Một số người nhận thấy rằng, trào ngược dạ dày thường gặp ở những người chung sống hoặc làm việc cùng nhau. Điều này làm giấy lên lo lắng: Liệu trào ngược dạ dày có lây không? Nếu bạn cũng có chung thắc mắc này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Bệnh trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày xảy ra khi dịch vị gồm: acid, thức ăn và enzyme tiêu hoá trào lên thực quản. Trong quá trình này, acid dạ dày phá huỷ các mô mà nó đi qua và gây ra hàng loạt triệu chứng khó chịu như: đau tức, nóng rát dạ dày thượng vị, ợ hơi, ợ chua và đầy bụng khó tiêu.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản là do cơ thắt thực quản dưới không đóng kín hoặc bị kích thích giãn mở bất thường. Những tác nhân thúc đẩy tình trạng này gồm:
- Bất thường về cơ hoành (như thoát vị hoành) làm giảm lực thắt tại của cơ thắt thực quản dưới.
- Bệnh lý tại như: viêm dạ dày, loét dạ dày, hẹp môn vị,… làm suy giảm chức năng tiêu hoá của dạ dày.
- Thừa cân béo phì làm tăng sức ép lên dạ dày.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học kích thích dạ dày tăng tiết acid, làm giảm tốc độ tiêu hoá, gây trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng như: loét thực quản, chít hẹp thực quản, barrett thực quản và ung thư thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày có lây không?
Theo Trung tâm truyền thông – Giáo dục sức khoẻ Trung Ương, khái niệm “bệnh lây nhiễm” được dùng để chỉ những bệnh có khả năng lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Những bệnh này có nguy cơ phát triển thành dịch nếu không có phương pháp xử trí phù hợp.
Một ví dụ điển hình về bệnh lây nhiễm là COVID19 do virus corona gây ra. COVID19 có khả năng lây nhiễm trực tiếp qua giọt bắn (nước bọt, nước mũi) hoặc gián tiếp (vật dụng hoặc bề mặt lưu mầm bệnh). Năm 2020, COVID19 đã phát triển thành bệnh dịch trên toàn thế giới.
Như vậy, trào ngược dạ dày không phải là bệnh lây nhiễm bởi:
- Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày không phải do vi khuẩn hoặc virus. Như vậy, trào ngược dạ dày không phải là bệnh nhiễm trùng.
- Trào ngược dạ dày không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua bất kỳ con đường nào.
- Trào ngược dạ dày không thể phát triển thành bệnh dịch trong cộng đồng.
Như vậy, bạn có thể yên tâm khi tiếp xúc hoặc chung sống với người bị trào ngược dạ dày mà không cần lo lắng sẽ bị lây bệnh. Những trường hợp người thân trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp cùng bị trào ngược dạ dày có thể xuất phát từ sự tương đồng trong chế độ làm việc, ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học. Điều bạn cần làm là nhận diện và loại bỏ những yếu tố thúc đẩy tình trạng trào ngược dạ dày.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày không nguy hiểm nhưng biến chứng khó lường
Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là bệnh lý tiêu hoá, chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau, điển hình như:
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày. Theo đó, các triệu chứng trào ngược thường chuyển biến nghiêm trọng hơn sau một bữa ăn với những thực phẩm không tốt như:
- Đồ uống chứa cồn có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày và kích thích dạ dày tăng tiết acid.
- Nước uống có gas làm tăng áp lực dạ dày, kích thích cơ thắt thực quản dưới giãn mở.
- Đồ ăn cay nóng làm tăng nồng độ acid, gây kích thích tại chỗ, khiến dạ dày tăng tiết acid và làm nặng hơn các tổn thương tại dạ dày thực quản.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, làm tăng thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày, tăng áp lực dẫn đến trào ngược.
Ngược lại, một chế độ ăn uống khoa học góp phần làm giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường hiệu quả điều trị trào ngược. Điều này giải thích tại sao, điều chỉnh chế độ ăn uống luôn chiếm một phần trong phác đồ dành cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để nhanh hồi phục?
Chế độ sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh làm tăng cường biểu hiện và mức độ nghiêm trọng của chứng trào ngược dạ dày thực quản, cụ thể:
- Thói quen bỏ bữa, dồn bữa làm rối loạn nhịp tiết acid, khiến người bệnh dễ bị đau dạ dày – thực quản, trào ngược acid.
- Thường xuyên thức khuya gây kích thích thần kinh làm rối loạn nhu động tiêu hoá và khiến dạ dày tăng tiết acid.
- Làm việc quá sức khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, suy nhược làm giảm khả năng chuyển hoá và hấp thu dinh dưỡng.
