Nội soi dạ dày có phải nhịn ăn không? Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi chuẩn bị thực hiện nội soi lần đầu. Để trả lời vấn đề trên, hãy cùng các chuyên gia Hantacid tìm hiểu kỹ hơn về quy trình nội soi dạ dày và những lưu ý cho người bệnh trong bài viết sau đây.
Mục lục
Nội soi dạ dày là gì? Khi nào cần thực hiện nội soi
Nội soi dạ dày là kỹ thuật y học nhằm đưa ống soi mềm vào bên trong đường tiêu hóa để kểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường tại thực quản, dạ dày và tá tràng. Phương pháp này được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế, bởi chúng có mức độ an toàn và chính xác cao.
Có 2 phương pháp chính được dùng để thực hiện nội soi dạ dày đó là:
- Nội soi qua đường miệng: Phương pháp này sử dụng đường ống thông qua miệng và người bệnh có thể sẽ được gây mê nội khí quản. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không gây đau đớn và có thể kết hợp thực hiện tiểu phẫu ngay trong quá trình nội soi.
- Nội soi qua đường mũi: Bác sĩ sẽ đưa đường ống thông qua đường mũi, phù hợp với những bệnh nhân chống chỉ định gây mê nội khí quản do yếu tố tâm lý hoặc bệnh lý. Tuy nhiên, do đường mũi quá nhỏ nên phương pháp này không thể thực hiện các can thiệp tiểu phẫu.
Nội soi dạ dày thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người đang có các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến bệnh tiêu hóa như: đau thượng vị, khó nuốt, ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn,….
- Người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính cần nội soi định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh và tầm soát sớm các biến chứng nguy hiểm.
- Người bệnh cần lấy mẫu mô (sinh thiết) để chẩn đoán cũng như điều trị một số bệnh thông qua nội soi như giãn tĩnh mạch thực quản, cắt bỏ polyp, lấy dị vật,…
- Người bệnh cần đánh giá lại kết quả sau khi điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa liên quan đến thực quản, dạ dày, tá tràng.
Ngoài ra, nội soi dạ dày cũng có thể được sử dụng đối với người khỏe mạnh với mục đích tầm soát sớm các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa.
☛ Tìm hiểu thêm các bệnh lý liên quan đến dạ dày:
Nội soi dạ dày có cần phải nhịn ăn không?
Để đảm bảo độ chính xác và an toàn cho người bệnh, người bệnh CẦN NHỊN ĂN trước khi thực hiện nội soi dạ dày. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, giúp các bác sĩ quan sát được hình ảnh nội soi phần niêm mạc dạ dày được rõ ràng. Đồng thời, người bệnh nhịn ăn trước khi nội soi dạ dày sẽ hạn chế được tình trạng bị trào ngược dạ dày, sặc thức ăn hoặc nôn trớ trong quá trình thực hiện.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thời gian nhịn ăn trước khi nội soi khác nhau. Cụ thể:
- Trường hợp nội soi thông thường, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ và nhịn uống nước ít nhất 2 giờ trước khi thực hiện nội soi. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, người bệnh cũng nên kiêng hoàn toàn nước ngọt có gas, cà phê, sữa,…
- Trường hợp nội soi gây mê, người bệnh nên nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ và nhịn uống nước ít nhất 2 giờ để tránh nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản trong khi nội soi.
- Trường hợp người bệnh mắc chứng hẹp môn vị, cần nhịn ăn từ 16 giờ đến 24 giờ và được đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi nội soi.
Những lưu ý trước khi thực hiện nội soi dạ dày
Bên cạnh việc nhịn ăn, người bệnh cũng cần chuẩn bị trước một số lưu ý dưới đây để quá trình nội soi dạ dày diễn ra thuận lợi và thành công.
Thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe
Thông thường, trước khi bắt đầu tiến hành quá trình nội soi người bệnh sẽ được nói chuyện và trao đổi trực tiếp với các bác sĩ, do vậy người bệnh nên:
- Thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc kê đơn, không kê đơn hoặc các vitamin và thảo dược để phòng ngừa các rủi ro không mong muốn.
- Cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại như có đang mắc các bệnh lý tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp hay bệnh lý đường hô hấp…
- Cơ địa có bị dị ứng với các thành phần của loại thuốc nào không? Có đang mang bầu hay cho con bú không?…
Ngưng dùng một số loại thuốc
Người bệnh nên ngừng dùng một số thuốc như thuốc chống đông máu (wafarin, aspirin),… khoảng vài ngày trước khi thực hiện nội soi. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ chảy máu trong quá trình nội soi hoặc thực hiện tiểu phẫu.
Nếu người bệnh đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách trước khi nội soi.
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Để có một tâm lý tốt trước khi tiến hành nội soi, người bệnh cần tìm hiểu rõ về quy trình và những lợi ích khi thực hiện nội soi. Người bệnh có thể hỏi trực tiếp ý kiến của bác sĩ nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về thủ tục, cũng như quy trình thực hiện nội soi dạ dày. Ngoài ra, người bệnh cũng không cần quá lo lắng mà hãy giữ tinh thần thật thoải mái trước khi thực hiện nội soi.
Đến cơ sở nội soi đúng lịch hẹn
Người bệnh nên chủ động sắp xếp phương tiện đi lại sao cho phù hợp và đến khám theo đúng lịch đã hẹn với bác sĩ. Nếu người bệnh lựa chọn phương pháp nội soi có gây mê thì tốt nhất nên có người nhà đi cùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Làm thủ tục trước nội soi
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ký giấy cam kết trước khi thực hiện thủ thuật nội soi. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu rõ về các phương pháp nội soi, ưu nhược điểm của các phương pháp để đưa ra lựa chọn và ký giấy cam kết. Người bệnh cũng nên chủ động mang theo giấy tờ tùy thân, sổ khám bệnh cũ (nếu có),… để bác sĩ nắm chắc thông tin và tư vấn phương pháp phù hợp nhất.
☛ Tham khảo bài viết: Đau dạ dày kèm tiêu chảy có nguy hiểm không?
Các bước trong quy trình thực hiện nội soi dạ dày
Quy trình thực hiện nội soi dạ dày dưới đây có thể áp dụng cho cả nội soi đường miệng và nội soi đường mũi. Chỉ khác biệt nội soi đường mũi không có bước gây mê nội khí quản và tỉnh mê. Cụ thể, quy trình nội soi dạ dày được thực hiện như sau:
Thăm khám trước nội soi
Như đã đề cập ở trên, người bệnh cần thực hiện thăm khám trước khi nội soi. Người bệnh sẽ được bác sĩ giải thích rõ về mục đích, lợi ích và các tai biến có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp này. Từ đó, người bệnh lựa chọn và ký giấy cam kết thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu đo huyết áp, xét nghiệm máu (nếu cần) trước khi tiến hành nội soi dạ dày.
Làm sạch dạ dày
Ngoài việc yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi, bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân uống thuốc phá bọt nhằm đánh tan bọt khí trong dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi để quan sát chính xác niêm mạc dạ dày và các tổn thương trên niêm mạc dạ dày, thực quản.
Gây mê nội khí quản
Quá trình gây mê được hướng dẫn và thực hiện bởi bác sĩ gây mê. Khoảng thời gian tiền mê thường kéo dài từ 10 đến 20 phút.
Thực hiện nội soi
Sau khi bước vào phòng thực hiện nội soi, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn nằm đúng tư thế quy định (nằm nghiêng bên trái, chân trên co, chân dưới thẳng). Trường hợp nội soi đường miệng, bệnh nhân sẽ được ngậm dụng cụ bằng nhựa để giữ miệng luôn mở, thuận tiện cho quá trình nội soi.
Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi (đầu ống có gắn camera mini) vào cơ thể người bệnh. Hình ảnh từ camera được kết nối với màn hình bên ngoài để bác sĩ dễ dàng quan sát, phát hiện các vấn đề bất thường và chụp ghi lại kết quả.
Trong quá trình thực hiện nội soi, người bệnh cũng được theo dõi mạch, huyết áp, nhịp tim,… để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh.
Chăm sóc và trả kết quả
Nếu người bệnh lựa chọn phương pháp nội soi dạ dày gây mê, người bệnh sẽ được đưa ra nằm, chờ tỉnh mê khoảng 30 phút, đồng thời chờ kết quả nội soi.
Một số lưu ý khác sau khi nội soi dạ dày
Việc chăm sóc đúng cách sau nội soi sẽ giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh, cũng như hạn chế các biến chứng. Người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây sau khi thực hiện nội soi dạ dày:
Theo dõi tình trạng sức khỏe
Sau khi nội soi, người bệnh nên nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 30 phút và tránh các hoạt động liên quan đến đi lại, căng thẳng, stress gây ảnh hưởng cho sức khỏe
Bên cạnh đó, nếu người bệnh thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường liên quan như bị đầy bụng chướng hơi, đau bụng, đau các vùng thượng vị… có thể liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời.
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi
Người bệnh không nên ăn ngay sau khi nội soi mà chỉ nên ăn sau ít nhất 2 giờ kể từ khi kết thúc nội soi. Đồng thời, người bệnh nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước cho cơ thể trong quá trình nhịn ăn.
Khi bắt đầu ăn lại, người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa và hạn chế thực phẩm cay nóng, khó tiêu hoặc có nhiều chất béo trong ngày đầu tiên sau khi thực hiện nội soi.
Sử dụng thuốc sau nội soi
Sau khi nhận kết quả nội soi, nếu gặp các vấn đề về dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn nhằm giải quyết nhanh chóng các vấn đề đang gặp phải.
Nếu có sự thay đổi hoặc ngừng thuốc trước khi nội soi, hãy chủ động hỏi ý kiến của bác sĩ về thời điểm bắt đầu dùng lại thuốc.
Hẹn lịch tái khám
Sau khi nhận kết quả nội soi và phác đồ điều trị từ bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ và đặt lịch hẹn tái khám (nếu cần) để tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe và hiệu quả điều trị.