Trào ngược dạ dày gây viêm họng là tình trạng phổ biến nhưng không được nhiều người biết đến. Hệ quả là người bệnh sử dụng sai thuốc khiến các triệu chứng kéo dài không dứt. Vậy, vì sao trào ngược dạ dày gây viêm họng và làm thế nào để khắc phục? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
Tại sao trào ngược dạ dày gây viêm họng?
Ống thực quản có 2 cơ thắt chịu trách nhiệm mở ra khi thức ăn được nuốt xuống và đóng lại để ngăn thức ăn trào ngược lên. Trong bệnh lý trào ngược dạ dày, cơ thắt thực quản bị suy yếu và tự giãn mở ra khi nồng độ acid dạ dày hoặc áp lực trong dạ dày tăng lên. Kết hợp với sự rối loạn nhu động dạ dày thực quản, dịch tiêu hoá (gồm acid, thức ăn và enzyme tiêu hoá) bị đẩy ngược lên thực quản.
- Trào ngược dạ dày có thể gây viêm họng
Khi dịch tiêu hoá vượt qua cơ thắt thực quản trên, acid và enzyme tiêu hoá tràn lên vùng hầu họng gây kích ứng với các triệu chứng như: nóng rát, ngứa và khé cổ họng. Tình trạng này kéo dài khiến niêm mạc vùng hầu họng bị ăn mòn, kích thích phản ứng viêm. Trào ngược dạ dày gây viêm hầu họng, thanh quản còn được gọi là trào ngược họng thanh quản hay trào ngược im lặng.
☛ Tìm hiểu thêm: Trào ngược dạ dày gây viêm xoang
Chẩn đoán viêm họng do trào ngược dạ dày
Triệu chứng của viêm họng do trào ngược dạ dày rất dễ bị nhầm lẫn với viêm họng thông thường. Để chẩn đoán, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng.
Triệu chứng lâm sàng
Khi trào ngược dạ dày gây viêm họng, những triệu chứng được cảm nhận rõ rệt nhất thường gồm: đau họng, khó nuốt, nóng rát họng, họng sưng đỏ – phù nề, ho, có thể kèm theo sốt. Những triệu chứng này khá tương đồng với viêm họng thông thông thường. Để phân biệt, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng kèm theo như:
- Ợ nóng: Là triệu chứng điển hình ở bệnh trào ngược dạ dày với cảm giác nóng rát tập trung ở vùng thượng vị, phía sau xương ức và lan dọc theo thực quản.
- Ợ chua: Người bệnh cảm giác có dịch lỏng vị chua trào ngược lên họng gây khé cổ, rất khó chịu.
- Nuốt vướng: Xảy ra khi niêm mạc thực quản bị phù nề, sưng tấy. Người bệnh có cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng ngay cả khi chỉ nuốt nước bọt.
- Nuốt nước bọt liên tục: Khi acid trong dạ dày trào lên hầu họng và khoang miệng, cơ thể tăng phản xạ tiết nước bọt để trung hòa lượng acid này.
- Khàn giọng buổi sáng: Acid trào ngược gây phù nề, sưng thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng, yếu hơi vào mỗi buổi sáng.
- Trào ngược ban ngày: Những cơn trào ngược có thể xuất hiện khi người bệnh nằm hoặc cúi người sau khi ăn. Đây là điểm khác biệt của trào ngược họng thanh quản so với trào ngược dạ dày thông thường.
- Rối loạn tiêu hoá: Acid trong thức ăn theo xuống hệ tiêu hoá làm rối loạn quá trình hấp thu dinh dưỡng, ảnh hưởng hệ vi sinh đường ruột và gây nên tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đi ngoài phân bất thường.
