Mang thai là giai đoạn nhạy cảm với rất nhiều biến đổi bên trong cơ thể. Quá trình này khiến mẹ bầu gặp phải hàng loạt dấu hiệu “kỳ lạ”. Nhiều người cho rằng, ợ chua là dấu hiệu cảnh báo mang thai sớm. Điều này có thật sự đúng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Ợ chua có phải dấu hiệu phổ biến khi mang thai không?
Ợ chua là hiện tượng dịch lỏng gồm: acid, enzyme và thức ăn trào ngược từ dạ dày lên khoang miệng. Sự xuất hiện của acid và thức ăn đang lên men gây ra vị chua trong miệng. Ngoài ra, quá trình trào ngược có thể dẫn đến một số triệu chứng khác như: cảm giác khé cổ, châm chích trong miệng, nuốt vướng và nóng rát từ dạ dày dọc theo thực quản.
Một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 17 – 45% phụ nữ gặp phải tình trạng ợ chua, ợ nóng khi mang thai. Tình trạng này xảy ra bởi một số lý do sau:
- Thay đổi hormone: Nồng độ hormone progesterone tăng cao trong thai kỳ làm giãn cơ thắt thực quản dưới, qua đó làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
- Tiêu hoá chậm: Progesterone tăng cao khi mang thai làm giãn cơ trơn đường ruột dẫn đến giảm nhu động co bóp tiêu hoá thức ăn. Vì vậy, thức ăn ở lại dạ dày lâu hơn, tăng áp lực lên dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược.
- Tăng chèn ép: Em bé lớn lên sẽ gây chèn ép lên dạ dày. Vì vậy, mẹ bầu dễ bị ợ chua, ợ nóng sau khi ăn, nhất là khi ăn no.
Như vậy, ợ chua là triệu chứng khá phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên, đây chỉ là triệu chứng rối loạn tiêu hoá chứ không phải là dấu hiệu điển hình khi mang thai. Vậy nên, bạn nên dùng que thử thai, làm xét nghiệm nồng độ HCG máu và siêu âm để khẳng định mình có mang thai hay không.
☛ Tìm hiểu: Ợ chua là dấu hiệu của bệnh gì?
Ảnh hưởng của ợ chua đến sức khỏe của mẹ và bé
Ợ chua thường không gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể tạo thành những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống và tâm lý, cụ thể như:
Hay viêm họng: Acid trong dịch ợ gây tổn thương niêm mạc hầu họng khiến mẹ bầu dễ bị viêm họng, khò khè, khản giọng trong suốt thai kỳ.
Sụt cân: Mùi vị khó chịu của dịch ợ khiến mẹ bầu nhạy cảm hơn, tăng nôn ói dẫn đến mất nước và mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài qua 3 tháng đầu có thể khiến mẹ sụt cân, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi.
Rối loạn giấc ngủ: Ợ chua trào ngược ban đêm gây cảm giác khó chịu, khiến mẹ khó vào giấc hoặc ngủ lại khi bị tỉnh giấc giữa đêm. Thiếu ngủ khiến mẹ bầu mệt mỏi, thậm chí khiến em bé chậm tăng trưởng.
Giảm hiệu quả làm việc: Cơ thể mệt mỏi khiến mẹ bầu thiếu năng lượng và khó tập trung vào công việc. Nếu sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng, mẹ bầu có thể phải tạm nghỉ việc để dành thời gian nghỉ ngơi.
Stress: Thay đổi nội tiết tố kết hợp với ảnh hưởng của ợ chua khiến nhiều mẹ bầu nảy sinh tâm lý tiêu cực, dễ cáu giận, chán nản. Điều này tác động không tốt tới cảm xúc của em bé trong bụng mẹ.
Trường hợp ợ chua do nguyên nhân bệnh lý, mẹ cần theo dõi sát sao tiến triển của các triệu chứng. Nếu cảm thấy khó chịu nhiều, mẹ hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn giải pháp cụ thể. Để tránh sai lầm, mẹ bầu không nên tự ý điều trị triệu chứng tại nhà khi chưa được thăm khám.
Các biện pháp giảm ợ chua an toàn cho bà bầu
Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm. Vì vậy, mẹ bầu cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị ợ chua nào. Dưới đây là một số biện pháp giảm ợ chua an toàn để các mẹ tham khảo:
Trà gừng
Trong củ gừng chứa hợp chất gingerol và shogaol có khả năng tăng nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển thuận lợi trong hệ tiêu hoá. Nhờ đó, thức ăn được tháo rỗng ở dạ dày nhanh hơn, giúp giảm áp lực và ngăn tình trạng ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu.
Cách dùng gừng giảm ợ chua khi mang thai khá đơn giản, mẹ bầu chỉ cần:
- Rửa sạch một củ gừng tươi rồi cắt lấy 2 – 3 lát mỏng.
- Bỏ gừng vào cốc nhỏ, thêm khoảng 50ml nước sôi.
- Đậy cốc và ủ trà trong khoảng 5 – 10 phút.
- Có thể thêm một chút mật ong để dễ uống và tăng hiệu quả.
Dùng lá mơ lông
Theo Đông y, lá mơ có vị chua, tính bình, có tác dụng tiêu thực đạo trệ (tăng cường tiêu hoá), được dùng để chữa chứng phúc thống (đau bụng), thực tích (đầy bụng khó tiêu). Nghiên cứu Y học hiện đại phát hiện chiết lá mơ có tác dụng chống co thắt hồi tràng (đoạn cuối của ruột non), giảm buồn nôn rất tốt.
Sử dụng lá mơ giảm ợ chua hiệu quả trong các trường hợp: rối loạn tiêu hoá, đau dạ dày và hội chứng ruột kích thích. Cách dùng như sau:
- Lấy một nắm lá mơ lông (khoảng 10 – 20g), rửa sạch, ngâm với nước muối khoảng 5 – 10 phút.
- Vớt lá mơ lông ra để ráo nước rồi đem đi giã nát.
- Vắt lấy phần nước cốt và uống trực tiếp.
- Nếu không uống được nước lá mơ, mẹ bầu có thể thái nhỏ đem hấp hoặc rán cùng trứng đều được.
☛ Tham khảo thêm: Công dụng lá mơ chữa trào ngược dạ dày
Dùng nước chè dây
Chè dây là dược liệu được sử dụng phổ biến trong điều trị triệu chứng của bệnh dạ dày như: ợ chua, ợ nóng, ợ hơi, buồn nôn, đau dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy, dịch chiết chè dây có tác dụng trung hòa acid, giảm tình trạng ợ chua, buồn nôn, đau dạ dày, giảm chỉ số điểm loét và tiêu diệt vi khuẩn HP.
Ngoài ra, chè dây cũng là cây thuốc an toàn cho mẹ bầu. Vì vậy, các mẹ có thể sử dụng thảo dược này để kiểm soát triệu chứng ợ chua. Cách dùng như sau:
- Lấy 10 – 15g lá chè dây đã được sao vàng hoặc sấy khô cho vào ấm trà nhỏ.
- Thêm 100ml nước sôi, lắc nhẹ rồi đổ nước đi.
- Thêm tiếp 100m nước sôi, ủ trà trong khoảng 10 – 15 phút.
- Rót lấy phần nước uống khi trà còn ấm.
Một số câu hỏi liên quan
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về tình trạng ợ chua khi mang thai:
Làm sao phân biệt ợ chua do mang thai với ợ chua do nguyên nhân khác?
Ợ chua do mang thai thường xảy ra do sự “trì trệ” tạm thời của hệ thống tiêu hoá. Vậy nên, mẹ bầu có thể gặp phải các triệu chứng khác như: ợ hơi, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu xuất hiện đồng thời. Tuy nhiên, những triệu chứng này có xu hướng xuất hiện sau một bữa ăn no, có thể tự hết sau một vài giờ và biến mất sau 3 tháng đầu mang thai.
Ngược lại, ợ chua do bệnh lý có tần suất liên tục, kéo dài trong nhiều tháng và xảy ra đồng thời cùng các triệu chứng khác như:
- Đau thượng vị hoặc đau bụng hạ sườn trái.
- Đau bụng quanh rốn, dọc theo khung đại tràng.
- Cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
- Tính chất phân thay đổi: lỏng, táo hoặc lẫn lộn.
Để phân biệt chính xác ợ chua do mang thai hay do bệnh lý, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Ăn gì để giảm ợ nóng cho bà bầu?
Để giảm tình trạng ợ nóng khi mang thai, mẹ bầu cần lựa chọn những món ăn dễ tiêu, được chế biến chín mềm. Ngoài ra, mẹ cũng nên ưu tiên những thực phẩm hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hoá như:
- Thực phẩm giàu probiotics như: sữa chua, natto, trà kombucha, kefir,…
- Các loại trái cây chứa enzyme hỗ trợ tiêu hoá như: đu đủ, dứa, táo, lê, chuối,…
- Thực phẩm làm dịu đường tiêu hoá như: nước ép nha đam, trà bạc hà, nước dừa,…
Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý: nên chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ, ăn bữa cuối ngày cách giờ đi ngủ ít nhất 3 tiếng và nằm nghiêng trái khi ngủ để hạn chế tình trạng ợ nóng.
Bà bầu có được dùng thuốc giảm ợ chua không?
Mẹ bầu có thể sử dụng một số loại chứa các thành phần: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd và simethicone để giảm tình trạng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra, trường hợp tăng tiết acid nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các thuốc ức chế bơm Proton hoặc thuốc kháng histamin H2.
Lưu ý: Mẹ bầu và thai nhi là đối tượng nhạy cảm, dễ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tác dụng phụ từ các loại thuốc. Do đó, các mẹ chỉ nên dùng thuốc sau khi thăm khám và được bác sĩ kê đơn. Trong thời uống thuốc cần tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn được bác sĩ đưa ra để tránh gặp phải rủi ro không đáng có.
Khi nào nên lo lắng về tình trạng ợ chua?
Bạn nên bắt đầu lo lắng nếu ợ chua xảy ra với tần suất trên 2 lần/ tuần kèm theo các triệu chứng khác như: nóng rát dạ dày thực quản, đau dạ dày hoặc đau bụng vùng thượng vị, tính chất phân bất thường, có kèm nhầy hoặc máu,… Những trường hợp này cần đi khám để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Ợ chua có thể xuất hiện trong thai kỳ nhưng không phải là dấu hiệu điển hình khi mang thai. Vì vậy, nếu nghi ngờ mình mang thai, các mẹ có thể mua que thử thai để kiểm tra tại nhà, sau đó đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm máu hoặc siêu âm để có kết quả chính xác. Chúc các mẹ có thai kỳ khỏe mạnh, bình an!