Trào ngược dạ dày lâu năm không chỉ gây khó chịu, tăng nguy cơ biến chứng mà còn khiến người bệnh dễ gặp phải tác dụng phụ của thuốc do dùng kéo dài. Việc sử dụng cây thuốc nam chữa trào ngược dạ dày là giải pháp thay thế hiệu quả và có tính an toàn cao. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc 7 cây thuốc được dùng phổ biến nhất hiện nay.
Mục lục
Trào ngược dạ dày dưới góc nhìn của Y học cổ truyền
Trong Đông y vốn dĩ không có bệnh danh cho tình trạng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, từ các triệu chứng có thể xếp trào ngược dạ dày vào chứng “khí nghịch”, liên quan đến các tạng phủ phế – tỳ và vị – can. Nguyên nhân và cơ chế bệnh được lý giải như sau:
Tâm lý căng thẳng khiến can mộc (gan) quá vượng khắc tỳ thổ (lá lách), làm giảm khả năng vận hoá thuỷ cốc (dưỡng chất), gây can khí uất kết (khí ứ trệ tại gan). Quá trình này ảnh hưởng đến chức năng của vị (dạ dày). Trong Đông y, vị chủ giáng tức là chịu trách nhiệm đẩy đồ ăn xuống dưới. Nhưng do bị rối loạn, thức ăn bị dạ dày đẩy ngược lên trên hầu họng.
Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu khoa học, thói quen ăn uống thất thường hay các bệnh lý tỳ vị cũng là nguyên nhân khiến tỳ vị hư nhược và lặp lại cơ chế gây bệnh như trên. Để khắc chế tình trạng này, phương pháp điều trị trào ngược trong Đông y bao gồm: giáng nghịch (đẩy khí xuống dưới), điều hoà can – tỳ – vị, sơ can lý khí (khai thông khí tại gan), kiện tỳ vị (bồi bổ, củng cố chức năng lá lách dạ dày) và an thần. Tuỳ vào nguyên nhân và triệu chứng của từng người bệnh mà lựa chọn pháp chữa – bài thuốc phù hợp.
Ưu điểm khi sử dụng cây thuốc nam chữa trào ngược dạ dày là tính an toàn cao, ít gây tác dụng phụ dù sử dụng trong thời gian dài. Ngoài ra, khi dùng đủ liệu trình, thuốc phát huy tốt hiệu quả kiểm soát trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tác dụng chậm. Các triệu chứng cải thiện rất ít hoặc thậm chí không cải thiện trong những ngày đầu.
Việc lựa chọn và phối hợp các cây thuốc trong điều trị trào ngược sẽ có sự khác biệt tuỳ vào thể trạng của từng người. Bệnh nhân cần đến các bệnh viện, cơ sở y học cổ truyền để được bác sĩ chẩn mạch và điều trị. Trường hợp chưa thể thăm khám ngay, bạn có thể tham khảo danh sách 7 cây thuốc nam chữa trào ngược dạ dày được dùng phổ biến dưới đây:
1. Khôi tía
- Tên khoa học: Ardisia silvestris Pitard.
- Tên gọi khác: khôi nhung, cây khôi, xăng sê, đơn tướng quân, độc lực.
Tác dụng và nghiên cứu
Theo các tài liệu y học cổ truyền, dược liệu khôi tía có vị chua, tính hàn, quy vào kinh Tỳ và Vị. Tác dụng chính của cây khôi tía là bình can, giảm can khí uất kết, qua đó ngăn chặn tình trạng can khí thượng vị – một trong những nguyên nhân chính gây trào ngược dạ dày.
Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã phân tích được thành phần chính trong lá khôi tía là Tanin và Glycosid. Hai chất này có tác dụng:
- Trung hòa acid dạ dày, giúp giảm nồng độ acid và kiểm soát triệu chứng trào ngược.
- Chống viêm, giảm đau, làm se vết loét và kích thích quá trình làm lành tổn thương.
