Lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày là công việc thường ngày nhưng lại khiến nhiều bệnh nhân xuất huyết dạ dày thấy “rối não”. Làm thế nào để vừa có một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với chiếc dạ dày không mấy khoẻ mạnh? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
Tìm hiểu về chảy máu dạ dày
Chảy máu dạ dày xảy ra khi mạch máu trên niêm mạc dạ dày bị phá vỡ làm cho máu từ lòng mạch chảy vào bên trong dạ dày. Phần lớn trường hợp xuất huyết dạ dày là biến chứng tiến triển từ viêm loét dạ dày. Một số trường hợp còn lại có thể do: tăng áp tĩnh mạch cửa, polyp dạ dày, thoát vị hoành hoặc tai nạn ở vùng bụng.
Người bệnh bị chảy máu dạ dày có thể gặp phải các triệu chứng dưới đây:
- Nôn ra máu: Có thể là màu đỏ tươi, máu đen, máu cục riêng biệt hoặc lẫn lộn cùng thức ăn. Lượng máu và số lần nôn ra máu phản ánh mức độ chảy máu dạ dày và ảnh hưởng đến các triệu chứng toàn thân khác.
- Đi ngoài ra máu: Nếu chảy máu nhiều, phân loãng, có nước màu đỏ xen lẫn với phân lổn nhổn màu đen nhánh, mùi khắm. Nếu chảy máu ít, phân thành khuôn có màu đen như nhựa đường, mùi khắm.
- Triệu chứng thiếu máu: Gặp ở trường hợp tổn thương mạch máu nhỏ, mất máu chậm và kéo dài. Người bệnh da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, hay đau đầu, chóng mặt.
- Mất máu nhanh: Do tổn thương mạch máu lớn, mất máu nhiều làm giảm thể tích máu đột ngột dẫn đến: da lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vã mồ hôi, chóng mặt, mạch nhanh, tụt huyết áp, li bì, có thể co giật, vật vã,…
Xuất huyết dạ dày là một biến chứng tiêu hoá nguy hiểm. Một nghiên cứu trên 278 bệnh nhân xuất huyết dạ dày tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho thấy, khoảng 3.9% người bệnh cần điều trị phẫu thuật: cắt 2/3 dạ dày, khâu cầm máu kèm cắt dây X và cắt bỏ ổ loét. Tỷ lệ tử vong của những trường hợp này là khoảng 9.1%.
Ngoài ra, có khoảng 20.8% bệnh nhân xuất huyết dạ dày được chỉ định nội soi can thiệp, tỷ lệ tử vong trong số này chiếm 5.2%. Những trường hợp cần can thiệp nội mạch là 8.9%, tỷ lệ tử vong là 4%. Như vậy, xuất huyết dạ dày có thể tạo thành ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, gián đoạn công việc và tốn kém về kinh tế. Điều này có thể tạo ra những gánh nặng cho cuộc sống của bệnh nhân sau này.
Chảy máu dạ dày nên ăn gì?
Trong thời gian nằm viện, người bệnh cần có chế độ ăn uống đặc biệt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nguyên tắc chung là ăn những đồ mềm lỏng như: cháo, sữa, nước thịt, nước hoa quả. Bên cạnh đó, cần chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh tác động vào tổn thương.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn uống khoa học. Một số nhóm thực phẩm được ưu tiên trong thời gian nay gồm:
Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ hấp thu tốt acid dạ dày, hỗ trợ thức ăn di chuyển trong đường ruột ổn định và duy trì lượng nước trong phân, ngăn táo bón. Ngoài ra, chất xơ cũng giúp điều hoà hệ vi sinh đường ruột, tăng cường khả năng chuyển hoá và hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể.
Người bệnh chảy máu dạ dày lựa chọn những thực phẩm chứa chất xơ hoà tan, chọn phần thực phẩm non mềm, cắt nhỏ và nấu mềm để tránh cọ xát lên tổn thương trong dạ dày. Những thực phẩm được gợi ý như:
Súp lơ xanh: 100g bông cải xanh cung cấp khoảng 2.6g chất xơ và hơn một nửa trong đó là chất xơ hoà tan. Bên cạnh đó, súp lơ xanh còn chứa hợp chất Sulforaphane có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và hỗ trợ làm lành tổn thương hiệu quả. Mỗi bữa, bạn có thể ăn khoảng 100 – 200g súp lơ xanh.
Khoai lang: Cứ 100g khoai lang sẽ cung cấp khoảng 3.3g chất xơ, trong đó khoảng 23% là chất xơ hoà tan dưới dạng pectin. Hơn nữa, trong khoai lang còn chứa các chất chống oxy hoá như: beta carotene, vitamin C và vitamin E giúp ngăn tổn thương tế bào, hỗ trợ phục hồi vết xuất huyết dạ dày hiệu quả. Bạn có thể ăn 1 củ khoai lang vào bữa sáng và bữa trưa của mình.
