Đau thượng vị dạ dày có thể là dấu hiệu của bệnh tiêu hoá thông thường, hoặc có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hãy cùng Hantacid.vn theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Đau thượng vị dạ dày là gì? Vị trí ở đâu?
Đau thượng vị dạ dày là tình trạng xuất hiện những cơn đau ở vùng bụng phía trên rốn và dưới mũi xương ức. Đây là vùng tập trung nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể như gan, dạ dày, tuyến mật, tuyến tụy…
Khi cơn đau thượng vị xảy ra, người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu. Tuỳ vào cơ địa mỗi người mà cơn đau thượng vị dạ dày diễn ra với các mức độ khác nhau. Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ, gián đoạn, thi thoảng mới xuất hiện, hoặc có khi đau quặn thắt và kéo dài liên tục. Thậm chí, một số trường hợp cơn đau thượng vị còn nhói ra phía sau lưng và lan sang hai bên trái và phải. Đau thượng vị cũng có thể liên quan đến bữa ăn như ngay sau khi ăn, đau khi đói,…
☛ Tìm hiểu thêm: Viêm niêm mạc dạ dày là gì?
Các dấu hiệu nhận biết đau thượng vị dạ dày
Người bệnh đau thượng vị dạ dày thường có các biểu hiện như sau:
- Đau bụng từng cơn: Cơn đau diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lặp lại nhiều lần trong ngày khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi. Đôi khi cơn đau lan sang cả các vùng khác như vùng bụng bên trái, vùng bụng bên phải,…
- Đau âm ỉ kéo dài: Trung bình cơn đau kéo dài từ 15-20 phút và diễn ra nhiều lần trong ngày, tuy nhiên, người bệnh luôn cảm thấy đau âm ỉ, râm ran vùng thượng vị. Đặc biệt, cơn đau tăng dần khi người bệnh vận động mạnh, hoặc khi bụng đói, hoặc sau khi ăn no.
- Cảm thấy nóng rát thượng vị: Người bệnh có thể cảm thấy nóng rát vùng bụng trên rốn. Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày và có thể kèm theo một số triệu chứng khó chịu khác như đầy hơi, chướng bụng,…
- Đau nhói, quặn vùng thượng vị: Người bệnh có cảm giác đau quặn bụng theo từng cơn, mặc dù thời gian đau khá ngắn nhưng khiến người bệnh cảm thấy rất đau đớn và khó chịu.
Ngoài triệu chứng đau, người bệnh đau thượng vị cũng có thể xuất hiện kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Buồn nôn: Lượng acid dạ dày tăng cao làm tăng áp lực lên thành dạ dày, khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn.
- Ợ hơi, ợ chua: Thường đi kèm với hiện tượng nóng rát thượng vị, đây là hệ quả của sự tăng acid dạ dày quá mức gây trào ngược dạ dày thực quản.
- Đầy bụng, khó tiêu: Đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề. Do vậy, ngoài đau thượng vị người bệnh cũng xuất hiện thêm triệu chứng đau tức bụng, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,..
Đau thượng vị là triệu chứng của bệnh gì?
Đau thượng vị không phải là một bệnh lý mà đây là triệu chứng phổ biến của một số bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp. Dưới đây là những bệnh lý gây đau thượng vị phổ biến nhất:
Viêm loét dạ dày tá tràng
Cơn đau vùng thượng vị là một dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đa số trường hợp mắc viêm loét dạ dày đều xuất phát từ nhiễm vi khuẩn HP. Một số trường hợp khác là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng rượu bia, lạm dụng thuốc chống viêm,… Người bệnh viêm loét dạ dày có thể nhận biết sớm bệnh qua triệu chứng đau thượng vị và một số triệu chứng khác như nóng rát thượng vị, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn,…
Viêm tuỵ cấp
Tình trạng viêm tụy cấp xảy ra khi các enzyme tiêu hoá được kích hoạt trong khi vẫn còn đang ở trong tuyến tụy gây ra tình trạng viêm. Người bệnh viêm tụy cấp thường xuất hiện một số triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, đôi khi cơn đau xuyên ra sau lưng, cảm thấy buồn nôn và nôn,…
Sỏi mật
Sỏi mật được hình thành khi xuất hiện sự mất cân bằng giữa lượng cholesterol và muối mật. Nếu sỏi mật mắc kẹt trong ống dẫn mật, nó sẽ gây ra cơn đau thượng vị dữ dội, đau lan sang phía hạ sườn phải. Ngoài cơn đau thượng vị, sỏi mật có thể gây vàng mắt, vàng da, sốt cao,…
Viêm thực quản
Niêm mạc thực quản bị tổn thương, viêm loét cũng gây ra cơn đau thượng vị dạ dày. Viêm thực quản thường xuất hiện do trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn,… Viêm thực quản không chỉ gây đau rát thượng vị mà còn gây ra một số triệu chứng khó chịu khác như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, nóng rát vùng ngực, ho, đau khi nuốt,…
Trào ngược dạ dày thực quản
Khi dạ dày tăng tiết acid quá mức do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng gây áp lực lên cơ thắt thực quản dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản gây ra các triệu chứng như nóng rát, đau tức ở ngực sau khi ăn no hoặc khi nằm ngủ. Ngoài ra, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, đau rát cổ họng, ăn không tiêu, ho khan,…
☛ Xem chi tiết: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Ngộ độc thức ăn
Khi bị ngộ độc thức ăn, người bệnh có thể xuất hiện cơn đau thượng vị đột ngột, kèm theo đó là tình trạng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu,… Trường hợp liên quan đến nhiễm độc thức ăn, cơn đau có thể lan ra khắp bụng, kèm theo sốt cao, nhiễm trùng huyết,… Người bệnh cần dựa vào tiền sử ăn uống để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để được cấp cứu kịp thời.
