Chảy máu dạ dày không chỉ gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Bên cạnh việc điều trị y tế, chế độ ăn uống, bao gồm chọn đúng loại trái cây đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Vậy khi bị chảy máu dạ dày, nên ăn quả gì để giúp giảm viêm, hỗ trợ tiêu hóa và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương? Cùng khám phá ngay!
Mục lục
Chảy máu dạ dày là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
Chảy máu dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây chảy máu bên trong đường tiêu hóa. Đây được coi là biến chứng nghiêm trọng của các bệnh lý dạ dày, có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu dạ dày, có thể kể đến như:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân phổ biến nhất, thường do vi khuẩn H. pylori hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) lâu dài.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: Do các yếu tố như ăn uống không điều độ, căng thẳng stress kéo dài, hút thuốc lá, uống rượu bia… gây tổn thương dạ dày.
- Khối u hoặc ung thư dạ dày: Các khối u ác tính có thể gây chảy máu.
- Hội chứng Mallory-Weiss: Do rách niêm mạc dạ dày – thực quản sau khi nôn nhiều lần.
Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh thường có các triệu chứng như:
- Đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, có thể kéo dài và tăng lên khi ăn.
- Nôn ra máu hoặc chất nôn màu đen.
- Phân đen hoặc có máu.
- Chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao.
- Nhịp tim nhanh, huyết áp giảm.
Có nên ăn hoa quả khi bị chảy máu dạ dày không?
Dạ dày đóng vai trò quan trọng trong bộ máy tiêu hóa. Vì thế, người bệnh chảy máu dạ dày cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống để hỗ trợ quá trình phục hồi tốt hơn. Câu hỏi: “Có nên ăn hoa quả khi bị chảy máu dạ dày không?” được rất nhiều bệnh nhân thắc mắc.
Câu trả lời là CÓ. Hoa quả là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của bệnh nhân chảy máu dạ dày nên cần phải lựa chọn cẩn thận.
Trái cây mang lại nhiều tác dụng với người bệnh chảy máu dạ dày, như là:
- Bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa.
- Hỗ trợ tiêu hóa và làm dịu niêm mạc dạ dày
- Cung cấp chất chống oxy hóa giúp giảm viêm
- Cung cấp nước và hỗ trợ cân bằng điện giải
☛ Tìm hiểu: Xuất huyết dạ dày nằm viện bao lâu và biện pháp điều trị?
Tiêu chí chọn trái cây cho người bị chảy máu dạ dày
Dưới đây là các tiêu chí giúp bạn lựa chọn loại quả phù hợp khi đang bị chảy máu dạ dày:
Trái cây chứa ít acid, không gây kích ứng dạ dày
Trái cây có lượng acid cao sẽ kích thích và gây đau đớn thêm cho niêm mạc dạ dày. Chúng cũng có thể làm tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn.
Bạn nên ưu tiên các loại trái cây như chuối, lê, và bơ có tính axit thấp. Trái cây có tính acid cao như cam, chanh nên được tránh.
Giàu chất xơ hòa tan, hỗ trợ tiêu hóa
Chất xơ hòa tan có công dụng ổn định nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Nhờ vậy, dạ dày được giảm áp lực đáng kể. Vết thương do chảy máu tại dạ dày cũng sẽ vì thế mà phục hồi nhanh hơn.
Bổ sung vitamin và khoáng chất quan trọng
Vitamin và khoáng chất là một yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ lành vết thương. Đặc biệt là vitamin C và vitamin A có trong các loại trái cây như dưa hấu và đu đủ rất cần thiết cho việc kích thích tăng sinh tế bào, làm lành tổn thương niêm mạc dạ dày.
Giàu chất chống oxy hóa, giảm viêm
Chất chống oxy hóa như một “lá chắn” ngăn cản sự tấn công của gốc tự do, giảm viễm nhiễm và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, chúng còn giúp tăng cường sức khỏe dạ dày cũng như thể trạng của người bệnh.
Chảy máu dạ dày nên ăn quả gì?
