Ăn uống là niềm vui nhưng ăn sai cách lại có thể biến trào ngược dạ dày trở thành “cơn ác mộng” với nhiều người. Vậy nên, chế độ ăn uống khoa học là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Vậy, trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì? Bài viết hôm nay sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này.
Mục lục
Trào ngược dạ dày nên ăn gì?
Nhiều loại thực phẩm có thể làm giảm, thậm chí là “vô hiệu hoá” các cơn trào ngược bằng cách giảm nồng độ acid dạ dày và hỗ trợ tiêu hoá. Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh trong thời gian dài cũng thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương trên niêm mạc dạ dày, thực quản. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho người trào ngược dạ dày.
Thực phẩm giàu chất xơ
Theo một nghiên cứu được Viện nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ công bố, việc bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn của người trào ngược dạ dày giúp cơ thắt thực quản dưới làm việc tốt hơn, giảm số lần trào ngược dạ dày và giảm triệu chứng ợ nóng hiệu quả.
Bạn nên bổ sung khoảng 30g chất xơ mỗi ngày để có được hiệu quả tốt nhất. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ điển hình như:
- Khoai lang: Cứ 100g khoai lang sẽ cung cấp khoảng 3g chất xơ hoà tan. Bạn có thể ăn khoảng 1 – 2 củ khoai (tương đương với 300g) trong một bữa.
- Bông cải xanh: Trong 100g bông cải xanh chứa khoảng 2.6g chất xơ. Bạn nên ăn khoảng 160g loại rau này trong một bữa ăn.
- Măng tây: Hàm lượng chất xơ trong măng tây là 2.1g trong 100g. Trong một bữa, bạn nên ăn khoảng 1 chén (tương đương khoảng 160g) măng tây.
Thực phẩm có tính kiềm
Mỗi loại thực phẩm có độ pH khác nhau. Những thực phẩm có pH thấp hơn 7 thiên về tính acid nên có nhiều khả năng gây trào ngược. Ngược lại, thực phẩm có độ pH cao hơn 7 thiên về tính kiềm, góp phần cân bằng nồng độ acid dạ dày. Nhờ vậy, thực phẩm nhóm này có khả năng giảm tình trạng trào ngược acid.
Một số thực phẩm có tính kiềm tốt mà người bệnh trào ngược dạ dày nên thử gồm:
- Quả bơ: Có độ pH là 8.0. Không những vậy, quả bơ còn có hàm lượng calo thấp và chứa chất béo lành mạnh. Vì vậy, đây là lựa chọn lý tưởng cho người bị trào ngược dạ dày.
- Dưa hấu: Có độ pH là 9.0 nên khả năng trung hòa acid tốt. Bên cạnh đó, dưa hấu chứa nhiều nước nên giúp làm loãng acid, hỗ trợ giảm triệu chứng trào ngược hiệu quả.
- Quả chuối: Có độ PH là 9.0 giúp trung hòa acid dạ dày. Ngoài ra, cứ 100g chuối sẽ cung cấp 2.6g chất xơ. Vậy nên, bạn sẽ nhận được gấp đôi lợi ích khi lựa chọn thực phẩm này.
☛ Tham khảo đầy đủ: Ăn quả gì tốt cho người bị trào ngược dạ dày?
Thực phẩm nhiều nước
Những thực phẩm chứa nhiều nước giúp làm loãng acid dạ dày, qua đó làm dịu các triệu chứng như: đau, nóng rát dạ dày thực quản do trào ngược gây ra. Một số loại thực phẩm điển hình của nhóm này như:
- Dưa chuột: Chứa đến 95% là nước nên người bệnh có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước đều được. Tuy nhiên, độ pH của dưa chuột khoảng 5.5 – 7.5, acid đến kiềm nhẹ. Do đó người bệnh không nên ăn quá nhiều.
- Rau cần tây: Có hàm lượng nước lên đến 95% và hàm lượng chất xơ 1.6g trong 100g. Người bệnh trào ngược có thể ăn khoảng 160g trong một bữa.
- Rau xà lách: Cứ 100g rau xà lách sẽ cung cấp 94.98g nước và 1.3g chất xơ. Bởi vậy, đây là thực phẩm tốt nên được bổ sung trong khẩu phần ăn của người bị trào ngược.
Thực phẩm giàu probiotics
Thực phẩm giàu probiotics giúp bổ sung vi khuẩn có lợi, hỗ trợ quá trình tiêu hoá, giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Điều này giúp giảm áp lực từ dạ dày lên cơ thắt thực quản dưới và hạn chế cơn trào ngược sau bữa ăn. Ngoài ra, thực phẩm giàu probiotics cũng thúc đẩy quá trình chuyển hóa dinh dưỡng tốt hơn, giúp người bệnh có cảm giác ngon miệng.
Một số thực phẩm điển hình của nhóm này gồm:
- Sữa chua: Là thực phẩm giàu lợi khuẩn và các chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Một lưu ý nhỏ là bạn nên chọn loại sữa chua ít béo và tránh ăn ngay sau bữa ăn để có được lợi ích tốt nhất..
- Kefir: Là thức uống được lên men từ hạt kefir. Lợi khuẩn Lactobacillus Kefiri probiotic trong thức uống này hỗ trợ tiêu hoá và có khả năng ức chế các loại hại khuẩn đường ruột như: vi khuẩn HP, vi khuẩn thương hàn,…
- Natto: Là thực phẩm lên men từ hạt đậu nành có nguồn gốc từ Nhật Bản. Natto giúp bổ sung lợi khuẩn, hỗ trợ tiêu hoá đồng thời cung cấp chất xơ giúp cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày.
☛ Tìm hiểu: Ăn sữa chua với thực phẩm nào thì tốt cho người bị trào ngược dạ dày?
Thực phẩm chứa chất béo không bão hoà
Chất béo là một trong bốn nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Người bệnh trào ngược dạ dày nên chọn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa để cơ thể tiêu hoá dễ hơn, tránh tình trạng đầy hơi, chướng bụng dẫn đến trào ngược dạ dày.
Bạn có thể thử một vài thực phẩm chứa chất béo không bão hoà dưới đây:
- Quả bơ: Một khẩu phần bơ (khoảng 50g) cung cấp khoảng 6g chất béo không bão hoà, chiếm khoảng 13% nhu cầu của cơ thể trong một ngày. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món salad trong bữa ăn.
- Dầu ô liu: Chứa 73% chất béo không bão hoà đơn. Đây là loại dầu ăn lý tưởng để thay thế cho các loại dầu truyền thống trong thực đơn của người trào ngược dạ dày.
Sữa tách béo
Sữa nguyên chất chứa khoảng 2% chất béo có thể cản trở tiêu hoá và khiến triệu chứng trào ngược trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, những loại sữa tách béo lại hoạt động như một chất đệm tạm thời ngăn cách giữa niêm mạc dạ dày và dịch vị. Điều này giúp giảm tình trạng kích ứng và hạn chế được các triệu chứng như: đau tức thượng vị, đau dạ dày (hạ sườn trái), nóng rát dạ dày kéo dài lên thực quản, ợ chua và ợ hơi.
Bạn có thể nhận biết sữa tách béo qua một số loại tên gọi khác như: sữa gầy, sữa tách kem hoặc sữa ít béo. Ngoài ra, bạn có thể xem thành phần của các loại sữa. Hàm lượng chất béo của nhóm sữa này thường nhỏ hơn 1%.
☛ Tham khảo thêm:Trào ngược dạ dày có uống sữa đậu nành được không?
Thảo mộc giúp giảm triệu chứng
Việc sử dụng một vài thảo mộc như thực phẩm có thể giúp cải thiện các vấn đề như: tăng tiết acid dạ dày, rối loạn nhu động ruột – dạ dày, rối loạn tiêu hoá. Nhờ đó, các triệu chứng trào ngược dạ dày có thể được kiểm soát tốt hơn.
Một số loại dược liệu được sử dụng phổ biến như:
- Gừng: Củ gừng có tác dụng giảm triệu chứng buồn nôn và nôn, hỗ trợ tiêu hoá, qua đó giảm triệu chứng trào ngược. Bạn có thể thêm gừng như một loại gia vị lúc nấu ăn hoặc pha trà và uống từng chút một sau bữa ăn.
- Cúc hoa: Hoa cúc có tác dụng an thần, giảm kích thích thần kinh, nhờ đó giảm tình trạng trào ngược dạ dày. Cách dùng phổ biến nhất của hoa cúc là pha thành trà để uống hàng ngày.
- Khôi tía: Nước lá khôi tía có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm triệu chứng ợ nóng, ợ chua, nóng rát, đau tức dạ dày thực quản. Bạn chỉ cần đun sôi khoảng 40g lá khôi tía cùng nước để uống trong ngày.
Trào ngược dạ dày kiêng ăn gì?
Một số loại thực phẩm có thể thúc đẩy triệu chứng trào ngược dạ dày xuất hiện hoặc trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, việc nắm rõ và hạn chế sử dụng những thực phẩm này là điều cần thiết. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm cần tránh nếu bạn bị trào ngược dạ dày.
