thoa gel tê lên mũi của người bệnh, hoặc cả hai, để giảm cảm giác khó chịu.
Sau đó, bác sĩ đưa một ống thăm dò mềm (ống thông) được luồn nhẹ nhàng qua mũi của người bệnh vào thực quản. Ống thông này có thể được bọc một lớp màng chứa nước, nhưng nó không ảnh hưởng đến việc thở.
Sau khi đặt ống thông vào vị trí, người bệnh có thể nằm ngửa trên bàn kiểm tra hoặc ngồi dậy tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh sẽ được yêu cầu nuốt từng ngụm nước nhỏ. Trong khi nuốt, máy tính kết nối với ống thông sẽ ghi lại áp lực, tốc độ và kiểu co bó của cơ thực quản.
Trong suốt quá trình kiểm tra, người bệnh cần hít thở chậm và đều, giữ cơ thể bất động nhất có thể và chỉ nuốt khi được yêu cầu.
Bác sĩ có thể điều chỉnh vị trí của ống thông lên xuống đến dạ dày để đo đạc chi tiết hơn.
Sau khi thu thập đủ thông tin, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng rút ống thông ra.
Toàn bộ quá trình đo áp lực thực quản thường chỉ mất khoảng 30 phút.
Ứng dụng của phương pháp:
Quy trình này cho phép phát hiện sự thay đổi về tông của các cơ vòng thực quản. Theo tiêu chuẩn DeMeester:
- Áp suất cơ bản của cơ vòng thực quản dưới (CVTQD) là 14.3-34.5 mmHg.
- Chiều dài tổng thể của CVTQD không ít hơn 4 cm.
- Chiều dài của phần bụng CVTQD không ít hơn 2 cm.
Đây là những thông số quan trọng giúp đánh giá chức năng của cơ vòng thực quản dưới, có thể ảnh hưởng đến việc điều trị các bệnh lý liên quan đến trào ngược dạ dày - thực quản.
Xét nghiệm có thể cho thấy liệu các triệu chứng có do cơ vòng yếu gây ra hay không. Bác sĩ cũng có thể sử dụng xét nghiệm để chẩn đoán các rối loạn khác của thực quản có triệu chứng tương tự như:
- Co thắt thực quản lan tỏa (Diffuse esophageal spasm): Đây là một vấn đề nuốt hiếm gặp, đặc trưng bởi các cơn co thắt cơ thực quản nhiều lần, mạnh và không phối hợp. Điều này gây cản trở cho sự lưu thông thức ăn xuống dạ dày.
- Co thắt tâm vị (Achalasia): Đây là tình trạng hiếm gặp xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới (cửa vào dạ dày) không giãn ra đúng cách để thức ăn đi vào. Điều này dẫn đến khó nuốt và trào ngược thức ăn trở lại cổ họng.
- Xơ cứng bì (Scleroderma): Ở nhiều người mắc bệnh hiếm gặp tiến triển này, các cơ ở thực quản dưới ngừng hoạt động, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản nặng.
- Hỗ trợ quyết định phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Nếu bác sĩ chỉ định phẫu thuật chống trào ngược để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), người bệnh có thể cần đo áp lực thực quản để loại trừ bệnh co thắt tâm vị hoặc xơ cứng bì - đây là những bệnh lý mà phẫu thuật GERD không hiệu quả.
- Đau ngực không do tim: Nếu người bệnh bị đau ngực không liên quan đến tim và không đáp ứng với điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bác sĩ có thể đề nghị thực hiện đo áp lực thực quản để tìm ra nguyên nhân.
Lưu ý sau khi thực hiện:
Đo áp lực thực quản là một xét nghiệm tương đối an toàn và hiếm khi gặp biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh có thể trải qua một số cảm giác khó chịu trong và sau khi thực hiện:
Trong khi thực hiện:
- Buồn nôn: Khi ống được đưa vào cổ họng.
- Chảy nước mắt.
- Khó chịu ở mũi và cổ họng.
Sau khi thực hiện:
- Đau họng.
