Cơ thể luôn có cơ chế “tự sửa chữa” khi xuất hiện các tổn thương. Thế nhưng không phải vết thương nào cũng có thể tự lành lại mà không cần can thiệp điều trị. Vậy, viêm loét dạ dày có tự khỏi được không? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
Viêm loét dạ dày có tự khỏi được không?
Viêm loét dạ dày được xác định khi bề mặt niêm mạc dạ dày bị tổn thương và xuất hiện các ổ viêm, loét. Bệnh có thể tự khỏi nếu tổn thương trên niêm mạc dạ dày không quá nghiêm trọng và người bệnh có thể loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày bao gồm: thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá, lạm dụng thuốc chống viêm NSAIDs và Corticoid, chế độ ăn thiếu lành mạnh, mất cân bằng dinh dưỡng, tâm lý căng thẳng kéo dài và vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Ngoại trừ vi khuẩn HP, những tác nhân còn lại đều có thể được loại bỏ thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt.
Mức độ viêm loét dạ dày được xác định qua các tổn thương trên niêm mạc, cụ thể:
- Cấp độ 1: Viêm nhẹ – Thể hiện qua các vùng niêm mạc phù nề, tấy đỏ hoặc có vết viêm trợt, xung huyết.
- Cấp độ 2: Loét nông – Xảy ra khi các vết loét lấn sâu vào thành dạ dày nhưng chưa vượt qua lớp niêm mạc.
- Cấp độ 3: Loét – Được xác định khi vết loét vượt qua lớp niêm mạc, làm lộ lớp cơ của thành dạ dày.
- Cấp độ 4: Loét sâu – Ổ loét vượt qua lớp cơ của dạ dày, có thể gây xuất huyết và tăng nguy cơ thủng dạ dày.
Trong 4 giai đoạn trên, cơ thể có thể “tự chữa khỏi” các tổn thương viêm nhẹ (Cấp độ 1) khi được cung cấp điều kiện thuận lợi. Những trường hợp viêm loét dạ dày từ cấp độ 2 trở đi, người bệnh cần có sự hỗ trợ của các biện pháp y tế.
Như vậy, những người bệnh viêm loét dạ dày cấp độ 1 và không nhiễm khuẩn HP có cơ hội tự điều trị khỏi tại nhà thông qua điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám để làm rõ tình trạng của mình và nhận tư vấn của bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Viêm loét dạ dày tá tràng: Tất tần tật thông tin bạn cần biết
Trường hợp nào viêm loét dạ dày không thể tự khỏi được?
Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP và có tổn thương nặng sẽ không thể tự khỏi mà cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Các trường hợp cụ thể bao gồm:
Người có triệu chứng nghiêm trọng: Người bệnh bị đau dạ dày âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội cục bộ, chỉ giảm đau sau khi dùng thuốc. Cơn đau xuất hiện đột ngột cả khi no và đói, không theo quy luật. Ngoài ra, các triệu chứng như: ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, đầy chướng bụng xuất hiện với tần suất dày đặc
Tổn thương niêm mạc nặng: Bao gồm những trường hợp có vết loét tiến sâu vào niêm mạc, tới lớp cơ hoặc vượt qua lớp cơ dạ dày.
Bệnh có dấu hiệu biến chứng: Người bệnh nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân lẫn máu cần cảnh giác với biến chứng xuất huyết tiêu hoá. Nếu thường xuyên nôn ra thức ăn ngày hôm trước cũng, người bệnh cần chú ý đến biến chứng hẹp môn vị. Những trường hợp đau dạ dày bị sụt trên 10% cân nặng kèm theo bất thường trên đường tiêu hoá cần thăm khám đề phòng ung thư dạ dày.
Người được chẩn đoán có biến chứng: Những người được chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày, hẹp môn vị hay ung thư dạ dày cần theo sát phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nếu thuộc một trong những trường hợp như trên, người bệnh cần thăm khám và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngưng hoặc thay đổi phác đồ điều trị khi chưa được bác sĩ đồng ý.