Thực phẩm có tính acid
Thực phẩm được xác định là có tính acid khi chỉ số pH của chúng nhỏ hơn 7. Khi ăn những thực phẩm này, nồng độ acid dịch vị bị đẩy lên cao hơn. Điều này làm tăng kích thích lên các đầu mút thần kinh trên niêm mạc tiêu hoá, khiến nhu động dạ dày – thực quản rối loạn. Mặt khác, nồng độ acid trong dịch vị tăng cao cũng làm tăng cảm giác đau, nóng rát ở bệnh nhân trào ngược dạ dày.
Một số loại thực phẩm có tính acid điển hình gồm:
Cam quýt: Có độ pH khoảng 3.5 nên tính acid khá rõ ràng. Khi ăn hoặc uống nước ép cam quýt, người bệnh trào ngược có thể tăng triệu chứng ợ nóng, ợ chua và dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, cam quýt rất giàu vitamin và chất xơ. Vì vậy, bạn không cần kiêng tuyệt đối mà chỉ cần hạn chế lượng ăn. Hãy bắt đầu thử 1 – 2 múi rồi tăng lên khoảng 1 quả/ lần nếu cơ thể không khó chịu. Ngoài ra, bạn nên chọn quả chín ngọt sẽ có ít tính acid hơn.
Giấm ăn: Có pH khoảng 2.8. Vì vậy, khi sử dụng giấm trong trộn salad hay các món nước chấm, người bệnh có thể dễ bị buồn nôn, cồn cào, ợ chua, ợ nóng và đau rát dạ dày thực quản sau khi ăn. Nhiều người cho rằng, giấm táo có thể cải thiện chứng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được tác dụng này. Vì vậy, bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại giấm trong chế biến thức ăn.
Cà chua: Độ pH của cà chua khoảng 4.3 không phù hợp với người trào ngược dạ dày. Việc sử dụng thực phẩm này có thể thúc đẩy triệu chứng trào ngược và khiến cơn nóng rát thượng vị nghiêm trọng hơn. Thế nhưng, cà chua là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời. Vì vậy, thay vì kiêng tuyệt đối, bạn có thể giảm lượng ăn xuống 1 quả/ lần và chỉ nên ăn khoảng 2 – 3 lần/ tuần. Bên cạnh đó, hãy loại bỏ phần hạt, vỏ và nước quả trong khi chế biến.
Thực phẩm gây kích ứng niêm mạc
Một số loại thực phẩm cay nóng khi ăn có thể gây kích ứng niêm mạc tiêu hoá và làm rối loạn nhu động dạ dày – thực quản. Một nghiên cứu đã chứng minh được hoạt chất capsaicin trong thực phẩm cay nóng tạo cảm giác nóng rát trên đường tiêu hoá, kích thích dạ dày tăng tiết acid. Đây là nguyên nhân khiến các triệu chứng nóng rát, đau tức thượng vị, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn trở nên nghiêm trọng hơn.
Những thực phẩm thuộc nhóm này bao gồm: ớt và các sản phẩm từ ớt, sốt salsa, wasabi, hạt tiêu và các loại phụ gia làm cay công nghiệp.
Thực phẩm gây giãn cơ thắt thực quản
Thực quản được giới hạn bởi cơ thắt phía trên (nối miệng với thực quản) và cơ thắt phía dưới (nối thực quản với dạ dày). Một số loại thực phẩm có thể làm giãn cơ thắt dưới thực quản tạo điều kiện thuận lợi cho acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Vì vậy, người bệnh có thể cảm thấy tăng cảm giác đau, nóng rát thượng vị khi sử dụng những thực phẩm này.
Những thực phẩm gây giãn cơ thắt thực quản điển hình gồm:
Rượu bia: Có thể gây viêm, phù nề thực quản dẫn đến suy yếu chức năng cơ thắt thực quản. Ngoài ra, rượu bia kích thích dạ dày tăng tiết acid dư thừa – yếu tố kích thích cơ thắt mở ra..
Cà phê: Chất caffeine trong cà phê có thể gây thư giãn cơ trơn, làm giảm lực siết của cơ thắt thực quản. Ngoài ra, một lượng nhỏ acid chlorogenic trong cà phê kích thích dạ dày tăng tiết acid dư thừa – yếu tố kích thích cơ thắt thực quản mở ra.
Socola: Chứa caffeine và theobromine gây giảm khả năng co thắt của cơ thắt thực quản dưới, khiến acid dễ dàng trào ngược lên. Bên cạnh đó, hàm lượng chất béo trong socola cao sẽ kích thích dạ dày tăng tiết acid, làm trầm trọng thêm các triệu chứng: đau, nóng rát, ợ chua.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Lưu ý cho người trào ngược dạ dày nếu muốn ăn socola
Thực phẩm làm tăng áp lực lên dạ dày
Cơ thắt thực quản dưới là “rào cản” ngăn acid dạ dày trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, khi dạ dày căng phồng quá mức, cơ thắt sẽ buộc phải mở ra để giải phóng áp lực cho dạ dày. Khi cơ thắt mở ra, áp lực cao từ dạ dày đẩy dịch vị trào ngược lên thực quản và gây ra triệu chứng khó chịu.
Dựa vào cơ chế trên, người bệnh trào ngược dạ dày nên hạn chế những thực phẩm làm tăng áp lực dạ dày ra khỏi khẩu phần ăn của mình, cụ thể là:
Nước uống có ga: Sẽ giải phóng khí vào trong dạ dày, làm tăng áp lực lên cơ thắt dạ dày và thúc đẩy triệu chứng trào ngược xuất hiện. Ngoài ra, khí CO2 trong nước uống có ga cũng làm tăng nồng độ acid dạ dày.
Chất béo bão hòa: Thực phẩm chứa chất béo bão hòa khó tiêu hoá nên có thời gian lưu trữ trong dạ dày lâu hơn. Điều này làm tăng áp lực lên dạ dày. Bên cạnh đó, chất béo không bão hòa kích thích có thể sản xuất hormone Cholecystokinin gây giãn cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện cho dịch vị trào ngược lên thực quản.
Một số câu hỏi về chế độ ăn của người trào ngược dạ dày
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về chế độ ăn uống cho người bệnh trào ngược dạ dày:
Người trào ngược dạ dày nên ăn bao nhiêu một bữa?
Ăn quá nhiều có thể làm tăng áp lực dạ dày, khiến các triệu chứng như: ợ nóng, đau tức thượng vị, buồn nôn và nôn nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, người bị trào ngược nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chính chỉ nên ăn lượng thực phẩm dưới 400ml. Đối với nước, người bệnh cần tránh uống quá 200ml/ lần và không nên uống nước trong hoặc quá gần bữa ăn.
Người trào ngược dạ dày nên ăn như thế nào?
Người bệnh nên nhai kỹ thức ăn, mỗi bữa ăn nên kéo dài khoảng 20 – 30 phút. Ngoài ra, bạn cần tập trung khi vào bữa để thức ăn được nhai kỹ hơn, giúp giảm bớt gánh nặng tiêu hoá cho dạ dày. Những thói quen trong lúc ăn uống như đọc sách, xem ti vi, xem điện thoại,… cần được loại bỏ.
Mỗi bữa ăn của người bệnh trào ngược dạ dày nên cách nhau bao lâu?
Tùy vào lượng thức ăn và đồ ăn mà quá trình tiêu hoá tại dạ dày có thể kéo dài trong khoảng 2 – 5 giờ. Nếu đã cắt giảm lượng thức ăn để tránh trào ngược, bạn có thể điều chỉnh bữa nhẹ cách các bữa chính khoảng 2 – 3 tiếng và các bữa chính cách nhau khoảng 4 – 5 tiếng.
Nên làm gì sau khi ăn nếu bị trào ngược dạ dày?
Vận động cường độ mạnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá, dẫn đến khó tiêu, đầy bụng, đau tức bụng. Vì vậy, người bệnh nên nghỉ ngơi tại chỗ hoặc đi lại nhẹ nhàng sau ăn 30 phút để cơ thể thoải mái. Lưu ý là người bệnh không được nằm sau khi ăn vì có thể bị trào ngược ngay lập tức.
Sau ăn bao lâu thì người bệnh trào ngược có thể đi ngủ?
Người bệnh chỉ nên đi ngủ sau khi ăn ít nhất 3 tiếng. Bạn cũng nên kê cao đầu so với chân khoảng 15 – 25cm để giảm áp lực của dạ dày về phía thực quản. Bên cạnh đó, hãy ưu tiên nằm nghiêng về bên trái để thuận theo hình dáng tự nhiên của dạ dày, giảm tình trạng trào ngược.
Trên thực tế, không có một thực đơn tiêu chuẩn nào để áp dụng cho tất cả người bệnh trào ngược dạ dày. Bởi lẽ, cơ địa của mỗi người bệnh là khác nhau dẫn đến mức độ phản ứng với thực phẩm cũng khác biệt. Cùng một loại thực phẩm nhưng có người cần kiêng tuyệt đối, có người lại chỉ cần hạn chế một phần. Để có lựa chọn phù hợp nhất, người bệnh cần tự ghi chép và theo dõi để biết khi mình bị trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì.