Đau thượng vị dạ dày có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Điều đáng nói là không phải lúc nào người bệnh cũng có thể dùng thuốc giảm đau, nhất là ở khoảng thời gian giữa các lần dùng thuốc. Lúc này, việc áp dụng mẹo giúp giảm đau nhanh, dễ thực hiện được cho là lựa chọn phù hợp và an toàn nhất.
Mục lục
Nguyên nhân đau thượng vị dạ dày
Đau thượng vị dạ dày được mô tả là cảm giác đau ở vùng giữa ngực, dưới xương ức (mỏ ác). Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ dai dẳng, đau dữ dội hoặc đau nhói từng điểm. Đôi khi, cơn đau lan thượng vị xuyên ra phía sau lưng. Tuỳ vào trường hợp cụ thể mà cơn đau thượng vị có thể đi kèm cùng các triệu chứng khác như: nóng rát dạ dày lan dọc theo thực quản, cảm giác khó thở hay tim đập thình thịch.
Nguyên nhân đau thượng vị chủ yếu là do sự ăn mòn của acid dạ dày. Tình trạng này xảy ra do dạ dày tăng tiết acid quá mức. Lượng acid dư thừa có thể ăn mòn lớp chất nhầy và tấn công vào niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, ngay lập tức gây tổn đau rát hoặc viêm trên niêm mạc thực quản. Đây là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau âm ỉ, đau dữ dội hoặc đau nhói thượng vị dạ dày.
Ngoài ra, ở những người bệnh còn có thể bị đau thượng vị bởi tăng áp lực dạ dày. Tình trạng này thường do người bệnh ăn quá nhiều, ăn thực phẩm khó tiêu hoặc những thực phẩm dễ sinh hơi, sinh khí khi tiêu hoá. Cơn đau thượng vị do tăng áp lực dạ dày thường là đau tức, căng cứng ở vùng ngực.
Một nguyên nhân khác cũng gây đau thượng vị là tình trạng rối loạn nhu động dạ dày – thực quản. Thay vì những chuyển động mềm mại kiểu gợn sóng đẩy thức ăn xuống phía dưới, nhu động dạ dày bị rối loạn lên – xuống, nhanh – chậm. Tình trạng này có thể khiến người bệnh gặp phải cơn đau thắt, đau quặn kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
7 mẹo chữa đau dạ dày thượng vị
Để giảm nhanh triệu chứng đau dạ dày thượng vị, những mẹo áp dụng thường tạo ra các tác động như: giảm nồng độ acid dạ dày, giảm áp lực dạ dày và điều hoà nhu động dạ dày thực quản. Dưới đây là 7 phương pháp giảm đau hiệu quả và dễ thực hiện:
1. Uống nước ấm
Uống nước ấm là cách đơn giản nhất để giảm nhanh triệu chứng đau rát, đau âm ỉ hay đau nhói dạ dày thượng vị. Sau khi uống nước acid trào ngược lên thực quản sẽ được đưa trở lại dạ dày. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm nước cũng giúp pha loãng nồng độ acid trong dạ dày.
Những cơn đau thắt hoặc căng tức thượng vị cũng sẽ được làm dịu bớt bởi nước ấm có tác dụng làm giãn cơ trơn. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn cần uống nước như sau:
- Uống nước ở nhiệt độ khoảng 40 – 45 độ C.
- Chỉ nên uống khoảng 100 – 150ml, không vượt quá 200ml.
- Uống thành từng ngụm nhỏ, chậm rãi.
2. Ăn bánh mì
Ăn bánh mì giống như cách bạn đưa một “miếng thấm hút” vào trong dạ dày, giúp hút bớt lượng acid dư thừa. Ngay sau đó, acid sẽ tham gia tiêu hoá bánh mì thay vì tấn công vào niêm mạc dạ dày thực quản. Nhờ vậy, người bệnh sẽ giảm được tình trạng đau, nóng rát hoặc trào ngược acid.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều sau khi ăn bánh mì:
- Chỉ nên ăn một miếng bánh mì bằng khoảng lòng bàn tay, tránh ăn quá nhiều vì có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid.
- Ưu tiên ăn phần ruột vì khả năng hút dịch vị tốt hơn.
- Hạn chế ăn phần vỏ vì có nhiều đường sẽ kích thích dạ dày tăng tiết acid.
