Đau dạ dày do stress là tình trạng phổ biến nhưng thường không được quan tâm đúng mức. Nhiều quan điểm cho rằng, đau dạ dày do stress là thể bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi khi tâm trạng tốt lên. Điều này khiến nhiều bệnh hoang mang tìm giải pháp khi cơn đau diễn biến xấu đi. Vậy, đau dạ dày do stress có nguy hiểm không? Khắc phục ra sao? Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ cùng bạn vấn đề này.
Mục lục
Vì sao stress gây đau dạ dày?
Stress hay căng thẳng được hiểu là những cảm xúc tiêu cực xuất phát từ những áp lực trong cuộc sống, công việc, môi trường xung quanh hay tâm lý “tự áp lực” từ bản thân người bệnh.
Nghiên cứu cho thấy, stress khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, gây rối loạn nhu động ruột, ảnh hưởng đến tốc độ tiêu hoá thức ăn. Ngoài ra, stress cũng làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày, ức chế tiết dịch tiêu hóa và giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Thời gian lưu trữ thức ăn tăng lên khiến người bệnh dễ gặp phải tình trạng khó tiêu, đầy chướng và đau tức bụng.
Bên cạnh đó, stress khiến mạch máu dưới niêm mạc bị giãn ra, tế bào niêm mạc dạ dày tăng thoát dịch, dẫn đến tăng nguy cơ viêm và nhiễm trùng. Điều này lý giải vì sao những người thường xuyên stress dễ bị viêm loét dạ dày và nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori.
Mặt khác, tâm lý căng thẳng kéo dài khiến hệ thần kinh trung ương bị kích thích. Quá trình này gián tiếp tác động đến chức năng của hệ thần kinh ruột (hay thần kinh phế vị) khiến dạ dày tăng tiết acid. Acid dư thừa có thể bào mòn lớp nhầy, tấn công lên niêm mạc dạ dày gây tổn thương viêm, loét. Tuỳ vào mức độ tổn thương mà người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: đau âm ỉ, đau nhói, đau dữ dội ở vùng bụng dạ dày.
Đau dạ dày do stress thường xảy ra ở những đối tượng sau:
- Người có cường độ công việc cao, thường xuyên bị áp lực như: nhân viên bán hàng, giáo viên, bác sĩ, học sinh, lái xe,….
- Người bị chấn thương tâm lý do biến cố gia đình, công việc, tai nạn, cuộc sống.
- Người bị căng thẳng do điều kiện môi trường sống và làm việc như: ô nhiễm tiếng ồn, điều kiện sống thiếu an toàn, quá đông đúc,….
- Người mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như: bị bệnh hiểm nghèo, chấn thương cơ thể nghiêm trọng, thiếu ngủ, suy dinh dưỡng,…
Đau dạ dày do stress có nguy hiểm không?
Đau dạ dày do stress có thể nguy hiểm hoặc không. Đa số trường hợp, bệnh thường diễn biến từ từ. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chỉ bị đau dạ dày do rối loạn nhu động hoặc chứng khó tiêu. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Tình trạng này khiến người bệnh khó chịu nhưng đa số có thể tự khỏi nếu người bệnh ăn uống, sinh hoạt khoa học và cải thiện stress.
☛ Tìm hiểu: Mẹo chữa đau thượng vị dạ dày giảm nhanh sau 5 phút
Tuy nhiên, người bệnh stress nặng nề trong thời gian dài có thể khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương do các yếu tố như: acid bào mòn, giảm tưới máu niêm mạc và nhiễm khuẩn HP. Ở giai đoạn này, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, đau dạ do stress có thể gây nguy hiểm cho người bệnh khi tiến triển thành biến chứng như: xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày.
Nghiên cứu chỉ ra, sốc tâm lý hoặc cơ thể căng thẳng sinh lý quá mức có thể gây ra các tổn thương loét cấp tính dẫn đến xuất huyết tiêu hoá. Biểu hiện của tình trạng này bao gồm: nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân lẫn máu.
Có thể thấy, diễn biến của đau dạ dày do stress và đau dạ dày do nguyên khác khá tương đồng với nhau. Các triệu chứng ban đầu chỉ nhẹ nhàng, mờ nhạt rồi tăng dần về cả mức độ và tần suất xuất hiện. Tổn thương trên niêm mạc dạ dày cũng biến biến theo chiều hướng tăng dần từ nhẹ đến nặng và tiến triển thành biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Vì những lý do trên, người bệnh tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan khi bị đau dạ dày do stress. Mặt khác, biểu hiện của cơn đau không phải là tiêu chuẩn đánh giá tổn thương trên niêm mạc dạ dày. Do đó, người bệnh nên tự ý điều trị tại nhà mà cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn phác đồ phù hợp.
