- Thuốc trung hòa Acid (Antacids)Xem chương này
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)Xem chương này
- Thuốc ức chế thụ thể histamin H2Xem chương này
- Thuốc kháng vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)Xem chương này
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dàyXem chương này
Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh lý phổ biến thường gặp ở nhiều người. Để điều trị hiệu quả bệnh này, bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống phù hợp, người bệnh cần kết hợp sử dụng các loại thuốc đặc trị nhằm giảm triệu chứng, thúc đẩy quá trình làm lành vết loét và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.
Trong bài viết này, Hantacid chia sẻ với bạn các nhóm thuốc chính thường được sử dụng trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày-tá tràng, công dụng, cách dùng, cơ chế hoạt động của từng loại và những lưu ý cần biết.
Thuốc trung hòa Acid (Antacids)
Là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị các bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày - tá tràng. Với các thành phần chủ yếu là các muối của kim loại có đặc tính giúp trung hòa acid dạ dày, giảm đau ngay lập tức và đẩy lùi tình trạng đầy hơi, ợ nóng nhanh chóng.
Các loại thuốc phổ biến
- Hantacid: chứa các thành phần chủ yếu như aluminum hydroxide, magnesium hydroxide và simethicone.
- Maalox: chứa các chất magnesium hydroxide và aluminum hydroxide.
- Antacil: chứa các hợp chất chính như calcium carbonate và simethicone.
- Antacid: bao gồm calcium carbonate, magnesium hydroxide, hoặc aluminum hydroxide.
- Mylanta: thành phần có aluminum hydroxide, magnesium hydroxide, và simethicone.
Cơ chế hoạt động
Thuốc trung hòa acid hoạt động theo cơ chế trung hòa ion H+ của HCl, giúp thiết lập lại cân bằng pH môi trường dịch dạ dày, từ đó giúp giảm đau, giảm co thắt dạ dày, hạn chế các tổn thương do tình trạng tăng tiết quá mức acid gây ra.Tùy vào từng loại thuốc với những thành phần khác nhau mà cơ chế hoạt động sẽ khác nhau. Cụ thể:
Nhôm hydroxyd
Đây là một hydroxyd kiềm, khi vào cơ thể, Nhôm hydroxyd phản ứng với acid HCl tạo thành muối Nhôm clorid và nước, từ đó làm giảm nồng độ H+ trong dạ dày. Đồng thời, Nhôm hydroxyd cũng được biết đến với khả năng ức chế hoạt động của pepsin - một trong những yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày.
Magnesi hydroxyd
Magnesi hydroxyd cũng là một hydroxyd kiềm mạnh, hoạt động tương tự như Nhôm hydroxyd. Theo Dược thư quốc gia 2022, Magnesi hydroxyd có đặc tính hấp thu chậm nên tác dụng trung hòa acid thường kéo dài hơn. Ngoài ra, muối Magnesi còn giúp làm tăng áp lực thẩm thấu ruột, tăng giữ nước và điện giải, kích thích nhu động ruột nên thường được kết hợp với Nhôm hydroxyd trong các thuốc trung hòa acid dạ dày để ngăn ngừa táo bón do cation nhôm gây ra.
Muối của Canxi
Muối Canxi có tác dụng trung hòa acid dạ dày và tá tràng, khi pH > 4, chúng ức chế hoạt động của protein và pepsin. Ngoài ra, Canxi giải phóng từ Canxi carbonat giúp làm tăng nhu động thực quản, giúp ngăn ngừa cơn ợ nóng.
Ngoài đặc tính trung hoà acid và kháng acid dạ dày còn được biết đến có tác dụng hỗ trợ chữa lành vết loét. Mặc dù cơ chế chính xác chưa được nghiên cứu cụ thể, nhưng các nhà khoa học cho rằng, đó là sự kết hợp của các cơ chế sau:
- Thúc đẩy hình thành, tái tạo mạch máu
- Liên kết với acid mật
- Ức chế co thắt dạ dày
- Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.
Công dụng
Nhờ khả năng giúp trung hòa nhanh chóng acid dịch vị, nên nhóm thuốc antacid thường được chỉ định đem lại tác dụng điều trị trong các trường hợp sau:
- Làm giảm các triệu chứng khó chịu do tăng tiết acid dạ dày như ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng,...
- Điều trị tăng acid do viêm loét dạ dày, tá tràng.
- Điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Phòng và điều trị xuất huyết dạ dày.
Lưu ý khi sử dụng
Tác dụng phụ: Có thể gây táo bón (do aluminum hydroxide) hoặc tiêu chảy (do magnesium hydroxide). Ngoài ra, trong bài viết nghiên cứu về "Những hệ lụy của việc lạm dụng sử dụng thuốc kháng axit" được đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc Gia Hoa Kỳ (NLM) cho biết, việc lạm dụng dùng quá liều thuốc trung hòa acid có chứa Canxi carbonat (6,6-7,9g Canxi carbonat một ngày so với lượng khuyến cáo là 1g) đã gây ra tình trạng tăng canxi huyết nghiêm trọng.
Thời gian tác dụng ngắn: Thuốc trung hòa acid thường có tác dụng giảm triệu chứng tạm thời và trong khoảng thời gian nhất định. Chính vì thế cần kết hợp với các loại thuốc khác để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả.
Sử dụng đúng liều: Do antacid là nhóm thuốc không kê đơn, người bệnh có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc, tuy nhiên không nên lạm dụng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đặc biệt để tránh xảy ra tương tác thuốc, hãy hỏi thêm ý kiến của bác sĩ trước khi dùng kết hợp với các loại thuốc khác.
☛ Tham khảo thêm: Top 7 cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày hiệu quả
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc kê đơn được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày - tá tràng và thực quản. Các thuốc này có tác dụng giúp giảm tiết dịch acid dạ dày, làm lành vết loét và đẩy lùi các triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng hiệu quả.
Các loại thuốc PPI phổ biến
- Omeprazole (Prilosec)
- Lansoprazole (Prevacid)
- Rabeprazole (Aciphex)
- Esomeprazole (Nexium)
- Pantoprazole (Protonix)
Trong các PPI, Omeprazol là thuốc hoạt động nhanh và đạt hiệu quả cao nhất, chỉ sau 30 phút. Esomeprazol và Lansoprazol thường mất khoảng 1-2 giờ, và các PPI còn lại mất nhiều thời gian hơn để có tác dụng.
Cơ chế hoạt động
Thuốc PPI được hoạt động bằng cách giúp ức chế các enzym H+/K+ ATPase (hay còn gọi là bơm proton) trên bề mặt tế bào của thành dạ dày. Từ đó ngăn chặn các dịch acid được tiết ra, làm giảm các triệu chứng ợ nóng, trào ngược axit và làm lành các vết loét nhanh chóng.
Công dụng
Nhờ cơ chế tác động đặc hiệu lên hệ thống enzyme H+/K+-ATPase, PPI có tác dụng ức chế dạ dày bài tiết acid hiệu quả cao, tác dụng mạnh và kéo dài. Do vậy, sử dụng PPI đem lại một số công dụng như:
- Giúp làm lành tổn thương niêm mạc thực quản và giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.
- Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng do thuốc chống viêm (NSAIDs).
- Dự phòng loét dạ dày do stress.
- Phối hợp với kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn HP.
- Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison
- Dự phòng xuất huyết do loét dạ dày tá tràng.
Trong một bài viết nghiên cứu về "Những ứng dụng và rủi ro của thuốc ức chế bơm Proton" được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng khẳng định PPI là một trong những loại thuốc hiệu quả nhất dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến axit dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và loét dạ dày - tá tràng.
Bên cạnh đó, PPI còn có tác dụng trong việc phòng ngừa các tổn thương dạ dày tá tràng do các nguyên nhân dùng thuốc chống viêm (NSAIDs) hoặc do vi khuẩn HP.
Lưu ý khi sử dụng
Tác dụng phụ: Hầu hết các PPI đều gây tác dụng phụ là đau đầu, một số trường hợp khác có thể gặp bị tiêu chảy, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ… Đặc biệt, nếu sử dụng lâu dài PPI (trên 2 năm) có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin B12 và gặp các nguy cơ liên quan đến bệnh loãng xương, gãy xương.
Thời gian điều trị: Thời gian sử dụng khuyến cáo của PPI trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có HP dương tính thường kéo dài 10-14 ngày. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng, thời gian điều trị có thể từ vài tuần đến vài tháng.
Liều lượng sử dụng: Uống trước khi ăn khoảng 30-60 phút. Tốt nhất nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trong quá trình sử dụng, không nên tự ý dùng thuốc khi chưa được cho phép.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Ngoài những lưu ý trên, người bệnh cũng cần chú ý trong quá trình sử dụng thuốc PPI cần đi khám tổng quát sức khỏe theo định kỳ từ 3-6 tháng để kiểm tra tình trạng của bệnh và các tác động phụ từ thuốc giúp khắc phục kịp thời.
☛ Tham khảo thêm: Bị viêm loét dạ dày có nên uống sữa không?
Thuốc ức chế thụ thể histamin H2
Thuốc ức chế thụ thể histamin H2 được nghiên cứu và phát triển từ đầu những năm 1970. Nhóm thuốc này thường được sử dụng để giảm sự tiết dịch acid dạ dày, giúp điều trị và quản lý các bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày tá tràng. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng như viên nén, viên nang, siro hoặc thuốc tiêm.
Các loại thuốc H2 phổ biến
- Cimetidine (Tagamet)
- Ranitidine (Zantac)
- Famotidine (Pepcid)
- Nizatidine (Axid)
Trong nhóm này, Famotidin được ưu tiên sử dụng nhiều hơn do độ chọn lọc cao và hạn chế tác dụng phụ hơn so với Ranitidin và Cimetidin. Tuy nhiên, hiệu quả ức chế tiết acid của nhóm này không mạnh bằng PPI.
Cơ chế hoạt động
Thuốc kháng Histamin H2 có cấu trúc tương tự như histamin (một chất trung gian hoá học khi gắn vào thụ thể H2 có vai trò kích thích dạ dày bài tiết acid). Khi vào cơ thể, thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 trên tế bào thành dạ dày. Từ đó giúp làm giảm bài tiết acid, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và các triệu chứng liên quan đến bệnh trào ngược thực quản.
Công dụng
Nhờ hiệu quả ức chế dạ dày bài tiết acid, thuốc kháng histamin H2 được dùng để hỗ trợ trong các trường hợp sau:
- Hỗ trợ điều trị bệnh loét dạ dày không biến chứng
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Làm lành vết loét do lạm dụng thuốc NSAIDs
- Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison
- Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu do tăng tiết acid như ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu,...
Cụ thể trong bài viết nghiên cứu về "Tác dụng của thuốc đối kháng thụ thể Histamine H2 trong việc chữa lành viêm loét dạ dày" được đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho biết các liều thuốc kháng histamin H2 đang được lưu hành trên thị trường có thể chữa lành từ 77 - 92% các vết loét tá tràng sau 4 tuần và tăng tỷ lệ diệt trừ vi khuẩn HP khi dùng điều trị bổ trợ. Phác đồ hiện đại ngày nay thường dùng liều thuốc kháng histamin H2 với tần suất 1 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ, mà hiệu quả vẫn tương đương so với phác đồ dùng thuốc với tần suất nhiều hơn.
☛ Xem chi tiết bài viết: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1280563/
Lưu ý khi sử dụng
Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc kháng histamin H2 như buồn ngủ, táo bón, tiêu chảy, đau cơ, nhức đầu. Một số trường hợp người bệnh cao tuổi (trên 50 tuổi) hoặc những người đang có bệnh lý về gan, thận có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng hơn như ảo giác, mê sảng, lẫn, nói lắp…
Thời gian điều trị: Thuốc chẹn thụ thể histamin H2 có khả năng ức chế tiết dịch acid kéo dài lên đến 24 giờ và tác động chủ yếu vào ban đêm, nên thời điểm dùng thuốc thường được khuyến cáo là trước khi đi ngủ.
Liều lượng sử dụng: Tùy thuộc vào từng trường hợp của người bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định liều lượng sử dụng cho phù hợp.
Tương tác thuốc: Thuốc kháng histamin H2 có thể gây tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị động kinh, thuốc chống rối loạn nhịp tim. Do vậy, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc kết hợp với các loại khác.
Chống chỉ định: Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em hoặc người cao tuổi cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
Thuốc kháng vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Thuốc kháng vi khuẩn Helicobacter pylori có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị viêm loét dạ dày có liên quan đến vi khuẩn HP. Do đặc điểm về hình thái, sinh trưởng, vi khuẩn HP có thể tồn tại trong môi trường acid mà không bị tiêu diệt. Thêm vào đó, vi khuẩn HP với đặc tính nhạy cảm dao động với nhiều loại kháng sinh, nên các phác đồ điều trị vi khuẩn HP hiện nay thường là sự kết hợp giữa PPI, H2 và các loại thuốc bên dưới để đạt hiệu quả cao nhất.
Các loại thuốc phổ biến
Cơ chế hoạt động
Tùy vào mục đích ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP mà mỗi loại có một cơ chế tác động riêng, cụ thể:
Amoxicillin
Amoxicillin là loại kháng sinh nhóm Beta-lactam duy nhất được sử dụng trong phác đồ điều trị vi khuẩn HP. Đây là một kháng sinh diệt khuẩn, tác động vào giai đoạn cuối của quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bằng cách ức chế peptidoglycan PBP (protein gắn penicillin). Từ đó giúp ngăn chặn sự hình thành tế bào mới và tiêu diệt các loại vi khuẩn HP.
Clarithromycin
Clarithromycin là một loại kháng sinh nhóm macrolid, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn thay vì tiêu diệt chúng. Thuốc tác động vào enzyme peptidyl-transferase tại vùng V của tiểu phần ribosome rARN 23S trong tế bào vi khuẩn. Bằng cách ức chế enzyme này, clarithromycin khiến quá trình kéo dài chuỗi peptid bị phá vỡ, dẫn đến ức chế quá rình tổng hợp protein của vi khuẩn.
Metronidazol
Metronidazol là một loại kháng sinh thuộc nhóm 5-nitro imidazol. Khi vào cơ thể, metronidazol được chuyển đổi thành nitro-anion nhờ enzyme NADPH (adenin nicotinamid dinucleotid phosphat). Nitro-anion này sau đó tác động lên ADN của vi khuẩn, gây biến đổi ADN và dẫn đến tiêu diệt vi khuẩn.
Tetracycline
Tetracycline là một loại kháng sinh thuộc nhóm tetracycline. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn vi khuẩn sản xuất protein. Cụ thể, nó cản trở quá trình tạo chuỗi protein dài (chuỗi polypeptide), làm vi khuẩn không thể tổng hợp protein cần thiết, dẫn đến vi khuẩn bị chết và tiêu diệt.
Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol)
Bismuth subsalicylate là thành phần hoạt chất chính của thuốc Pepto-Bismol. Thuốc này hoạt động bằng cách tạo ra một lớp màng bảo vệ trên niêm mạc dạ dày và ruột, giúp ngăn chặn sự tấn công của acid dạ dày và vi khuẩn.
Công dụng
Một số công dụng chính của nhóm thuốc kháng vi khuẩn HP cụ thể như:
- Giúp tiêu diệt vi khuẩn HP, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Hỗ trợ làm lành vết loét: Khi các loại vi khuẩn được tiêu diệt, sẽ giúp quá trình làm lành của niêm mạc dạ dày nhanh hơn và giảm các triệu chứng khó chịu như đau bụng, ợ nóng, khó tiêu…
- Ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh hiệu quả và các nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày.
Lưu ý khi sử dụng
Tác dụng phụ: Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng nhóm thuốc này như bị tiêu chảy, co thắt dạ dày, rối loạn vị giác, buồn nôn, nhức đầu… Ngoài ra, còn tùy vào sự kết hợp giữa các loại thuốc sẽ xảy ra những phản ứng phụ khác nhau.
Thời gian điều trị: Phác đồ điều trị HP được đánh giá đem lại hiệu quả nhanh, thấy rõ trong khoảng 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng, lúc này các triệu chứng mới chỉ thuyên giảm chứ chưa loại bỏ triệt để vi khuẩn HP, đặc biệt là trong trường hợp bệnh mạn tính. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng phác đồ, tuân thủ đúng thời gian điều trị để ngăn ngừa nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.
Liều lượng sử dụng: Các loại thuốc kháng vi khuẩn HP là thuốc cần được kê đơn, người bệnh không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Đặc biệt, trong quá trình điều trị HP người bệnh cần lưu ý tái khám định kỳ để đánh giá kết quả điều trị và có hướng điều trị tiếp theo nếu phác đồ điều trị trước đó thất bại.
☛ Xem thêm: Cách dùng mật ong chữa vi khuẩn HP
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày là các loại thuốc có tác dụng giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày tránh bị tổn thương hoặc kích ứng do acid dạ dày, thuốc hoặc các yếu tố khác tác động đến. Các thuốc này thường được sử dụng để điều trị và phòng ngừa các bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày - tá tràng.
Các loại thuốc bảo vệ dạ dày phổ biến
Cơ chế hoạt động
Sucralfat
Là một hợp chất chứa nhôm và sulfat disaccharide. Khi vào trong cơ thể, sucralfat liên kết với các protein mang điện tích dương trong dạ dày và tạo thành một lớp chất nhầy giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế sự tác động của acid dạ dày, pepsin (một enzyme tiêu hóa) và muối mật. Sucralfat thường được chỉ định dùng trong thời gian ngắn để điều trị loét dạ dày.
Bismuth
Bao gồm các tinh thể muối kết hợp với albumin từ dịch viêm và các glycoprotein, tạo thành một lớp màng bảo vệ trên vết loét dạ dày. Lớp màng này có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của acid dạ dày và các enzyme tiêu hóa. Bên cạnh đó, bismuth còn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn HP, vì vậy nó thường được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh viêm loét dạ dày liên quan đến vi khuẩn HP.
Rebamipid
Là thuốc có tác dụng giúp bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày. Nó hoạt động bằng cách kích thích cơ thể sản xuất nhiều prostaglandin, một chất giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đồng thời, rebamipide còn có khả năng gây ức chế các gốc tự do gây tổn thương niêm mạc dạ dày hiệu quả.
Misoprostol
Thuốc có cấu trúc tương tự Prostaglandin E1 – là chất kích thích dạ dày tăng tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc, từ đó giúp tăng sản xuất carbonate và dịch nhầy, ngăn ngừa tác động của acid đối với các tổn thương niêm mạc. Tuy nhiên, hiện tại thuốc này ít được sử dụng, thường chỉ định trong trường hợp điều trị và dự phòng loét dạ dày ở những người dùng NSAIDs trong thời gian dài.
Công dụng
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có nhiều cơ chế hoạt động, mang lại hiệu quả cao trong điều trị viêm loét dạ dày. Cụ thể:
- Giảm lượng acid dạ dày: Ngăn ngừa tái hấp thu ion H+, từ đó giảm bớt acid dạ dày.
- Tăng tiết chất nhầy và bicarbonate: Giúp tạo thành lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Tăng tổng hợp prostaglandin: Hỗ trợ bảo vệ và phục hồi niêm mạc.
- Cải thiện tưới máu: Tăng cường lưu thông máu đến niêm mạc dạ dày, giúp hồi phục tế bào biểu mô niêm mạc.
- Hỗ trợ diệt vi khuẩn HP: Giúp loại bỏ nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
- Thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương: Giúp niêm mạc dạ dày mau chóng hồi phục.
Ngoài những công dụng trên, thuốc còn được sử dụng rộng rãi trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh trào ngược dạ dày, thực quản và các bệnh liên quan đến viêm dạ dày mãn tính.
Lưu ý khi sử dụng
Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc như bị buồn nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, tụt huyết áp.
Thời gian điều trị: Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày thường được chỉ định điều trị ngắn hạn, người bệnh tuyệt đối không lạm dụng thuốc kéo dài vì có thể gây nhiều tác hại đối với sức khỏe.
Liều lượng sử dụng: Dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu các tác dụng không mong muốn.
Đồng thời, trong quá trình sử dụng nếu phát hiện bất kỳ bất thường hoặc gặp các tác dụng bất lợi, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Lời kết:
Sử dụng thuốc được xem là biện pháp đầu tay trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, để điều trị đạt hiệu quả cao và phòng ngừa các tác dụng không mong muốn, người bệnh cần chủ động thăm khám và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng người bệnh cũng cần kết hợp với xây dựng thói quen ăn uống khoa học, điều chỉnh lối sống lành mạnh để phòng ngừa viêm loét dạ dày tái phát trở lại.