Trào ngược acid về đêm là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này liên quan mật thiết đến tư thế nằm ngủ của người bệnh. Vì lý do này, người bị trào ngược dạ dày được khuyên là nên điều chỉnh cách nằm để tránh những ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mục lục
Mối quan hệ giữa tư thế nằm và tình trạng trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu hoặc giãn ra, khiến dịch vị từ dạ dày tràn lên thực quản. Vào ban ngày, đa số thời gian mọi người ở tư thế đứng hoặc ngồi, trọng lực và động tác nuốt giúp đưa acid từ thực quản trở lại dạ dày. Cùng với đó, người bệnh cũng có thể dùng thuốc hoặc các biện pháp giúp giảm triệu chứng ngay khi cảm thấy khó chịu.
Khi người bệnh ngủ, một số tư thế nằm khiến vị trí của thực quản và dạ dày không có sự chênh lệch. Điều này khiến trào ngược xảy ra dễ hơn và acid cũng ứ đọng tại thực quản lâu hơn. Nếu tiếp tục duy trì tư thế nằm ngủ này trong thời gian dài, trào ngược dạ dày có nguy cơ diễn tiến nhanh chóng và trở nên trầm trọng hơn.
Dưới đây là sự tác động qua lại của từng tư thế nằm với tình trạng trào ngược dạ dày thực quản:
Nằm nghiêng trái
Dạ dày có hình dạng như một chiếc túi, hơi cong về phía bên trái. Vì vậy, tư thế nằm nghiêng trái sẽ đảm bảo được hình dáng tự nhiên của dạ dày. Mặt khác, vị trí của dạ dày cũng thấp hơn thực quản một chút khi bạn nằm nghiêng về bên trái. Điều này phần nào hạn chế được hiện tượng trào ngược dạ dày.
Khi cơn trào ngược xảy ra, ảnh hưởng từ trọng lực giúp đưa acid trở lại dạ dày tốt hơn so với tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng phải. Mặt khác, ở tư thế nằm nghiêng trái, dạ dày giữ được hình dáng sinh lý như một “chiếc túi”. Nếu không bị lấp đầy bởi thức ăn thì dịch vị sẽ chứa ở nửa đáy, nửa trên túi sẽ là khoang trống.
Vậy nên, triệu chứng trào ngược khi nằm nghiêng trái có xu hướng nhiều khí hơn. Người bệnh cảm thấy khó chịu nhưng sẽ ít bị đau rát hơn so với trào ngược dịch lỏng.
Nằm nghiêng phải
Ở tư thế nằm nghiêng bên phải, dạ dày gần như bị úp xuống theo chiều ngang và nằm ở vị trí cao hơn hẳn so với thực quản. Trọng lực khiến dịch vị trong dạ dày có xu hướng dồn về phía thực quản, gây tăng áp lực cho cơ thắt thực quản dưới.
Mặt khác, sự tiếp xúc với acid khiến cơ thắt thực quản dưới dễ bị giãn ra, tạo sự điểm rò rỉ đưa acid dạ dày tràn lên thực quản. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn vừa mới ăn no xong. Trào ngược khi nằm nghiêng bên phải thường là trào ngược dịch lỏng. Do thực quản ở vị trí thấp nên thời gian acid lưu lại trong thực quản cũng lâu hơn khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Người bệnh trào ngược dạ dày khi nằm nghiêng bên phải có tần suất trào ngược về đêm nhiều hơn dẫn đến các triệu chứng như: ho, nghẹn họng, đau rát dạ dày thực quản, tức ngực, khó thở hoặc ngạt thở giữa đêm. Bởi vậy, nằm nghiêng bên phải là tư thế cần tránh khi bị trào ngược dạ dày.
Nằm ngửa
Ở tư thế nằm ngửa, vị trí của dạ dày thường ngang bằng hoặc cao hơn thực quản một chút. Điều này làm tăng nguy cơ trào ngược và khiến acid dạ dày lưu lại trong lực quản lâu hơn nếu trào ngược xảy ra.
Những người thừa cân, béo phì dễ bị trào ngược dạ dày hơn khi nằm ngửa. Nguyên nhân là phần mở bụng có thể tạo áp lực lên dạ dày, ép cơ thắt thực quản dưới giãn ra, khiến dịch vị trào lên thực quản. Trào ngược ở tư thế nằm ngửa là trào ngược dịch lỏng. Do đó, niêm mạc thực quản sẽ bị tổn thương nhiều hơn. Vì lý do này, bạn không nên nằm ngửa khi bị trào ngược dạ dày thực quản.