- Cảm giác nóng rát thượng vị, lan dọc thực quản
Những bệnh nhân nghi ngờ bị trào ngược có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc ức chế bơm Proton (PPI) với liều tiêu chuẩn trong khoảng 1 tuần (Test PPI). Sau thời gian này, nếu triệu chứng được kiểm soát đồng nghĩa rằng người bệnh mắc trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, triệu chứng không biến mất không có nghĩa rằng người bệnh không bị trào ngược. Độ đặc hiệu của test PPI là 40%.
Kiểm tra cận lâm sàng
Đối với những người bệnh không thể chẩn đoán qua test PPI, bác sĩ sẽ chỉ định làm các kiểm tra cận lâm sàng để xác định tình trạng trào ngược dạ dày gây viêm họng. Các kiểm tra thường gồm:
- Nội soi dạ dày thực quản: Kỹ thuật này cho phép phát hiện và quan sát các tổn thương do acid gây ra trên niêm mạc dạ dày và thực quản. Thông qua đặc điểm tổn thương để xác định mức độ trào ngược dạ dày.
- Đo pH 24h: Người bệnh cần nuốt một ống có đầu bóng gắn cảm biến pH và trở kháng. Thông qua độ pH và các đợt trào ngược đo được, bác sĩ có thể xác định người bệnh có bị trào ngược dạ dày hay khong.
- Chụp X – quang với Barium: Barium cản quang giúp họng, thực quản và dạ dày giúp trở lên rõ nét dưới hình ảnh X – quang. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá được những bất thường của cấu trúc này.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Đọc kết quả hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày thực quản
- Nội soi giúp phát hiện tổn thương ở họng, thực quản
Trào ngược dạ dày gây viêm họng có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày gây viêm họng có thể diễn tiến thành biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, điển hình như:
- Loét thực quản: Là biến chứng thường gặp nhất của trào ngược dạ dày. Acid và enzyme trong dịch tiêu hoá gây tổn thương niêm mạc lót, dẫn đến loét và chảy máu thực quản.
- Chít hẹp thực quản: Xảy ra khi niêm mạc thực quản bị tổn thương lặp lại nhiều lần. Vết loét sau khi lành hình thành sẹo co rút các mô xung quanh khiến người bệnh bị nghẹn, vướng khi nuốt thức ăn.
- Barrett thực quản: Được xác định khi tế bào vảy trên niêm mạc thực quản biến đổi thành tế bào trụ. Đây là tình trạng tiền ung thư, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản lên gấp 30 lần so với người bình thường.
- Ung thư thực quản: Là biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày, xảy ra do tế bào thực quản bị tăng sinh mất kiểm soát và hình thành khối u. Loại ung thư này có tỷ lệ tử vong xếp thứ 6 trên thế giới.
- Ung thư thực quản là biến chứng nguy hiểm nhất
☛ Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Phương pháp điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày
Tình trạng viêm họng của người bệnh có thể được đánh giá dựa trên Centor với 4 tiêu chí, gồm: Sưng viêm amidan – Viêm viêm hạch bạch huyết ở cổ – Sốt cao trên 38 độ C – Không ho. Mỗi tiêu chí này được tính 1 điểm. Số điểm của mỗi người bệnh là căn cứ để đánh giá mức độ viêm họng, từ đó có phương pháp điều trị tương ứng, cụ thể:
Viêm họng nhẹ (0 – 2 điểm)
Mức điểm 0 – 2 cho thấy, viêm họng do trào ngược dạ dày thường không kèm nhiễm khuẩn. Như vậy, việc dùng kháng sinh trong là chưa cần thiết. Biện pháp điều trị viêm họng trong trường hợp này thường gồm:
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Giúp kiểm soát triệu chứng sốt, đau họng và khó nuốt. Hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất là paracetamol. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng ibuprofen nếu được bác sĩ kê đơn.
- Thuốc chống viêm NSAIDs: Có tác dụng chống viêm, điều trị triệu chứng sưng đau, tấy đỏ, nóng sốt do viêm họng gây ra. Hoạt chất thường dùng gồm: aspirin, ibuprofen, diclofenac,….