- Nghẹt mũi.
- Chảy máu cam nhẹ.
Những tác dụng phụ này thường nhẹ và sẽ hết trong vòng vài giờ. Hầu hết mọi người có thể tiếp tục hoạt động bình thường, ăn uống và sử dụng thuốc ngay sau xét nghiệm.
Người bệnh cần báo cho bác sĩ ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên nghỉ ngơi sau khi làm xét nghiệm và tránh lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi cảm thấy hoàn toàn bình thường.
5. Các biện pháp chẩn đoán bổ sung
Các phương pháp bổ sung trong chẩn đoán và theo dõi bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) bao gồm:
- Bilimetria và omeprazole test: Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton.
- Bernstein test: Kiểm tra cảm giác đau khi tiếp xúc với axit.
- Stepenko test: Đánh giá sự phản ứng của thực quản với các chất kích thích khác nhau.
- Standard acid reflux test: Xác định mức độ trào ngược axit.
- Esophageal clearance study: Đánh giá khả năng làm sạch của thực quản.
- Methylene blue test: Kiểm tra sự hiện diện của acid trong thực quản.
- Proteolytic intraesophageal activity study theo phương pháp của V.N. Gorshkov: Nghiên cứu hoạt động phân giải protein trong thực quản.
- Pulmonary function tests sau khi tiêm truyền HCl vào thực quản: Đánh giá ảnh hưởng của GERD đến chức năng hô hấp.
Những phương pháp này giúp cung cấp thông tin chi tiết hơn về tình trạng của thực quản và hiệu quả của các biện pháp điều trị, từ đó hỗ trợ việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Điều trị
Mục tiêu điều trị
Mục tiêu của việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày gồm có 6 nguyên tắc cơ bản sau:
- Loại bỏ các triệu chứng của bệnh.
- Giảm lượng axit trong dạ dày.
- Tăng cường chức năng chống trào ngược của cơ vòng thực quản dưới (CVTQD).
- Tăng cường khả năng làm sạch của thực quản.
- Bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi tổn thương.
- Ngăn ngừa sự phát triển của các biến chứng và đợt cấp của bệnh.
Khi người bệnh đi khám, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, là điều trị bảo tồn (thay đổi lối sống, dùng thuốc) hoặc phẫu thuật.
Thay đổi lối sống
Thay đổi chế độ ăn uống:
Bước đầu tiên để giảm GERD thường là hạn chế các loại thực phẩm gây trào ngược, gồm có: thực phẩm giàu chất béo, đường, sô cô la, trái cây chua giàu tính axit, đồ uống chứa caffeine, các loại đồ uống có gas và đặc biệt là rượu và thuốc lá.
Xem chi tiết hơn:
- Các nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh rượu có thể làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trở nên trầm trọng hơn
- Nghiên cứu cho thấy tác dụng tức thời của việc cai thuốc lá đối với trào ngược dạ dày thực quản
Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống hằng ngày người bệnh cũng cần chú ý tới những thực phẩm khiến bụng khó chịu và kích thích xuất hiện các triệu chứng trào ngược thì hãy đánh dấu nó vào danh sách thực phẩm cần kiêng kỵ.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn 3-4 bữa một ngày với chế độ giàu protein, vì thức ăn giàu protein có thể tăng cường áp lực của cơ vòng thực quản dưới giúp giảm trào ngược. Tránh ăn quá no và ăn vặt vào ban đêm. Ăn bữa cuối cùng ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ và đi bộ nhẹ nhàng, chậm 30 phút sau khi ăn.
Câu hỏi khác:
- Bệnh nhân trào ngược dạ dày ăn dứa, tốt hay không tốt?
- Trào ngược dạ dày có uống sữa đậu nành được không?
- Ăn quả gì tốt cho người bị trào ngược dạ dày?
Thay đổi tư thế cơ thể khi ngủ:
Nâng cao phần đầu giường lên 15 cm để giảm số lần và thời gian bùng phát các cơn trào ngược. Người bệnh có thể sử dụng loại gối chống trào ngược dạ dày thực quản hoặc lựa chọn loại giường nâng hoặc đặt khối gỗ dưới chân giường để nâng cao đầu giường. (Đã có nghiên cứu thực tế cho thấy nằm nghiêng cao đầu giúp giảm các cơn trào ngược vào ban đêm).
Để tránh bị trào ngược cũng cần hạn chế nằm ngay sau khi ăn mà nên giữ tư thế đứng hoặc ngồi thẳng ít nhất 3 giờ sau khi ăn.
Luyện tập:
Thực hiện các bài tập đặc biệt để phục hồi áp lực của cơ vòng thực quản.
Hoạt động thể dục thể thao có thể vừa làm cải thiện cũng lại vừa là yếu tố kích động gây trào ngược axit dạ dày. Do đó, những người bị bệnh trào ngược dạ dày cần xác định chế độ tập luyện phù hợp.
Lợi ích của tập thể dục:
- Giảm cân: Thừa cân tạo áp lực lên cơ thắt thực quản, khiến chúng hoạt động kém. Nghiên cứu cho thấy giảm cân hoặc giảm vòng eo giúp giảm triệu chứng GERD.
- Các bài tập nhẹ nhàng và vừa sức: Đi bộ, chạy bộ nhẹ, yoga, đạp xe đạp cố định hoặc bơi lội là những lựa chọn tốt vì chúng giúp giảm cân.
Tham khảo:
Bài tập có thể gây trào ngược axit:
Bài tập tác động mạnh lên bụng hoặc các bài tập cường độ cao có thể làm nặng thêm tình trạng trào ngược vì chúng tăng áp lực lên bụng, khiến cơ thắt thực quản dưới giãn ra, làm cho axit dạ dày chảy ngược lên thực quản.
Một số lưu ý khi tập thể dục với người bị trào ngược dạ dày thực quản:
- Không nên bỏ tập vì lo ngại trào ngược axit. Tập thể dục rất quan trọng để duy trì cân nặng (hoặc giảm cân) - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến GERD - và sức khỏe tổng thể.
- Tránh tập ngay sau khi ăn: Hãy để cách 1-2 tiếng để thức ăn tiêu hóa bớt trong dạ dày, giảm nguy cơ trào ngược.
- Nếu ăn trước khi tập: Cần tránh những thực phẩm gây trào ngược. Với hầu hết mọi người, thực phẩm giàu tinh bột phức hợp (đậu Hà Lan, đậu phộng, rau mùi tây, ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, khoai tây, ngô,…) là lựa chọn tốt trước khi tập vì dạ dày chuyển hóa chúng nhanh hơn.
- Tránh các bài tập nằm ngửa: Tư thế này khiến trào ngược dễ xảy ra hơn.
- Tránh các bài tập nặng nề: Chúng có thể làm dạ dày xáo trộn.
- Uống nước trong khi tập: Giữ đủ nước giúp tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, đừng uống quá nhiều vì nước cũng có thể gây trào ngược giống như thức ăn.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái: Thắt lưng bó sát có thể tạo thêm áp lực lên bụng.
- Thử yoga: Nghiên cứu cho thấy 6 tháng tập yoga kết hợp với thuốc ức chế bơm proton giúp giảm đáng kể axit dạ dày và viêm thực quản.
Thông tin bạn có thể quan tâm: Ca bệnh trào ngược dạ dày thực quản lâu năm tự tập luyện để cải thiện bệnh.
Nghiên cứu đăng trên trang web thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) của Hoa Kỳ. nói về một bệnh nhân nam bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nhiều năm. Anh ta tin rằng cơ thắt thực quản dưới (LES) - cơ ngăn giữa thực quản và dạ dày - yếu nên mới gây trào ngược. Cơ trơn như LES không thể tập luyện theo cách thông thường, nhưng thực quản thì có thể. Bệnh nhân nghĩ ra bài tập "chống trọng lực" bằng cách nuốt thức ăn khi đầu ở vị trí thấp hơn dạ dày (quỳ gối, trán đặt thấp).
