Sầu riêng là một loại trái cây béo ngọt và có mùi thơm đặc trưng được rất nhiều người ưa thích. Tuy vậy, có nhiều người sau khi ăn sầu riêng cảm thấy ợ nóng, đầy bụng và khó tiêu. Vậy, nguyên nhân vì sao ăn sầu riêng bị đầy bụng? Cách xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu lời giải qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Tại sao ăn sầu riêng bị đầy bụng?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, sầu riêng là loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chống lão hóa, hỗ trợ giảm mất ngủ, thiếu máu…
Bên cạnh những lợi ích trên, nếu ăn sầu riêng quá nhiều hoặc sai cách cũng có thể gây ra tình trạng bị đầy bụng, ợ hơi và khó tiêu. Nguyên nhân là do:
Do ăn quá nhiều
Theo công bố trên USDA, trung bình 100g phần thịt sầu riêng có chứa đến 2,5g protein; 28,3g glucid; 1,6g lipid; 66,8g nước và các khoáng chất vi lượng khác. Như vậy, 100g sầu riêng cung cấp khoảng 124 calo, cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác. Do đó, nếu ăn quá nhiều sầu riêng trong cùng một thời điểm sẽ tạo ra áp lực lớn lên hệ tiêu hóa, dẫn đến người ăn sẽ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn.
Do ăn không đúng thời điểm
Như đã đề cập ở trên, sầu riêng chứa hàm lượng cao glucid, do vậy nếu ăn sầu riêng vào các thời điểm mà bụng quá đói hoặc quá no thì đều không tốt vì chúng có thể khiến hàm lượng đường bị tăng cao, gây khó tiêu và cảm giác bị đầy bụng, khó chịu.
Do kết hợp với các thực phẩm khác
Một số người thường có thói quen khi ăn sầu riêng kết hợp với các loại thực phẩm khác mà có thể vô tình gây ra tình trạng đầy bụng. Cụ thể các loại thực phẩm có giàu protein như thịt bò, thịt chó, hải sản… sẽ gây tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa dẫn đến bị đầy bụng, khó tiêu.
Do yếu tố cơ địa
Theo y học cổ truyền, sầu riêng là loại quả có tính nóng, có thể gây bốc hỏa, đầy hơi, khó tiêu ở những người đang mang thai hoặc người có tỳ vị yếu. Do vậy, những người đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích… ăn sầu sẽ rất dễ gặp tình trạng đầy hơi và chướng bụng.
☛ Tìm hiểu thêm: Ợ hơi mùi trứng thối nguyên nhân do đâu?
Cách xử lý khi ăn sầu riêng bị đầy bụng?
Để hạn chế tình trạng đầy bụng khi ăn sầu riêng, bạn chỉ nên ăn sầu với lượng vừa đủ, không nên ăn quá 2 múi mỗi ngày, đồng thời tránh ăn sầu riêng ngay sau khi uống rượu hoặc ăn các món giàu calo như đồ ăn nhanh, thịt bò, hải sản… Đặc biệt với những người có đường tiêu hóa kém, người bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc cơ địa nóng, nhạy cảm… thì tốt nhất không nên ăn sầu riêng.
Còn nếu sau khi ăn sầu xong mà gặp tình trạng bị đầy bụng, bạn có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp dưới đây.
Massage bụng
Massage bụng hay còn gọi là xoa bóp vùng bụng giúp kích thích nhu động ruột, tăng tốc độ tiêu hóa, mang đến hiệu quả tích cực trong việc cải thiện chứng đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn sầu riêng. Cách thực hiện rất đơn giản như sau:
- Xoa nóng hai lòng bàn tay, sau đó áp hai lòng bàn tay lên vùng bụng.
- Thực hiện động tác xoa nắn vùng bụng theo chuyển động tròn, cùng chiều kim đồng hồ.
- Lặp lại động tác nhiều lần khi cần thiết, đến khi có thể ợ hơi và cảm thấy dễ chịu hơn.
- Có thể kết hợp xoa dầu nóng để tăng thêm hiệu quả.
- Nếu cảm thấy đau nhiều hơn khi xoa bóp, hãy dừng lại ngay.
Uống nước
Nước có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Chính vì vậy, khi gặp tình trạng bị đầy bụng bạn có thể bổ sung thêm các loại nước uống như: nước lọc, nước chanh, nước gừng hoặc trà thảo mộc… giúp hỗ trợ giảm các chứng khó tiêu, đầy hơi và đẩy lùi nhanh chóng cảm giác khó chịu. Lưu ý nên uống từng ngụm nhỏ và chia nhiều lần, tránh uống quá nhiều sẽ gây căng tức bụng thêm nặng hơn.
Đi bộ nhẹ nhàng
Trong một nghiên cứu năm 2003 được công bố trên tạp chí Gut, các nhà nghiên cứu cho rằng tư thế đứng thẳng giúp thải khí bên trong nhanh hơn so với tư thế nằm. Điều này có nghĩa khi bị đầy bụng thay vì bạn ngồi hoặc nằm thì hãy thực hiện một số động tác vận động nhẹ nhàng ở tư thế đứng thẳng như đi bộ có tác dụng giúp di chuyển khí trong ruột và giảm đầy hơi ở bụng nhanh hơn.