Mẹo giảm nhanh cơn đau dạ dày do stress
Đau dạ dày do stress khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Do đó, áp dụng biện pháp giảm đau là mong muốn chính đáng của mỗi người bệnh. Dưới đây là một số mẹo giúp cải thiện cơn đau nhanh để bạn đọc tham khảo:
Uống nước ấm
Uống nước giúp “pha loãng” acid trong dạ dày. Nhờ đó, hạn chế tình trạng acid tấn công vào niêm mạc dạ dày, giảm triệu chứng: đau, nóng rát dạ dày. Mặt khác, nhiệt độ ấm của nước cũng làm tăng cường tuần hoàn máu, thư giãn cơ trơn, qua đó hạn chế tình trạng co thắt, căng cứng ở dạ dày.
Vậy nên, khi bị đau dạ dày do stress, bạn có thể:
- Uống khoảng 100 – 150ml nước ấm khoảng 40 – 45 độ C
- Nên uống từng ngụm nhỏ để giảm áp lực khi nuốt xuống.
Lưu ý: Không nên uống quá 200ml nước/ lần hoặc uống nước quá nóng vì có thể làm tăng áp lực hoặc gây kích thích lên dạ dày.
Uống baking Soda
Baking Soda là một loại phụ gia được sử dụng phổ biến trong nhà bếp. Thành phần chính của baking soda là một loại muối kiềm (NaHCO3). Khi vào trong dạ dày, chất này tạo phản ứng trung hoà với acid dư thừa, hạn chế ảnh hưởng của acid lên niêm mạc, qua đó cải thiện triệu chứng đau rát khó chịu.
Phản ứng này trực tiếp làm giảm nồng độ acid dạ dày, qua đó giảm nhanh triệu chứng đau, nóng rát dạ dày do tăng acid gây ra. Cách sử dụng như sau:
- Pha nửa thìa cà phê baking soda cùng 150ml nước.
- Khuấy cho baking soda tan hoàn toàn.
- Uống khi bị đau.
Mặc dù cải thiện triệu chứng đau dạ dày rất tốt nhưng việc sử dụng quá nhiều baking soda có thể gây: kiềm hoá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn – nhiễm nấm dạ dày, suy thận, mòn răng, đau nhức đầu, loãng xương. Vì vậy, người bệnh không nên lạm dụng thường xuyên.
Massage bụng
Massage bụng là liệu pháp vật lý dùng lực tác động trên vùng bụng giúp điều hoà nhu động tiêu hóa, tăng tốc độ tháo rỗng thức ăn, từ đó cải thiện triệu chứng đau thắt, đau quặn bụng, khó tiêu, đầy hơi.
Ngoài ra, động tác massage cùng làm thư giãn cơ vùng bụng và cơ hoành, giảm tình trạng căng cứng bụng. Cách massage như sau:
- Xoa hai tay vào nhau đến khi lòng bàn tay nóng lên.
- Đặt hai lòng bàn tay ở vùng bụng quanh rốn và massage tròn theo chiều kim đồng hồ khoảng 5 – 7 phút.
- Tiếp tục dùng các đầu ngón tay đặt ở vùng thượng vị (dưới xương ức), ấn nhẹ rồi day tròn đều theo chiều kim đồng hồ khoảng 3 – 5 phút.
- Có thể kết hợp cùng các loại tinh dầu như: tinh dầu quế, tinh dầu tiểu hồi, tinh dầu đinh hương,… để massage dễ dàng và tăng hiệu quả giảm đau.
Lưu ý: Khi massage tránh ấn quá mạnh vì có thể tạo sức ép lên dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược. Bạn cũng không nên massage quá 30 phút mỗi lần vì có thể ảnh hưởng đến nhu động tiêu hoá.
Chườm ấm
Chườm ấm là liệu pháp dùng nhiệt giảm đau. Nhiệt độ cao gây giãn cơ trơn từ đó giảm nhẹ triệu chứng đau thắt, đau căng cứng ở vùng bụng hiệu quả. Mặt khác, chườm ấm cũng làm tăng lưu lượng máu đến vùng bụng, hỗ trợ hoạt động tiêu hoá tại dạ dày hiệu quả hơn.
Cách chườm ấm giảm đau dạ dày do stress như sau:
- Cho nước ấm khoảng 50 độ C vào một túi chườm chuyên dụng hoặc chai nhựa.
- Đặt túi chườm lên vùng bụng bị đau, di chuyển qua lại giữa các vị trí trong khoảng 10 – 15 phút.
Lưu ý: Tránh dùng nước ấm trên 70 độ C vì có thể gây cảm giác bỏng rát da. Ngoài cách chườm, bạn có thể ngâm mình với nước ấm khoảng 10 – 15 phút cũng cho hiệu quả tương tự.
Dùng nước chè dây
Cây chè dây còn được gọi là thau rả hay thau dả, là cây thuốc chữa dạ dày quen thuộc ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Năm 1995, một nghiên cứu của Phó Tiến sĩ Vũ Nam – Đại học Y Hà Nội đã chỉ ra, cây chè dây có khả năng trung hòa acid dạ dày tương tự như các thuốc antacid, giảm nhanh triệu chứng đau dạ dày, đau thượng vị.
Ngoài ra, cây chè dây cũng được chứng minh có khả năng chống viêm, làm lành vết loét và tiêu diệt vi khuẩn HP hiệu quả.
Cách sử dụng chè dây như sau:
- Lấy khoảng 10 – 15g chè dây khô đã sao vàng.
- Cho chè dây vào ấm nhỏ, tráng qua với nước sôi.
Thêm 100ml nước sôi, ủ trà trong khoảng 15 phút. - Rót lấy phần nước trà, uống khi còn ấm.
Lưu ý: Liều dùng được khuyến cáo của chè dây là 70g/ ngày. Người bệnh không nên dùng quá liều lượng này để tránh gặp phải tác dụng phụ như: rối loạn chức năng gan, vàng da, vàng mắt và mệt mỏi cơ thể.
Khi nào đau dạ dày do stress cần can thiệp y tế?
Nhiều người cho rằng, đau dạ dày do stress có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Quan điểm này chưa đúng, nhất là khi tình trạng đau dạ dày do stress tái đi tái lại nhiều lần. Nêu không được thăm khám và xử trí kịp thời, người bệnh có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm.
Vậy, khi nào đau dạ dày do stress cần can thiệp y tế? Điều này sẽ được bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và xác nhận tình trạng của người bệnh. Những bệnh nhân có biểu hiện mờ nhạt và chưa có tổn thương trên niêm mạc dạ dày có thể không cần sử dụng thuốc điều trị. Trong khi đó, những trường hợp bị viêm, loét dạ dày hoặc các triệu chứng nặng nề cần có phác đồ chữa trị riêng.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý một số dấu hiệu cho thấy đau dạ dày do stress cần được thăm khám ngay như:
- Cơn đau dữ dội, kéo dài trên 10 phút, kèm theo cảm giác cứng bụng, mạch nhanh, đổ mồ hôi lạnh.
- Người bệnh nôn nhiều, dịch nôn lẫn máu.
- Người bệnh đi ngoài phân đen hoặc phân có lẫn máu.
- Triệu chứng đau không giảm nhẹ, thậm chí tăng lên dù người bệnh đang điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Cơ thể mệt mỏi, xanh xao, chán ăn và sút quá 10% trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân.
Những dấu hiệu trên có thể cảnh báo tình trạng đau dạ dày đang chuyển biến xấu đi hoặc có nguy cơ tiến triển thành biến chứng. Người bệnh nên thăm khám sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.
☛ Tìm hiểu: Xuất huyết dạ dày nằm viện bao lâu và biện pháp điều trị?
Phương pháp điều trị đau dạ dày do stress
Phác đồ điều trị đau dạ dày do stress cần giải quyết được đồng thời hai vấn đề của người bệnh gồm: đau dạ dày và stress. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng:
Điều trị stress
Đau dạ dày có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị stress quá mức và cần có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát tình trạng này. Để kiểm soát stress, người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ sống kết hợp với trị liệu tâm lý hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều chỉnh chế độ sống
Stress có thể đến từ áp lực tâm lý, môi trường sống và sự suy kiệt về mặt thể chất. Do đó, việc đầu tiên người bệnh cần làm là phân chia thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi của bản thân. Ưu tiên thời gian để cơ thể tĩnh dưỡng và hồi phục. Những lưu ý cụ thể bao gồm:
- Ngủ sớm và đủ giấc: Đây là thời gian quan trọng để cơ thể thả lỏng hoàn toàn, phục hồi cả về mặt thể chất và tinh thần. Do đó, hãy đảm bảo ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày và nên ngủ trước 23h00.
- Ăn uống lành mạnh: Phối hợp thực phẩm để cung cấp đầy đủ nhóm chất cần thiết cho cơ thể. Ưu tiên tự chế biến hơn sử dụng thức ăn công nghiệp. Việc này giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để “tu sửa” cơ thể.
- Nghỉ ngơi: Hãy dành thời gian để tập hít thở, giải lao, đi dạo hoặc làm bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy tĩnh tâm và thoải mái mỗi ngày. Đây là “liều thuốc” vô cùng quan trọng để chữa lành tâm lý căng thẳng.
- Tập thể dục: Dành khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục là cách kích thích cơ thể giải phóng endorphin – hormone hạnh phúc, kích hoạt cảm giác tích cực trong cơ thể.
- Yêu bản thân: Hãy từ chối những việc làm khiến bạn mệt mỏi hoặc không có khả năng thực hiện. Thay vào đó, hãy bồi đắp những việc mà bạn yêu thích. Điều này giúp bạn tránh được cảm giác căng thẳng kéo dài.
Trị liệu tâm lý
Trong một vài trường hợp, người bệnh không thể tự kiểm soát cảm giác lo âu, căng thẳng, thậm chí có xu hướng thay đổi hành vi, trí nhớ do stress, hãy đến gặp các chuyên gia tâm lý. Tuỳ vào mức độ stress mà bác sĩ có thể chỉ định một số hình thức trị liệu như:
- Liệu pháp hành vi nhận thức: Thông qua trò chuyện giúp người bệnh xác định và thay đổi các kiểu suy nghĩ tiêu cực.
- Liệu pháp chánh niệm: Hướng dẫn người bệnh sử dụng thiền định và chánh niệm để cải thiện tâm lý căng thẳng của mình.
Dùng thuốc
Những người bệnh stress quá mức có thể được kê một số loại thuốc nhằm hỗ trợ giấc ngủ và giảm cảm giác lo âu, điển hình như:
- Thuốc SSRIs: Giúp tăng cường hormone serotonin trong não, qua đó cải thiện tín hiệu thần kinh và giảm triệu chứng căng thẳng lo âu. Thường gặp như: citalopram, paroxetine, fluoxetine, escitalopram, fluvoxamine,…
- Thuốc an thần: Làm dịu thần kinh, tạo cảm giác buồn ngủ, giúp người bệnh có giấc ngủ ngon hơ. Các hoạt chất thường dùng gồm: alprazolam, clonazepam, diazepam, bromazepam, zopiclone,…
- Thuốc chẹn beta: Cải thiện các triệu chứng như: tăng nhịp tim, đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, run rẩy xuất hiện khi stress quá mức. Hoạt chất thường dùng như: propranolol, bisoprolol, metoprolol,…
- Thuốc SNRIs: Có tác dụng tăng nồng độ serotonin và norepinephrine trong não, qua đó giảm nhẹ cảm giác lo âu, căng thẳng. Hoạt chất điển hình của nhóm này gồm: duloxetine và venlafaxine.
Lưu ý: Tất cả các thuốc điều trị stress đều là thuốc kê đơn, có khả năng gây phụ thuộc hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng lên cơ thể và tâm lý người dùng. Do đó, bệnh nhân không tự ý mua thuốc mà chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Điều trị đau dạ dày
Phác đồ điều trị đau dạ dày do stress cần dựa trên mức độ tổn thương niêm mạc dạ dày và các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.
Dùng thuốc điều trị dạ dày
Đa số người bệnh đều được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Dựa vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể kết hợp một số loại thuốc dưới đây:
- Thuốc antacid: Có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh triệu chứng đau rát khó chịu. HOạt chất thường dùng gồm: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd và canxi cacbonat.
- Thuốc kháng histamin H2: Ức chế sản xuất acid dạ dày của tế bào ở dạ dày. Thuốc được chỉ định điều trị chứng khó tiêu, loét dạ dày và trào ngược dạ dày. Hoạt chất thường gặp như: Cimetidin, ranitidin, famotidin,..
- Thuốc ức chế bơm Proton (PPI): Là thuốc ức chế tiết acid mạnh nhất, được chỉ định cho các trường hợp loét dạ dày thực quản. Hoạt chất thường dùng như: omeprazole, lansoprazole, esomeprazole, pantoprazole,…
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Những thuốc này có tác dụng tạo thành lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của acid. Thành phần thuốc thường gồm: bismuth, sucralfat, misoprostol.
☛ Tìm hiểu: Chảy máu dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị!
Phẫu thuật
Phẫu thuật dạ dày được chỉ định cho các trường hợp viêm loét dạ dày kéo dài trên 2 năm và không đáp ứng với các thuốc điều trị. Ngoài ra, những trường hợp biến chứng như: thủng dạ dày, hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hoá, ung thư hoá cũng được chỉ định phẫu thuật để điều trị.
Tuỳ vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp nội soi hoặc phẫu thuật mở để loại bỏ một phần dạ dày chứa tổn thương. Thời gian phẫu thuật có thể kéo dài từ 1- 10 tiếng. Sau phẫu thuật, người bệnh cần theo dõi tại bệnh viện từ 5 – 7 ngày hoặc dài hơn trước khi xuất viện.
Trên đây là bài viết giải đáp vấn đề: Đau dạ dày do stress có nguy hiểm không và cách khắc phục. Mong rằng những thông tin này đã đem đến kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Nếu cần tư vấn kỹ hơn, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.