Kết quả: Sau 68 ngày tập luyện mỗi ngày, bệnh nhân nhận thấy triệu chứng giảm. Sau 5 tháng, kiểm tra pH và áp lực thực quản cho kết quả bình thường. Anh ấy ngừng dùng kê đỡ đầu giường và không còn bị trào ngược nữa. Bệnh nhân tiếp tục bài tập vài lần mỗi tuần trong vài tháng để duy trì và sau đó dừng hẳn 2 năm nay mà không bị tái phát.
Lưu ý: Thông tin này cho chúng ta thấy những tác động tích cực của việc thực hiện các bài tập để cải thiện trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là báo cáo của một cá nhân, chưa qua nghiên cứu rộng rãi. Do đó, mọi người không nên tự ý áp dụng trước khi tham khảo ý kiến bác sĩ .
Tránh các loại thuốc:
Không sử dụng các làm tăng nguy cơ trào ngược như: thuốc chống cholinergic, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc đối kháng canxi, thuốc chẹn beta, chất chống calcium, β-agonist, thuốc chứa L-dopamine, thuốc giảm đau, prostaglandin, progesterone, theophylline, cũng như các thuốc gây tổn thương thực quản - aspirin, thuốc chống viêm không steroid.
Điều trị bằng thuốc
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể của bệnh nhân:
Thuốc kháng axit dạ dày
Chẳng hạn như Hantacid, Alka-Seltzer, Maalox, Mylanta, Rolaids và Riopan...
Thuốc kháng axit là loại thuốc trung hòa trực tiếp axit dạ dày, mang lại hiệu quả nhanh để giảm ợ nóng và các triệu chứng nhẹ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng tác dụng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn 2 - 4h. Thuốc này có thể dùng nhiều lần trong ngày khi cần thiết và hầu hết đều được bán kê đơn, có thể mua dễ dàng ở các quầy thuốc.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không nên dùng quá nhiều thuốc kháng axit trong thời gian ngắn, ngay cả khi điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Lý do là thành phần chính của thuốc kháng axit thường là canxi cacbonat, có tác dụng giảm nồng độ axit trong dạ dày. Nhưng nếu tích tụ quá nhiều canxi cacbonat lại gây ra một số triệu chứng, thậm chí cần phải nhập viện. Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo cho các sản phẩm có canxi cacbonat, chẳng hạn như Tums, sẽ được ghi trên nhãn sản phẩm.
Thuốc ức chế tiết axit
Thuốc chẹn thụ thể H2:
Chẳng hạn như cimetidine (Tagamet HB), famotidine (Pepcid AC), nizatidine (Axid AR) và ranitidine (Zantac 75)...
Nhóm thuốc này làm giảm lượng axit được sản xuất trong dạ dày bằng cách ức chế giải phóng histamine - chất chính kích thích tiết axit dạ dày. Thuốc chẹn thụ thể H2 có sẵn cả loại không kê đơn và kê đơn.
Thuốc chẹn thụ thể H2 kém hiệu quả hơn thuốc ức chế bơm proton (PPIs).
Các nghiên cứu lâm sàng đánh giá histamine để điều trị GERD cho thấy hiệu quả chỉ khiêm tốn so với giả dược. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã tiết lộ tình trạng nhờn thuốc đối với thuốc chẹn thụ thể H2 chỉ sau hai tuần bắt đầu điều trị. Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ giảm dần tác dụng của thuốc ở một liều lượng nhất định tương đối nhanh sau khi bắt đầu sử dụng.
Vì vậy, H2RAs có thể là phương pháp điều trị ngắn hạn hiệu quả, chẳng hạn như khi bị GERD do bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nhưng có thể không hiệu quả về lâu dài.
Thuốc ức chế bơm proton (PPIs):
Chẳng hạn như omeprazole (Prilosec, Zegerid), lansoprazole (Prevaxit), pantoprazole (Protonix), rabeprazole (Aciphex) và esomeprazole (Nexium)...
Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) hiện là phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hiệu quả nhất. PPIs hoạt động bằng cách ức chế cơ chế sản xuất axit dạ dày. Điều này làm giảm độ axit của dịch tiêu hóa liên quan đến trào ngược, do đó giảm các triệu chứng trào ngược. PPIs được bán theo cả đơn thuốc và không cần kê toa.
Mặc dù hiệu quả trong việc giảm độ axit của dịch tiêu hóa ở đường tiêu hóa trên, nghiên cứu cho thấy PPIs không giải quyết được các khiếm khuyết về cấu trúc, thường là nguyên nhân gốc rễ của trào ngược bất thường. Do đó, PPIs có thể hoạt động tốt nhất như một phương pháp điều trị bổ sung cho GERD ở một số người, thay vì là toàn bộ quá trình điều trị.
Mặc dù những loại thuốc này có thể giúp cải thiện các triệu chứng, nhưng chúng không thể loại bỏ GERD.
Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng PPI lâu dài hoặc liều cao có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay và cột sống. Thuốc PPI cần được uống khi bụng đói để axit dạ dày kích hoạt hoạt động của thuốc.
Thuốc Ức Chế Bơm Proton (PPIs) thường được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng trong 8 tuần để chữa viêm thực quản, và an toàn, hiệu quả cho hầu hết bệnh nhân. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá việc sử dụng PPI trong thời gian dài cho thấy một số lo ngại tiềm ẩn về lâu dài, bao gồm:
- Thiếu hụt Vitamin B12: Có thể gây ra mệt mỏi, yếu ớt, tê hoặc ngứa ran.
- Tăng nguy cơ viêm phổi: Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi có thể gây khó thở, ho và sốt.
- Tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương: Loãng xương làm cho xương yếu và dễ gãy hơn.
- Giảm nhu động túi mật: Túi mật là cơ quan nhỏ nằm bên cạnh gan, giúp lưu trữ và giải phóng dịch mật để tiêu hóa chất béo. Giảm nhu động túi mật có thể dẫn đến sỏi mật.
- Tương tác giữa PPI và Plavix (clopidogrel): Plavix là thuốc giúp ngăn ngừa cục máu đông. Tương tác giữa PPI và Plavix có thể làm giảm hiệu quả của Plavix.
- Tăng nguy cơ polyp dạ dày: Polyp dạ dày là những mọc bất thường trên lớp lót bên trong dạ dày. Hầu hết các polyp dạ dày đều lành tính (không ung thư), nhưng một số ít có thể biến thành ung thư.
- Tăng nguy viêm dạ dày ruột do vi khuẩn và các nhiễm trùng do vi khuẩn khác: Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm nhiễm ruột do vi khuẩn hoặc virus.
- Thiếu hụt Magnesium: Có thể gây ra chuột rút, mệt mỏi, khó thở và nhịp tim không đều.
- Bệnh thận mạn tính: Bệnh thận mạn tính là tình trạng thận bị tổn thương dần theo thời gian.
- Mất trí nhớ: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng PPI lâu dài và nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác nhận mối liên quan này.
Thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa (Prokinetics)
Chẳng hạn như bethanechol (Urecholine) và metoclopramide (Reglan)
Thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày. Vấn đề của thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa (prokinetic agents) là chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả trong điều trị các rối loạn do nhu động ruột yếu. Đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), các loại thuốc khác như thuốc ức chế bơm proton (PPIs) hiện được sử dụng phổ biến hơn.
Ngoài ra, tất cả các thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa đều có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài. Một số tác dụng phụ của thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa bao gồm:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Suy nhược
- Buồn ngủ
- Mờ mắt
- Đau dạ dày
- Loạn động chậm (Tardive dyskinesia -TD)
Prokinetics có thể tương tác với các thuốc khác, vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các thuốc đang dùng.
