Trào ngược dạ dày thực quản gây khó nuốt là tình trạng phổ biến nhưng không phải người bệnh nào cũng hiểu rõ. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo lắng, hoang mang, thậm chí nghi ngờ về phác đồ thuốc được bác sĩ kê đơn. Vậy vì sao trào ngược dạ dày lại gây khó nuốt và tình trạng này có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề này.
Mục lục
Vì sao dạ dày thực quản gây khó nuốt?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày gồm: acid, thức ăn và enzyme tiêu hoá bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Tình trạng này thường xảy ra khi cơ thắt thực quản suy yếu hoặc bị kích thích mở ra khi không có phản xạ nuốt thức ăn.
Niêm mạc thực quản và vùng hầu họng không có lớp chất nhầy bảo vệ giống như dạ dày. Vậy nên, khi trào ngược xảy ra, acid dạ dày dễ dàng gây kích ứng, thậm chí là ăn mòn lớp niêm mạc này. Khi đó, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng khó nuốt do những nguyên nhân dưới đây:
- Hẹp lòng thực quản: Do niêm mạc thực quản bị sưng, phù nề hoặc viêm loét. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau họng, nghẹn vướng ở họng hoặc đau tức dọc theo thực quản khi nuốt thức ăn.
- Rối loạn nhu động: Acid kích thích vào các đầu mút thần kinh trên niêm mạc làm rối loạn nhu động thực quản. Thay vì tạo ra các nhu động gợn sóng đẩy thức ăn xuống dạ dày, thực quản có hiện tượng co thắt hỗn loạn khiến người bệnh bị nghẹn khi ăn hoặc có cảm giác mắc kẹt ở phía sau xương ức.
Mức độ và tần suất khó nuốt thường tỷ lệ thuận với những cơn trào ngược dạ dày. Vậy nên, muốn khắc phục được tình trạng này, người bệnh nhất thiết phải điều trị tốt trào ngược dạ dày thực quản.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày gây nghẹn cổ họng
Trào ngược dạ dày thực quản gây khó nuốt có nguy hiểm không?
Khó nuốt là một trong những triệu chứng thường gặp trong bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Triệu chứng này không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người bệnh, cụ thể:
- Cản trở ăn uống: Cảm giác đau và nghẹn khiến nhiều người bệnh gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi.
- Suy nhược cơ thể: Triệu chứng khó nuốt khiến nhiều người mất cảm giác ngon miệng, tự giảm lượng ăn so với nhu cầu cơ thể. Lâu ngày, người bệnh bị thiếu năng lượng, thiếu dinh dưỡng dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Rối loạn giấc ngủ: Cảm giác đau tức, nghẹn cổ họng và mắc kẹt ở ngực thường nghiêm trọng hơn khi người bệnh nằm ngủ. Vì vậy, người bệnh thường khó ngủ, ngủ không sâu giấc và khó trở lại giấc sau khi thức dậy.
- Giảm hiệu quả công việc: Triệu chứng khó chịu khiến người bệnh khó tập trung, làm việc dễ bị ngắt quãng, không đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội phát triển tương lai.
- Ảnh hưởng tâm lý: Hạn chế về sức khỏe và sinh hoạt khiến người bệnh dễ nảy sinh tâm lý bức bối, buồn phiền, cáu gắt, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm.
Ngoài ra, triệu chứng nuốt khó nuốt do trào ngược dạ dày là dấu hiệu cảnh báo niêm mạc thực quản đang bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, các ổ viêm loét có thể trở thành sẹo, gây co rút niêm mạc dẫn đến biến chứng chít hẹp thực quản. Hẹp thực quản làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít phải, ngạt thở do thức ăn trào ngược lọt vào khí quản.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng viêm tái đi tái lại nhiều lần có thể khiến tế bào niêm mạc thực quản phát sinh biến đổi về hình thái, màu sắc. Lúc này, người bệnh có thể đối diện với biến chứng barrett thực quản hay thậm chí là ung thư thực quản.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: 5 biến chứng khó lường do trào ngược dạ dày gây ra
Nên làm gì khi bị khó nuốt do trào ngược dạ dày?
Điều trị giảm triệu chứng và giải quyết trào ngược dạ dày là việc làm thiết yếu hàng đầu khi người bệnh gặp phải triệu chứng khó nuốt. Tuỳ vào tình trạng cụ thể mà người bệnh có thể cần áp dụng những biện pháp dưới đây:
Dùng thuốc theo chỉ định
Sử dụng thuốc là biện pháp giúp kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày nhanh chóng và hiệu quả. Khi niêm mạc thực quản và hầu họng không còn bị acid tấn công, triệu chứng khó nuốt cũng dần được khắc phục. Một số thuốc thường dùng gồm:
Thuốc trung hòa acid: Có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh triệu chứng do trào ngược gây ra như: khó nuốt, đau dạ dày, nóng rát dạ dày – thực quản. Hoạt chất thường sử dụng gồm: canxi cacbonat, nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd,…
Thuốc bao niêm mạc: Có khả năng bao bọc ổ loét trên niêm mạc dạ dày thực quản. Nhờ vậy, giảm đau rát, giảm kích ứng gây tăng tiết acid và tạo điều kiện cho vết loét lành lại nhanh hơn. Thành phần của những thuốc này thường gồm: Sucralfate, Bismuth subcitrat.
Thuốc chẹn H2: Được sử dụng để ức chế dạ dày tăng tiết acid, phù hợp với người bệnh trào ngược mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc phát huy tác dụng tốt vào ban đêm nên thường được sử dụng trước khi đi ngủ. Hoạt chất thường dùng gồm: cimetidine, famotidine, ranitidine,….
Thuốc ức chế bơm Proton: Là thuốc ức chế tiết acid mạnh nhất, được kê cho trường hợp trào ngược dạ dày mức độ trung bình đến nặng hoặc có biến chứng. Hoạt chất phổ biến như: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole,…
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh chỉ uống thuốc sau khi đã thăm khám và được bác sĩ chỉ định.
Phẫu thuật
Những trường hợp khó nuốt do biến chứng chít hẹp thực quản, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật để mở rộng đường nuốt, cải thiện khả năng ăn uống cho người bệnh. Phương pháp thường áp dụng gồm:
Nong thực quản: Là thủ thuật đơn giản, hiệu quả, ít biến chứng và được áp dụng phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống mềm có gắn bóng ở đầu và đưa đến vị trí bị hẹp. Sau đó, bóng được bơm căng hơi để nong rộng lòng thực quản. Thủ thuật này được thực hiện nhiều lần để ngăn thực quản hẹp trở lại.
Đặt stent thực quản: Sau khi thực quản được nong rộng, bác sĩ có thể đặt một ống mỏng bằng kim loại hoặc nhựa có cấu trúc dạng lưỡi để duy trì độ rộng của lòng thực quản.
☛ Tìm hiểu: Đọc kết quả hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày thực quản
Tránh dùng thực phẩm gây trào ngược
Việc kiêng sử dụng những thực phẩm gây trào ngược dạ dày giúp ngăn tình trạng tăng tiết acid và hạn chế tần suất trào ngược dạ dày. Nhờ đó, triệu chứng khó nuốt cũng được cải thiện. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm cần tránh:
- Thực phẩm có tính acid như: các loại quả có vị chua nhiều, đồ muối chua, các loại giấm, gia vị cay nóng có thể làm tăng nồng độ acid dạ dày.
- Đồ uống có ga làm tăng nồng độ acid đồng thời làm tăng áp lực dạ dày khiến cơ thắt thực quản dưới mở ra, tạo điều kiện cho trào ngược xảy ra.
- Đồ uống có cồn hay những thực phẩm chứa caffeine gây giãn cơ thắt thực quản dưới, khiến acid trào ngược lên thực quản.
- Thức ăn khó tiêu như: đồ ăn quá cứng hoặc quá dai, đồ ăn sống, các loại thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ làm tăng thời gian lưu trữ trong dạ dày, dẫn đến tăng áp lực dạ dày khiến trào ngược dễ xảy ra hơn.
Điều chỉnh thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến quá trình tiết acid và hoạt động tiêu hoá của dạ dày. Do đó, người bệnh cần thiết lập thói quen ăn uống khoa học nhằm tạo nhịp sinh học ổn định cho dạ dày. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:
- Ăn đúng giờ: Bạn nên lên thời gian biểu cho các bữa ăn để cơ thể nhận ra thời điểm nên tiết acid tiêu hóa thức ăn. Các bữa ăn chính nên cách nhau khoảng 4 – 5 tiếng và bữa phụ cách bữa chính ít nhất 2 tiếng.
- Ăn đủ bữa: Dạ dày thường tăng tiết acid khi bạn ăn uống để tiêu hoá thức ăn. Do đó, nếu bạn bỏ bữa, acid được tiết ra trở nên dư thừa và tấn công chính niêm mạc dạ dày – thực quản của bạn.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Thức ăn được nhai kỹ sẽ dễ tiêu hoá hơn. Điều này giúp giảm thời lượng lưu trữ thức ăn trong dạ dày, qua đó giảm áp lực và hạn chế cơn trào ngược xuất hiện.
- Ăn lượng vừa đủ: Điều này giúp giảm gánh nặng tiêu hoá, giảm áp lực từ dạ dày lên cơ thắt thực quản dưới, từ đó hạn chế triệu chứng trào ngược. Bạn nên ăn dưới 400ml/ bữa chính và dưới 200ml/ bữa phụ.
- Tránh ăn đêm: Thói quen ăn đêm làm dạ dày tăng tiết acid vào thời điểm này. Sau đó, khi bạn nằm ngủ, tình trạng trào ngược sẽ xảy ra dễ dàng hơn.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt tốt giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, hỗ trợ hoạt động tiêu hoá và cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày. Những lưu ý về sinh hoạt khi bạn bị trào ngược dạ dày gây khó nuốt gồm:
- Sau khi ăn, bạn nên ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng sau 30 phút để hoạt động tiêu hoá thuận lợi nhất. Tránh nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn vì có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
- Đi ngủ sớm và ngủ đủ giờ, tốt nhất là bạn nên ngủ trước 23h00 và ngủ đủ 6 – 8 tiếng/ ngày.
- Khi ngủ nên nằm nghiêng bên trái và kê cao đầu khoảng 15 – 25cm để giảm trào ngược. ☛ Tìm hiểu: Gối chống trào ngược dạ dày cho người lớn có hiệu quả?
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc hoặc học tập quá sức khiến cơ thể suy nhược hoặc căng thẳng, stress kéo dài.
- Tập thể dục khoảng 30 phút/ ngày với các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội hay tập thiền.
Trào ngược dạ dày gây khó nuốt: Khi nào cần khám ngay?
Triệu chứng khó nuốt có thể là triệu chứng bình thường nhưng đôi khi cũng cảnh báo diễn biến nghiêm trọng của bệnh lý trào ngược dạ dày. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn cần khám ngay:
- Cảm giác mắc kẹt thức ăn ở ngực kéo dài hơn 10 phút mỗi lần.
- Người bệnh bị nghẹn hoặc có cảm giác mắc kẹt thức ăn ngay cả khi uống nước hoặc nuốt thức ăn mềm, lỏng.
- Người bệnh có cảm giác khó thở, nghẹt thở hoặc ho ra mủ.
- Người bệnh nôn ra máu hoặc nôn ra thức ăn cũ ngày hôm trước.
- Triệu chứng khó nuốt không được cải thiện hoặc có xu hướng nặng hơn sau khi uống thuốc.
Trào ngược dạ dày gây khó nuốt không nguy hiểm nhưng có thể diễn biến nặng nề hơn nếu không được điều trị kịp thời. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức hữu ích để giải quyết vấn đề mà mình đang gặp phải. Nếu cần được tư vấn hỗ trợ, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.