- Lười vận động có thể làm giảm tốc độ tiêu hoá thức ăn, tăng áp lực lên dạ dày
Tâm lý
Stress kéo dài, căng thẳng quá mức có thể kích thích cơn trào ngược và khiến tổn thương tại dạ dày thực quản nghiêm trọng hơn. Tình trạng này được lý giải như sau:
- Tâm lý căng thẳng tạo kích thích lên hệ thống dây thần kinh phế vị, khiến dạ dày tăng tiết acid và làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới.
- Gây rối loạn nhu động tiêu hoá, tăng cơn co thắt dẫn, tăng cường thời gian lưu trữ thức ăn dẫn đến tăng áp lực dạ dày.
- Làm giảm tuần hoàn máu đến dạ dày, cản trở tốc độ tiêu hoá và ức chế quá trình làm lành tổn thương.
Thai kỳ
Trong thời gian mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao gây giãn các cơ trơn, bao gồm cả cơ trơn đường ruột và cơ thắt thực quản dưới. Tình trạng này khiến thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn, tăng áp lực cho dạ dày. Vì vậy, bệnh nhân trào ngược dạ dày trong thai kỳ sẽ bị ợ chua, ợ nóng, ợ hơi và đầy bụng khó tiêu thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, khi thai nhi lớn hơn, tử cung có thể gây chèn ép lên dạ dày, khiến cơn trào ngược xuất hiện thường xuyên và nặng nề hơn.
Phòng ngừa và điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Để kiểm soát tốt trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cần tiến hành song song giữa điều trị và phòng ngừa. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể để bạn đọc tham khảo:
Điều trị trào ngược dạ dày
Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày được xây dựng dựa trên: triệu chứng, mức độ trào ngược và tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Đa số trường hợp được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc. Trong đó, các thuốc thường dùng gồm:
Thuốc ức chế bơm Proton: Là loại thuốc ức chế tiết acid mạnh nhất hiện nay, đóng vai trò chủ đạo trong phác đồ chữa trào ngược dạ dày. Thuốc có thể dùng cho cả những bệnh nhân có loét thực quản. Một số hoạt chất thường gặp như: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole,…
Thuốc kháng histamin H2: Có tác dụng ức dạ dày tiết acid, đặc biệt hiệu quả trong những trường hợp trào ngược dạ dày thực quản về đêm. Những hoạt chất thường dùng như: cimetidine, ranitidine, famotidine,…
Thuốc antacid: Có tác dụng trung hòa acid, giảm nhanh triệu chứng đau và nóng rát dạ dày thực quản. Các hoạt chất thường gặp của nhóm này gồm: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd, canxi cacbonat,…
Thuốc tăng nhu động tiêu hoá: Giúp tăng đào thải acid trong thực quản, tăng tốc độ tháo rỗng dạ dày, giảm tình trạng đầy hơi chướng bụng. Những thuốc này thường chứa thành phần gồm: metoclopramide, domperidone, baclofen,…
☛ Tham khảo thêm: 5 bài thuốc đông y trị trào ngược dạ dày hiệu quả
Một số ít trường hợp điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện phẫu thuật. Một số phương pháp được áp dụng phổ biến gồm:
- Phẫu thuật Nissen (Toupet) giúp tăng cường lực thắt của cơ thắt thực quản dưới thông qua mổ nội soi hoặc mổ mở.
- Phẫu thuật Linx được thực hiện bằng cách ghép thêm một vòng từ tính quanh ngã ba dạ dày thực quản để ngăn dịch dạ dày trào ngược lên phía trên.
Phòng ngừa trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý có tỷ lệ tái phát cao. Do đó, người bệnh cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau điều trị, cụ thể như:
- Hạn chế hoặc loại bỏ những thực phẩm không tốt cho quá trình tiêu hoá.
- Tăng cường những thực phẩm giàu probiotics giúp tăng cường khả năng chuyển hoá và hấp thu dinh dưỡng.
- Bổ sung đầy đủ chất xơ cho cơ thể nhằm ổn định hệ vi sinh đường ruột, hạn chế tình trạng táo bón, khó tiêu.
- Ưu tiên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nhằm thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương trên niêm mạc dạ dày thực quản.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý dựa trên chỉ số BMI để tránh tăng áp lực cho dạ dày.
- Ăn đủ bữa, đúng giờ để thiết lập nhịp tiêu hoá ổn định cho dạ dày.
- Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi để cơ thể luôn ở trạng thái thoải mái, tránh stress.
- Không tự ý dùng các loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
☛ Tham khảo: Khám trào ngược dạ dày ở đâu tốt nhất? Quy trình khám, xét nghiệm
Trên đây là bài viết giải đáp cho câu hỏi: Trào ngược dạ dày có lây không? Mong rằng nội dung bài viết đã đem lại cho bạn đọc thông tin hữu ích để ứng phó với tình trạng này. Nếu cần được tư vấn thêm, bạn đọc có thể liên hệ đến hotline: 1900 545 518 hoặc bấm kết nối zalo để được chuyên gia hỗ trợ ngay.