Hành trình làm mẹ ngọt ngào nhưng cũng không thiếu đi những thử thách. Ngay từ giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, nhiều mẹ bầu đã phải đối diện với tình trạng đầy bụng khó tiêu, chướng hơi kéo dài. Vậy, mẹ bầu nên đối phó với tình trạng này thế nào? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết hôm nay nhé.
Mục lục
Triệu chứng đầy bụng ở bà bầu 3 tháng đầu
Đầy bụng được mô tả bởi cảm giác đầy ứ, căng tức, nặng nề ở bụng. Tình trạng này xảy ra khi thức ăn bị lưu trữ quá lâu trong hệ tiêu hoá dẫn đến bị lên men, sinh khí làm tăng áp lực lên vùng bụng. Ngoài ra, sự căng thẳng quá mức của các cơ trơn đường ruột cũng có thể gây ra triệu chứng này.
Tình trạng đầy bụng khó tiêu khá phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ bầu có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau như:
- Bụng phát ra tiếng óc ách, sình bụng, chướng bụng.
- Bụng to hơn bình thường, ấn vào cảm giác hơi căng tức, khó chịu.
- Nếu bụng phình to nhiều, mẹ bầu có thể bị khó thở, buồn nôn và nôn.
- Mẹ bầu ợ hơi nhiều, đôi khi ợ chua kèm theo cảm giác nóng ran ở cổ họng và ngực.
- Mẹ bầu bị xì hơi nhiều hơn bình thường.
- Không có cảm giác thèm ăn, mất cảm giác ngon miệng.
Đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu khá phổ biến và thường không gây nguy hiểm cho mẹ bầu. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khiến các mẹ cảm thấy mệt mỏi, dễ nảy sinh tâm lý căng thẳng, stress. Vậy nên, mẹ bầu cần lắng nghe cơ thể mình và tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ nếu nhận thấy tình trạng này không giảm hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Vì sao mang thai 3 tháng đầu hay bị đầy bụng?
Đa số trường hợp mẹ bầu bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu đều do ảnh hưởng từ nồng độ hormone progesterone tăng cao. Progesterone gây giãn tất cả các cơ trơn trong cơ thể, bao gồm cả cơ trơn đường tiêu hoá. Điều này làm giảm nhu động đường ruột, làm tăng thời gian lưu trữ thức ăn trong đường tiêu hoá.
Ở mặt tích cực, quá trình này giúp cơ thể có nhiều thời gian để chuyển hoá và hấp thu chất dinh dưỡng một cách toàn diện, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của mẹ khi mang thai. Thế nhưng, hoạt động tiêu hoá diễn ra chậm hơn lại khiến thức ăn bị lên men và sinh khí ở đường ruột. Hệ quả là mẹ bầu đối diện với tình trạng đầy bụng, chướng hơi và khó tiêu.
Bên cạnh sự tăng cường hormone progesterone, mẹ bầu bị đầy bụng trong 3 tháng đầu mang thai có thể do những nguyên nhân khác như:
Chế độ ăn chưa phù hợp: Mẹ bầu ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, đồ ăn dầu mỡ hoặc các thực phẩm dễ sinh hơi khi tiêu hoá như: đậu, bắp cải, súp lơ, hành tây,… có thể gây ra tình trạng đầy bụng chướng hơi.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học: Việc ăn quá nhanh có thể làm tăng khí nuốt vào ống tiêu hoá. Ngoài ra, ăn quá no cũng làm làm chậm tốc độ tiêu hoá và khiến mẹ bầu dễ bị đầy bụng hơn bình thường.
Tâm lý căng thẳng: Gây kích thích lên hệ thần kinh dẫn đến rối loạn nhu động ruột, cản trở quá trình tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng. Đây cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đầy bụng trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Bệnh tiêu hoá: Đầy bụng là biểu hiện thường gặp của các bệnh lý như: trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, celiac,… Nếu mắc phải những bệnh lý này từ trước đó, mẹ bầu sẽ dễ bị đầy bụng hơn khi mang thai.
Nếu đầy bụng do nguyên nhân từ tâm lý, thay đổi hormone, chế độ và thói quen ăn uống, tình trạng này sẽ được cải thiện khi mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hơn. Ngược lại, những trường hợp do nguyên nhân bệnh lý, mẹ bầu cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.
Cách giảm đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Có nhiều cách giúp mẹ bầu giảm cảm giác khó chịu do đầy bụng mang lại. Dưới đây là một số cách thức đơn giản và an toàn để mẹ tham khảo:
Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp đảm bảo kết cấu của thức ăn không quá đặc và cứng. Nhờ vậy, thức ăn sẽ di chuyển thuận lợi hơn trong đường tiêu hoá. Mặt khác, việc cung cấp đủ nước cũng duy trì tỷ lệ nước ổn định trong bã thức ăn ở đại tràng, hạn chế tình trạng táo bón trong thời kỳ mang thai.
Ở người trưởng thành, lượng nước cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày là 35ml/ kg. Lượng nước này bao gồm từ tất cả các nguồn từ thực phẩm, nước canh, nước lọc,… Mẹ có thể dựa vào số liệu này để tính toán và cân đối lượng nước uống hàng ngày.
Thay đổi chế độ và thói quen ăn uống
Chế độ và thói quen ăn uống lành mạnh giúp quá trình tiêu hoá diễn ra thuận lợi, hạn chế tình trạng đầy bụng chương hơi trong ba tháng đầu mang thai. Những lưu ý cụ thể cho mẹ bao gồm:
Duy trì chế độ ăn cân đối nhóm chất, trong đó tỷ lệ năng lượng của nhóm chất bột chiếm khoảng 65%, chất đạm chiếm khoảng 15% và chất béo chiếm khoảng 20%. Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin và chất khoáng từ các loại rau và trái cây tươi.
Cắt giảm những thực phẩm dễ sinh khí trong quá trình tiêu hoá như: các loại đậu, bắp cải, bông cải xanh, súp lơ, atiso, hành, lúa mì, yến mạch, đồ ăn lên men, thực phẩm giàu đường,…
Tăng cường nhóm thực phẩm giàu probiotics giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy tiêu hoá, cải thiện triệu chứng đầy bụng khó tiêu.
Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hoá, giúp thức ăn đưa vào được xử lý hoàn toàn và nhanh chóng, giảm nguy cơ đầy hơi, chướng bụng sau khi ăn.
Ăn chậm nhai kỹ để thức ăn được nghiền nát tốt hơn, giảm tình trạng nuốt khí khi ăn. Điều này giúp thức ăn được trộn đều với dịch tiêu hoá, tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng và giảm tình trạng đầy bụng.
Nên kết thúc bữa ăn cuối cùng trong ngày trước 23h00 để hệ tiêu hoá được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ trào ngược, đầy bụng, chướng hơi khi đi ngủ.
Nên uống nước cách bữa ăn khoảng 30 phút để tránh làm loãng dịch tiêu hoá, giúp thức ăn được chuyển hoá và hấp thu tốt hơn, giảm nguy cơ đầy bụng khó tiêu.
Không sử dụng những thực phẩm có tính kích thích như: đồ uống chứa cồn, caffeine, thuốc lá,… vì có thể làm chậm quá trình tiêu hoá và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Việc thay đổi chế độ và thói quen ăn uống có thể giúp cải thiện tình trạng đầy bụng ở mẹ bầu sau vài ngày áp dụng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần nhiều thời gian hơn, nhất là những người mắc các bệnh lý đường tiêu hoá. Vậy nên, mẹ bầu cần kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày.
Chế biến phù hợp
Kết cấu thức ăn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tiêu hoá và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Để tránh bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu hãy lưu ý những điều sau khi chế biến thức ăn:
Thực phẩm cung cấp đạm: Bao gồm các loại thịt, cá, tôm, cua,…. cần được nấu chín kỹ. Ưu tiên các món ninh nhừ, nấu súp hoặc canh. Với cách này, thực phẩm sẽ dễ được nghiền nát khi ăn và dễ hấp thu hơn trong hệ tiêu hoá.
Thực phẩm cung cấp đường bột: Phổ biến là các loại ngũ cốc hoặc các loại củ giàu tinh bột. Những thực phẩm này nên được nấu thành các món mềm như: cơm dẻo, cháo, súp, ninh canh,…
Thực phẩm cung cấp chất béo: Mẹ bầu nên ưu tiên sử dụng những nhóm chất béo không bão hoà có trong: dầu ô liu, dầu óc chó, cá hồi, cá thu, cá mòi,…. Những thực phẩm này nên xử lý ở nhiệt độ dưới 102 độ để ngăn chất béo bị biến đổi.
Thực phẩm cung cấp vitamin và chất khoáng: Bao gồm các loại rau, củ và trái cây. Ưu tiên chọn phần non, chế biến món hấp và luộc. Những món ăn sống mặc dù cung cấp tối đa vitamin và chất khoáng không nên lạm dụng nếu mẹ bị đầy bụng. Nếu muốn ăn, mẹ nên cắt nhỏ và nhai kỹ để tránh cản trở tiêu hoá.
Trong quá trình chế biến, mẹ cũng cần gia giảm các loại gia vị để có món ăn hợp khẩu vị nhất, kích thích cảm giác thèm ăn cũng là kích thích hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, những món ăn của mẹ bầu không nên sử dụng quá nhiều gia vị cay nóng như: ớt, tiêu, mù tạt,… vì có thể kích thích tăng tiết acid dạ dày, gây trào ngược và đầy bụng sau khi ăn.
Tăng cường vận động
Hoạt động thể chất không chỉ tăng cường sức khoẻ tổng thể mà còn hỗ trợ điều hoà nhu động đường ruột, thúc đẩy tiêu hoá, qua đó giảm tình trạng đầy bụng, chướng hơi ở những mẹ mang thai 3 tháng đầu. Tuy nhiên, tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn nhạy cảm nên mẹ cần thận trọng khi tập luyện.
Những điều cần chú ý khi mẹ bầu vận động bao gồm:
- Ưu tiên những bài tập nhẹ nhàng, ít tác dụng vào vùng bụng như: đi bộ, yoga thai sản, thiền định,…
- Với những mẹ bầu ít vận động, nên tăng tập luyện từ từ để cơ thể thích nghi, tránh bị quá sức.
- Nên khởi động đầy đủ để đảm bảo an toàn khi tập luyện.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, thoải mái và không gây chèn ép lên vùng bụng ngực khi tập luyện.
- Uống đủ nước trước và sau khi tập, tránh để cơ thể bị mất nước.
Mẹo giảm đầy bụng
Đầy bụng xuất hiện kèm cảm giác đau tức, căng chướng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu. Trường hợp này, mẹ có thể thực hiện một số mẹo dưới đây để giảm khó chịu:
Chườm ấm: Sử dụng túi chườm hoặc chai nhựa đựng nước ấm khoảng 45 – 50 độ C chườm lên bụng. Mỗi lần chườm nên thực hiện trong khoảng 10 – 15 phút. Nhiệt độ ấm giúp thư giãn cơ, tăng cường tuần hoàn máu đến vùng bụng, qua đó giảm nhẹ cơn đau tức do đầy bụng gây ra.
Lá bạc hà: Chứa nhiều tinh dầu có tác dụng làm thư giãn cơ trơn hệ tiêu hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khí và thức ăn di chuyển ra ngoài, nhờ vậy giảm triệu chứng đầy bụng chướng hơi. Mẹ bầu chỉ cần nhai sống một vài lá bạc hà hoặc cho lá bạc hà vào khoảng 100ml nước sôi, ủ trong khoảng 5 – 10 phút rồi uống như uống trà bình thường.
Trà gừng: Chứa thành phần Shogaols và gingerol có tác dụng tăng cường nhu động tiêu hoá, rút ngắn thời gian lưu trữ thức ăn trong đường ruột, qua đó giảm triệu chứng đầy bụng khó tiêu. Mẹ bầu chỉ cần cắt 2 – 3 lát mỏng, sau đó cho vào khoảng 50 – 100ml sôi, ủ khoảng 3 – 5 phút rồi uống.
Lưu ý: Những mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm, có tiền sử sinh non hoặc có nguy cơ sinh non cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào.
Một số lưu ý cho bà bầu khi bị đầy bụng
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Bất cứ khó chịu nào nếu không được xử trí phù hợp và kịp thời đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, những mẹ bầu bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu cần lưu ý những điều dưới đây:
Chủ động chia sẻ vấn đề của mình với người thân trong gia đình để được hỗ trợ các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng, tránh phát sinh tâm lý tiêu cực.
Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ưu tiên sức khỏe của mẹ và em bé lên hàng đầu, tránh để cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi quá mức hoặc suy nhược cơ thể.
Thực hiện đầy đủ các mốc khám thai quan trọng vào các thời điểm: tuần 12, tuần 16, tuần 22, tuần 26, tuần 32, tuần 36 và các mốc khác theo lịch hẹn của bác sĩ.
Thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như: đầy bụng kéo dài hơn 3 tuần hoặc tần suất nhiều hơn 12 lần/ tháng, đầy bụng không thuyên giảm sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống, mẹ bầu sờ thấy cục cứng bất thường ở bụng hoặc đầy bụng kèm theo sụt cân, có máu trong phân.
Đa số mọi người đều cho rằng đầy bụng là tình trạng bình thường và “chẳng có gì đáng lo”. Điều này vô tình khiến mẹ bầu không nhận được sự quan tâm đúng mức dẫn đến tâm lý tiêu cực. Mong rằng, bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này, giúp mẹ bầu có được thai kỳ an toàn và hạnh phúc. Nếu cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến hotline: 1900 545 518.