Khám trào ngược dạ dày là công tác chuyên khoa điển hình ở các bệnh viện. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa trình độ bác sĩ và điều kiện cơ sở vật chất dẫn đến sự khác biệt về hiệu quả khám chữa bệnh. Điều này làm nhiều người bệnh nảy sinh lo lắng không biết nên chọn đơn vị nào mới tốt. Nếu bạn cũng đang mắc kẹt trong vấn đề này, hay tham khảo ngay 6 địa chỉ uy tín trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Quy trình chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD) là bệnh lý xảy ra khi chất lỏng trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây triệu chứng khó chịu, tổn thương niêm mạc hoặc các biến chứng nguy hiểm. Quá trình chẩn đoán bệnh diễn ra như sau:
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong quy trình chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Tại bước này, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng và tần suất triệu chứng xuất hiện trong tuần để đưa ra đánh giá. Bộ câu hỏi GerdQ được sử dụng để cung cấp thông tin chẩn đoán và khuyến cáo phương pháp điều trị cho người bệnh. Cụ thể:
Số ngày triệu chứng xuất hiện/ tuần | 0 ngày | 1 ngày | 2 – 3 ngày | 4 – 7 ngày |
CÂU HỎI | ĐIỂM GERDQ | |||
1. Cảm giác nóng rát giữa ngực, sau xương ức (ợ nóng) xuất hiện mấy ngày/ tuần? | 0 | 1 | 2 | 3 |
2. Tình trạng ợ chua hoặc trớ thức ăn lên họng (ợ trớ) hoặc miệng xuất hiện mấy ngày/ tuần? | 0 | 1 | 2 | 3 |
3. Cảm giác đau vùng thượng vị (đau mỏ ác) xuất hiện mấy ngày/ tuần? | 3 | 2 | 1 | 0 |
4. Cảm giác buồn nôn xảy ra mấy ngày/ tuần? | 3 | 2 | 1 | 0 |
5. Tình trạng khó ngủ do ợ nóng hoặc ợ trớ xảy ra mấy ngày/ tuần? | 0 | 1 | 2 | 3 |
6. Số ngày phải dùng thêm thuốc (ngoài thuốc bác sĩ kê đơn) để giảm triệu chứng ợ nóng, ợ trớ? | 0 | 1 | 2 | 3 |
Cách chấm điểm như sau:
- 0 – 7 điểm: Người bệnh có dưới 50% nguy cơ bị trào ngược dạ dày.
- 8 – 18 điểm: Người bệnh có trên 80% nguy cơ bị trào ngược dạ dày.
Ví dụ: Một bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng:
- Ợ nóng 3 ngày/ tuần -> điểm GerdQ là 2.
- Ợ chua 1 ngày/ tuần -> điểm GerdQ là 1.
- Đau thượng vị 0 ngày/ tuần -> điểm GerdQ là 3.
- Buồn nôn 1 ngày/ tuần -> điểm GerdQ là 2.
- Khó ngủ 0 ngày/ tuần -> điểm GerdQ là 0.
- Không ngày nào phải dùng thêm thuốc -> điểm GerdQ là 0
Như vậy, tổng điểm của bệnh nhân này là 2 + 1 + 3 + 2 + 0 + 0 = 8 điểm. Người bệnh được đánh giá có trên 80% nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản.
Sau khi có kết quả, bác sĩ có thể chỉ định thử điều trị với thuốc ức chế bơm Proton PPI với liều chuẩn hoặc gấp đôi trong 7 – 14 ngày (PPI test). Nếu hết triệu chứng, người bệnh được chẩn đoán là trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, ngay cả khi triệu chứng không mất đi thì cũng không loại trừ được nguyên nhân là trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định thêm kiểm tra cận lâm sàng để đưa ra kết luận về bệnh.
