Trào ngược dạ dày thực quản tiến triển trong thời gian dài không chỉ gây khó chịu mà còn khiến người bệnh đối diện với các biến chứng nguy hiểm. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những biến chứng này và cách phòng ngừa hiệu quả.
Mục lục
Bệnh trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra khi dịch vị (bao gồm acid, thức ăn và enzyme tiêu hoá) trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Theo các chuyên gia, cơ chế trào ngược dạ dày chủ yếu liên quan đến rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới.
Bình thường, cơ thắt thực quản dưới sẽ được mở ra khi có phản xạ nuốt sau đó đóng lại để giữ thức ăn trong dạ dày. Tuy nhiên, khi cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu hoặc bị kích thích mở ra (không liên quan đến hoạt động nuốt), dịch vị từ dạ dày sẽ trào ngược lên khiến thực quản bị ăn mòn bởi acid và enzyme tiêu hoá.
Mặc dù không nguy hiểm, nhưng trào ngược dạ dày lại gây ra triệu chứng khó chịu như:
- Cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và lan dọc theo thực quản.
- Đau rát, đau tức hoặc đâm ỉ phía sau xương ức, có thể xuyên ra phía sau lưng.
- Vướng nghẹn khi nuốt, tăng tiết nước bọt liên tục.
- Khó thở, buồn nôn, mất giọng và hôi miệng.
Những triệu chứng trên khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, khó tập trung và rối loạn giấc ngủ. Những vấn đề này có thể kích thích thần kinh, khiến dạ dày tăng tiết acid và thúc đẩy tình trạng trào ngược dạ dày. Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể rơi vào một “vòng lặp bệnh lý” không hồi kết.
Trào ngược dạ dày không trực tiếp gây nguy hiểm cho người bệnh. Thế nhưng, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể tái phát liên tục và diễn tiến nhanh thành nhiều biến chứng nguy hiểm.
5 biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày thực quản
Theo phân tích của các chuyên gia, những người trào ngược dạ dày vào ban đêm có nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn người chỉ trào ngược vào ban ngày. Nguyên nhân là do tư thế nằm khiến acid dễ trào ngược hơn và thời gian acid tồn tại ở thực quản lâu hơn. Dưới đây là 5 biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản.
1. Viêm, loét thực quản
Viêm thực quản là biến chứng thường gặp nhất trong bệnh lý trào ngược dạ dày. Do niêm mạc thực quản không có lớp chất nhầy bảo vệ như dạ dày. Vậy nên, acid và enzyme tiêu dễ dàng ăn mòn, gây viêm niêm mạc thực quản. Thời gian đầu, niêm mạc thực quản chủ yếu bị viêm trợt. Biểu hiện của giai đoạn này thường là cảm giác đau tức ngực trong vài phút và nuốt đau.
Nếu không được kiểm soát, acid dạ dày tiếp tục xói mòn vào ổ viêm trên niêm mạc thực quản và gây ra các vết loét. Đa số các vết loét thường xuất hiện ở niêm mạc nửa dưới của thực quản – khu vực thường xuyên tiếp xúc với acid trào ngược. Ngoài các triệu chứng trào ngược thông thường, ổ loét có thể làm tổn thương mạch máu khiến người bệnh bị nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Đây là dấu hiệu của tình trạng chảy máu tiêu hoá.
Viêm loét thực quản là biến chứng phổ biến trong trào ngược dạ dày, không quá nguy hiểm. Đa số trường hợp, người bệnh chỉ cần uống thuốc theo phác đồ chỉ định của bác sĩ. Khi giải quyết được tình trạng trào ngược, các vết viêm, loét cũng sẽ dần dần được khắc phục.
☛ Tìm hiểu: Tổng hợp Các loại Thuốc Đặc Trị Viêm Loét Dạ Dày – Tá Tràng
2. Biến chứng bệnh hô hấp
Biến chứng về hô hấp xảy ra khi acid dạ dày vượt qua cơ thắt thực quản trên, tràn vào vùng hầu – họng, khoang mũi và thanh quản, khiến niêm mạc ở những vị trí này bị kích ứng, phù nề, tấy đỏ, sưng viêm. Lúc này, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: khó thở, viêm xoang, tim đập nhanh, thở khò khè và ho.
Nghiêm trọng hơn, nếu người bệnh hít phải acid khi trào lên cổ họng, acid có thể đến phổi, gây nhiễm trùng phổi – được gọi là bệnh lý viêm phổi do hít phải. Dấu hiệu gợi ý tình trạng này gồm: ho ra đờm xanh lá cây hoặc đen, sốt, đau ngực, hụt hơi, thở khò khè và người mệt mỏi. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị sẹo phổi, áp xe phổi, đe dọa đến tính mạng.