Ngoài ra, một nghiên cứu lâm sàng được triển khai tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 đã chỉ ra cây khôi tía có tác dụng giảm 80 – 100% các triệu chứng như: đau tức thượng vị, khó tiêu, ợ hơi đồng thời đưa nồng độ dịch vị về mức sinh lý bình thường. Một nghiên cứu khác ở Viện Y học cổ truyền cũng cho thấy: Liều dưới 100g lá khôi tía/ ngày dưới dạng uống có thể giúp người bệnh đỡ hoặc hết đau dạ dày.
Cách sử dụng
Lá của cây khôi tía được dùng để trị trào ngược dạ dày với liều lượng từ 40 – 80g/ ngày. Người bệnh có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp cùng các cây thuốc khác, cụ thể:
- Cách 1: Đem khoảng 20g lá khôi tía khô pha cùng nước sôi (như pha trà) để lấy nước uống hàng ngày. Một ngày có thể pha mới từ 2 – 3 lần/ ngày.
- Cách 2: Dùng 60g lá khôi tía, 12g khổ sâm, 40g bồ công anh và 20g cam thảo sắc nhỏ lửa với khoảng 1.5 lít nước trong vòng 20 phút. Chắt lấy nước thuốc và chia làm 3 phần, uống trước các bữa ăn trong ngày.
☛ Tìm hiểu đầy đủ tại: Lá khôi chữa trào ngược dạ dày có hiệu quả không?
2. Nghệ vàng
- Tên khoa học: Curcuma zanthorrhiza Roxb.
- Tên gọi khác: Khương hoàng, uất kim hương, Cohem, khinh lương, co khản mỉn.
Tác dụng và nghiên cứu
Trong các tài liệu Đông y, nghệ vàng là cây thuốc có vị cay đắng, tính mát, quy vào hai kinh Can và Tỳ. Củ nghệ có tác dụng hành khí giải uất, chỉ thống, phá ứ và tiêu mủ lên da non. Trong điều trị trào ngược dạ dày, củ nghệ giúp bình giải can khí, giảm đau và làm lành tổn thương.
Nghiên cứu khoa học phân tích được trong củ nghệ chứa 1.5 – 2% curcumin tinh khiết. Hoạt chất này có tác dụng:
- Chống viêm cấp tính và mạn tính với hoạt tính tương tự như hydrocortison acetat và indomethacin.
- Giảm tiết dịch vị, tăng tiết chất nhầy dạ dày, chống loét dạ dày và ngăn rối loạn tiêu hoá.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, khi cho người bệnh uống bột nghệ với liều 500mg/ lần x 4 lần/ ngày, liên tục trong 7 ngày giúp kiểm soát nồng độ acid, đầy hơi và rối loạn tiêu hoá. Ngoài ra, bột nghệ cũng kích thích quá trình lành loét và giảm triệu chứng đau bụng.
Cách sử dụng
Để dùng củ nghệ chữa trào ngược dạ dày, người bệnh có thể dùng như sau:
- Cách 1: Lấy 2g bột nghệ hoà cùng nước, uống trước bữa ăn khoảng 30 phút, mỗi ngày dùng 2 – 3 lần.
- Cách 2: Dùng bột nghệ hòa cùng mật ong nguyên chất, sau đó vo thành viên bằng đầu đũa. Phơi hoặc sấy khô viên nghệ và bảo quản trong lọ thuỷ tinh. Mỗi lần dùng 3 – 6 viên, ngày uống 2 – 3 lần.
Một số lưu ý khi dùng nghệ vàng
Sử dụng nghệ chữa trào ngược dạ dày không đúng cách có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, người dùng cần lưu ý một số điều sau:
- Vì nghệ có tính phá huyết nên không sử dụng cho phụ nữ có thai vì làm tăng nguy cơ sinh non.
- Không dùng nghệ cho người bị suy nhược cơ thể, người thiếu máu, cao huyết áp hoặc tiểu đường.
- Không dùng nghệ cho người đang chuẩn bị phẫu thuật vì có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
- Nghệ có thể tương tác với các thuốc như: thuốc chống đông máu, thuốc tiểu đường, thuốc kháng histamin, thuốc kháng acid dạ dày. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng những loại thuốc này.
☛ Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày có nên uống trà gừng không?
3. Lá mơ
- Tên khoa học: Paederia tomentosa.