Khám cận lâm sàng
Khám cận lâm sàng là quá trình sử dụng các thiết bị chuyên khoa để thăm dò những thay đổi của cơ thể. Từ đó đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng của người bệnh. Các biện pháp kiểm tra cận lâm sàng được dùng trong chẩn đoán trào ngược dạ dày gồm:
Nội soi dạ dày thực quản
Mục đích: Nội soi dạ dày thực quản là phương pháp giúp phát hiện và đánh giá tổn thương do trào ngược dạ dày gây ra.
Cách thực hiện: Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ có gắn thiết bị siêu âm ở đầu dò vào thực quản của người bệnh. Thông qua camera ghi hình, bác sĩ sẽ có thể phát hiện và đánh giá tổn thương trên niêm mạc thực quản dạ dày. Trong quá trình này, nếu nghi ngờ tổn thương ác tính, bác sĩ có thể kết hợp lấy mẫu sinh thiết để kiểm tra.
☛ Tìm hiểu: Có cần nhịn ăn trước khi nội soi dạ dày không?
Đọc kết quả: Kết quả nội soi dạ dày thực quản được đánh giá dựa trên các tổn thương. Thang đánh giá được sử dụng phổ biến nhất LA với 5 cấp độ trào ngược gồm:
- Trào ngược độ 0: Không phát hiện tổn thương trên niêm mạc thực quản.
- Trào ngược độ A: Có vết loét trợt không quá 5mm và được giới hạn bởi 2 đỉnh nếp gấp niêm mạc.
- Trào ngược độ B: Vết loét trợt lớn hơn 5mm, được giới hạn bởi 2 đỉnh nếp gấp niêm mạc.
- Trào ngược độ C: Vết loét trợt lớn hơn 5mm, kích thước vết loét không vượt quá 75% chu vi thực quản.
- Trào ngược độ D: Vết loét trợt có kích thước vượt quá 75% chu vi thực quản.
Khoảng 60% bệnh nhân trào ngược dạ dày không có tổn thương khi nội soi. Do đó, kết quả nội soi bình thường không đồng nghĩa rằng người bệnh không mắc bệnh.
Đo pH – trở kháng thực quản 24h
Mục đích: Đo pH – trở kháng thực quản 24h là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Phương pháp này giúp xác định chính xác độ acid và cơn trào ngược (trở kháng) trong thực quản.
Cách thực hiện: Bác sĩ dùng một ống mềm có cảm biến trở kháng và cảm biến pH đưa vào ống thực quản của người bệnh. Ống này được giữ nguyên trong 24h để theo dõi biến đổi pH và các cơn trào ngược. Trong thời gian này, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường,
Đọc kết quả: Người bệnh được chẩn đoán là trào ngược khi acid pH <4 tối thiểu 5 giây trong cơn trào ngược. Nếu pH trên 4, người bệnh được xác định là trào ngược không do acid.
Lưu ý: Người bệnh không sử dụng thuốc PPI trong vòng 24 tiếng trước khi thực hiện kiểm tra. Ngoài ra, thiết bị đo pH – trở kháng có các nút bấm ghi nhận triệu chứng khác như: đau, tức ngực, khó thở,… người bệnh cần chú ý ghi nhận để bác sĩ có được đánh giá chính xác nhất.
Test nhanh pepsin trong nước bọt
Mục đích: Pepsin là enzyme tiêu hoá chỉ có trong dạ dày. Test nhanh pepsin trong nước bọt (hay Pep Test) cho phép phát hiện sự có mặt của pepsin trong nước bọt. Phương pháp này được thực hiện ở những người bệnh không đủ điều kiện làm nội soi hoặc các biện pháp khác.
Cách thực hiện: Kỹ thuật viên xét nghiệm lấy mẫu của người bệnh sau đó mang đi định lượng nồng độ pepsin trong mẫu này. Mẫu nước bọt thường được lấy sau ăn 1 tiếng (trong 2 ngày liên tiếp) với bệnh nhân có triệu chứng trào ngược liên tục. Với bệnh nhân trào ngược không liên tục, mẫu nước bọt 1 được lấy sau 15 phút nghi ngờ có triệu chứng, mẫu 2 lấy sau 15 phút triệu chứng xuất hiện và cách mẫu 1 hơn 1 tiếng.
Đọc kết quả: Pepsin dương tính phản ánh tình trạng trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.
Lưu ý: PepTest là phương pháp được thực hiện ở một thời điểm nhất định. Vì vậy, ngay cả khi kết quả âm tính thì cũng không đồng nghĩa người bệnh không bị trào ngược dạ dày.
☛ Tìm hiểu: Đọc kết quả hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày thực quản
Khám trào ngược dạ dày ở đâu?
Dưới đây là địa chỉ khám trào ngược dạ dày uy tín ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để bạn đọc tham khảo:
Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
- Hotline: 024 3869 3731
- Thời gian làm việc: Từ 6h30 – 18h00 tất cả các ngày trong tuần.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh tuyến Trung Ương, quy tụ những chuyên gia tiêu hoá hàng đầu cả nước. Trong đó, các bác sĩ khám trào ngược dạ dày nổi tiếng phải kể đến như: TS.BS Nguyễn Trường Khanh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hồng Vân, GS. TS Đào Văn Long, BS.TS Nguyễn Công Long,…
Để khám trào ngược dạ dày thực quản tại bệnh viện Bạch Mai, người bệnh thực hiện như sau:
- Điền phiếu khám, lấy số thứ tự tại quầy tiếp đón.
- Tiến hành thanh toán phí khám tại quầy thu ngân.
- Người bệnh di chuyển đến phòng khám bệnh tại Khoa tiêu hóa – Tầng 5 nhà P (Tòa nhà Việt Nhật) theo hướng dẫn của nhân viên
- Thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ, đợi lấy kết quả và mang trở lại phòng khám bệnh ban đầu.
- Nghe bác sĩ đọc kết quả, tiếp nhận và phối hợp thực hiện các biện pháp điều trị được bác sĩ chỉ định.
Khi đăng ký khám online, người bệnh sẽ thanh toán chi phí khám qua thẻ ngân hàng và cần đến trước 10 phút theo lịch hẹn để làm thủ tục tại quầy tiếp đón.
Giá khám trào ngược dạ dày tại bệnh viện Bạch Mai là 41.100 đồng/ lượt. Với hình thức khám chọn bác sĩ theo yêu cầu, mức giá khám là 300.000 – 400.000 đồng/ lượt, tuỳ vào bác sĩ mà người bệnh lựa chọn. Giá này chưa bao gồm các chi phí làm thủ thuật hoặc xét nghiệm.
Một số lưu ý khi khám trào ngược dạ dày ở bệnh viện Bạch Mai gồm:
- Nên đến sớm vì số lượng bệnh nhân đăng ký khám rất đông.
- Người bệnh cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết như: căn cước công dân, thẻ bảo hiểm để sẵn sàng sử dụng khi cần.
- Nên đeo khẩu trang khi đến khám để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
- Tránh mang theo trẻ nhỏ nếu không cần thiết.
Bệnh viện Trung ương quân đội 108
- Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Hotline: 02462 784 126.
- Thời gian làm việc: Từ 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Tại bệnh viện 108, người bệnh có thể đăng ký khám trào ngược bởi các chuyên gia tiêu hoá đầu ngành như: PGS.TS Nguyễn Tiến Thịnh, TS.Bs Mai Thanh Bình, ThS.Bs Đinh Trường Giang, BS.CKI Trần Thị Ánh Tuyết, BS.CKI Trần Văn Mạnh,…
Quy trình khám trào ngược dạ dày thực quản tại viện 108 như sau:
- Di chuyển đến khu khám bệnh đa khoa nằm phía bên tay phải khi vừa vào cổng.
- Thực hiện đăng ký khám tại cửa số 6.
- Di chuyển về buồng khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Người bệnh thanh toán các khoản chi phí tại cửa số 8 và làm xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
- Quay trở lại phòng khám bệnh ban đầu để nghe bác sĩ đọc kết quả.
- Xuống cửa số 8 để in kết quả, nộp tiền và nhận đơn thuốc.
- Lấy thuốc ở cửa số 2 hoặc nhập viện điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Nếu muốn khám bệnh theo yêu cầu, người bệnh cần lấy hồ sơ tại tầng 1 và lên tầng 3 để đăng ký khám bệnh, thanh toán chi phí tại quầy tài chính. Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh lấy thuốc ở quầy số 3 hoặc nhập viện theo hướng dẫn.
Chi phí khám trào ngược dạ dày tại Bệnh viện 108 dao động trong khoảng 200.000 – 600.000 đồng tuỳ hình thức khám bệnh. Giá này chưa bao gồm các khoản chi phí thực hiện xét nghiệm và thủ thuật.
Một số lưu ý khi khám tại viện 108 gồm:
- Người bệnh nên đến sớm khoảng 6h00 – 7h00 để tránh thời gian cao điểm.
- Nên nhịn ăn sáng để phòng trường hợp cần làm xét nghiệm máu hoặc thủ thuật nội soi.
- Bệnh viện chưa thanh toán qua thẻ ngân hàng. Do đó, người bệnh nên chuẩn bị sẵn tiền mặt để thanh toán thuận lợi.
- Cảnh giác bảo vệ tài sản cá nhân trong giờ cao điểm đông người.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Địa chỉ: Số 1 P. Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội
- Hotline: 1900 6422
- Thời gian làm việc: Từ 7h00 – 16h30, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Thứ 7 làm việc từ 7h00 – 12h00.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được biết đến với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chuyên đào tạo nhân sự ngành Y cho cả nước. Chuyên khoa Tiêu hoá của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có nhiều bác sĩ giỏi tiêu biểu như: PGS.TS.Bs nguyễn Thị Vân Hồng, TS.BS Đào Việt Hằng, Bs Trần Ngọc Ánh,…
Quy trình khám trào ngược tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội như sau:
- Khai báo thông tin tại quầy đón tiếp, sau đó đóng tiền và nhận số thứ tự phòng khám.
- Di chuyển đến phòng khám bệnh theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
- Thanh toán chi phí xét nghiệm và nhận số thứ tự làm xét nghiệm theo chỉ định.
- Quay trở lại phòng khám bệnh ban đầu chờ nghe kết luận của bác sĩ.
- Lấy thuốc tại nhà thuốc bệnh viện và hoàn tất thủ tục thanh toán.
Chi phí khám tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 120.000 đồng với khám thường, 350.000 đồng khi khám chuyên gia tại nhà A5 và 450.000 đồng khi chọn khám theo yêu cầu. Mức giá này chưa bao gồm chi phí làm thủ thuật và xét nghiệm.
Bệnh viện Chợ Rẫy
- Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TPHCM
- Hotline: 028 3855 4138
- Thời gian làm việc: Từ 7h00 – 16h00, từ thứ 2 đến thứ 6.
Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến khám bệnh cao nhất tại khu vực phía Nam. Người bệnh có thể đăng ký khám trào ngược dạ dày bởi các bác sĩ giỏi như: ThS.BS Hồ Tấn Phát – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, ThS.BS Mã Phước Nguyên – Phó khoa Nội tiêu hóa, TS.BS Vũ Duy Thông – Phó khoa Nội tiêu hóa,…
Quy trình khám tại bệnh viện Chợ Rẫy như sau:
- Người bệnh đăng ký khám bệnh tại quầy tiếp nhận.
- Di chuyển đến phòng khám chuyên khoa theo hướng dẫn.
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết, nhận kết quả và quay trở lại phòng khám bệnh ban đầu.
- Nghe bác sĩ đọc kết quả và phối hợp thực hiện chỉ định điều trị.
Chi phí khám trào ngược dạ dày ở khoa thường là 38.700 đồng/ lượt, khám chuyên gia là 500.000 đồng/ lượt. Mức giá này chưa bao gồm chi phí xét nghiệm và thủ thuật.
Một số lưu ý khi khám trào ngược ở bệnh viện Chợ Rẫy gồm:
- Số lượng người khám bệnh rất đông, bạn cần bảo quản thật kỹ tài sản cá nhân.
- Nên đến sớm để đăng ký khám, tránh giờ cao điểm của bệnh viện.
- Nếu đã đăng ký khám trước đó, bạn cần đến trước 15 – 30 phút để hoàn tất thủ tục tại Khu A, cổng số 1 – 201B Nguyễn Chí Thanh.
Bệnh viện nhân dân 115
- Địa chỉ: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hotline: 028 3865 2368 – 028 3865 4139 – 028 3865 5110.
- Thời gian làm việc: 7h00 – 16h30, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Khoa nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115 chuyên tiếp nhận và xử lý các bệnh tiêu hoá, bao gồm cả trào ngược dạ dày. Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn được nhiều người bệnh tin tưởng như: TTƯT.TS.BS.CKII Lê Thị Tuyết Phượng, BSCKII Trương Thị Ái Phương, BSCKII Trần Kinh Thành,…
Để khám trào ngược dạ dày tại Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh thực hiện như sau:
- Người bệnh di chuyển đến khu A (thẳng cổng số 3 trên đường Sư Vạn Hạnh) vào Khoa khám bệnh yêu cầu.
- Thực hiện đăng ký nhận số thứ tự ở quầy A và đóng phí khám tại quầy D.
- Di chuyển đến phòng khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Nhận chỉ định cận lâm sàng từ bác sĩ và đóng chi phí tại quầy F, sau đó làm các thủ thuật theo chỉ dẫn.
- Trở về phòng khám ban đầu để đợi nghe bác sĩ đọc kết quả và phối hợp thực hiện các biện pháp điều trị.
Đối với người bệnh đã đặt lịch khám thì vào thẳng quầy số 3 hoặc số 4 để làm thủ tục đăng ký. Ngoài khám tại khoa khám bệnh, người bệnh trào ngược có thể đăng ký khám theo yêu cầu tại Khoa nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115 tại khu B – Tầng trệt.
Chi phí khám trào ngược tại khoa khám bệnh dao động từ 120.000 – 190.000 đồng/ lượt tuỳ vào thời điểm và hình thức đăng ký khám bệnh. Nếu khám theo yêu cầu tại khoa, chi phí khám dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/ lượt khám tuỳ vào bác sĩ mà bạn đăng ký. Mức giá này chưa bao gồm phí làm thủ thuật và xét nghiệm.
Một số lưu ý khi khám trào ngược ở bệnh viện Nhân dân 115 như sau:
- Nếu khám ở khoa khám bệnh, bạn nên đi vào thứ 5 và thứ 6 sẽ bớt đông bệnh nhân hơn.
- Nếu khám ở khoa khám và điều trị theo yêu cầu, bạn nên đi sớm để lấy số thứ tự vì người bệnh ở khu này rất đông.
- BHYT chỉ có thể dùng ở khoa khám bệnh. Các hình thức khám bệnh khác không áp dụng BHYT.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
- Địa chỉ: 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, TPHCM.
- Hotline: 028 3923 4332.
- Thời gian làm việc: Từ 7h30 – 16h30, từ thứ 2 đến thứ 6.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố Hồ Chí Minh. Một số bác sĩ nổi tiếng trong khám và điều trị trào ngược dạ dày như: ThS.Bs.CKII Trần Ngọc Lưu Phương, TS.BS Nguyễn Thanh Bình, BS.CKI Đặng Lê Bích Ngọc, Bác sĩ CKII Võ Văn Nhanh, Bác sĩ CKII Nguyễn Đô,…
Quy trình khám trào ngược dạ dày ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương như sau:
- Lấy số thứ tự, mua sổ khám và nộp sổ khám bệnh tại quầy số 3.
- Chờ gọi tên và đóng phí khám tại quầy số 4 hoặc số 5. Nhận lại sổ khám và số thứ tự khám bệnh.
- Di chuyển đến phòng khám và đợi gọi vào khám.
- Nhận chỉ định xét nghiệm của bác sĩ (nếu có) và quay lại quầy 4 hoặc 5 để đóng phí xét nghiệm.
- Di chuyển đến nơi thực hiện xét nghiệm và chờ lấy kết quả.
- Quay trở lại phòng khám ban đầu nghe bác sĩ đọc kết quả và phối hợp thực hiện các biện pháp điều trị theo chỉ định.
Chi phí khám bệnh tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương dao động từ 250.000 – 400.000 đồng/ lượt tuỳ vào hình thức khám bệnh mà bạn lựa chọn. Mức giá này chưa bao gồm chi phí làm thủ thuật và xét nghiệm.
Một số câu hỏi thường gặp khi khám trào ngược dạ dày thực quản
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi khám trào ngược dạ dày thực quản:
Khi nào cần đi khám trào ngược dạ dày thực quản?
Nếu chưa được chẩn đoán là trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên đi khám khi có các triệu chứng sau:
- Cảm giác nóng rát ở vùng ngực, phía sau xương ức.
- Có dịch thức ăn trào ngược từ dạ dày lên họng hoặc miệng gây chua miệng hoặc cảm giác khó chịu.
- Gặp tình trạng khó nuốt, nuốt vướng hoặc đau khi nuốt.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Trào ngược dạ dày thực quản – nguyên nhân triệu chứng điều trị
Nếu đã được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cần đi khám khi các triệu chứng trở nặng hoặc không thuyên giảm sau khi áp dụng biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cần khám ngay khi: bị sụt trên 10% cân nặng, cơ thể suy nhược, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
Khám trào ngược dạ dày thực quản mất bao lâu?
Thời gian khám trào ngược dạ dày thay đổi ở từng người bệnh và các biện pháp thực hiện. Ví dụ: Nếu người bệnh chỉ khám lâm sàng, thời gian khám chỉ mất vài tiếng. Trong khi đó, những bệnh nhân cần đo pH – trở kháng thực quản cần đến 24 tiếng để có kết quả cuối cùng. Thông thường, người bệnh khám trào ngược dạ dày thực quản sẽ nhận được chẩn đoán trong vòng 24 giờ.
Khám trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ có khác người lớn không?
Trẻ nhỏ là đối tượng người bệnh đặc biệt vì chưa thể cung cấp chính xác triệu chứng, khó phối hợp với bác sĩ và dễ bị tổn thương bởi một số biện pháp kiểm tra. Do đó, quy trình khám trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ có khác biệt nhất định với người lớn. Các biện pháp được áp dụng thường gồm:
- Siêu âm: Nhằm loại trừ nguyên nhân hẹp môn vị ở trẻ.
- Chụp X – quang: Nhằm phát hiện các bất thường như tắc nghẽn ống tiêu hoá dẫn đến tình trạng trào ngược.
- Đo pH thực quản: Trẻ cần được nhập viện để thực hiện kỹ thuật này.
- Nội soi dạ dày tá tràng: Thực hiện khi trẻ được gây mê.
Khám trào ngược dày thực quản có cần nội soi không?
Không phải tất cả các trường hợp khám trào ngược dạ dày đều cần nội soi. Phương pháp này thường chỉ được định cho những bệnh nhân trên 40 tuổi có triệu chứng nuốt đau, sụt cân, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, sử dụng thuốc NSAIDs dài ngày hoặc gia đình có người từng mắc bệnh ung thư dạ dày – thực quản.
Khám trào ngược dạ dày thực quản có đau không?
Tuỳ vào biện pháp mà khám trào ngược dạ dày có thể đau hoặc không. Với các biện pháp khám không xâm lấn như: khám lâm sàng hoặc Peptest, người bệnh sẽ không bị đau. Tuy nhiên, nếu cần nội soi hoặc đo pH – trở kháng thực quản, người bệnh có thể bị đau, khó chịu, nôn trong và sau khi thực hiện thủ thuật.
Trên đây là bài viết cung cấp thông tin về các biện pháp và địa chỉ khám trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả. Hy vọng bài viết đã đem đến thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu cần tư vấn thêm, bạn đọc vui lòng để lại lời nhắn hoặc liên hệ đến hotline: 1900 545 518.