Tốt nhất bạn nên đi bộ nhẹ nhàng quanh khu nhà hoặc trên máy đi bộ, không nên vận động quá mạnh sau khi ăn no.
Chườm ấm, thư giãn
Việc chườm ấm có thể làm tăng lưu lượng máu, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn, từ đó đẩy lùi cảm giác khó chịu như đầy chướng bụng. Bạn có thể sử dụng túi chườm ấm, chườm trực tiếp lên vùng bụng hoặc ngâm mình trong nước ấm, thư giãn để giải tỏa căng thẳng, giảm đầy hơi, khó tiêu.
Kết hợp các bài tập Yoga
Một nghiên cứu trên Tạp chí của Viện Y tế Quốc gia, cho thấy thực hành yoga thường xuyên có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các rối loạn chức năng đường tiêu hóa như đau bụng, khó chịu và đầy hơi. Dưới đây là một số tư thế yoga thường được khuyến khích:
Bài tập 1: Tư thế vòng hoa
Tác dụng: Giúp mở rộng phần hông và làm giảm các triệu chứng liên quan đến táo bón, đầy hơi.
Cách thực hiện:
- Khởi động bằng đứng hai chân rộng bằng hông và xoay mép bàn chân theo góc 45 độ.
- Giữ thẳng lưng, gập đầu gối xuống sâu về tư thế ngồi xổm. Hai tay chắp trước ngực, ép phần khuỷu tay vào bên trong đầu gối.
- Hít sâu, thở chậm và giữ nguyên trong khoảng 30-60 giây, sau đó thực hiện lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập 2: Tư thế em bé vui vẻ
Tác dụng: Không chỉ giúp người tập có tinh thần vui vẻ và thoải mái. Bài tập này còn giúp làm giảm tình trạng khó tiêu, phóng khí và làm dịu cơn chướng hơi đầy bụng hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Khởi động bằng tư thế nằm ngửa.
- Hít thở đều, đồng thời đưa đầu gối lên vùng ngực, và dùng tay nắm mép ngoài bàn chân.
- Mở rộng đầu gối, kéo chân về phía ngực.
- Giữ tư thế trong khoảng 30 giây và lặp lại động tác khoảng 10 lần.
Bài tập 3: Tư thế đứa trẻ
Tác dụng: Giúp loại bỏ các triệu chứng khó chịu liên quan đến đầy hơi bằng cách tạo áp lực lên vùng bụng dưới, giúp thoát khí nhanh hơn.
Cách thực hiện:
- Khởi động bằng tư thế quỳ gối, phần mông chạm gót chân, giữ cho lưng thẳng.
- Mở rộng đầu gối, hít thở đầu.
- Gập người về phía trước, hai tay duỗi thẳng, lòng bàn tay úp xuống mặt đất, đồng thời thả lỏng vai gáy.
- Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây đến 1 phút sau đó hít thở đều, trở lại tư thế khởi động.
Một số loại thực phẩm dễ gây đầy bụng nên tránh
Không chỉ sầu riêng, một số thực phẩm khác cũng gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu, đặc biệt với những người đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Do đó, với những trường hợp này, cần hạn chế sử dụng một số thực phẩm như:
- Xôi: Đặc biệt là xôi nếp. Nguyên nhân là do xôi nếp có hàm lượng tinh bột cao, kết cấu dẻo quánh nên khó tiêu hóa, dễ gây cảm giác đầy bụng. (☛ Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày ăn xôi được không?)
- Trứng: Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng nếu ăn quá nhiều trứng cùng lúc có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu hóa, tăng áp lực cho gan và thận.
- Nấm: Trong thành phần của nấm có chứa mannitol – một chất kém hấp thu tại ruột, đồng thời nấm cũng chứa nhiều loại đường khó tiêu khác. Do vậy, nếu ăn nhiều nấm, bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
- Các loại đậu: Đậu là thực phẩm giàu chất xơ nhưng chứa nhiều carbohydrate. Chúng được tiêu hóa tại ruột nhờ các vi sinh vật, trong quá trình tiêu hóa có sản sinh ra nhiều khí dẫn đến cảm giác đầy hơi, chướng bụng. (Đọc thêm: Cách xử lý khi ăn đậu phụ bị đầy bụng?)
- Đồ uống có gas: Các đồ uống có gas có thể gây tích tụ khí trong đường tiêu hóa gây đầy hơi, ợ hơi sau khi uống.
Trên đây là tổng hợp các nguyên nhân ăn sầu riêng bị đầy bụng và cách xử lý khi gặp phải tình trạng này. Mặc dù sầu riêng là một thực phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng, nhưng bạn cần lưu ý chỉ nên ăn chúng với lượng vừa đủ và đúng cách để tránh gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu.