Nhiều người bệnh tin rằng, triệu chứng trào ngược càng dữ dội thì tổn thương dạ dày – thực quản càng nghiêm trọng. Thực tế không hẳn vậy. Khảo sát hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày thực quản cho thấy, có những bệnh nhân biểu hiện mờ nhạt nhưng tổn thương lại rất rõ rệt. Bài viết hôm nay sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về kết quả hình ảnh nội soi dạ dày thực quản.
Mục lục
Lợi ích của nội soi trong chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày
Nội soi (hay siêu âm nội soi) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh lý tiêu hoá, bao gồm trào ngược dạ dày thực quản. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng một dây nội soi có gắn đầu dò siêu âm đưa vào trong ống tiêu hoá. Hình ảnh thiết bị thu được cho phép bác sĩ phát hiện và quan sát các tổn thương trên niêm mạc dạ dày – thực quản.
Nội soi đem lại lợi ích lớn trong chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản, cụ thể:
Đánh giá chức năng cơ thắt thực quản: Với thiết bị nội soi phù hợp, bác sĩ có thể theo dõi được mức độ giãn thực quản, sự chuyển động bất thường của cơ thắt thực quản, ứ trệ mạn tính ở niêm mạc, áp lực thực quản. Đây là căn cứ để đánh giá chức năng cơ thắt thực quản có bình thường không.
Phát hiện tổn thương: Đầu dò siêu âm sử dụng trong nội soi có thể thu được hình ảnh 360 độ, giúp khảo sát toàn diện bề mặt niêm mạc thực quản – dạ dày. Những đầu dò sử dụng tần số cao, độ phân giải lớn giúp cho phép thu về hình ảnh rõ nét từng lớp trên thành ống tiêu hoá. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng nhận diện điểm bất thường và phát hiện những tổn thương nhỏ nhất.
Đánh giá mức độ tổn thương: Khi đầu dò siêu âm tiếp cận được vị trí tổn thương, bác sĩ thực hiện quan sát và đưa ra đánh giá chi tiết về: hình dạng, kích thước, phân bố và đặc điểm của vết loét. Dựa vào những yếu tố này, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ trào ngược dạ dày thực quản của người bệnh. Đây là căn cứ để đưa ra chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Phát hiện biến chứng: Bao gồm các biến chứng chít hẹp thực quản, barrett thực quản, xuất huyết dạ dày – thực quản và ung thư dạ dày – thực quản. Mỗi biến chứng này sẽ gây ra các hình thái tổn thương khác nhau và được thể hiện rõ ràng qua hình ảnh nội soi. Ngoài ra, đầu dò siêu âm có thể kết hợp với thiết bị sinh thiết giúp lấy mẫu xét nghiệm trong những trường hợp nghi ngờ có biến chứng ác tính.
Nội soi là kiểm tra cận lâm sàng có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày – thực quản. Bởi vậy, hầu hết người bệnh có triệu chứng trào ngược sẽ được chỉ định thực hiện kỹ thuật này. Số ít trường hợp không nội soi thường do các vấn đề về sức khoẻ như: thủng tạng rỗng, phình động mạch chủ ngực, rối loạn đông máu hoặc mắc các bệnh tim phổi cấp tính.
Quy trình nội soi dạ dày thực quản
Quy trình nội soi dạ dày thực quản bắt đầu từ khi người bệnh được nhân viên y tế tiếp nhận và giải thích về kỹ thuật này cho đến khi người bệnh rời khỏi phòng nội soi. Tuỳ vào điều kiện của từng bệnh viện và tình trạng của người bệnh mà quy trình này sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.
Dưới đây là quy trình chung để người bệnh tham khảo:
- Bước 1: Người bệnh cung cấp giấy chỉ định nội soi của bác sĩ và lắng nghe y tá giải thích về mục đích, lợi ích, tai biến có thể xảy ra khi nội soi dạ dày thực quản.
- Bước 2: Nếu đồng ý làm thủ thuật, người bệnh ký giấy cam đoan và lấy số thứ tự theo hướng dẫn
- Bước 3: Người bệnh nằm lên giường nội soi đúng tư thế và chú ý phối hợp với hướng dẫn của y tá và bác sĩ.
- Bước 4: Bác sĩ tiến hành gây mê hoặc không, tuỳ theo đăng ký ban đầu của người bệnh cùng y tá.
- Bước 5: Y tá đặt ống ngậm miệng – canuyl vào giữa hai cung răng và hướng dẫn người bệnh ngậm chặn ống.
- Bước 6: Bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi vào thực quản – dạ dày – tá tràng bơm hơi và quan sát từ xa tới gần. Tiếp đó, người bệnh được thực hiện các thủ thuật cần thiết như: chụp ảnh, lấy mẫu sinh thiết, mẫu test HP,…
- Bước 7: Bác sĩ đọc kết quả cho y tá ghi lại và đưa ra kết luận về hình ảnh quan sát được.
- Bước 8: Hoàn tất thủ thuật, người bệnh được rút ống nội soi. Đối với bệnh nhân gây mê, y tá cần lưu lại bệnh nhân khoảng 30 phút và đo huyết áp trước khi trả kết quả.
- Bước 9: Trả kết quả nội soi cho người bệnh hoặc phòng khám bệnh ban đầu. Tại đây, bác sĩ sẽ đọc kết quả và đưa ra chẩn đoán.
☛ Tìm hiểu: Nội soi dạ dày có cần nhịn ăn không?
Hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày thực quản
Trên bản kết quả nội soi, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ cung cấp hình ảnh và đưa ra kết luận về tình trạng dạ dày thực quản hiện tại của người bệnh. Dưới đây là một số kết quả thường gặp
Hình ảnh bình thường của thực quản và dạ dày
Hình ảnh nội soi dạ dày thực quản được ghi lại và đánh giá từ vị trí cơ thắt thực quản (ngay tại ngã ba hầu họng) đến tá tràng. Thực quản và dạ dày bình thường được thể hiện qua kết quả nội soi như sau:
Thực quản hình trụ khi được bơm hơi, niêm mạc hồng nhẵn, có thể quan sát rõ các mạch máu.
Niêm mạc dạ dày có màu hồng đều, nhẵn bóng, và mềm mại, hình ảnh mạch máu rõ nét. Niêm mạc thân vị ở bờ cong lớn nhỏ hơn 5mm, biến mất khi được bơm hơi căng.
Hình ảnh nội soi khi bị trào ngược dạ dày
Nồng độ acid dạ dày tăng cao có thể khiến niêm mạc dạ dày tổn thương. Trong bệnh lý trào ngược, acid bị đẩy lên thực quản và gây ra các vết viêm trợt ở khoảng 40 – 50% trường hợp. Dưới đây là hình ảnh tổn thương của từng trường hợp:
Ngoài thực quản, niêm mạc dạ dày có thể xuất hiện các vết tổn thương như: viêm phù nề xung huyết, viêm teo, viêm trợt kèm xuất huyết, viêm trợt lồi, loét hoặc xuất huyết dạ dày.
Hình ảnh nội soi khi gặp biến chứng trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản không được điều trị kịp thời và phù hợp có thể tiến triển và gây nguy hiểm cho người bệnh. Những biến chứng này được thể hiện rõ ràng qua hình thái tổn thương trong quá trình nội soi. Cụ thể:
Hẹp thực quản: Niêm mạc thực quản xuất hiện sẹo co rút hình thành sau vết loét khiến lòng thực quản hẹp lại.
Barrett thực quản: Niêm mạc biểu mô vảy không sừng hóa biến đổi thành biểu mô trụ dạng dị sản ruột.
Ung thư thực quản: Bề mặt niêm mạc thực quản bị thay đổi màu sắc, mất tính nhẵn bóng ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn sau, xuất hiện khối u với kích thước khác nhau. Bên cạnh đó, niêm mạc thực quản có vết loét sùi, bờ không rõ ràng và xâm lấn sang khu vực xung quanh, lòng thực quản hẹp lại.
Đánh giá kết quả hình ảnh nội soi
Hình ảnh và tình trạng niêm mạc dạ dày thực quản được bác sĩ nội soi ghi chép và đưa ra kết luận. Sau đó, bác sĩ khám bệnh sẽ thực hiện tổng hợp, đánh giá kết quả nội soi và các kiểm tra cận lâm sàng khác để đưa chẩn đoán cuối cùng.
Dựa trên đặc điểm hình thái của tổn thương niêm mạc, trào ngược dạ dày được phân thành 4 mức độ theo bảng phân loại Los Angeles (LA).
- Độ 0: Không quan sát được tổn thương trên niêm mạc thực quản.
- Độ A: Niêm mạc thực quản xuất hiện một hoặc một số vết loét trợt không vượt quá 5mm, đỉnh các vết trợt loét không liên kết nhau.
- Độ B: Niêm mạc thực quản xuất hiện một hoặc một số vết loét trợt trên 5mm, đỉnh các vết trợt loét không liên kết nhau.
- Độ C: Niêm mạc thực quản xuất hiện các vết trợt, loét kéo dài qua 2 đỉnh của nếp gấp niêm mạc, kích thước loét lớn hơn 5mm và nhỏ hơn 75% chu vi thực quản.
- Độ D: Niêm mạc thực quản xuất hiện các vết loét trợt, kích thước loét lớn hơn 75% chu vi thực quản.
Nội soi là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hy vọng bài viết hôm nay đã giúp bạn phần nào hiểu được kết quả hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày, từ đó nắm bắt được tình trạng sức khoẻ của mình và tích cực phối hợp điều trị cùng bác sĩ.