Rất nhiều người cho biết, họ đã từng nghe ở đâu đó về cách chữa đầy bụng bằng lá trầu không. Thế nhưng, sử dụng thế nào và mức độ hiệu quả ra sao thì không nhiều người nắm rõ. Nếu bạn cũng đang trong tình huống tương tự và muốn tìm hiểu về cách dùng lá trầu không chữa đầy bụng, hãy cùng chúng tôi theo dõi trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Tìm hiểu về lá trầu không
Trầu không còn được gọi là: trầu cay, thổ lâu đằng hay trầu lương, có tên khoa học là Piper betle, thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae. Theo các ghi chép, cây trầu không có nguồn gốc từ miền Trung và Đông Malaysia, được trồng và sử dụng từ khoảng 2.500 năm trước.
Trầu không là cây dây leo, thường mọc bám vào tường hoặc leo trên các loài cây khác. Lá trầu có hình tim, mọc so le trên thân. Mỗi lá thường có 5 gân nổi rõ trên bề mặt. Lá rộng khoảng 4.5 – 9cm, chiều dài từ 10 – 13cm. Cuống lá ngắn, có bẹ, dài khoảng 1.5 – 3.5mm. Khi đem lá soi dưới ánh sáng có thể quan sát thấy những túi chứa tinh dầu rất nhỏ, ngửi thấy mùi thơm đặc trưng.
Lá trầu không chứa nhiều tinh dầu với hàm lượng phenol cao, có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hoá và chống ung thư. Trong Y học cổ truyền Ấn Độ, lá trầu không được sử dụng để điều trị các chứng bệnh xuất tiết, bệnh phổi, thuốc súc miệng, đắp vết thương và điều trị hen suyễn.
Tại Việt Nam, trầu không được ứng dụng trong nhiều bài thuốc dân gian và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Một số công dụng nổi bật của lá trầu không phải kể đến như:
- Trị đau bụng, đầy bụng, sôi bụng, đầy hơi và ợ hơi.
- Dùng làm thuốc đắp hoặc nấu nước trị mụn nhọt, ghẻ ngứa và rôm sảy.
- Chế thành thuốc ngậm chữa đau răng, viêm chân răng có mủ.
- Nấu nước trị ngứa ngáy, viêm nhiễm vùng kín của phụ nữ.
Cách dùng lá trầu chữa đầy bụng
Lá trầu không là vị thuốc chữa đầy bụng khá thông dụng. Mỗi vùng miền lại có cách dùng thuốc khác nhau, phổ biến nhất là 3 cách dưới đây:
Ăn trực tiếp lá trầu không chữa đầy bụng
Nếu bạn là người bận rộn, không có nhiều thời gian cho những công đoạn chuẩn bị lích kích thì nhai sống lá trầu không là cách dùng phù hợp hơn cả. Bạn chỉ cần thực hiện như sau:
- Hái 2 lá trầu tươi, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút, vớt ra để ráo.
- Nhai trực tiếp lá trầu vào sau bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
- Thực hiện 2 – 3 lần/ tuần hoặc khi có cảm giác nặng bụng, đầy bụng, khó tiêu.
Lưu ý: Bạn nên chọn lá trầu không quá già sẽ có ít vị đắng hơn. Ngoài ra, bạn có thể nhai lá trầu cùng một vài hạt muối để giảm bớt mùi vị khó chịu.
Uống nước lá trầu không trị đầy bụng
Đun lá trầu không lấy nước là phương pháp đơn giản để chiết các hoạt chất trong lá trầu, tăng hiệu quả trị đầy hơi. Khi đun lên, nước lá trầu cũng giảm vị hắc và dễ sử dụng hơn. Cách thực hiện như sau:
- Lấy khoảng 5 lá trầu tươi rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng trong khoảng 15 phút, sau đó vớt ra để ráo.
- Vò nát lá trầu rồi cho vào ấm sạch, thêm khoảng 500ml nước lọc.
- Đặt ấm lên bếp, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa trong khoảng 15 phút.
- Tắt bếp, đợi nước nguội bớt thì rót ra cốc. Mỗi lần uống khoảng 100 – 150ml vào sau bữa ăn trưa khoảng 1 tiếng.
- Mỗi đợt uống nên kéo dài khoảng 3 – 5 ngày hoặc khi tình trạng đầy bụng được khắc phục.
Đắp lá trầu lên bụng giảm đầy bụng
Tác dụng chữa đầy bụng khi đắp lá trầu không được lý giải như sau: Tinh dầu của lá trầu gây nóng da, làm giãn nở lỗ chân lông, tạo điều kiện cho các hoạt chất thẩm thấu vào trong cơ thể. Nhờ vậy, đắp lá trầu giúp tăng cường tuần hoàn máu đến vùng bụng, kích thích quá trình tiêu hoá thức ăn, giảm nhẹ tình trạng chướng bụng.
Cách đắp lá trầu trị đầy bụng như sau:
- Chuẩn bị 5 – 10 lá trầu không, rửa sạch và ngâm cùng nước muối khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Cho lá trầu vào trong cối, giã nát và thêm vài hạt muối biển. Hoặc, bạn cũng có thể xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
- Gói lá trầu đã giã nát vào một miếng vải mỏng rồi đắp lên vùng bụng, kết hợp xoa tròn nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ để tăng hiệu quả điều hoà nhu động ruột.
- Bạn nên áp dụng cách này vào sau bữa ăn khoảng 1 – 2 tiếng. Thực hiện 2 – 3 lần/ tuần hoặc khi có cảm giác chướng bụng.
Mẹo chữa đầy bụng bằng lá trầu có thật sự hiệu quả?
Theo Y học cổ truyền, lá trầu không là dược liệu có vị cay nồng, thơm gắt, tính ấm, quy vào 3 kinh: phế, tỳ và vị. Công năng chính của lá trầu là trừ hàn, hạ khí, tiêm viêm và sát khuẩn. Trong đó, tác dụng trị hàn, hạ khí giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hoá, dẫn khí dư trong dạ dày và ruột ra ngoài cơ thể, qua đó khắc phục tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Lá trầu không có khả năng chống co thắt cơ trơn, ngăn nhu động ruột tăng quá mức. Tác dụng này làm giảm nhẹ cơn đau quặn thắt ở vùng bụng, hỗ trợ quá trình hấp thu thức ăn và cải thiện tình trạng tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nát. Ngoài ra, lá trầu không cũng ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh tại đường ruột, qua đó hỗ trợ điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn tiêu hoá, ngăn đau bụng tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh hiệu quả trị đầy bụng của lá trầu không. Vậy nên, cách chữa này mặc dù được lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng vẫn có nhiều người tỏ ra nghi ngờ, thiếu tin tưởng.
Trên thực tế, một số người đã giảm đầy bụng sau khi áp dụng cách chữa từ lá trầu không. Tuy nhiên, những người này thường thực hiện song song với việc điều chỉnh chế độ ăn, thay đổi sinh hoạt, áp dụng cùng các mẹo dân gian khác, hay thậm chí là uống cùng thuốc điều trị. Vì vậy, không thể khẳng định hiệu quả chữa đầy bụng hoàn toàn là từ lá trầu.
Bên cạnh đó, có không ít người cũng thử dùng lá trầu không nhưng cảm giác nặng bụng vẫn không cải thiện. Kết quả này có thể đến từ nhiều nguyên nhân nhân như:
- Tình trạng đầy bụng nghiêm trọng nên hoạt lực của lá trầu không không đủ mạnh để tạo ra hiệu quả điều trị.
- Người dùng áp dụng sai cách, dùng không đủ lượng hoặc không dùng đủ thời gian để tạo ra hiệu quả.
- Cơ địa của người bệnh không phù hợp với cách chữa từ lá trầu không.
Như vậy, chữa đầy bụng bằng lá trầu không vẫn chỉ là một phương pháp được truyền miệng, chưa được kiểm chứng bởi khoa học và hiệu quả của nó không ph. Việc áp dụng phương pháp này phụ thuộc phần lớn vào quan điểm của mỗi người. Trong trường hợp đầy bụng nhẹ do rối loạn tiêu hoá thông thường, bạn có thể thử áp dụng cách chữa này và kết hợp điều chỉnh chế độ ăn, thói quen sinh hoạt.
Ngược lại, nếu tình trạng đầy bụng nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài mà không rõ nguyên nhân hoặc xuất phát từ những bệnh lý tiêu hoá như: trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích,… bạn nên thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn, tránh để bệnh tiến triển nặng.
Một số lưu ý khi dùng lá trầu không trị đầy bụng
Lá trầu không là cây thuốc tương đối an toàn, lành tính. Tuy nhiên, bạn cần chú ý một số điều sau khi chữa đầy bụng bằng vị dược liệu này:
- Không dùng lá trầu không chữa đầy bụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi hoạt chất camphor và menthol trong lá có thể thẩm thấu qua da, gây kích ứng, dị ứng và nghiêm trọng hơn là gây viêm phổi.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh, người cao tuổi muốn sử dụng lá trầu không chữa đầy bụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Cần chọn lá trầu không còn tươi, mới hái và rửa sạch trước khi dùng để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
- Bạn có thể đắp lá trầu không lên bụng khi có vết xước nhỏ do gãi ngứa hoặc mụn nhọt. Tuy nhiên, nếu vết thương lớn, mưng mủ hoặc lở loét, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
- Lá trầu không có tính ấm, dễ gây nhiệt miệng, mẩn ngứa và mụn nhọt ở cho người có cơ địa nóng trong. Vậy nên, đối tượng này cần tránh dùng quá liều hướng dẫn.
- Nếu đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là bài viết giải đáp về cách chữa đầy bụng bằng lá trầu không. Mong rằng những chia sẻ này sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích để ứng phó với tình trạng chướng bụng, khó tiêu. Nếu cần được hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với chuyên gia qua hotline 1900 545 518 hoặc bấm kết nối Zalo ngay.