3. Uống Baking Soda
Thành phần của baking soda là NaHCO3 – Một chất có khả năng tạo thành dung dịch kiềm khi hoà tan trong nước. Khi uống baking soda vào dạ dày sẽ tạo ra phản ứng trung hoà: NaHCO3 + HCl –> NaCl + H2O +CO2, làm giảm nồng độ acid và làm dịu nhanh cơn đau do acid gây ra.
Cách dùng baking soda giảm đau dạ dày như sau:
- Hoà tan nửa muỗng cà phê bột baking soda vào khoảng 150ml nước lọc.
- Uống ngay khi bị đau dạ dày.
Mặc dù giảm đau dạ dày thượng vị hiệu quả nhưng việc sử dụng baking soda liên tục không được khuyến khích. Nguyên nhân là lạm dụng baking soda có thể gây kiềm hoá dạ dày, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm tiêu hoá. Mặt khác, dung dịch này có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp, bào mòn men răng, làm hạ canxi huyết dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xương khớp.
4. Uống nước gừng
Trong củ gừng chứa hợp chất zingerone có tác dụng ức chế chuyển động co bóp tự phát và giảm nhu động ở đại tràng, giảm co thắt, qua đó giảm tình trạng buồn nôn, hạn chế trào ngược acid dạ dày dày. Thành phần gingerol có tác dụng chống viêm, cải thiện các vết viêm loét trên niêm mạc dạ dày, thực quản, qua đó làm giảm triệu chứng đau rát, đau âm ỉ.
Ngoài ra, thành phần shogaol và gingerol có tác dụng tăng cường nhu động ruột, giúp tăng tốc độ tháo rỗng thức ăn trong dạ dày, qua đó giảm áp lực dạ dày và giảm cơn đau tức vùng thượng vị. Cách sử dụng gừng để giảm đau như sau:
- Rửa sạch củ gừng tươi, sau đó cắt lấy 2 – 3 lát, bỏ vào cốc.
- Chế thêm khoảng 100ml nước sôi, đậy cốc và ủ trong khoảng 5 phút.
- Uống từng ngụm nhỏ khi trà còn ấm.
Mặc dù tốt cho tiêu hoá nhưng củ gừng có vị cay nóng, có thể kích thích dạ dày tiết acid. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng khoảng 3 – 4g chiết xuất gừng mỗi ngày. Tránh dùng quá nhiều vì có thể tăng cảm giác nóng rát, ợ hơi ở người trào ngược.
5. Uống trà hoa cúc
Hoa cúc được sử dụng để làm trà giảm đau thượng vị dạ dày là loài cúc la mã. Hợp chất polyphenol trong loài hoa này có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giảm tình trạng buồn nôn và giảm triệu chứng đau quặn, đau thắt vùng thượng vị dạ dày.
Ngoài ra, trong hoa cúc chữa bisabolol và chamazulene có tác dụng chống viêm, giúp làm dịu đường tiêu hoá, giảm triệu chứng đau thượng vị dạ dày do acid ăn mòn gây ra. Cách dùng trà hoa cúc như sau:
- Dùng một nắm nhỏ trà hoa cúc (khoảng 4 – 8g) cho vào cốc hoặc ấm nhỏ.
- Chế thêm khoảng 200ml nước mới đun sôi, ủ trà trong khoảng 10 phút.
- Uống từng ngụm nhỏ khi trà còn ấm.
Lưu ý: Trà hoa cúc có thể làm tăng hoạt động của thuốc chống đông máu, vì vậy, bạn không nên dùng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và những người dị ứng với các loài thảo mộc họ cúc không nên sử dụng loại trà này.
6. Uống nước lá dạ cẩm
Dạ cẩm là cây thuốc đã được Bệnh viện Lạng Sơn thực hiện nghiên cứu về tác dụng điều trị bệnh đau dạ dày. Kết quả lâm sàng cho thấy, cây thuốc này có khả năng làm lành vết loét, giúp giảm đau dạ dày thượng vị và cải thiện triệu chứng ợ chua.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Tiến sĩ Lại Quang Long – Đại học Dược Hà Nội cũng chỉ ra rằng, chiết xuất cây dạ cẩm có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm thể tích dịch vị, giảm nồng độ acid dạ dày và giảm chỉ số loét. Cách sử dụng dạ cẩm giảm đau thượng vị dạ dày như sau:
- Dùng khoảng 20g lá dạ cẩm đun sôi cùng 300ml nước trong khoảng 5 phút.
