Ở trẻ nhỏ, hạn chế về nhận thức và ngôn ngữ khiến đau thượng vị dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau bụng khác. Vậy, làm thế nào để nhận biết trẻ bị đau bụng vùng thượng vị, nguyên nhân và cách giải quyết ra sao? Bài viết hôm nay sẽ cùng ba mẹ tìm hiểu về vấn đề này.
Mục lục
Nhận biết vị trí vùng thượng vị ở trẻ em
Nếu giải thích theo mặt ngữ nghĩa thì “thượng vị” có nghĩa là vùng bụng ở vị trí phía trên của dạ dày, vùng chứa điểm tiếp nối giữa dạ dày và thực quản. Chính vì vậy, đau thượng vị trong Đông y còn được gọi là “vị quản thống” hoặc “tâm vị thống”.
Trong giải phẫu học hiện đại, thượng vị (Epigastric) được xác định là vị trí trung tâm, phía trên rốn, giữa hai vùng hạ sườn trái và hạ sườn phải. Thượng vị không được tính là một cơ hay cơ quan trong cơ thể. Nó được xem như một khu vực di động ở vùng bụng trên được tạo thành bởi trực tràng và cơ hoành.
Để xác định vùng thượng vị ở trẻ, ba mẹ có thể làm như sau:
- Dùng ngón tay ấn nhẹ và chuyển động dọc xuống dưới theo xương ức (giữa hai bên ngực).
- Khi nào ngón tay chạm đến dưới mũi xương ức (điểm lõm, ấn mềm) ở giữa ngực thì đó được xác định là vị trí thượng vị.
Những cơn đau xuất hiện ở xung quanh vị trí này, phía trên rốn và giữa hai bên sườn được gọi là đau thượng vị. Nếu trẻ không thể mô tả rõ, ba mẹ có thể dùng tay di chuyển ở trên bụng, ấn nhẹ tại các vị trí kết và hỏi trẻ để xác nhận vị trí đau.
Nguyên nhân gây đau thượng vị ở trẻ em
Đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp vấn đề về tiêu hóa, thường là ở dạ dày. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Rối loạn tiêu hoá
Rối loạn tiêu hoá xảy ra khi nhu động đường ruột, chức năng bài tiết men tiêu hoá bị rối loạn hoặc mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tình trạng này cản trở quá trình tiêu hoá làm tăng thời gian lưu trữ thức ăn trong đường ruột và gây ra các triệu chứng:
Đau thượng vị: Do dạ dày tăng co bóp khiến trẻ bị đau thắt từng cơn. Bên cạnh đó, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày bị lên men và sinh khí cũng làm tăng áp lực, gây ra cảm giác đau tức thượng vị dạ dày.
Đầy bụng, khó tiêu: Thức ăn ứ đọng lâu trong đường ruột, lên men và sinh khí khiến bụng trẻ căng phồng, phát ra tiếng óc ách khó chịu. Trẻ cũng không thấy đói và không muốn ăn khi đến bữa.
Ợ hơi: Lượng khí do thức ăn lên men sinh ra có thể bị đẩy ngược lên trên, thoát khỏi dạ dày và gây ra triệu chứng ợ hơi.
Phân bất thường: Thức ăn không được phân huỷ và hấp thu hết trong quá trình tiêu hoá sẽ bị đẩy ra ngoài gây nên tình trạng đi ngoài phân sống, lổn nhổn, có bọt, váng mỡ và mùi tanh.
Rối loạn tiêu hóa thường xảy ra do chế độ ăn uống thay đổi, trẻ ăn phải thức ăn không phù hợp hoặc nếp sinh hoạt bị xáo trộn. Tình trạng này thường không đáng lo ngại và có thể tự khỏi sau một vài ngày. Ngược lại, rối loạn tiêu hoá kéo dài nhiều ngày có thể dẫn đến tình trạng kém hấp thu, thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng phát triển thể chất và vận động của bé. Trường hợp này, ba mẹ nên đưa con đi thăm khám để có giải pháp phù hợp.
Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày ở mức độ khác nhau do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công. Tại vị trí viêm loét, acid bào mòn và làm tổn thương thần kinh gây cho trẻ cảm giác đau âm ỉ, bỏng rát ở vùng thượng vị – dạ dày.
Trẻ bị đau bụng thượng vị do viêm loét dạ dày thường xảy ra khi đói. Cơn đau tăng lên khi trẻ ăn những thực phẩm gây kích thích tiết acid như: món ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước uống có gas, đồ ăn nhanh, đồ ăn lạnh. Cơn đau có thể khiến trẻ bị đánh thức khi đang ngủ hoặc không thể ngủ được. Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Buồn nôn và nôn nhiều.
- Thường xuyên ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu.
- Trẻ chán ăn, chậm tăng cân hoặc sụt cân.
- Đi ngoài phân sống hoặc phân đen.
Viêm loét dạ dày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Bệnh có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị hay ung thư dạ dày. Vậy nên, khi trẻ kêu đau thượng vị nhiều lần hoặc có những dấu hiệu kể trên, ba mẹ nên đưa bé đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trong quá trình này, acid dạ dày có thể bào mòn và gây tổn thương niêm mạc thực quản. Đây là nguyên nhân khiến trẻ bị đau, bỏng rát vùng thượng vị. Cơn đau do trào ngược ở trẻ thường tập trung ở thượng vị và có thể lan ra cánh tay hoặc lên vai.
Ngoài đau thượng vị, trẻ bị trào ngược dạ dày có thể gặp phải các triệu chứng khác như:
- Khó nuốt, vướng nghẹn khi nuốt, thường thấy buồn nôn và dễ nôn khi ăn.
- Cảm giác nóng rát, tức nghẹn ở vùng ngực dọc theo xương ức.
- Ợ hơi, ợ chua nhiều lần.
- Trẻ nuốt nước bọt thường xuyên.
- Trẻ trằn trọc, khó vào giấc ngủ hoặc dễ tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại.
- Răng bị mòn hoặc sâu dù trẻ ít ăn đồ ngọt và thường xuyên vệ sinh răng miệng.
Trào ngược dạ dày không chỉ khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá và hấp thu dinh dưỡng. Nghiêm trọng hơn, nếu không có biện pháp điều trị thích hợp, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như: loét thực quản, chít hẹp thực quản, barrett hoặc ung thư thực quản.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày ở trẻ em, Làm sao xử lý triệt để?
Triệu chứng đau vùng thượng vị ở trẻ em
Đa số trường hợp đau bụng vùng thượng vị đều liên quan đến dạ dày. Tuỳ vào cơ địa và nguyên nhân mà biểu hiện cơn đau ở mỗi trẻ sẽ khác nhau. Ba mẹ cần chú ý nếu trong những tình huống dưới đây:
Đau thoáng qua: Cơn đau mờ nhạt, xuất hiện và biến mất nhanh chóng. Trẻ có thể kêu đau nhưng sau đó lại hết ngay khiến ba mẹ nghĩ rằng con đang nhõng nhẽo chứ không đau thật.
Đau từng cơn: Cơn đau nhói hoặc đau quặn từng cơn theo nhịp, thường là 4 nhịp một lần. Mỗi lần đau chỉ kéo dài vài phút nhưng trẻ kêu đau nhiều lần trong ngày.
Đau lan toả: Ban đầu trẻ kêu đau ở vùng bụng thượng vị, nhưng sau đó, cơn đau có thể lan sang các vị trí khác như: cánh tay, vai hoặc sau lưng.
Đau kéo dài: Cơn đau âm ỉ kéo dài liên tục 15 – 20 phút, không có điểm nghỉ giữa cơn đau. Kèm theo đó, trẻ có thể bị ợ chua, chướng bụng hoặc buồn nôn và nôn.
Đau liên quan yếu tố khác: Cơn đau bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như thời điểm ăn, các món ăn hoặc vận động. Trẻ thường đau nhiều hơn khi ăn quá no, ăn đồ khó tiêu, ăn quá khuya hoặc khi vận động mạnh.
Cần làm gì khi trẻ bị đau bụng vùng thượng vị?
Trẻ bị đau bụng vùng thượng vị cần có biện pháp phù hợp để giảm khó chịu, ổn định tâm lý và giải quyết được nguyên nhân. Dưới đây là những điều ba mẹ cần làm khi bé kêu đau bụng vùng thượng vị.
Giảm đau cho bé
Đau bụng vùng thượng vị khiến trẻ khó chịu dễ quấy khóc. Đôi khi, cơn đau nghiêm trọng có thể gây ra tâm lý hoảng loạn, sợ hãi cho trẻ. Vậy nên, áp dụng các biện pháp giảm đau là cần thiết giúp trẻ an tâm và chia sẻ rõ ràng hơn về vấn đề tình trạng của mình. Một số biện pháp giảm đau đơn giản và hiệu quả như:
Massage
Sau khi xác định được vị trí đau, ba mẹ dùng 4 đầu ngón tay đặt vào vùng thượng vị, ấn nhẹ và day tròn theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện liên tục trong khoảng 3 – 5 phút. Sau đó, ba mẹ xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm lên rồi xoa tròn ở vùng bụng trên rốn theo chiều kim đồng hồ. Động tác massage giúp điều hoà nhu động ruột – dạ dày và thúc đẩy quá trình tiêu hoá, qua đó cải thiện triệu chứng đau thắt, đau tức vùng thượng vị hiệu quả.
Uống nước ấm
Ba mẹ lấy khoảng 50 – 100ml ấm khoảng 40 – 45 độ C cho trẻ uống từng ngụm nhỏ. Nhiệt độ ấm của nước giúp tăng cường tuần hoàn máu và giúp các cơ đường ruột thư giãn. Nhờ vậy, cảm giác đau thắt, đau quặn sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, nước ấm cũng giúp pha loãng acid trong dạ dày và “rửa” sạch acid bám trên niêm mạc thực quản. Vậy nên, biện pháp này có thể cải thiện triệu chứng đau, nóng rát vùng dạ dày – thượng vị rất tốt. Tuy nhiên, ba mẹ cần chú ý không nên cho trẻ uống quá nhiều vì có thể làm tăng áp lực dạ dày, khiến trẻ dễ bị nôn trớ.
