Nhiều người bệnh trào ngược dạ dày đã sử dụng các loại trái cây như một giải pháp toàn diện cho hệ tiêu hoá: vừa giúp bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng, vừa giảm acid dạ dày hiệu quả. Trong nội dung hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc thông tin về những loại trái cây này.
Mục lục
Các loại trái cây giảm acid dạ dày hiệu quả
Đa số trường hợp, dạ dày tăng bài tiết acid khi hệ thần kinh bị kích thích, niêm mạc dạ dày bị kích ứng hoặc quá trình tiêu hóa trì trệ. Như vậy, bạn có thể lựa chọn những loại trái cây giảm acid dạ dày theo nhiều cơ chế khác nhau như: hấp thụ, trung hoà acid hoặc thúc đẩy hoạt động tiêu hoá. Những loại trái cây điển hình gồm:
1. Quả dừa
Quả dừa là lựa chọn lý tưởng cho người trào ngược dạ dày. Độ pH của nước dừa tươi dao động trong khoảng 6.0 – 6.5, tiệm cận với chỉ số pH trung tính. Bởi vậy, sử dụng nước dưa tươi có thể “kéo” độ pH dịch vị tăng lên, giảm tính acid và giảm tình trạng trào ngược dạ dày.
Mặt khác, nước dừa chứa hàm lượng lớn chất điện giải như: natri (105mg/ 100g), kali (250mg/100g) và magie (25mg/ 100g), có khả năng trung hòa acid dạ dày, giảm triệu chứng đau, nóng rát dạ dày – thực quản nhanh chóng. Một số lưu ý khi bạn sử dụng nước dừa như sau:
- Không nên uống quá 200ml nước dừa mỗi lần.
- Nên sử dụng nước dừa tươi và uống ngay sau khi bổ, tránh để nước dừa lên men sẽ làm tăng tính acid.
- Nên chọn nước từ quả dừa non vì hàm lượng vitamin, chất khoáng cao hơn dừa già.
2. Quả chuối
Chuối nổi bật với hàm lượng chất xơ hoà tan cao (khoảng 2.6g/100g), tốt cho hệ tiêu hoá. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu chất xơ giúp tăng lực thắt của cơ thắt thực quản dưới, giảm số lần trào ngược và giảm tần suất ợ nóng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản.
Mặt khác, trong quả chuối còn chứa hàm lượng lớn kali (358mg/ 100g) và magie (27mg/ 100g) có khả năng cân bằng độ pH dạ dày. Vì những lý do này, người bệnh trào ngược nên bổ sung chuối vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Tuy nhiên, bạn hãy chú ý những điều dưới đây khi ăn chuối:
- Chỉ nên ăn 1 – 2 quả chuối/ ngày để không dư kali.
- Chuối chứa nhiều kali nên bạn cần kiểm soát những thực phẩm khác để tránh tăng kali máu.
- Bệnh nhân tiểu đường cần tính toán lượng chuối phù hợp để tránh tăng đường huyết.
3. Dưa hấu
Dưa hấu chứa đến 91% là nước, có khả năng “pha loãng” acid dạ dày nhanh chóng. Mặt khác, dưa hấu cũng giàu chất khoáng như kali (112mg/ 100g) và magie (10mg/ 100g) cho tác dụng trung hòa acid dạ dày hiệu quả. Việc bổ sung dưa hấu vào thực đơn hàng ngày có thể giúp người trào ngược dạ dày cảm thấy dễ chịu hơn, giảm tình trạng nóng rát hay đau tức dạ dày – thực quản.
Ngoài ra, dưa hấu cũng chứa nhiều vitamin A, vitamin C và lycopene. Đây là các chất chống oxy hoá có tác dụng chống viêm, giúp giảm đau và hỗ trợ quá trình làm lành tổn thương hiệu quả. Khi ăn dưa hấu, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Dưa hấu có thể làm tăng nhanh đường huyết nên không thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường.
- Không nên ăn quá nhiều dưa hấu nếu bạn đang gặp các rối loạn về chức năng thận.
☛ Tham khảo: Trào ngược dạ dày có nên uống nước cam không?
4. Quả táo
Táo là một trong những loại quả tốt cho hệ tiêu hoá bởi hàm lượng chất xơ cao (2.4g/ 100g). Đáng chú ý, chất xơ trong quả táo tồn tại ở dạng pectin, không chỉ giúp giảm acid dạ dày mà còn hoạt động như một loại prebiotic – thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột.
Ngoài ra, quả táo cũng giàu kali (107mg/ 100g), canxi (6mg/ 100g) và magie (5mg/ 100g) góp phần giảm nồng độ acid dạ dày. Các hoạt chất oxy hóa trong quả táo như: polyphenol, flavonoid và vitamin C hỗ trợ hoạt động chống viêm, giúp làm lành tổn thương trên niêm mạc dạ dày thực quản. Một số lưu ý khi ăn táo gồm:
- Chỉ nên ăn khoảng 1 quả táo/ ngày vì ăn quá nhiều có thể gây tình trạng đầy bụng, chướng hơi.
- Chọn táo có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Táo chứa hàm lượng cao nên bệnh nhân đái tháo đường cần tính toán lượng ăn phù hợp.
- Những người bị viêm tụy hoặc dị ứng với táo không nên ăn loại quả này.
5. Đu đủ
Quả đu đủ là được sử dụng phổ biến trong chế độ ăn của người bệnh đau dạ dày. Nguyên nhân là do đu đủ chứa papain – một loại enzyme có khả năng phân huỷ protein, hỗ trợ quá trình tiêu hoá thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong đu giàu chất xơ (1.6g/ 100g) và chất khoáng: magie (21mg/ 100g), canxi (20mg/ 100g), kali (181mg/ 100g) giúp kiểm soát nồng độ acid dạ dày, giảm tình trạng nóng rát, ợ hơi, ợ chua hiệu quả.
Các hoạt chất chống oxy hóa trong quả đu đủ như: carotene, vitamin C, vitamin A giúp chống viêm và rút ngắn thời gian hồi phục tổn thương trên niêm mạc dạ dày thực quản. Thế nhưng, có một vài lưu ý cần tránh khi bạn ăn đu đủ như:
- Không nên ăn quá nhiều đu đủ vì có thể ứ đọng caroten gây vàng da.
- Không ăn hạt đu đủ vì chứa carpine có thể gây rối loạn mạch và suy nhược hệ thần kinh.
- Phụ nữ có thai nên hạn chế ăn đu đủ xanh vì có thể làm tăng co thắt tử cung.
6. Quả bơ
Quả bơ là một trong những trái cây “lành tính” nhất với hàm lượng đường thấp nhưng lại cung cấp năng lượng cao (160 calo/ 100g). Đáng chú ý, hàm lượng chất xơ trong 100g quả bơ lên tới 6.7g và độ pH trung tính xấp xỉ 7.0. Nhờ vậy, loại quả này giúp ổn định nồng độ acid dạ dày và thúc đẩy quá trình tiêu hoá diễn ra thuận lợi.
Trong 100g bơ chứa 14.7g chất béo không bão hoà, không chỉ tốt cho tiêu hoá mà còn ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacte Pylori – Nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, hàm lượng kali trong quả bơ rất cao, đạt 485mg/ 100g và hàm lượng natri đạt 7mg/ 100g góp phần trung hòa acid dạ dày, giảm tình trạng trào ngược. Bạn cần lưu ý một số điều sau khi ăn bơ:
- Chỉ nên ăn khoảng 1 quả bơ mỗi ngày vì dầu quả bơ chứa estragole và anethole có thể gây hại cho gan.
- Những người dị ứng với cao su có nguy cơ cao dị ứng với bơ, vì vậy hãy thận trọng nếu bạn thuộc nhóm này.
- Phụ nữ đang cho con bú không nên ăn quá nhiều bơ vì hàm lượng chất béo cao có thể khiến bé bị đi ngoài.
7. Quả lê
Quả lê là một loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều đặc tính giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày, đặc biệt là khả năng giảm axit dạ dày, nhờ vào:
- Chất xơ hòa tan và không hòa tan, trung bình khoảng 3-4g chất xơ trong mỗi quả. Chất xơ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, làm tăng khối lượng phân và cải thiện nhu động ruột. Khi chất xơ hấp thụ nước trong đường tiêu hóa, nó giúp giảm thiểu nguy cơ táo bón, hạn chế áp lực lên dạ dày và thực quản, từ đó giảm trào ngược.
- Nước: Lê chứa hơn 85% là nước, giúp cung cấp độ ẩm cho cơ thể và làm dịu niêm mạc dạ dày, hạn chế kích ứng do axit. Nước giúp làm loãng axit dạ dày, ngăn chặn tình trạng axit trào lên thực quản và làm giảm cảm giác nóng rát.
- Lê thuộc nhóm trái cây có tính kiềm nhẹ, giúp trung hòa môi trường axit trong dạ dày. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người bị trào ngược dạ dày vì khi dạ dày chứa quá nhiều axit, các triệu chứng như ợ nóng và buồn nôn sẽ xuất hiện. Lê giúp điều chỉnh độ pH trong dạ dày, từ đó làm giảm triệu chứng trào ngược.
- Cung cấp vitamin C, vitamin K, kali và các chất chống oxy hóa khác. Những chất này không chỉ giúp nâng cao hệ miễn dịch mà còn bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của axit.
- Chỉ số glycemic thấp, tức là khi ăn lê, lượng đường trong máu sẽ không tăng đột ngột. Điều này rất hữu ích cho hệ tiêu hóa vì khi lượng đường tăng nhanh, cơ thể có thể sản sinh nhiều axit hơn để tiêu hóa thức ăn, gây ra các vấn đề về trào ngược.
☛ Tham khảo thêm: Bệnh nhân trào ngược dạ dày ăn dứa, tốt hay không tốt?