Thực phẩm giàu sắt
Bệnh nhân chảy máu dạ dày bị mất máu ở mức độ khác nhau. Việc bổ sung thực phẩm giàu sắt giúp tăng cường quá trình tạo hồng cầu, bổ sung lượng máu đang thiếu hụt. Mặt khác, cung cấp sắt đầy đủ cũng làm tăng cường tuần hoàn máu, qua đó tăng cung cấp dinh dưỡng và oxy giúp tổn thương mau lành hơn.
Những thực phẩm giàu sắt phải kể đến như:
- Gan lợn: Trong 100g gan lợn chứa khoảng 25mg sắt – Gấp 2 lần nhu cầu của một người bình thường trong ngày. Vì vậy, bạn chỉ cần ăn khoảng 30 – 50g gan trong một bữa là có thể cung cấp đủ lượng sắt cần thiết.
- Sò huyết: Cứ 100g sò huyết cung cấp khoảng 29mg sắt. Vì vậy, đây cũng được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung sắt lý tưởng cho người bệnh xuất huyết dạ dày.
Thực phẩm giàu đạm
Protein là thành phần quan trọng, cung cấp nguyên liệu chính cho quá trình chữa lành tổn thương của cơ thể. Vậy nên, bệnh nhân xuất huyết dạ dày nhất định phải bổ sung đầy đủ đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Trung bình, một người sẽ cần khoảng 45 – 52g protein/ ngày. Người bệnh có thể căn cứ vào con số này để tính toán lượng thực phẩm cần thiết.
Những thực phẩm giàu đạm nên được bổ sung trong chế độ ăn của người chảy máu dạ dày như:
- Trứng gà: Mỗi quả trứng gà chứa khoảng 4.9g protein. Ngoài ra, trứng rất mềm, dễ tiêu hoá và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Bạn có thể ăn 1 quả/ bữa để bổ sung protein cho cơ thể.
- Thịt ức gà: 100g ức gà cung cấp khoảng 31g protein. Đây là thực phẩm lý tưởng cho những người có nhu cầu cao về protein. Tuy nhiên, thịt ức gà khô nên bạn cần chế biến kỹ để tránh bị ngán.
Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin là nhóm vi chất có khả năng bảo vệ tế bào, thải độc và sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương trong cơ thể. Bên cạnh đó, các loại vitamin cũng đóng vai trò như chất xúc tác trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, tạo năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Vitamin có nhiều trong các loại rau củ quả tươi sống, nhiều màu sắc. Việc chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao có thể làm mất đi phần lớn vitamin nhưng ăn sống lại ảnh hưởng đến dạ dày đang tổn thương. Vì vậy, bệnh nhân xuất huyết dạ dày nên dùng ở dạng nước ép hoặc sinh tố để bào toàn hàm lượng vitamin mà không tác động đến dạ dày.
Những thực phẩm giàu vitamin nên dùng khi bị chảy máu dạ dày gồm:
- Rau củ quả màu cam: Điển hình như cà rốt, bí đỏ, đu đủ, dâu tây, cà chua,… thường giàu vitamin A, vitamin C, vitamin B9, carotene và lycopene. Đây đều là những chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh, chống viêm và hỗ trợ làm lành vết thương nhanh chóng.
- Rau củ quả màu xanh đậm: Thường gặp như súp lơ xanh, quả bơ, ớt chuông, măng tây, cần tây,… giàu vitamin C, sắt và vitamin K. Những chất này giúp bổ máu, chống viêm và làm lành vết thương hiệu quả.
Chất béo lành mạnh
Chất béo là thành phần quan trọng trong cấu trúc màng tế bào, xây dựng mô thần kinh và hormone. Bên cạnh đó, chất béo là nguồn dự trữ năng lượng chủ đạo trong cơ thể, tạo môi trường thuận lợi để cơ thể hấp thu các loại vitamin tan trong dầu. Việc bổ sung đầy đủ chất béo giúp duy trì hoạt động bình thường của tế bào, ổn định hệ miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho vết thương lành lại nhanh hơn.
Bệnh nhân chảy máu dạ dày nên ưu tiên nhóm thực phẩm chứa chất béo không bão hoà nhằm hỗ trợ quá trình làm lành vết thương, tăng hiệu quả chống viêm và kháng khuẩn. Một số thực phẩm điển hình của nhóm này gồm:
- Cá thu: 100g cá thu cung cấp khoảng 7.4g chất béo không bão hoà gồm acid béo omega – 9, EPA và DHA. Bạn nên ăn cá thu 2 – 3 lần/ tuần và chọn cá thu tươi để đạt được lợi ích tối đa.