Có thể thấy, lựa chọn thực phẩm phù hợp, đặc biệt là trái cây đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi tổn thương dạ dày và giảm triệu chứng. Bạn nên ưu tiên sử dụng những loại quả có nhiều lợi ích đã được khoa học chứng minh. Có thể kể đến như:
1. Chuối
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry cho thấy chuối có khả năng kháng acid để bảo vệ dạ dày khỏi các vết loét và tổn thương do loét. Các chất dinh dưỡng trong chuối tạo ra một hàng rào chất nhầy dày hơn chống lại acid dạ dày. Chuối cũng chứa chất ức chế protease giúp loại bỏ vi khuẩn gây ra viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, chuối cũng là nguồn bổ sung Kali và Vitamin B6 tự nhiên, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa và làm giảm cơn đau dạ dày.
2. Táo
Táo là một trong những loại thực phẩm hàng đầu trong việc cung cấp chất chống oxy hóa và chất xơ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, chất xơ hòa tan có trong táo có tác dụng làm tăng độ nhớt trong nội dung đường ruột làm giảm nồng độ axit mật trong dạ dày. Nhờ vậy, thời gian vận chuyển thực phẩm trong ruột diễn ra nhanh hơn, dẫn đến hạn chế tình trạng đầy hơi, làm giảm sự khó chịu và đau ở đường tiêu hóa.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, các chất chống oxy hóa và giảm peroxy hóa lipid trong quả táo có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa khỏi tổn thương do thuốc. Chiết xuất carotenoid từ vỏ táo cũng có hiệu quả chống lại H. pylori trong môi trường in vitro.
3. Dưa hấu
Dưa hấu cung cấp lượng nước dồi dào và một lượng nhỏ chất xơ, giúp hỗ trợ cân bằng lượng nước trong cơ thể. Chất xơ làm tăng khối lượng phân và giúp bạn đi tiêu đều đặn, trong khi nước giúp di chuyển chất thải qua hệ tiêu hóa một cách dễ dàng.
Dưa hấu còn chứa Vitamin C và Lycopene là các hợp chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm viêm và bảo vệ các tế bào của bạn khỏi bị tổn thương.
4. Bơ
Bơ là một trong số ít trái cây giàu chất béo lành mạnh và chứa nhiều vitamin E, C, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi niêm mạc dạ dày.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Dhrubo Jyoti Sen cho thấy, hợp chất phenolic trong quả bơ có khả năng chống viêm, do đó làm giảm nguy cơ loét dạ dày và giảm khả năng mắc các bệnh do vi khuẩn và vi-rút. Chất béo không bão hòa đơn trong bơ giúp giảm viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách giảm sản xuất chất gây viêm, đồng thời Vitamin E trong bơ bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa như Lutein và Zeaxanthin trong bơ giúp giảm viêm và hỗ trợ làm lành vết thương trong dạ dày.
5. Quả lê
Quả lê có vị ngọt thanh, tính mát, chứa ít acid nên được coi là lựa chọn an toàn cho những người đang hồi phục từ tình trạng chảy máu dạ dày.
Loại quả này chứa nhiều nước và chất xơ hòa tan, đặc biệt là Pectin. Chúng giúp làm mềm phân, tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa. Nhờ vậy, ăn quả lê giúp làm dịu triệu chứng đầy hơi, khó chịu và giảm áp lực lên dạ dày, hỗ trợ giảm đau do chảy máu.
6. Việt quất
Nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa cao và tác dụng giảm viêm, việt quất được đánh giá là lựa chọn hoàn hảo cho người bị chảy máu dạ dày.
Trong quả việt quất có chứa một lượng lớn các hợp chất chống oxy hóa như Anthocyanins, Flavonoids và Vitamin C. Các chất này có khả năng làm giảm mức độ viêm trong cơ thể, hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau và khó chịu do chảy máu dạ dày. Chúng cũng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương và cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa tổng thể.
Vitamin C trong việt quất đồng thời cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào.