Bệnh lý về gan mật
Cơn đau thượng vị, đau hạ sườn phải, hoặc lan lên vai hay xuyên ra sau lưng,… là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về gan mật. Ngoài tình trạng sỏi mật đã đề cập, người bệnh có thể gặp một số vấn đề khác như viêm túi mật, viêm đường dẫn mật, áp xe gan,… Tình trạng này thường kèm theo triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, buồn nôn,… người bệnh cần hết sức lưu ý.
Bệnh lý khác
Đau thượng vị cũng có thể liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, thủng dạ dày,… Người bệnh thường cảm thấy đau bụng dữ dội, cơn đau lan sang toàn bộ ổ bụng, cơ thể suy nhược, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, các bệnh lý ngoài đường tiêu hoá như suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, thoát vị cơ hoành, viêm màng phổi, áp xe phổi,… cũng có thể gây khởi phát cơn đau thượng vị, kèm theo khó thở, ngất xỉu,…
Cách chẩn đoán đau thượng vị dạ dày
Để chẩn đoán đau thượng vị dạ dày, trước hết bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi để nắm rõ tình hình hiện tại của bệnh nhân. Sau đó, dựa vào triệu chứng bệnh lý, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp chẩn đoán phù hợp. Nếu cơn đau thượng vị liên quan đến bệnh lý dạ dày, bác sĩ thường chỉ định các phương pháp chẩn đoán dưới đây:
Nội soi dạ dày – thực quản: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, nhằm xác định chính xác vị trí tổn thương, mức độ tổn thương nếu bệnh nhân đang gặp phải tình trạng viêm loét thực quản, viêm loét dạ dày. Đồng thời, trong quá trình nội soi cũng có thể thực hiện các tiểu phẫu như cắt bỏ polyp, lấy mẫu mô (sinh thiết),…
☛ Tìm hiểu: Nội soi dạ dày có cần nhịn ăn không?
Siêu âm ổ bụng: Siêu âm là phương pháp chẩn đoán các bất thường xuất hiện trong ổ bụng, hỗ trợ tầm soát sớm ung thư dạ dày. Mặc dù đây không phải là phương pháp tối ưu để chẩn đoán đau thượng vị dạ dày nhưng phương pháp này có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý ngoài đường tiêu hoá.
Chụp X-quang bụng: Phương pháp này hữu ích trong việc chẩn đoán một số bệnh lý tại ổ bụng như sỏi mật, viêm tụy, có dị vật trong ổ bụng,…Tuy nhiên, để chẩn đoán đau dạ dày, người bệnh vẫn cần thực hiện nội soi để có kết luận chính xác nhất.
Cách điều trị và phòng ngừa đau thượng vị dạ dày
Sau khi chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân gây đau thượng vị dạ dày, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân phác đồ điều trị phù hợp nhất. Điều trị đau dạ dày theo đúng nguyên nhân gây bệnh, kết hợp biện pháp sử dụng thuốc và điều chỉnh thói quen, lối sống nhằm cân bằng yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cụ thể như sau:
Áp dụng các bài thuốc dân gian
Đối với những trường hợp đau thượng vị dạ dày ở mức độ nhẹ, các triệu chứng mới chỉ xuất hiện thoáng qua chưa liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng thì có thể áp dụng các bài thuốc dân gian sau để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng.
Gừng
Gừng có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau nhanh nên có thể dùng để hỗ trợ người bệnh làm giảm các triệu chứng liên quan đến đau thượng vị như: giảm buồn nôn, co thắt dạ dày dày và giúp kích thích hệ tiêu hóa.
Cách sử dụng: Dùng gừng tươi để ăn hoặc pha gừng với mật ong + nghệ uống hàng ngày, vào các buổi sáng.
Nghệ
Do trong nghệ có chứa thành phần curcumin cao nên có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa rất mạnh. Những người bị đau thượng vị uống nghệ giúp làm lành vết loét nhanh, chống trào ngược, giảm dịch tiết axit và ợ hơi hiệu quả.
Cách sử dụng: Dùng nghệ tươi ăn sống hoặc pha bột nghệ uống hàng ngày.
Mật ong
Mật ong có nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh đau thượng vị và các vấn đề liên quan đến dạ dày. Một số tác dụng chính của mật ong đối với bệnh đau thượng vị dạ dày như: kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau, làm lành vết thương vùng niêm mạc dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, giảm cơ thắt dạ dày.
Cách sử dụng: Dùng mật ong nguyên chất pha loãng để uống hoặc có thể kết hợp cùng với gừng, nghệ để tăng cường hiệu quả.
Chuối hột
Là loại quả có vị đắng, tính ôn và giúp tiêu độc. Đặc biệt trong thành phần của chuối hột có nhiều chất xơ và enzym giúp cải thiện hệ tiêu hóa, đồng thời giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày tránh những tổn thương do các bệnh lý về dạ dày.
Cách sử dụng: Dùng chuối hột sấy khô để hãm với nước hoặc pha với mật ong để uống hàng ngày.
Giấm táo
Tác dụng giúp cân bằng pH trong dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm các triệu chứng liên quan đến trào ngược axit, ợ nóng và giảm tiết dịch axit trong dạ dày.
Cách sử dụng: Pha loãng giấm táo với nước ấm, dùng uống trước bữa ăn. Ngoài ra có thể cho thêm một chút mật ong để giảm độ chua và uống ngon hơn.
Mặc dù, những bài thuốc trên khá lành tính và an toàn, tuy nhiên người bệnh cũng không nên tự điều chế mà cần có sự tư vấn từ bác sĩ. Trường hợp sau khi uống mà các triệu chứng không thấy thuyên giảm thì cần kết hợp thêm các phương pháp khác để điều trị hiệu quả hơn.
☛ Tham khảo thêm: 7 cách bấm huyệt chữa đau thượng vị hiệu quả
Dùng thuốc điều trị đau dạ dày
Tuỳ theo các triệu chứng bệnh và mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc trung hòa acid dạ dày: Thuốc thường chứa các thành phần như Nhôm hydroxyd, Magie hydroxyd, Natri bicarbonat,… có tác dụng làm cân bằng môi trường dịch dạ dày, giúp làm giảm các triệu chứng do tăng tiết acid quá mức như nóng rát thượng vị, đau thượng vị, ợ nóng, ợ chua.
- Thuốc ức chế bơm proton: Omeprazol, Pantoprazol,… Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid nhanh và mạnh, đồng thời kiểm soát nồng độ acid dịch vị hiệu quả nhất. Thuốc nên uống trước bữa ăn khoảng 30 phút và trước khi đi ngủ để hiệu quả điều trị cao nhất.
- Thuốc ức chế thụ thể H2: Cimetidin, Famotidin,… Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid nhưng không mạnh bằng nhóm ức chế bơm proton. Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp tăng tiết acid vào ban đêm.
- Thuốc tăng bảo vệ niêm mạc dạ dày: Sucralfat, Bismuth, Misoprostol, có tác dụng tăng cường các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày theo nhiều cơ chế khác nhau như tăng tiết lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc, kháng viêm, phục hồi vết loét, ức chế vi khuẩn HP,…
Lưu ý, để dùng thuốc đạt hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế gặp tác dụng không mong muốn, người bệnh đau dạ dày cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều chỉnh thuốc hay ngừng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép.
☛ Xem thêm: Tổng hợp các loại thuốc trị đau dạ dày
Điều chỉnh thói quen, lối sống phòng ngừa đau dạ dày
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh đau thượng vị dạ dày cần kết hợp với việc điều chỉnh lối sống, thói quen để giúp cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả hơn đồng thời ngăn ngừa cơn đau thượng vị tái phát trở lại:
- Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá nhiều hoặc để bụng quá đói,
- Bỏ các thói quen gây hại đến sức khoẻ như thức khuya, ăn đêm, bỏ bữa sáng, hút thuốc lá,…
- Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn hoặc đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê,…
- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, đồ muối chua,…
- Bổ sung cho cơ thể đủ nước, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hoá tốt hơn và hấp thu các chất dinh dưỡng hiệu quả.
- Xây dựng thực đơn với đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm có tác dụng trung hòa acid dạ dày, dễ tiêu hoá như cơm trắng, cháo, súp,…
- Duy trì thói quen tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng stress kéo dài.
- Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh trong khi đang điều trị đau dạ dày, để tránh nguy cơ gây xuất huyết dạ dày do tác dụng phụ của thuốc.
- Tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời người bệnh nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng một lần để theo dõi tình trạng sức khỏe và tầm soát sớm các biến chứng nguy hiểm.