Các phương pháp điều trị viêm loét dạ dày
Tuỳ vào tình trạng cụ thể mà người bệnh viêm loét dạ dày cần áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là một biện pháp để bạn đọc tham khảo:
Điều trị tại nhà
Điều trị viêm loét dạ dày tại nhà đòi hỏi người bệnh có tinh thần “tự kỷ luật” tốt, nghiêm túc kiểm soát chế độ ăn uống sinh hoạt để loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể chữa lành.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống khoa học giúp loại bỏ tác nhân gây hại cho dạ dày đồng thời cung cấp nguyên liệu cho quá trình chữa lành tổn thương. Những lưu ý cụ thể bao gồm:
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và vitamin A giúp giảm nồng độ acid, tăng tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hoá thuận lợi. Điển hình như: khoai lang, cà rốt, súp lơ xanh,…
Bổ sung thực phẩm giàu Probiotics giúp hỗ trợ tiêu hoá, chống lại vi khuẩn HP và hạn chế tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh trên hệ tiêu hoá. Thường gặp như: sữa chua, kefir, trà kombucha, natto,…
Ưu tiên nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hoá hỗ trợ quá trình lành loét, kích thích dạ dày tăng tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc và hỗ trợ chống lại vi khuẩn HP. Thực phẩm của nhóm này gồm: quả việt quất, nam việt quất, nho đỏ, dâu tây,…
Cung cấp đầy đủ Protein cho cơ thể dựa trên định lượng 0.8g Protein/ kg/ ngày. Đây là nguyên liệu quan trọng cho quá trình làm lành vết loét. Ưu tiên chọn protein nạc, ít béo như: cá hồi, ức gà, thăn lợn,…
Lựa chọn chất béo không bão hoà giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP, hỗ trợ quá trình làm lành vết loét trên niêm mạc dạ dày. Chất béo không bão hoà thường có trong: dầu ô liu, cá hồi, dầu hướng dương, dầu óc chó, dầu hạt lanh,…
Bên cạnh bổ sung thực phẩm có lợi cho dạ dày, người bệnh cũng cần chú ý loại bỏ nhóm thực phẩm có hại như: đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm công nghiệp, đồ ăn cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ, nước uống có gas, đồ uống chứa cồn hoặc caffeine và không hút thuốc lá.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị viêm loét dạ dày
Thay đổi lối sống
Thói quen sống lành mạnh giúp giảm kích thích lên dạ dày, qua đó hạn chế tình trạng tăng tiết acid. Những việc bạn nên làm khi bị viêm loét dạ dày gồm:
- Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa nhằm xây dựng nhịp tiêu hoá ổn định cho dạ dày.
- Đi ngủ sớm trước 23h00, duy trì thời gian ngủ đủ từ 6 – 8 tiếng/ ngày tạo điều kiện cho dạ dày nghỉ ngơi và tránh kích thích gây tăng tiết acid.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh để cơ thể bị căng thẳng quá mức khiến dạ dày tăng tiết acid, làm chậm quá trình lành loét.
- Tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút/ ngày, chú ý chọn bài tập nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực lên vùng dạ dày.
- Duy trì cân nặng ở tiêu chuẩn bình thường theo chỉ số BMI giúp tiêu hoá tốt hơn và hạn chế tình trạng trào ngược.
Sử dụng thảo dược hỗ trợ
Sử dụng thảo dược là biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả, vừa giúp giảm triệu chứng vừa hỗ trợ quá trình lành loét nhanh chóng. Một số loại thảo dược được sử dụng phổ biến như:
Dạ cẩm: Đã được chứng minh lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn về tác dụng giảm ợ chua, đau dạ dày và giúp lành loét dạ dày. Bạn chỉ cần lấy một nắm lá và ngọn dạ cẩm sắc cùng khoảng 300ml nước, thêm chút đường để điều vị, uống vào trước bữa ăn hoặc khi bị đau.
Chè dây: Có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm chỉ số điểm loét và tiêu diệt vi khuẩn HP. Người bệnh chỉ cần dùng 10 – 15g chè dây đem hãm cùng 100ml nước sôi, uống trước bữa ăn hoặc khi bị đau dạ dày. Uống ngày 2 – 3 lần, duy trì từ 1 – 3 tháng.
☛ Tham khảo đầy đủ: 7 cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày có căn cứ khoa học
Can thiệp y khoa
Những trường hợp viêm loét dạ dày nặng, không thể điều trị bằng các biện pháp tại nhà, người bệnh cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số phương pháp thường áp dụng
Điều trị bằng thuốc
Đa số người bệnh viêm loét dạ dày đều được điều điều trị bằng các thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng acid: Có tác dụng trung hòa acid, giảm nhanh các triệu chứng đau, nóng rát dạ dày. Hoạt chất được dùng phổ biến gồm: Canxi cacbonat, nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd.