- Dung dịch súc miệng: Giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn và làm dịu viêm họng. Các hoạt chất thường dùng trong dung dịch súc miệng gồm: lidocain, betadine, chlorhexidine,…
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh uống đủ nước và vệ sinh răng miệng sạch sẽ để ngăn vi khuẩn phát triển. Nếu triệu chứng trở nặng hoặc không được cải thiện sau một tuần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị.
Viêm họng nặng (3 – 4 điểm)
Nếu đạt đến mức 3 – 4 điểm trên thang Centor, viêm họng do trào ngược có nguy cơ nhiễm khuẩn khoảng 32 – 56%. Lúc này, việc kết hợp kháng sinh trong phác đồ điều trị là cần thiết. Các thuốc có thể dùng gồm:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Phổ biến nhất là Paracetamol. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định ibuprofen để thay thế nếu cần.
- Thuốc kháng sinh: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Các kháng sinh thường dùng gồm: amoxicillin kết hợp với axit clavulanic, cephalexin, ceftriaxone, clarithromycin, erythromycin, azithromycin…
- Thuốc chống viêm Corticosteroid: Có tác dụng chống viêm mạnh mẽ nên được dùng trong trường hợp viêm họng nghiêm trọng. Hoạt chất thường dùng như prednisolon, dexamethason, betamethason,…
Thông thường, viêm họng sẽ được cải thiện sau khoảng 3 – 5 ngày dùng thuốc. Nếu triệu chứng không giảm bớt hoặc nặng thêm, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày cần dựa trên nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây trào ngược, triệu chứng và cơ địa của người bệnh. Tuỳ vào tình trạng của từng người mà bác sĩ có thể chỉ định một hoặc một vài phương pháp cùng lúc, thường gặp như:
Điều trị nội khoa
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày gây viêm họng được kê đơn dựa trên triệu chứng hiện tại và tiền sử dị ứng thuốc của người bệnh. Một số thuốc được dùng phổ biến như:
- Thuốc kháng histamin H2: Gây giảm tiết acid dạ dày trong 12 giờ. Thuốc phát huy tác dụng tốt vào ban đêm nên thường được dùng trước khi đi ngủ. Hoạt chất thường dùng như: famotidine, cimetidine, ranitidine,…
- Thuốc ức chế bơm Proton: Gây ức chế tiết acid dạ dày trong 24 giờ. Thuốc hiệu quả với cả những trường hợp có loét dạ dày thực quản. Hoạt chất thường dùng gồm: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole,….
- Thuốc kháng acid: Có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh triệu chứng đau, nóng rát do tăng acid và trào ngược. Hoạt chất thuốc được dùng thường gồm: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd, canxi cacbonat,…
- Thuốc bao niêm mạc: Giúp ngăn acid bào mòn niêm mạc, hạn chế hình thành tổn thương mới và ngăn tổn thương cũ mở rộng. Thành phần của thuốc thường gồm: sucralfat, bismuth subcitrat,….
Lưu ý: Việc kết hợp thuốc sai cách có thể gây tương tác dẫn đến tăng hoặc giảm tác dụng điều trị. Ngoài ra, sử dụng thuốc không đúng cũng làm tăng nguy cơ tác dụng phụ cho cơ thể. Do đó, người bệnh chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Can thiệp ngoại khoa
Phẫu thuật ngoại khoa là phương pháp điều trị cuối cùng, chỉ được áp dụng trong trường hợp: người bệnh không đáp ứng với thuốc điều trị, cứ ngưng thuốc thì trào ngược lại tái phát hoặc trào ngược dạ dày gây biến chứng.
Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà người bệnh cần thực hiện các phương pháp phẫu thuật như:
- Nissen Fundoplication: Là phẫu thuật củng cố lại cơ thắt thực quản dưới bằng cách cuốn lại phần trên của dạ dày quanh thực quản.
- Laparoscopic Fundoplication: Được thực hiện tương tự như kỹ thuật Nissen Fundoplication. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tiếp cận vị trí phẫu thuật thông qua các lỗ nhỏ nên ít xâm lấn hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn.
- Heller Myotomy: Được thực hiện bằng cách cắt đi một phần của cơ thắt thực quản dưới, qua đó làm giảm áp lực của cơ thắt này và ngăn chặn tình trạng trào ngược.
- LINX Device: Là phương pháp đặt vòng quanh cơ thắt thực quản, giúp tăng lực giữ của cấu trúc này, qua đó giảm tình trạng trào ngược dạ dày. Thiết bị này được FDA phê duyệt sử dụng vào năm 2012.
Ảnh hưởng khác của trào ngược dạ dày đến tai – mũi – họng
Bên cạnh viêm họng, trào ngược dạ dày còn gây ảnh hưởng đến các cấu trúc tai – mũi – họng khác, thường gặp như:
Trào ngược dạ dày gây viêm amidan
Trào ngược dạ dày thường gây viêm amidan khẩu cái, nằm ở hai bên thành họng. Nguyên nhân là do acid và enzyme tiêu hoá từ dạ dày trào ngược lên và gây tổn thương các cấu trúc trong khoang miệng. Các triệu chứng viêm amidan do trào ngược dạ dày thường gồm:
- Amidan, họng sưng đỏ.
- Đau, vướng nghẹn khi nuốt.
- Nổi hạch ở cổ hoặc hàm.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Cứng cổ, giọng nói khó nghe.
- Hôi miệng, đắng miệng, ăn không ngon.
- Đau, nóng rát vùng thượng vị.
- Trào ngược dạ dày có thể gây viêm amidan
Trào ngược dạ dày gây viêm tai giữa
Vòm mũi họng và khoang tai giữa được thông với nhau bằng một ống vòi nhĩ. Ở những người trào ngược dạ dày nghiêm trọng, dịch tiêu hoá có thể thông qua vòi nhĩ vào tai giữa. Acid trong dịch tiêu hoá có thể gây kích thích lên dây thần kinh số 8 và dẫn đến cảm giác ù tai. Khi tình trạng này diễn ra thường xuyên, các cấu trúc trong tai giữa có thể viêm và gây ra các triệu chứng như:
- Ngứa ngáy khó chịu trong tai.
- Đau nhức, chóng mặt, buồn nôn.
- Tai chảy mủ.
- Sốt cao.
- Trào ngược dạ dày gây viêm tai giữa
Trào ngược dạ dày gây vướng nghẹn cổ họng
Vướng nghẹn cổ họng khi nuốt là triệu chứng phổ biến khi dịch dạ dày trào ngược lên họng. Acid và enzyme tiêu hóa khiến niêm mạc họng bị viêm và gây ra triệu chứng: sưng tấy, phù nề, đau rát họng. Họng sưng nề khiến đường nuốt hẹp lại. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh có cảm giác vướng nghẹn như có khối u, dị vật mắc kẹt trong họng khi nuốt.
☛ Tham khảo thêm: Nhận biết và giải quyết trào ngược dạ dày gây đau lưng
Trào ngược dạ dày gây viêm thanh quản
Thanh quản nằm ngay phía dưới đường hầu họng, nối yết hầu với khí quản ở phía trước của cổ. Acid trào ngược lên họng có thể khiến thanh quản bị viêm và gây ra các triệu chứng như:
- Mất tiếng, khó phát ra âm thanh.
- Âm thanh bị biến dạng, thường gặp như: giọng khản đặc, giọng rè, giọng không đầy.
- Thường xuyên tằng hắng giọng để làm sạch cổ họng.
- Nuốt đau, sốt, đôi khi gây khó thở.
Trên đây là bài viết về tình trạng trào ngược dạ dày gây viêm họng. Hy vọng những chia sẻ này đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Nếu cần tư vấn thêm, bạn đọc có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1900 545 518.