Những trường hợp này, người bệnh cần tiến hành điều trị song song cả trào ngược dạ dày và các bệnh lý hô hấp. Đa số người bệnh đều có thể điều trị bằng thuốc tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có nhiễm trùng nặng (như viêm phổi, áp xe phổi), người bệnh cần nhập viện để điều trị dưới sự hỗ trợ và giám sát của nhân viên y tế.
☛ Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày gây viêm họng: Nguyên nhân và giải pháp
3. Chít hẹp thực quản
Cơ chế gây chít hẹp thực quản vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, sự phát triển mãn tính của các vết loét ở thực quản có thể gây xơ hoá mô và hình thành sẹo. Những sẹo này gây co rút niêm mạc, khiến lòng thực quản bị thu hẹp.
Hẹp thực quản khiến người bệnh gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, người bệnh dễ bị sặc dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng hô hấp. Một số dấu hiệu thường gặp khi bị hẹp thực quản gồm: khó nuốt, nuốt nghẹn, luôn có cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng.
Khi bị hẹp thực quản, người bệnh cần được can thiệp điều trị bằng các biện pháp ngoại khoa như:
- Nong thực quản: Bác sĩ sử dụng ống dài có gắn bóng đưa vào vị trí thực quản bị hẹp, sau đó quả bóng được thổi phồng để mở rộng lòng thực quản.
- Đặt stent thực quản: Một ống nhựa hoặc lưới kim loại có thể giãn nở được đưa vào vị trí thực quản bị hẹp. Stent này được đặt trong thực quản từ 4 – 8 tuần tuỳ vào mức độ chít hẹp.
- Phẫu thuật: Được thực hiện khi người bệnh không đáp ứng với các phương pháp khác. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt một phần hoặc toàn bộ thực quản, sau đó đặt ống thông dạ dày để cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh.
4. Barrett thực quản
Barrett thực quản (hay tiền ung thư thực quản là hiện tượng tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, dày và đỏ lên, tế bào vảy trên niêm mạc thực quản chuyển thành tế bào trụ. Tình trạng này xảy ra do niêm mạc thực quản bị acid dạ dày tấn công lặp đi lặp lại.
Barrett thực quản thường không có dấu hiệu đặc trưng. Người bệnh thường vô tình phát hiện tình trạng này trong quá trình thăm khám nội soi. Biện pháp điều trị barrett phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng bất thường (loạn sản) của tế bào, cụ thể:
- Không loạn sản: Theo dõi định kỳ 6 tháng/ lần. Người bệnh điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhằm kiểm soát tình trạng trào ngược acid dạ dày.
- Loạn sản thấp: Người bệnh tái khám định kỳ 6 tháng/ lần kết hợp loại bỏ tế bào loạn sản bằng phương pháp nội soi, cắt bỏ u bằng sóng cao tần kết hợp điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
- Loạn sản cao: Bác sĩ chỉ định cắt bỏ u bằng sóng cao tần, loại bỏ tế bào bất thường bằng phương pháp nội soi, liệu pháp quang đông hoặc liệu pháp quang động. .
5. Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ung thư bắt đầu từ lớp bên trong niêm mạc, sau đó lan ra lớp khác của thực quản và bộ phận khác của cơ thể. Ung thư thực quản có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Ung thư thực quản không có triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như: đau dai dẳng sau xương ức, ho khạc liên miên, hội chứng nhiễm trùng, sưng hạch ở hố thượng đòn bên trái hoặc cá hai bên, đột ngột sút trên 5kg, nếp nhăn nổi rõ,…
Tuỳ vào giai đoạn phát hiện mà ung thư thực quản có thể được điều bằng các phương pháp như:
- Phẫu thuật: Bác sĩ thực hiện cắt bỏ một phần thực quản chứa khối u và nạo vét các hạch xung quanh. Sau đó, thực quản sẽ được nối trực tiếp với dạ dày hoặc thông qua một phần ruột kết.
- Xạ trị: Sử dụng tia X cao năng lượng để tiêu diệt tế bào ung thư và ức chế khả năng tăng sinh của chúng.
- Hoá trị: Dùng thuốc để tiêu diệt và ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
- Liệu pháp miễn dịch: Kích thích hệ miễn dịch tăng hoạt động, tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này được chỉ định cho ung thư tiến triển, tái phát hoặc di căn sang bộ phận khác.
Làm thế nào để ngăn ngừa trào ngược dạ dày gây biến chứng?
Để ngăn biến chứng, người bệnh cần điều trị dứt điểm trào ngược dạ dày và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái phát. Dưới đây là gợi ý để bạn đọc tham khảo:
Điều trị trào ngược dạ dày theo chỉ định
Đa số trường hợp trào ngược dạ dày đều được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc. Phác đồ thuốc sẽ được xây dựng dựa trên triệu chứng và mức độ tổn thương tại dạ dày thực quản, thường dùng như:
- Thuốc kháng acid: Giúp trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh triệu chứng trào ngược acid, nóng rát dạ dày và đau dạ dày – thượng vị. Hoạt chất thường dùng gồm: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd, canxi cacbonat,…
- Thuốc chẹn H2: Có tác dụng ức chế quá trình tiết acid của tế bào thành dạ dày, hiệu quả trong những trường hợp trào ngược dạ dày về đêm. Hoạt chất phổ biến gồm: cimetidine, ranitidine, famotidine,…
- Thuốc ức chế bơm Proton: Làm giảm lượng axit tiết ra từ tế bào thành vào lòng dạ dày. Đây là nhóm thuốc ức chế tiết acid mạnh nhất. Hoạt chất thường dùng gồm: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole,…
Trường hợp trào ngược dạ dày nghiêm trọng, người bệnh không đáp ứng với các thuốc điều trị, bác sĩ có thể chỉ định một số phẫu thuật như:
- Phẫu thuật thắt chặt cơ thắt thực quản dưới, ngăn tình trạng trào ngược (phẫu thuật Nissen).
- Cấy ghép vòng titan chứa từ tính để tăng lực thắt của cơ thắt thực quản dưới (phẫu thuật Linx).
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống khoa học hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày và ngăn trào ngược tái phát. Những lưu ý cụ thể cho người bệnh bao gồm:
- Tăng cường những thực phẩm có lợi cho dạ dày như: thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm có tính kiềm, thực phẩm chứa probiotic, thực phẩm chứa chất béo không bão hoà và các loại protein nạc.
- Hạn chế những thực phẩm gây kích ứng dạ dày như: đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các món ăn chua nhiều, thực phẩm chứa caffeine, nước uống có ga, nước uống chứa cồn và thuốc lá.
- Không nên ăn quá no, định lượng dưới 400ml/ bữa chính và dưới 200ml/ bữa phụ. Các bữa chính cách nhau tối thiểu 4 tiếng, bữa phụ cách bữa chính ít nhất 2 tiếng.
- Không bỏ bữa, ăn đúng giờ, không nên ăn quá nhanh và không ăn sau 11h đêm.
- Nên ưu tiên những món ăn được chế biến chín mềm, hạn chế ăn đồ sống, tránh ăn những thực phẩm cứng và dai.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để nhanh hồi phục?
Sinh hoạt khoa học
Chế độ sinh hoạt khoa học giúp giảm kích thích lên hệ thần kinh, qua đó giảm tình trạng dạ dày tăng tiết acid. Những lưu ý cụ thể cho người bệnh gồm:
- Duy trì cân nặng ở mức bình thường, theo chuẩn BMI từ 18.5 – 24.9.
- Tránh vận động mạnh, cúi người hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Tăng cường luyện tập các bài thể dục vừa sức như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga nhẹ nhàng.
- Đi ngủ đúng giờ, tránh ngủ quá khuya sau 23h00.
- Cân bằng giữa chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi, tránh để cơ thể bị mệt mỏi, stress quá mức.
Một số câu hỏi liên quan
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản:
Trào ngược dạ dày có tự khỏi được không?
Trào ngược dạ dày nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng một số loại thảo dược giúp giảm triệu chứng do trào ngược dạ dày gây ra. Sau 3 – 4 tuần, nếu bệnh không được cải thiện, hãy liên hệ với bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
Trào ngược dạ dày có chữa khỏi được không?
Trào ngược dạ dày có thể chữa khỏi bằng thuốc hoặc biện pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu người bệnh có chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học, bệnh có thể tái phát sau điều trị. Vì vậy, người bệnh không chỉ cần kiểm soát ăn uống, sinh hoạt trong khi điều trị mà phải tiếp tục thực hiện sau khi bệnh đã được chữa khỏi.
Trào ngược dạ dày bao lâu thì bị ung thư?
Không có con số cụ thể về số năm bị trào ngược dạ dày tiến triển thành ung thư. Biến chứng này xảy ra do nhiều yếu tố như: thời gian trào ngược, mức độ trào ngược, mức độ tổn thương do trào ngược gây ra và cơ địa của người bệnh. Khi trào ngược dạ dày kéo dài càng lâu, gây tổn thương càng nghiêm trọng thì nguy cơ ung thư càng lớn.
Trào ngược dạ dày có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ mang đến cho bạn đọc kiến thức hữu ích và có lựa chọn phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình. Nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.