Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Đa số trường hợp có thể tự khỏi sau 1 tuổi. Tuy nhiên, một số ít vẫn tiếp diễn cho đến khi trẻ lên 4 tuổi và mang đến nguy cơ biến chứng nặng nề. Vậy, làm thế nào để giải quyết hiệu quả tình trạng này? Mời ba mẹ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Vấn đề trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản là thuật ngữ dùng để mô tả quá trình trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản, đôi khi có thể lên cả khoang miệng và xoang mũi. Trong dịch vị có thể chứa: acid HCl, enzyme tiêu hoá, thức ăn và muối mật. Trẻ nhỏ bị trào ngược thường kèm theo tiếng ợ, nôn trớ ra sữa và thức ăn.
Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ thường do:
- Cấu trúc và chức năng hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện, cơ thắt thực quản dưới chưa đóng kín hoàn toàn.
- Dạ dày co thắt mạnh mẽ khiến thức ăn bị trào ngược lên trên.
- Tăng tiết acid dạ dày quá mức kích thích cơ thắt thực quản dưới mở ra.
- Bất thường cấu trúc cơ hoành khiến cơ thắt thực quản dưới không thể khép kín.
- Các rối loạn hô hấp mạn tính, bệnh lý thần kinh, trẻ ghép phổi hoặc đẻ non.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Rạng, khoảng 50% trẻ từ 1 – 3 tháng tuổi bị trào ngược dạ dày nhiều hơn 1 lần/ ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thắt thực quản dưới của trẻ còn “lỏng lẻo”, dễ bị giãn mở khi trẻ ăn no.
Ở trẻ 4 – 6 tháng tuổi, tỷ lệ trào ngược tăng cao lên mức khoảng 70%. Đây là giai đoạn trẻ tập lẫy, trườn và bò. Những hoạt động này làm tăng áp lực lên dạ dày kết hợp với cơ thắt thực quản chưa hoàn thiện khiến trẻ bị trào ngược dạ dày nhiều hơn.
Ở giai đoạn 7 – 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 30% trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản. Đây là thời điểm trẻ tiếp cận với những món ăn đặc hơn, khó bị “rò rỉ” qua cơ thắt thực quản dưới. Đến 10 – 12 tháng tuổi, chỉ còn chưa đầy 10% trẻ gặp phải trào ngược dạ dày thực quản.
Sau 1 tuổi, tỷ lệ trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản chỉ còn dưới 5%. Đây là nhóm trẻ dễ có nguy cơ tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Nhận diện tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi
Trẻ 4 tuổi đã có thể chia sẻ với bố mẹ về những khó chịu mà mình đang gặp phải. Vì vậy, ba mẹ có thể hỏi con một số triệu chứng dưới đây để phát hiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản:
- Đau bụng lệch về bên trái, dưới vùng xương sườn.
- Đau hoặc nóng rát ở vị trí thượng vị (mỏ ác) và phía sau xương ức.
- Có cảm giác khó nuốt, nghẹn vướng họng, nôn trớ lặp lại nhiều lần.
- Triệu chứng hô hấp tái diễn nhiều lần: ho, thở khò khè, khàn giọng, thở rít.
Bên cạnh đó, ba mẹ có thể quan sát các triệu chứng của trẻ. Những dấu hiệu gợi ý đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thường gặp như:
- Trẻ nôn và thở khò khè trong vòng 3 giờ đầu đi ngủ
- Trẻ thường xuyên bị viêm thanh quản và hen mà không xác định được nguyên nhân.
- Trẻ hay bị viêm tai giữa, viêm xoang mãn tính, hơi thở hôi, sâu răng.
Ba mẹ cần kết hợp giữa tự theo dõi và lắng nghe trẻ để hiểu rõ khó chịu mà con đang gặp phải. Sau đó, ba mẹ cần chia sẻ rõ vấn đề của trẻ với bác sĩ trong quá trình thăm khám để tìm được giải pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý đoán bệnh cho con và điều trị tại nhà khi chưa được bác sĩ đồng ý.
Điều gì khiến trẻ em 4 tuổi dễ bị trào ngược?