- Quả bơ: Cứ 100g quả bơ sẽ cung cấp khoảng 11.6g chất béo không bão hoà gồm: omega – 9, omega – 6 và ALA. Ngoài ra, loại quả này cũng giàu các vitamin A, D, E, K có tác dụng chống oxy hoá và làm lành tổn thương nhanh chóng. Bạn nên ăn 0.5 – 1 quả bơ mỗi ngày.
Chảy máu dạ dày kiêng ăn ăn gì?
Một số loại thức ăn tạo kích thích lên dạ dày có thể làm tăng nguy cơ chảy máu tái phát. Do đó, người bệnh cần chú ý hạn chế những thực phẩm dưới đây:
Thức ăn đóng hộp
Thực phẩm đóng hộp chứa hàm lượng muối cao và các chất bảo quản thực phẩm. Những thành phần này kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn. Điều này không có lợi cho những tổn thương đang lành lại trong dạ dày. Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp không đúng cách có thể chứa vi khuẩn Clostridium botulinum có khả năng tiết ra độc tố gây tê liệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vì những lý do trên, bạn nên tránh tối đa sử dụng các loại thịt, cá đóng hộp, thịt hun khói, xúc xích,… Nếu ở tình huống bắt buộc, hãy ăn với một lượng nhỏ để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực mà nó đem lại.
Gia vị cay nóng
Những gia vị cay nóng điển hình như ớt, hạt tiêu, hoa tiêu, mù tạt,… thường chứa thành phần capsaicin. Hoạt chất này tạo ra kích thích trên niêm mạc dạ dày khiến dạ dày tăng tiết acid nhiều hơn. Bên cạnh đó, cảm giác nóng rát do nhóm gia vị này có thể khiến vết thương trong dạ dày chảy máu trở lại.
Bạn nên kiêng tuyệt đối những gia vị này trong thời gian mới xuất viện. Sau khi các tổn thương lành lại hoàn toàn, bạn có thể sử dụng với lượng nhỏ. Tránh sử dụng quá nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày tái phát.
Thực phẩm chứa chất kích thích
Những thực phẩm và đồ uống chứa cồn hoặc caffeine như rượu, bia, cà phê,… không được khuyến khích trong thực đơn của người xuất huyết dạ dày. Nguyên nhân là do những thành phần này khiến dạ dày tăng tiết acid, làm chậm quá trình tổn thương, thậm chí tăng nguy cơ chảy máu tái phát.
Bên cạnh đó, nồng độ cồn vượt quá 15% khiến tế bào niêm mạc dạ dày suy yếu, dễ bị tổn thương hơn. Đây là tiền đề phát triển những ổ viêm loét mới, khiến chảy máu dạ dày trở thành vòng tuần hoàn lặp lại. Vì vậy, người bệnh cần kiêng hoàn toàn thực phẩm và đồ uống nhóm này trong thời gian điều trị. Sau phục hồi, người bệnh cũng cần tiết chế tối đa.
Thuốc lá
Khói thuốc lá chứa hơn 4000 loại hoá chất, trong đó hơn 200 loại có khả năng gây nghiện và gây độc. Một trong số đó phải kể đến là nicotine – Hoạt chất có khả năng làm hư hại lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày và gây độc tế bào. Việc sử dụng thuốc lá làm chậm quá trình lành thương, tăng nguy cơ loét và chảy máu dạ dày tái phát. Nghiêm trọng hơn, thuốc lá cũng thúc đẩy tế bào ung thư phát triển.
Người bệnh chảy máu dạ dày nên kiêng sử dụng thuốc lá trong thời gian điều trị và ngay cả khi tổn thương đã được chữa lành hoàn toàn.
Những lưu ý về ăn uống khi bị chảy máu dạ dày
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm, người bệnh chảy máu dạ dày cũng cần lưu ý một số vấn đề ăn uống dưới đây:
- Nên ăn 5 – 6 bữa nhỏ trong một ngày thay vì 3 bữa lớn để giảm áp lực cho dạ dày khi tiêu hoá thức ăn.
- Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn để hạn chế thức ăn cọ xát vào tổn thương và “tiết kiệm” thời gian co bóp tiêu hoá tại dạ dày.
- Tránh ăn khi đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể gây kích thích lên niêm mạc, làm tăng tiết acid hoặc rối loạn nhu động dạ dày.
- Bữa ăn nên cách giờ đi ngủ tối thiểu 3 tiếng để dạ dày được nghỉ ngơi trong khi ngủ, tránh tình trạng tăng tiết acid và trào ngược dạ dày.
- Các loại thức ăn cần được thay đổi và phối hợp đa dạng để tăng cảm giác ngon miệng và cung cấp đầy đủ, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng.
- Lựa chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo dinh dưỡng và các vấn đề về an toàn thực phẩm.
- Ưu tiên những món ăn được chế biến chín kỹ, ninh như để dạ dày tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục tổn thương do xuất huyết dạ dày gây ra. Nếu có thể, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có được thực đơn phù hợp nhất với tình trạng sức khoẻ của mình.