Thuốc bảo vệ tế bào (cytoprotectors)
Một số loại thuốc bảo vệ tế bào dạ dày phổ biến:
- Prostaglandin: Kích thích sản xuất chất nhầy và có tác dụng chữa lành.Lưu ý: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) lại làm giảm sản xuất prostaglandin, do đó làm tăng nguy cơ tổn thương dạ dày.
- Sucralfat: Tạo thành lớp màng che phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Misoprostol: Giống như prostaglandin, giúp kích thích sản xuất chất nhầy và chữa lành niêm mạc.
- Bismuth chelate: Giúp tiêu diệt vi khuẩn H. pylori và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Kẽm L-carnosine: Có tác dụng chống viêm và hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày.
Khác với thuốc giảm axit dạ dày, thuốc bảo vệ tế bào dạ dày không làm giảm lượng axit được sản xuất. Mục tiêu chính của chúng là bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày khỏi các tác nhân gây hại.
Thuốc bảo vệ tế bào dạ dày hoạt động theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:
- Kích thích sản xuất chất nhầy để tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc.
- Tăng cường lưu lượng máu đến dạ dày để hỗ trợ phục hồi.
- Trung hòa các yếu tố có hại trong dạ dày.
Lưu ý:
Mỗi loại thuốc hoạt động theo một cách khác nhau, do đó kết hợp các loại thuốc có thể giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn. Ví dụ, người bị trào ngược sau ăn có thể dùng kết hợp thuốc kháng axit và thuốc chẹn thụ thể H2. Thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày, trong khi thuốc chẹn thụ thể H2 ngăn chặn sản xuất axit. Đến khi thuốc kháng axit hết tác dụng, thuốc chẹn thụ thể H2 đã kịp thời ngăn chặn sản xuất axit.
Điều trị phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống không kiểm soát được triệu chứng GERD nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc tới phương án phẫu thuật. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định cho GERD xuất phát từ bất thường cơ học hoặc gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân bắt buộc phải thực hiện các xét nghiệm gồm:
- Nội soi đường tiêu hóa trên (Upper Endoscopy)
- Đo pH thực quản 24 giờ với trở kháng
- Đo áp lực thực quản
Mục đích xét nghiệm nhằm:
- Xác định chắc chắn có trào ngược dạ dày hay không.
- Kiểm tra xem triệu chứng của bệnh nhân có liên quan đến trào ngược dạ dày không.
- Đánh giá các bệnh lý khác cùng tồn tại có thể góp phần gây ra triệu chứng.
Phẫu thuật fundoplication và phẫu thuật nội soi xuyên miệng (TIF) là hai phương pháp phẫu thuật phổ biến để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Phẫu thuật fundoplication
Phẫu thuật fundoplication có 2 biến thể đó là phẫu thuật Nissen và Toupet Fundoplication.
Phẫu thuật Nissen Fundoplication (360 độ)
Thời gian thực hiện: Khoảng 1.5 giờ.
Phương pháp: Nội soi, cần gây mê toàn thân.
Quy trình: Phẫu thuật này được thực hiện để củng cố cơ vòng thực quản dưới và ngăn chặn trào ngược. Bác sĩ sẽ rạch bốn vết mổ nhỏ trên bụng và sử dụng một ống nội soi linh hoạt có gắn camera để tiến hành quá trình phẫu thuật. Cụ thể, bác sĩ sẽ thắt chặt các cơ vòng thực quản dưới bằng cách cuộn đáy vị quanh thực quản xa, tạo ra một “van” tự nhiên để ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Đặc điểm: Phần dạ dày được bọc hoàn toàn quanh thực quản.
Hiệu quả: Phẫu thuật Nissen Fundoplication là phương pháp tiêu chuẩn để điều trị GERD và thường mang lại kiểm soát trào ngược lâu dài trong hầu hết các trường hợp. Đa số bệnh nhân không cần dùng thuốc sau phẫu thuật và cảm thấy giảm triệu chứng chỉ sau một tuần. Bệnh nhân nhân nằm viện trong khoảng 1-2 ngày, và trở lại hoạt động hàng ngày sau 2 đến 3 tuần.
Tác dụng phụ: Khó nuốt sau phẫu thuật, tình trạng này thường chỉ kéo dài vài tuần.
Phẫu thuật Toupet Fundoplication (270 độ)
Thời gian thực hiện: Tương tự như phẫu thuật Nissen.
Phương pháp: Nội soi, cần gây mê toàn thân.
Quy trình: Tương tự như phẫu thuật Nissen, nhưng phần dạ dày chỉ được bọc một phần quanh thực quản.
Đặc điểm: Phần dạ dày được bọc một phần quanh thực quản, thích hợp cho những trường hợp cần giữ khả năng ợ hơi tự nhiên.
Hiệu quả: Cũng hiệu quả như phẫu thuật Nissen, với việc giảm triệu chứng nhanh chóng sau phẫu thuật.
Tác dụng phụ: Tương tự như phẫu thuật Nissen, bệnh nhân có thể bị khó nuốt, chướng bụng và đầy hơi do cơ vòng thực quản mới được củng cố mạnh mẽ.
Cả hai phương pháp đều có thể kết hợp sửa chữa thoát vị khe hoành nếu cần thiết. Bác sĩ sẽ xem xét lịch kết quả xét nghiệm chẩn đoán của bệnh nhân để xác định phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất. Bệnh nhân thường có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật hoặc sau 1-2 ngày theo dõi tại bệnh viện. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể phải thực hiện chế độ ăn đồ lỏng trong một hoặc hai tuần và sau đó từ từ chuyển sang thức ăn mềm.
Phẫu thuật nội soi xuyên miệng (TIF)
Nội dung này nói về phương pháp phẫu thuật Transoral Incisionless Fundoplication (TIF), một kỹ thuật ít xâm lấn để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Dưới đây là mô tả chi tiết về phương pháp này:
Thời gian thực hiện: Khoảng 1h
Phương pháp: Nội soi, gây mê toàn thân.
Quy trình:
Phẫu thuật TIF được thực hiện qua đường miệng, không cần phải rạch cắt trên bụng như phẫu thuật nội soi fundoplication thông thường.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị gọi là EsophyX® vào qua miệng, nhẹ nhàng đẩy nó xuống cổ họng và qua thực quản đến khu vực gặp dạ dày, được biết đến là vùng giao nhau giữa dạ dày và thực quản.
Với sự hỗ trợ của camera video bên trong EsophyX®, bác sĩ tạo ra các mũi khâu và nếp gấp mô xung quanh cơ vòng thực quản dưới. Các nếp gấp này sẽ giúp thắt chặt cơ thắt thực quản dưới và ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Bác sĩ sẽ sử dụng các mũi khâu nhỏ để cố định các nếp gấp mới và đảm bảo chúng được giữ chặt. Sau khi hoàn tất việc tạo nếp gấp và khâu cố định, bác sĩ sẽ rút thiết bị EsophyX® ra khỏi miệng bệnh nhân.
Hiệu quả: Phương pháp TIF là một lựa chọn điều trị hiện đại, mang lại ít biến chứng và thời gian hồi phục nhanh cho bệnh nhân mắc bệnh GERD. Bệnh nhân thường có thể về nhà vào ngày sau phẫu thuật và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vòng vài ngày.
Tác dụng phụ: Bệnh nhân có thể xuất hiện tác dụng phụ tạm thời như đau họng, đau vai do kích thích thần kinh, khó nuốt, và có thể là buồn nôn hoặc nôn mửa.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết mọi người không cần phải dùng thuốc điều trị GERD sau khi thực hiện phẫu thuật TIF, và đa số bệnh nhân vẫn không cần dùng thuốc hai năm sau phẫu thuật.
Kết luận:
Nhìn chung, phẫu thuật chống trào ngược có tỷ lệ thành công cao hơn ở những người dưới 50 tuổi. Tuy nhiên, người bệnh có khả năng phát triển biến chứng từ phẫu thuật hơn là từ thuốc. Do đó, việc lựa chọn phẫu thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thảo luận với bác sĩ chuyên khoa.