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ 4 tuổi được chia thành 2 nhóm chính, gồm: nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý, bao gồm:
Nguyên nhân sinh lý
Trào ngược sinh lý ở trẻ 4 tuổi chủ yếu là do thói quen ăn uống chưa phù hợp hoặc chức năng tiêu hoá chưa hoàn thiện, cụ thể như:
Chức năng tiêu hoá chưa ổn định: Ở trẻ 4 tuổi, chức năng cơ thắt thực quản dưới và nhu động tiêu hoá của dạ dày chưa hoàn thiện. Khi cơ thắt thực quản dạ dày giãn mở bất thường và nhu động dạ dày rối loạn, dịch vị có thể bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Nếu do nguyên nhân này, trào ngược dạ dày sẽ được cải thiện dần sau khi trẻ được 7 tuổi.
Cấu trúc thức ăn chưa phù hợp: Tại một số gia đình, trẻ 4 tuổi vẫn ăn thức ăn dạng lỏng mịn như khi mới ăn dặm. Dạng thức ăn này dễ “lọt qua” cơ thắt thực quản dưới gây trào ngược khi trẻ vận động mạnh. Ngoài ra, những trẻ ăn đồ ăn quá thô cứng hoặc quá dai không phù hợp với khả năng nhai nuốt của trẻ có thể tạo kích thích lên dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.
Thói quen ăn uống chưa tốt: Một số trẻ thường ăn trong khi chơi, xem ti vi hoặc điện thoại. Thói quen này khiến trẻ không tập trung nhai và xử lý thức ăn. Trẻ có thể nuốt luôn mà không nhai hoặc ngậm miếng rất to rồi mới nuốt. Điều này làm trẻ dễ bị nghẹn, hóc, nôn oẹ dẫn đến trào ngược dạ dày.
Nguyên nhân bệnh lý
Các bệnh lý liên quan đến bất thường cấu trúc hoặc chức năng của hệ tiêu hoá là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược ở trẻ, thường gặp như:
Thiếu vi chất: Thiếu hụt sắt, kẽm, magie, canxi và vitamin nhóm B có thể làm sụt giảm men tiêu hoá, kích thích thần kinh dẫn đến rối loạn nhu động và trương lực cơ đường ruột. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ 4 tuổi dễ bị trào ngược dạ dày thực quản.
Thoát vị hoành: Khiến một phần dạ dày nhô vào khoang lồng ngực. Tình trạng này khiến dạ dày bị phân khoang, tăng sức ép khiến cơ thắt thực quản dưới mở ra và đẩy dịch dạ dày vào thực quản.
Mắc bệnh đường tiêu hoá: Trẻ mắc một số bệnh lý như: hẹp môn vị, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích, celiac, dị ứng, viêm ruột,… dễ bị rối loạn nhu động ruột dẫn đến trào ngược dạ dày sau khi ăn.
Trào ngược dạ dày do nguyên nhân sinh lý thường có xu hướng giảm dần khi trẻ lớn dần. Trong khi đó, trào ngược bệnh lý cần được bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Để biết rõ trẻ em 4 tuổi bị trào ngược do đâu, ba mẹ cần cho con thăm khám sớm và thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết.
Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Bởi lẽ, trong dịch trào ngược dạ dày có chứa acid HCl – một loại acid mạnh có khả năng phá huỷ mô trong cơ thể. Ở trẻ sơ sinh, cơ chế tiết acid của dạ dày chưa hoàn thiện, lượng acid tiết ra chỉ bằng khoảng 50% so với người lớn. Vậy nên, trào ngược ở giai đoạn này thường không gây nguy hiểm.