- Thuốc kháng histamin H2: Được dùng để ức chế tế bào thành dạ dày tiết acid, hiệu quả với trường hợp tăng tiết acid và trào ngược vào ban đêm. Hoạt chất thường thấy như: cimetidine, ranitidine, famotidine,…
- Thuốc ức chế bơm Proton: Là thuốc ức chế tiết acid mạnh nhất, dùng cho cả những trường hợp loét nghiêm trọng hay có xuất huyết tiêu hoá. Hoạt chất điển hình gồm: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole,…
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Tạo lớp chất nhầy tăng cường bảo vệ niêm mạc dạ dày và tiêu diệt vi khuẩn HP. Thuốc được dùng thường gặp như: bismuth, sucralfate, misoprostol.
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định cho trường hợp viêm loét dạ dày nhiễm khuẩn HP. Những kháng sinh được dùng gồm: amoxicillin, clarithromycin, levofloxacin, tetracycline và metronidazole.
Bệnh nhân viêm loét dạ dày nhiễm khuẩn HP có thể được điều trị bằng một trong hai phác đồ gồm:
Phác đồ 3 thuốc: Gồm một thuốc ức chế bơm Proton và hai loại kháng sinh, thường là amoxicillin (1g/ lần x 2 lần/ ngày) kết hợp cùng clarithromycin (500mg/ lần x 2 lần/ ngày) hoặc amoxicillin kết hợp với metronidazole (250mg/ lần x 2 lần/ ngày). Một liệu trình điều trị thường kéo dài liên tục 14 ngày.
Phác đồ 4 thuốc: Chỉ định khi người bệnh áp dụng phác đồ 3 thuốc không hiệu quả. Đơn thuốc thường gồm một thuốc ức chế bơm Proton và 3 kháng sinh như: amoxicillin, clarithromycin và metronidazole. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp một thuốc ức chế bơm Proton, bismuth (120mg/ lần x 4 lần/ ngày) và hai loại kháng sinh, thường là tetracycline (500mg/ lần x 4 lần/ ngày và metronidazole (500mg/ lần x 2 lần/ ngày). Liệu trình kéo dài 10 – 14 ngày.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp viêm loét dạ dày nặng, không đáp ứng với thuốc điều trị hoặc có biến chứng thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc ung thư dạ dày. Trong đó:
- Phẫu thuật do không đáp ứng thuốc: Bác sĩ sẽ cắt bỏ phần dạ dày bị loét nghiêm trọng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày.
- Phẫu thuật do biến chứng hẹp môn vị: Bác sĩ cắt bỏ đoạn môn vị bị hẹp, sau đó nối trực tiếp dạ dày với tá tràng để đảm bảo tốc độ tiêu hoá bình thường của dạ dày.
- Phẫu thuật do thủng dạ dày: Bác sĩ thực hiện khâu vết thủng hoặc kết hợp cắt bỏ một phần dạ dày bị loét nghiêm trọng trước khi khâu.
- Phẫu thuật do ung thư dạ dày: Bác sĩ cắt một phần dạ dày chứa khối u để ngăn ung thư phát triển và di căn. Nếu ung thư lan rộng, toàn bộ dạ dày sẽ được cắt bỏ, sau đó thực quản được nối trực tiếp với ruột non.
Phẫu thuật dạ dày đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nhiều tác dụng phụ và nguy cơ tai biến trong phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần thăm khám kỹ và lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhằm giảm tối đa rủi ro khi điều trị.
Một số câu hỏi liên quan đến điều trị viêm loét dạ dày
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi điều trị viêm loét dạ dày:
Viêm loét dạ dày có điều trị dứt điểm được không?
Viêm loét dạ dày có thể điều trị dứt điểm, các vết viêm loét lành lại hoàn toàn và cơ chế tiết acid dạ dày trở về bình thường. Tuy nhiên, bệnh phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Vậy nên, viêm loét dạ dày có thể tái phát nếu người bệnh không có chế độ kiêng khem phù hợp.
Mất bao lâu để điều trị khỏi viêm loét dạ dày?
Thời gian điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thường kéo dài 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, những trường hợp viêm loét dạ dày nghiêm trọng hoặc có biến chứng, người bệnh có thể cần đến 6 tháng – 1 năm hoặc lâu hơn. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để nắm rõ tình trạng của mình, dự trù được thời gian và chi phí phục vụ cho quá trình điều trị.
Chữa viêm loét dạ dày có khó không?
Viêm loét dạ dày không phải là bệnh khó điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều chỉnh về chế độ ăn, lối sống và phác đồ của bác sĩ. Quá trình này có thể làm thay đổi hoàn toàn nếp sống trước đây, ảnh hưởng đến sở thích, thói quen và công việc của người bệnh. Vậy nên, “cái khó” trong chữa viêm loét dạ dày không nằm ở vết tổn thương mà nằm ở việc người bệnh có đủ kiên trì để điều trị đúng hay không.