Các loại trái cây gây kích ứng dạ dày cần tránh
Một vài loại trái cây có thể làm tăng nồng độ acid hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày. Nếu sử dụng thường xuyên hoặc với lượng lớn, các triệu chứng như: đau, nóng rát, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế những loại trái cây này:
Quả chanh: Độ pH khoảng 2 – 3, tiệm cận với pH của acid dạ dày. Vậy nên, sử dụng chanh thường xuyên có thể làm tăng nồng độ acid dạ dày, tăng kích ứng niêm mạc và kích thích cơn trào ngược dạ dày thực quản. Bạn có thể nêm một vài giọt chanh vào nước chấm nhưng không nên uống các loại nước từ chanh.
Quả hồng: Đặc biệt là những quả hồng chưa chín chứa lượng lớn tanin – một chất gây vị chát và làm săn se niêm mạc. Nếu cách vài ngày ăn một miếng hồng nhỏ có thể không tạo thành ảnh hưởng lớn nhưng ăn thường xuyên có thể khiến tanin kết tụ trong dạ dày. Điều này gây ra chứng chậm tiêu, tăng cảm giác chướng bụng, đầy hơi và dễ bị trào ngược.
Quả cà chua: Chứa nhiều acid malic và acid citric khiến làm tăng triệu chứng ợ nóng. Ngoài ra, trong cà chua cũng kích thích dạ dày tăng tiết acid. Điều này không có lợi cho người trào ngược. Tuy nhiên, cà chua lại rất giàu chất chống oxy hoá như: lycopene, vitamin A và vitamin C, có tác dụng bảo vệ tế bào, thúc đẩy làm lành tổn thương. Vì vậy, bạn có thể ăn 1 quả cà chua/ ngày, chú ý bỏ vỏ và hạt khi ăn.
Quả cóc: Có vị chua gắt, tính acid cao thường được ăn kèm cùng muối và ớt gây kích thích dạ dày tăng tiết acid, làm nặng thêm triệu chứng ợ nóng, đau rát dạ dày. Vì vậy, người bị trào ngược hay viêm loét dạ dày không nên ăn loại quả này.
Trên thực tế, việc loại bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế bất kỳ loại trái cây nào còn dựa trên yếu tố cơ địa của từng người bệnh. Có những bệnh nhân chỉ ăn một chút đã thấy khó chịu nhưng có những người vẫn cảm thấy thoải mái. Vì vậy, bạn nên sử dụng một sổ tay ghi chép khẩu phần ăn mỗi ngày và đánh dấu những loại gây khó chịu. Đây là cách hiệu quả nhất để biết bạn nên ăn gì và tránh ăn gì để tốt cho dạ dày.
☛ Tham khảo: Mẹo dùng quả sung chữa trào ngược dạ dày có hiệu quả không?
Cách ăn trái cây đúng để giảm acid dạ dày
Ăn trái cây sai cách hoặc sai thời điểm cũng có thể là yếu tố thúc đẩy dạ dày tăng tiết acid. Vậy nên, bạn cần lưu ý những điều sau:
Ăn trái cây cách bữa ăn 1 tiếng vì thời điểm này trong dạ dày không có nhiều thức ăn, nồng độ acid không quá cao. Vì vậy, ăn thêm trái cây lúc này sẽ không tạo thành gánh nặng tiêu hoá, tránh kích thích dạ dày tăng tiết acid.
Nên ăn trái cây tươi để giữ được nguyên vẹn chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm vitamin và chất chống oxy hoá. Không nên sử dụng các loại trái cây sấy khô, làm mứt, nước ép,… vì hàm lượng chất xơ thấp, hàm lượng đường cao khiến dạ dày tăng tiết acid.
Nhai kỹ khi ăn trái cây để các enzyme tiêu hoá và acid dạ dày được trộn lẫn tốt hơn, tăng cường hiệu quả tiêu hoá, hạn chế tình trạng đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn.
Ăn lượng trái cây tương đương dung tích dưới 200ml nhằm đảm bảo tốc độ tiêu hoá tốt nhất, tránh tạo thành áp lực cho dạ dày khi ăn bữa kế tiếp.
Trái cây cần được rửa sạch trước khi ăn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những loại quả ăn cả vỏ, bạn có thể cân nhắc dùng nước rửa trái cây chuyên dụng, ngâm nước muối và bảo quản trong các hộp riêng, tránh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, bạn nên chọn lựa trái cây theo mùa sẽ giảm được nguy cơ mua phải các loại quả chứa dư lượng thuốc trừ sâu. Bạn cũng không nên ăn những trái cây đã có dấu hiệu hư hỏng để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn tiêu hoá. Tất cả các loại trái cây nên được mua tại cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không sử dụng các loại hoá chất hoặc thuốc bảo quản có hại cho sức khỏe.
Trên đây là bài viết chia sẻ về các loại trái cây nên và không nên ăn khi bị tăng tiết acid, trào ngược dạ dày thực quản. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức để đối phó với tình trạng này. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp qua hotline: 1900 545 518.