Chườm ấm
Ba mẹ dùng một túi chườm hoặc chai nhựa, rót nước ấm khoảng 50 độ C và chườm quanh vùng bụng bị đau. Thời gian chườm có thể kéo dài khoảng 10 – 15 phút. Nhiệt độ ấm của túi chườm giúp thư giãn cơ hoành và cơ bụng, hiệu quả trong trường hợp trẻ bị đau thắt, đau cứng vùng bụng thượng vị.
Lưu ý: Không dùng nhiệt độ nước quá 70 độ C vì có thể gây bỏng rát, khiến trẻ bị đau khi chườm. Ngoài ra, ba mẹ cùng cần di chuyển túi chườm nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực mạnh lên vùng bụng của trẻ.
Thăm khám kịp thời
Trẻ bị đau bụng vùng thượng vị có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và mức độ ảnh hưởng của cơn đau cũng khác nhau đến sức khỏe của trẻ. Những vấn đề này rất khó phán đoán và kiểm soát nếu ba mẹ không có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn. Vậy nên, đưa trẻ đi thăm khám là điều cần thiết khi bé gặp phải tình trạng này.
Quá trình thăm khám thường gồm:
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ trao đổi với ba mẹ về triệu chứng và các yếu tố nguy cơ xoay quanh vấn đề của trẻ. Sau đó, bác sĩ có thể kiểm tra lại vị trí đau, các dấu hiệu bất thường trên cơ thể và chỉ định thực hiện xét nghiệm cần thiết.
Nội soi dạ dày: Trường hợp nghi ngờ bé có tổn thương tại dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nội soi để tìm kiếm và đánh giá tổn thương trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Test vi khuẩn HP: Bác sĩ lấy mẫu sinh thiết trong khi nội soi đem đi nuôi cấy vi khuẩn HP hoặc thực hiện Clo test nhằm xác định tình trạng nhiễm khuẩn HP.
Điều trị theo chỉ định
Sau khi xác định được nguyên nhân khiến trẻ đau bụng vùng thượng vị, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Đa số trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để ba mẹ cho trẻ uống và tự theo dõi tại nhà. Các thuốc điều trị có thể gồm:
Thuốc kháng antacid: Được dùng để giảm đau bụng vùng thượng vị cho trẻ bị trào ngược dạ dày hoặc viêm loét dạ dày. Thuốc thường sử dụng là nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd với liều dùng 0.5mg/kg/ lần, mỗi lần uống cách nhau 3 – 6h.
Thuốc kháng histamin H2: Có tác dụng ức chế tiết acid, thường dùng cho trẻ trào ngược dạ dày hoặc viêm loét dạ dày mức độ nhẹ đến trung bình. Hoạt chất thường dùng là ranitidine với liều 2 – 6mg/ kg/ ngày, chia làm 2 – 3 lần uống.
Thuốc ức chế bơm Proton: Chỉ định cho trường hợp viêm loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản mức độ trung bình đến nặng. Hoạt chất phổ biến là omeprazole, lansoprazole, esomeprazole với liều 1.5 – 2.5mg/ kg/ ngày, chia thành 1 -2 lần uống
Men tiêu hoá: Sử dụng trong trường hợp trẻ bị thiếu hụt men tiêu hoá, rối loạn hấp thu và tiêu hoá kém. Loại thuốc này thường được kết hợp nhiều loại enzyme như: lipase, amylase, protease,…
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng nhằm cải thiện cảm giác thèm ăn và tăng cường thể trạng cho trẻ. Sau khi được kê đơn, ba mẹ cần cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn và theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu nhận thấy triệu chứng không cải thiện hoặc chuyển biến nặng hơn, ba mẹ cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí phù hợp.
Trẻ bị đau bụng vùng thượng vị khi nào cần khám gấp?
Đau bụng thượng vị nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh của trẻ đang chuyển biến nặng hơn, cần được thăm khám ngay. Những triệu chứng cụ thể gồm:
- Trẻ đau bụng dữ dội, bỏ ăn, mất ngủ, không thể di chuyển hoặc vui chơi bình thường được.
- Trẻ nôn mửa nhiều, dịch nôn chứa thức ăn từ hôm trước, có mùi hôi thối khó chịu.
- Trẻ nôn ra máu tươi, máu cục hoặc dịch nôn màu như bã cà phê.
- Trẻ đi ngoài ra máu, phân đen, màu như bã cà phê, có mùi khắm.
- Trẻ sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, người mệt mỏi, mất tinh thần.
☛ Tham khảo thêm: Ăn vào đau thượng vị: Cảnh báo 5 bệnh lý tiêu hoá
Trẻ bị đau bụng vùng thượng vị cần có sự quan tâm đúng mực từ phía phụ huynh. Việc phát hiện sớm, thăm khám kịp thời và điều trị đúng cách giúp kiểm soát tốt tình trạng của trẻ, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Nếu cần tư vấn thêm về vấn đề này, ba mẹ có thể liên hệ đến hotline: 1900 545 518.