Thế nhưng, sau 8 tháng tuổi, chức năng tiết acid ở dạ dày của trẻ đã tương đương như người lớn. Điều này đồng nghĩa rằng, khi trẻ trào ngược, acid trong dịch vị có thể gây tổn thương những mô mà nó đi qua như: niêm mạc thực quản, hầu họng, mũi xoang và thanh quản. Quá trình này gây ra các vấn đề như:
Viêm loét thực quản: Niêm mạc thực quản không có lớp chất nhầy bảo vệ như ở dạ dày. Do đó, acid dễ dàng bào mòn và gây ra các ổ viêm loét tại thực quản. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: chít hẹp thực quản, barrett thực quản,…
Viêm họng mãn tính: Do acid trong dịch trào ngược gây tổn thương niêm mạc họng. Nếu chỉ tập trung chữa viêm họng mà không điều trị trào ngược, tình trạng này sẽ tái diễn liên tục, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Mòn răng: Acid trào ngược lên khoang miệng có thể phá huỷ mô răng. Đây là một trong những lý do khiến nhiều trẻ bị mòn răng, sâu răng cho dù đánh răng thường xuyên và không ăn nhiều đồ ngọt.
Hen suyễn: Trào ngược dạ dày thường xuyên có thể ảnh hưởng đến khí quản khiến trẻ bị thở khò khè, khó thở, thở rít và ho dai dẳng.
Viêm tai giữa: Trẻ bị trào ngược dạ dày thường gặp các vấn đề về viêm mũi họng mạn tính. Dịch tiết mũi họng có thể chảy lên tai gây tắc vòi nhĩ và viêm tai giữa kéo dài.
Ngoài những bệnh lý trên, trẻ em 4 tuổi bị trào ngược dạ dày cũng gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hoá, giảm khả năng hấp thu. Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý và gây ra các rối loạn về hành vi.
Làm thế nào xử lý triệt để tình trạng trào ngược ở trẻ 4 tuổi?
Muốn con thoát khỏi tình trạng trào ngược dứt điểm, ba mẹ cần cùng con tìm ra “nút thắt” để chọn được giải pháp phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý để các bậc phụ huynh cùng tham khảo:
Điều chỉnh lại thức ăn
Cấu trúc thức ăn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Ví dụ như, trong giai đoạn mới ăn dặm, những thực phẩm lỏng mịn giúp trẻ dễ nuốt và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian, thức ăn cần được tăng dần về độ đặc và độ thô nhằm thúc đẩy sự phát triển của hàm, lưỡi, hệ tiêu hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tập nói.
Một số ba mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng) hoặc không tăng thô phù hợp với độ tuổi làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá. Ở trẻ 4 tuổi, cấu trúc hàm, răng, lưỡi và hệ tiêu hoá đã phù hợp với chế độ ăn tương tự như của người lớn. Vì vậy, ba mẹ nên có kế hoạch phù hợp để giúp con thích nghi với điều này.
Một số lưu ý khi điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ 4 tuổi gồm:
- Tăng thô từ từ nếu trẻ đang quen ăn cháo, bột mịn, thời gian mỗi lần tăng thô có thể cách nhau 2 tuần.
- Nấu chín mềm các loại thực phẩm để giúp con tập xử lý thức ăn tốt hơn.
- Lựa chọn đa dạng thực phẩm, chế biến phong phú, trình bày đẹp mắt nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và kích thích nhu cầu ăn của trẻ.
- Không nên sử dụng những gia vị quá kích thích như: ớt, tiêu, mù tạt,… trong món ăn để tránh gây kích thích dạ dày và khiến trẻ từ chối ăn.
- Tăng cường những thực phẩm giàu probiotics như: sữa chua, kefir, natto,… trong bữa ăn giúp trẻ tiêu hoá tốt hơn.
- Cắt giảm hoặc loại bỏ những đồ ăn vặt không cần thiết như: nước ngọt, bánh kẹo, bim bim,… trong thời gian điều chỉnh chế độ ăn của con.
☛ Tham khảo thêm: Hướng dẫn chọn sữa cho bé hay trớ, trào ngược dạ dày hiệu quả
Thay đổi thói quen ăn uống
Nhiều ba mẹ không để ý nhưng thói quen ăn uống thật sự ảnh hưởng đến tiêu hoá của trẻ. Thiếu tập trung khi ăn có thể khiến trẻ nhai không kỹ, nuốt quá nhanh hoặc ngậm quá lâu. Điều này gây giảm hấp thu, khó tiêu hoặc rối loạn nhu động ruột dẫn đến tăng nguy cơ trào ngược.
Để khắc phục tình trạng này, ba mẹ cần định hướng cho con như sau:
- Trẻ nên ngồi ngay ngắn và không xem thiết bị điện tử trong khi ăn. Điều này giúp trẻ nhận biết được mình đang ăn món gì, xử lý tốt thức ăn và tránh các tai nạn trong khi ăn như: sặc, hóc hoặc ngã.
- Cho trẻ ăn đủ bữa và ăn đúng giờ nhằm tạo nhịp sinh học ổn định cho hệ tiêu hoá đồng thời tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho con.
- Bữa ăn của trẻ nên cách giờ đi ngủ khoảng 3 tiếng để tránh bị trào ngược khi trẻ nằm.
- Duy trì không khí ăn uống vui vẻ, tránh gây tâm lý áp lực, sợ hãi cho trẻ trong bữa ăn.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Dùng thuốc theo chỉ định
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ chủ yếu là nhóm thuốc ức chế tiết acid. Thời gian điều trị kéo dài khoảng 8 – 12 tuần tùy vào tình trạng cụ thể của trẻ. Dưới đây là một số thuốc được thường dùng:
Ranitidine: Là thuốc ức chế tiết acid thuộc nhóm kháng histamin H2. Thuốc được sử dụng cho những trẻ trào ngược dạ dày mức độ nhẹ đến trung bình, chủ yếu trào ngược vào ban đêm. Ranitidine có thể dùng cho trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi. Liều dùng thuốc là 5 – 10mg/ kg chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
Omeprazole: Thuốc chống tiết acid thuộc nhóm ức chế bơm Proton. Thuốc được chỉ định cho trẻ 2 – 17 tuổi bị trào ngược dạ dày mức độ trung bình đến nặng. Liều dùng của omeprazole là 0.7 – 3.3mg/ kg, uống 1 lần trong ngày.
Lansoprazole: Cùng nhóm với omeprazole. Thuốc được chỉ định cho trẻ từ 1 – 17 tuổi với liều dùng 0.7 – 3.0mg/ kg, uống 1 lần trong ngày.
Thăm khám kịp thời
Thăm khám là việc làm quan trọng khi điều trị trào ngược dạ dày cho trẻ. Ba mẹ nên thăm khám sớm ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường như: thường xuyên nôn trớ, đau hoặc nóng ở bụng, hay bị rối loạn tiêu hoá, ăn uống kém.
Bên cạnh khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ thực hiện một vài kiểm tra sau:
- Đo pH thực quản 24H: Nếu tỷ lệ pH dưới 4 vượt quá 7% trong cả quá trình đo, trẻ đang bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Nội soi dạ dày thực quản: Trẻ được gây mê và nội soi để phát hiện bất thường về giải phẫu như: phình vị, hẹp thực quản, hẹp môn vị,… Ngoài ra, nội soi cũng cho thấy các tổn thương tại thực quản và dạ dày.
- Xét nghiệm tế bào: Nhằm loại trừ nguyên nhân viêm thực quản do tăng bạch cầu hoặc nhiễm nấm. Xét nghiệm này cũng được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ có tế bào ung thư đang phát triển.
Ngoài lần khám đầu tiên để chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị, ba mẹ cần cho trẻ khám định kỳ theo lịch hẹn ngay cả khi trẻ đã hết hẳn triệu chứng. Đây là những mốc khám quan trọng giúp xác định trẻ đã khỏi hoàn toàn hay chưa, có cần thêm biện pháp hỗ trợ nữa không. Sau đó, ba mẹ cũng nên cho con khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Trào ngược dạ dày ở trẻ 4 tuổi khá đáng lo ngại do nguy cơ bệnh lý và tiến triển thành biến chứng. Ba mẹ cần dành sự quan tâm đúng mực, cho trẻ thăm khám sớm và phối hợp chặt chẽ cùng bác sĩ để điều trị tốt nhất cho con. Nếu cần tư vấn thêm về tình trạng này, ba mẹ có thể liên hệ với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.