- Chắt lấy phần nước thuốc, chia làm 2 – 3 lần sử dụng trong ngày.
- Uống thuốc vào trước mỗi bữa hoặc khi có triệu chứng đau.
Lưu ý: Liều dùng khuyến cáo của dạ cẩm mỗi ngày là 10 – 25g dạng thuốc sắc, 20 – 30ml dạng bột tán và 60 – 90ml dạng cao lỏng. Người bệnh không nên tự ý vượt quá liều dùng để tránh gặp phải tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, nổi mẩn. Ngoài ra, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng không nên tự ý sử dụng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
7. Massage vùng thượng vị
Massage giảm đau thượng vị dạ dày là kỹ thuật trị liệu thông qua việc hỗ trợ điều hoà nhu động, giải phóng khí ứ trong dạ dày, giảm áp lực cho dạ dày và cải thiện cơn đau do co thắt dạ dày thực quản. Ngoài ra, khi nhu động dạ dày thực quản ổn định, hoạt động tiêu hoá diễn ra thuận lợi sẽ giảm áp lực cho dạ dày, giúp giảm triệu chứng đau tức thượng vị.
Dưới tác động của lực massage, các cơ vùng ngực được thư giãn, giảm tình trạng căng cứng vùng xương ức. Cách massage giảm đau thượng vị như sau:
- Người bệnh nằm ngửa, sau đó dùng tay xoa tròn 5 – 7 vòng theo chiều kim đồng hồ ở vị trí thượng vị để làm ấm vùng bụng.
- Dùng các ngón tay day nhẹ nhàng các cơ vùng ngực, di chuyển theo đường tròn để tác động vào các cơ thành ngực và bụng trong khoảng 3 – 5 phút.
- Tại điểm đau vùng thượng vị, dùng ngón tay cái ấn nhẹ và day tròn theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 2 – 3 phút.
Lưu ý: Trong quá trình massage không tạo lực ép mạnh lên vùng bụng, đặc biệt là vị trí hạ sườn trái. Động tác này có thể làm tăng áp lực dạ dày, thúc đẩy hiện tượng trào ngược và khiến cơn đau thượng vị nghiêm trọng hơn.
☛ Tham khảo: 7 cách bấm huyệt chữa đau thượng vị
Áp dụng mẹo chữa đau thượng vị có hiệu quả không?
Sử dụng mẹo là biện pháp hiệu quả để giảm đau thượng vị tạm thời nhưng lại không điều trị dứt điểm. Đa số những biện pháp này không giải quyết được căn nguyên gây bệnh. Vì vậy, tình trạng đau thượng vị vẫn sẽ tái diễn sau một thời gian.
Bên cạnh đó, tác dụng giảm đau của những mẹo này đa số đều chưa được nghiên cứu chứng minh, mức độ hiệu quả phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa. Có những người vừa áp dụng đã thấy hết đau hẳn nhưng cũng có bệnh nhân dùng mãi mà vẫn đau. Vì những lý do này, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng những mẹo giảm đau thay thế cho thuốc điều trị được bác sĩ kê đơn.
Cuối cùng, việc áp dụng mẹo giảm đau sai cách có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể. Vậy nên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để hạn chế tối đa rủi ro. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần ngưng dùng và thông báo cho bác sĩ điều trị.
Khi nào đau dạ dày thượng vị cần đi gặp bác sĩ?
Đau thương vị dạ dày mặc dù khó chịu nhưng thường không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, cơn đau dữ dội hoặc diễn biến phức tạp có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh của bạn trở nên nghiêm trọng và cần sự trợ giúp của bác sĩ.
- Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn cần gặp bác sĩ khi đau dạ dày thượng vị:
- Cơn đau dữ dội, cường độ đau tăng dần và không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau.
- Cơn đau kéo dài quá 3 ngày dù bạn vẫn uống thuốc điều trị đầy đủ.
- Đau xuất hiện kèm theo triệu chứng bất thường như: nôn, sốt cao, đổ mồ hôi đêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, ho ra mủ hoặc ngạt thở.
Mẹo giảm đau thượng vị dạ dày là biện pháp hiệu quả giúp bạn có chất lượng sống tốt hơn. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ, không thể thay thế phác đồ điều trị chính. Mong rằng những chia sẻ trong bài viết hôm nay đã đem lại cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích. Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.