Nằm sấp
Khi bạn nằm sấp, vị trí của dạ dày cao hơn thực quản. Vậy nên, nếu người bệnh nằm ở tư thế này, sự tác động của trọng lực tạo điều kiện thuận lợi cho trào ngược dạ dày xảy ra. Bên cạnh đó, tư thế nằm sấp cũng làm tăng áp lực lên dạ dày, tạo sức ép khiến cơ thắt thực quản dưới mở ra, khiến dịch vị tràn vào thực quản.
Trào ngược khi nằm sấp là trào ngược dịch lỏng. Do acid không thể chảy ngược lại dạ dày nên niêm mạc thực quản bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Vây nên, người bệnh ngủ ở tư thế này dễ bị đau – nóng rát trầm trọng, nghẹn vướng khi nuốt, khó thở, khó tiêu.
☛ Tìm hiểu: Khám trào ngược dạ dày ở đâu tốt nhất?
Trào ngược dạ dày nên nằm nghiêng bên nào? Hướng dẫn tư thế nằm
Người bệnh trào ngược dạ dày nên nằm nghiêng bên trái. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tư thế ngủ bên trái có tần suất trào ngược thấp hơn, thời gian thanh thải acid nhanh hơn so với tư thế nằm nghiêng phải và nằm ngửa. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng cho thấy, người bệnh nằm ở tư thế nghiêng trái có tỷ lệ trào ngược dạ dày thấp hơn, số lần giãn cơ thắt thực thực quản dưới ít hơn và tỷ lệ giãn cơ thắt dẫn đến trào ngược thấp hơn.
Như vậy, nằm nghiêng bên trái là tư thế lý tưởng nhất cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp điều chỉnh một số tư thế khác của cơ thể để giảm tối đa tình trạng trào ngược khi nằm. Dưới đây là hướng dẫn tư thế ngủ chi tiết cho người bệnh trào ngược dạ dày:
- Người bệnh nằm nghiêng về bên trái, đầu gối hơi cong tự nhiên.
- Dùng một gối mỏng đặt giữa để giữ cho lưng thẳng, tránh tình trạng đau mỏi lưng.
- Dùng một gối cao khoảng 15 – 25cm để gối đầu nhằm tăng độ cao của thực quản so với dạ dày, giảm trào ngược.
Nếu bị mỏi khi nằm nghiêng phải quá lâu, bạn có thể chuyển sang tư thế nằm ngửa. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng một chiếc gối lớn giúp nâng cao từ phần vai đến đầu. Bên cạnh đó, bạn hãy đặt chiếc gối mỏng kê dưới hai đầu gối để giữ cho cột sống không bị căng cứng. Mặc dù nằm ngửa cao đầu không phải là tư thế ngủ lý tưởng nhưng có thể kết hợp cùng tư thế nghiêng trái để giảm cảm giác mỏi, giúp người bệnh có giấc ngủ ngon hơn.
☛ Tham khảo thêm: Gối chống trào ngược dạ dày cho người lớn có hiệu quả?
Một số lưu ý khi nằm ngủ cho người trào ngược dạ dày
Thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến tình trạng trào ngược dạ dày khi nằm ngủ. Để tránh những tác động tiêu cực, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Không nằm ngay sau khi ăn vì có thể khiến cơn trào ngược xảy ra ngay lập tức. Bạn nên ngồi nghỉ ngơi và đi lại nhẹ nhàng sau 30 phút để giúp tiêu hoá tốt hơn.
- Không nên ngủ ngay sau khi ăn, hãy đảm bảo bữa ăn cuối cùng trong ngày cách giờ đi ngủ tối thiểu 3 tiếng.
- Không sử dụng những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng vào bữa ăn trước giờ đi ngủ vì sẽ kích thích dạ dày tiết acid, tăng cường tình trạng trào ngược.
- Không sử dụng nước uống có ga, đồ uống chứa cồn hay caffeine trước giờ đi ngủ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược.
- Tránh đi ngủ với tâm trạng bực bội, căng thẳng, lo âu vì có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid, thúc đẩy cơn trào ngược dạ dày.
- Nên đi ngủ trước 23h00 đêm để tránh gây kích thích lên hệ thần kinh khiến dạ dày tăng tiết acid.
- Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái để có giấc ngủ ngon và sâu, hạn chế tạo sức ép lên dạ dày.
- Đi ngủ trong môi trường yên tĩnh, mát mẻ, sạch sẽ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
☛ Tham khảo thêm:
Nằm nghiêng bên trái là tư thế phù hợp với người bệnh nhân trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trào ngược, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa và tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.