- Tên khác: Mơ tam thể, mơ tròn, lá thúi địch, ngưu bì đống, mơ leo, mơ lông.
Tác dụng và nghiên cứu
Trong Đông y, lá mơ là dược liệu có vị ngọt hơi đắng, tính bình đến mát, quy vào kinh Tỳ. Tác dụng của vị thuốc này là kiện tỳ, hoá đàm, hóa thấp thành nhiệt, tiêu viêm, sát trùng và khu phong. Trong trào ngược dạ dày, lá mơ giúp tăng khả năng vận hoá thuỷ cốc, giải ứ trệ, hỗ trợ chức năng tiêu hoá.
Phân tích khoa học cho thấy, lá mơ chứa nhiều tinh dầu, bao gồm các hoạt chất như: Bisulfur carbon, Alkaloid, Scanderoside và Sulfur dimethyl disulphide. Trong đó, thành phần sulfur dimethyl disulphide trong tinh dầu lá mơ có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn.
Cách sử dụng
Người bệnh trào ngược dạ dày có thể sử dụng lá mơ lông theo các cách sau đây:
- Cách 1: Lấy khoảng 50g lá mơ tươi, rửa sạch rồi sắc với nước để uống trong ngày. Uống liên tục trong 2 – 4 tuần.
- Cách 2: Lấy khoảng 40 – 100g lá mơ thái nhỏ, 10g gừng tươi vắt lấy nước cốt và 1 lòng đỏ trứng gà. Trộn đều nguyên liệu rồi đem hấp chín, ăn mỗi ngày 2 lần khi còn nóng.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Thực hư công dụng lá mơ chữa trào ngược dạ dày
4. Dạ cẩm
- Tên khoa học: Hedyotis capitellata Wall.
- Tên gọi khác: Đất lượt, chạm khẩu cắm, đất lượt, đứt lướt, cây loét miệng, ngón lợn, dây ngón cúi.
Tác dụng và nghiên cứu
Trong Đông y, cây dạ cẩm có vị ngọt hơi đắng, tính bình có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt, làm dịu cơn đau. Trong điều trị trào ngược, cây dạ cẩm hỗ trợ lành loét, giảm đau, giảm nóng rát.
Phân tích của Trường Đại học Dược Hà Nội cho thấy, cây dạ cẩm chứa các thành phần hoá học gồm: anthraglycosid, alkaloid, saponin và tannin. Dịch chiết cây dạ cẩm có khả năng trung hòa acid dạ dày, giảm các triệu chứng: nóng rát, ợ hơi, ợ chua và hỗ trợ quá trình làm lành vết loét.
Nghiên cứu lâm sàng năm 1962 tại Bệnh viện Lạng Sơn trong điều trị dạ dày cho thấy, cây dạ cẩm giúp vết loét se nhanh, giảm đau và đẩy lùi tình trạng ợ chua hiệu quả. Sau nghiên cứu này, cây dạ cẩm đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.
Cách sử dụng
Bệnh nhân trào ngược dạ dày có thể dùng dạ cẩm như sau:
- Cách 1: Lấy 10 – 25g lá và ngọn dạ cẩm khô, thêm khoảng 600ml nước, đun sôi rồi thêm đường cho đủ độ ngọt. Chia nước sắc thành 2 – 3 lần, uống trước bữa ăn hoặc khi đau – nóng rát dạ dày.
- Cách 2: Dùng 7kg lá dạ cẩm khô nấu với nước thành cao. Sau đó, thêm 2kg đường kính trắng khuấy tan. Đợi cao nguội bớt thì trộn thêm 1kg mật ong nguyên chất. Uống 10 – 15g/ lần x 2 – 3 lần/ ngày vào trước bữa ăn.
☛ Tham khảo thêm: Lá vú sữa chữa trào ngược dạ dày – tin được không?
5. Chè dây
- Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis.
- Tên gọi khác: Chè dây, chè hoàng giang, thau rả, khau rả.
Tác dụng và nghiên cứu
Theo các tài liệu Y học cổ truyền, cây chè dây là dược liệu có vị ngọt hơi đắng, tính mát và mùi thơm dễ chịu. Chè dây có tác dụng giải độc, thanh thử nhiệt, tiêu viêm, giúp trị vị quản thống (đau thượng vị), viêm loét dạ dày thực quản.
Nghiên cứu của Giáo sư Phạm Thanh Kỳ đã chỉ ra chè dây chứa: 18.5% flavonoid toàn phần, flavonoid (dạng aglycon và glycosid), đường và saponin. Chiết xuất cây chè dây được chứng minh có tác dụng:
- Chống oxy hóa, ức chế quá trình viêm, ngăn cản sự phát triển của các gốc tự do, thúc đẩy quá trình lành loét và an thần.
- Giảm các triệu chứng: đau rát thượng vị, ợ chua, ợ hơi, đầy bụng,… trong viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.
- Ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
Các thử nghiệm lâm sàng tại Khoa tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Ương, Bệnh Viện E cho thấy, dịch chiết chè dây có khả năng cắt cơn đau do viêm loét dạ dày hành tá tràng, làm lành ổ loét và diệt trừ vi khuẩn HP. Hiện nay, Viện Y học Cổ truyền Dân tộc cũng sử dụng cao khô chè dây để điều trị bệnh dạ dày.
Cách sử dụng
Để dùng chè dây chữa trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể lựa chọn các cách dưới đây:
- Dược liệu tươi: Dùng 30 – 50g chè dây tươi rửa sạch rồi sắc cùng nước. Chắt lấy phần nước và uống nhiều lần trong ngày. Mỗi đợt dùng nên kéo dài 15 – 30 ngày liên tục. Đây là kinh nghiệm chữa bệnh của người Tày.
- Dược liệu khô: Dùng 10 – 15g lá chè dây khô hoặc sao vàng cho vào ấm. Thêm nước sôi, lắc đều rồi chắt bỏ nước. Thêm tiếp 100ml nước sôi, ủ trong khoảng 15 phút. Chắt lấy nước uống khi còn ấm, ngày 2 – 3 lần.
Một số lưu ý
Dùng chè dây sai cách có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Không dùng quá 70g dược liệu mỗi ngày vì có thể gây cảm giác buồn ngủ, tiêu chảy hoặc hạ huyết áp.
- Không nên dùng chè dây cho người huyết áp thấp, nhất là lúc đói.
- Không dùng nước chè dây để qua đêm để tránh bị đau bụng, tiêu chảy.
6. Lược vàng
- Tên khoa học: Callisia fragrans.
- Tên gọi khác: Lan vòi, lan rũ, địa lan vòi, cây bạch tuộc, giả khóm, rai lá phất dũ.
Tác dụng và nghiên cứu
Trong Đông y, cây lược vàng có vị nhạt hơi chua, tính mát và có khả năng tác động vào kinh Phế. Các tài liệu ghi nhận lược vàng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoá đầm, tiêu viêm, lợi thuỷ. Bởi vậy, cây thuốc này được dùng để chủ trị chứng viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.
Nghiên cứu Y học hiện đại đã phát hiện dịch chiết lược vàng có chứa: Flavonoid, lipid, acid béo, acid hữu cơ, carotene, các vitamin B2, PP và chất khoáng như Fe, Ni, Cu, Cr. Trong đó:
- Flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, làm bền mạch máu và hỗ trợ quá trình lành loét.
- Quercetin ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, phòng ngừa biến chứng trong trào ngược dạ dày.
- Các vitamin và chất khoáng giúp hỗ trợ quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, thúc đẩy vết loét lành nhanh hơn.
Trên Tạp chí sức khỏe và đời sống của Nga, tác giả Vladimir-Ogarkov đã chỉ ra cây lược vàng được sử dụng trong điều trị các bệnh dạ dày, túi mật, lá lách, hen phế quản, dị ứng và ung thư. Chế phẩm từ cây lược vàng giúp giảm đau, làm lành sẹo, giảm dị ứng và chữa chấn thương.
Cách sử dụng
Để dùng lược vàng chữa trào ngược dạ dày, người bệnh có thể lựa chọn các cách sau:
- Cách 1: Lấy vài lá lược vàng tươi, rửa sạch, cắt nhỏ và ăn sống. Người bệnh cần nhai kỹ trước khi nuốt, nên ăn lược vàng 3 lần/ ngày vào trước các bữa ăn.
- Cách 2: Dùng 50g lá lược vàng tươi, rửa sạch rồi đem giã hoặc xay nhuyễn. Tiếp đó, vắt lấy nước cốt và trộn với 1 giọt mật gấu. Uống hỗn hợp này 1 lần/ ngày vào khi bụng đói.
☛ Tham khảo thêm: Uống trà hoa cúc có trị được trào ngược dạ dày?
7. Nhọ nồi
- Tên khoa học: Eclipta prostrata L.
- Tên gọi khác: Cỏ mực, hạn liên thảo, mặc hán liên.
Tác dụng và nghiên cứu
Trong Đông y, cỏ nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính hàn, quy vào hai kinh Tỳ và Vị. Dược liệu này được ghi nhận có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bình can, lương huyết, chỉ huyết, tư âm bổ thận. Chủ trị của vị thuốc này gồm các chứng: đau dạ dày, đại tiện ra máu, thổ huyết, hạ sốt.
Các nghiên cứu Y học hiện đại cho thấy, thành phần chính của cỏ nhọ nồi gồm: tinh dầu, flavonoid, alkaloid, tanin, vitamin C, carotene, vitamin K và các dẫn chất thiophene. Trong đó:
- Flavonoid và tanin: Giúp trung hòa acid dạ dày, giảm triệu chứng ợ chua, ợ nóng.
- Vitamin C và beta-carotene: Bảo vệ niêm mạc, hỗ trợ quá trình lành loét.
- Vitamin K: Giúp cầm máu, ngăn tình trạng xuất huyết dạ dày.
- Alkaloid: Có tác dụng kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn HP.
Cách sử dụng
Để dùng cỏ nhọ nồi chữa trào ngược dạ dày, người bệnh có thể thực hiện như sau:
- Cách 1: Lấy một nắm nhọ nồi tươi, rửa sạch rồi đem giã nát hoặc xay nhuyễn. Thêm 200ml nước đun sôi để nguội, khuấy đều rồi lọc lấy phần nước. Chia nước thành 2 phần, uống vào trong ngày, sau bữa ăn.
- Cách 2: Dùng 50g nhọ nồi, 25g bạch cập, 15g cam thảo và 4 quả đại táo rửa sạch rồi cho vào nồi, thêm 1 lít nước. Đun lửa nhỏ đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành 2 phần, uống sau ăn khoảng 30 phút.
Một số lưu ý
Để sử dụng cây nhọ nồi an toàn và hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Liều dùng cỏ nhọ nồi là 6 – 12g/ ngày với dạng thuốc sắc hoặc thuốc tán và 50 – 100g/ ngày với dược liệu tươi. Người bệnh không tự ý tăng liều dùng để tránh gặp tác dụng phụ.
- Không dùng cây nhọ nồi cho những đối tượng người bệnh bị: viêm đại tràng mãn tính, tiêu chảy, sôi bụng và phụ nữ có thai.
- Những người có huyết áp thấp, rối loạn đông máu, đau dạ dày nặng, trẻ em dưới 16 tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Nhọ nồi có thể ức chế tác dụng của thuốc chống đông máu. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang dùng thuốc này.
Trên đây là thông tin về 7 cây thuốc nam chữa trào ngược dạ dày. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn đọc kiến thức hữu ích cũng như giải pháp hỗ trợ kiểm soát tình trạng này. Nếu cần tư vấn thêm, bạn đọc có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp cho chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.
Tham khảo:
- https://thaythuocvietnam.vn/chua-trao-nguoc-da-day-bang-dong-y/#1_Quan_diem_cua_Dong_y_ve_benh_trao_nguoc_da_day
- https://tracuuduoclieu.vn/cay-khoi-tia-thuc-hu-ve-chua-benh-da-day.html
- https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-nghe
- https://tapchidongy.net/dt/cay-nho-noi-chua-dau-da-day