7. Đu đủ
Đu đủ chứa enzyme papain, giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm viêm loét. Enzyme này đã được chứng minh có tác dụng cải thiện nhu động ruột, giảm thời gian vận chuyển thức ăn, đồng thời hỗ trợ điều trị chấn thương, dị ứng và tổn thương tế bào. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra đu đủ chứa các enzyme phân giải protein như chymopapain với đặc tính kháng khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn HP – một trong những yếu tố nguy cơ gây chảy máu dạ dày.
Bên cạnh đó, đu đủ cung cấp vitamin A, C, và E, có tác dụng chống oxy hóa. Nó còn chứa các khoáng chất như magiê và kali, vitamin nhóm B như axit pantothenic và folate, cùng với chất xơ thực phẩm. Thường xuyên ăn đu đủ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, nhanh chóng đẩy mùi tình trạng chảy máu dạ dày.
8. Dâu tây
Dâu tây là loại trái cây rất giàu Vitamin C và chất chống oxy hóa.
Vitamin C là chất quan trọng thiết yếu đối với cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Nó cũng giúp làm lành các vết loét, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do oxy hóa và hỗ trợ hồi phục niêm mạc dạ dày.
Bên cạnh đó, dâu tây còn cung cấp anthocyanins và ellagic acid là các chất chống oxy hóa có khả năng kháng viêm và hỗ trợ làm dịu các triệu chứng đau bụng do chảy máu dạ dày.
9. Quả mâm xôi
Quả mâm xôi chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như anthocyanins, quercetin, và ellagic acid. Những hợp chất này giúp giảm viêm, giảm đau do chảy máu dạ dày, hỗ trợ quá trình hồi phục và cải thiện sức khỏe tiêu hóa tổng thể.
Bên cạnh đó, quả mâm xôi còn rất giàu chất xơ hòa tan, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón.
Lưu ý khi ăn hoa quả cho người bị chảy máu dạ dày
Tránh các loại trái cây có hàm lượng axit cao
Bệnh nhân bị chảy máu dạ dày nên hạn chế tối đa sử dụng các loại trái cây có tính acid cao. Bởi lẽ, các loại quả này có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là vùng niêm mạc đang bị tổn thương, gây đau cho người bệnh.
Có thể kể đến một số quả cần tránh như cam, chanh, kiwi…
Không ăn trái cây khi đói
Hầu hết các loại trái cây đều có chứa một lượng acid nhất định. Vì thế khi bạn ăn trái cây, đặc biệt vào lúc đói có thể làm tăng nồng độ acid trong dạ dày, gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau xót. Thay vào đó, bạn nên ăn trái cây sau bữa chính hoặc kết hợp với các thực phẩm khác như sữa tươi để giảm tác động đến dạ dày.
Tránh ăn trái cây chế biến sẵn, nhiều đường hoặc chất bảo quản
Một số loại trái cây chế biến sẵn như nước ép đóng hộp hay hoa quả sấy khô thường có rất nhiều đường và chất bảo quản. Đối với người bệnh chảy máu dạ dày, các chất này có thể gây kích ứng, gây đau, làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Ăn với lượng vừa phải và theo dõi phản ứng cơ thể
Chế độ ăn uống cân bằng luôn đem lại lợi ích cho cơ thể. Do vậy, bạn chỉ nên ăn trái cây với số lượng vừa phải và chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể. Tránh tiêu thụ quá nhiều trái cây có thể dẫn đến sự tích tụ acid hoặc chất xơ, dẫn đến chướng bụng, đầy hơi, dạ dày khó chịu hay các vấn đề tiêu hóa khác.
Chọn trái cây dễ tiêu hóa
Khi đang gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như chảy máu dạ dày, bạn nên ăn các loại trái cây mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như chuối, táo, và lê. Không nên ăn các loại trái cây cứng để tránh làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Lời kết
Như vậy, để nhanh chóng phục hồi tổn thương do chảy máu dạ dày, bạn cần lựa chọn và sử dụng trái cây đúng cách. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời cho vấn đề: Chảy máu dạ dày nên ăn gì? Hãy theo dõi phản ứng cơ thể và có chế độ ăn uống phù hợp để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình.