Viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh phổ biến, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của bệnh nhân. Trong những năm gần đây, tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Vậy, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng này và làm thế nào để phòng tránh? Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ cùng bạn đọc về vấn đề này.
Mục lục
Tổng quan về tỷ lệ loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày xuất hiện các vết tổn thương như: sưng tấy, phù nề, xung huyết, viêm trợt, viêm teo hoặc loét. Tình trạng này khiến người bệnh gặp phải hàng loạt triệu chứng khó chịu như: đau – nóng rát dạ dày, ợ hơi, ợ chua và khó tiêu. Nghiêm trọng hơn, viêm loét dạ dày có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị và ung thư dạ dày.
Các nghiên cứu đến tháng 4 năm 2020 cho thấy, tỷ lệ mắc viêm loét dạ dày tá tràng trên thế giới là khoảng 8.4% với độ tuổi nghiên cứu từ 17 – 82 tuổi. Một khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, có khoảng 4.000.000 người bị viêm loét dạ dày tá tràng và 350.000 ca mắc mới được chẩn đoán mỗi năm. Trong đó, số người loét tá tràng nhiều gấp 4 lần loét dạ dày, số người tử vong vì loét dạ dày và loét tá tràng là khoảng 6.000 người/ năm.
Một đánh giá khác thực hiện trên 204 vùng lãnh thổ cho thấy, có khoảng 8.09 triệu người mắc viêm loét dạ dày tá tràng vào năm 2019, tăng 25.82% so với năm 1990. Trong đó, khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2019, số ca mắc mới tăng từ 2.82 triệu lên 3.59 triệu, tương đương với mức tăng 27.3%.
Đánh giá này cũng cho thấy, tỷ lệ mắc viêm loét dạ dày tá tràng ở nam giới cao hơn nữ giới. Năm 2019, có khoảng 3.92 triệu ca bệnh ở nữ giới và 4.17 triệu ca ở nam giới, tương đương với tỷ lệ 0.94:1.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Việt Nam, khoảng 7% dân số mắc viêm loét dạ dày tá tràng. Thống kê tại Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark cho thấy, độ tuổi trung bình mắc viêm loét dạ dày là 46.5 tuổi. Trong đó, nữ giới chiếm phần lớn với tỷ lệ khoảng 62.9%.
Ngoài ra, một nghiên cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho thấy, tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ trong độ tuổi từ 3 – 15 tuổi là 3.91%. Trong đó, tỷ lệ loét ở trẻ trai: trẻ gái là 3:1 và độ tuổi trung bình mắc bệnh là 11.6 tuổi. Các yếu tố liên quan đến loét dạ dày tá tràng ở trẻ thường do tiền sử dùng corticoid, gia đình có người viêm loét dạ dày tá tràng dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến, mặc dù không nguy hiểm nhưng lại làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống của người bệnh. Sự gia tăng số ca bệnh trong những năm gần đây còn tạo thành gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
☛ Tham khảo: Bộ trắc nghiệm loét dạ dày tá tràng có đáp án chi tiết
Nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày tá tràng tăng nhanh
Viêm loét dạ dày có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là do:
Lạm dụng thuốc
Nhóm thuốc NSAIDs được sử dụng phổ biến trong liệu pháp giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, những thuốc này, đặc biệt là aspirin và celecoxib có thể gây ra tác dụng phụ trên dạ dày – tá tràng, thường gặp như: viêm loét, xuất huyết hoặc thủng dạ dạ dày.
Theo một nghiên cứu, aspirin và các hoạt chất khác trong nhóm NSAIDs có liên quan đến khoảng 10% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Lý giải về tình trạng này, các chuyên gia cho biết, pH của dạ dày không làm phân ly được aspirin. Vì vậy, hoạt chất này có thể đọng trong dạ dày, trực tiếp làm mòn niêm mạc.
Ngoài ra, aspirin cũng ngăn cản quá trình làm lành tổn thương trên niêm mạc dạ dày, ức chế quá trình bài tiết chất nhầy, khiến viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Những hoạt chất khác trong nhóm NSAIDs cũng có tác động tương tự nhưng do tính acid yếu hơn ít gây ăn mòn tại chỗ.
Ngoài NSAIDs, nhóm thuốc chống viêm Corticoid cũng gây ức chế quá trình tổng hợp chất nhầy, khiến vết viêm loét dạ dày nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ biến chứng như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày.
Lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori
Vi khuẩn HP là một trong số ít những vi khuẩn có khả năng tồn tại trong môi trường acid khắc nghiệt của dạ dày. Loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra men urease có khả năng trung hòa acid và phân huỷ lớp chất nhầy, tạo điều kiện cho acid tiếp xúc và ăn mòn niêm mạc dạ dày. Sau khi tiếp cận với niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP giải phóng ra độc tố cytotoxin và enzyme (protease, lipase) khiến niêm mạc dạ dày tổn thương và phát triển thành các ổ loét.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược cần thơ cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) chiếm 37.1%. Vì vậy, sự lây nhiễm vi khuẩn HP là một trong những nguyên khiến viêm loét dạ dày tăng nhanh trong cộng đồng.
Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm theo nhiều con đường khác nhau gồm:
- Đường miệng – miệng: Vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, mảng bám răng nên có thể lây truyền khi ăn chung bát đũa, dùng chung bàn chải đánh răng, hôn môi hoặc mớm đồ ăn cho trẻ.
- Đường phân – miệng: Phân của người bệnh chứa vi khuẩn HP. Vì vậy, người bệnh có thể làm lây nhiễm vi khuẩn nếu đi vệ sinh không đúng nơi quy định, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Đường dạ dày – dạ dày: Sự lây nhiễm này xảy ra khi người bệnh sử dụng chung thiết bị nội soi dạ dày, thiết bị nha khoa mà không được khử trùng đúng tiêu chuẩn.
Lối sống thiếu lành mạnh
Lối sống thiếu lành mạnh là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố tấn công dạ dày, qua đó làm tăng nguy cơ viêm viêm loét dạ dày tá tràng. Điển hình như:
Lạm dụng thực phẩm có hại: Thường xuyên dùng đồ ăn đóng hộp công nghiệp, thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, rượu bia,… khiến dạ dày tăng tiết acid. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
Thường xuyên bỏ bữa: Làm rối loạn hoạt động bài tiết acid, acid dạ dày tiết ra không có sự trung hoà của thức ăn sẽ “tự tiêu hoá” lớp chất nhầy, sau đó tấn công và gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Thiếu dinh dưỡng kéo dài: Ức chế quá trình tự làm lành của cơ thể, rối loạn bài tiết acid, tăng nguy cơ nhiễm trùng dạ dày, từ đó khiến dạ dày dễ bị viêm loét hơn.
Hút thuốc lá: Hoá chất trong khói thuốc trực tiếp làm tổn thương tế bào niêm mạc dạ dày và ức chế yếu tố tăng trưởng của niêm mạc dạ dày. Tác động này gây nên các ổ loét mới và khiến ổ loét cũ nghiêm trọng hơn.
Làm việc quá sức: Áp lực công việc quá lớn khiến nhiều người bị “vắt kiệt” cả về thể chất và tinh thần. Điều này gây kích thích lên dạ dày, cản trở quá trình tiêu hóa khiến dạ dày dễ bị tổn thương hơn.
Thiếu ngủ kéo dài: Thói quen thức khuya hoặc giảm bớt thời gian ngủ khiến cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi, tăng kích thích khiến dạ dày tiết acid nhiều hơn và làm vết loét lâu lành.
Áp lực tinh thần lớn
Viêm loét dạ dày do stress là tình trạng rất phổ biến ở giới trẻ hiện nay. Một nghiên cứu cho thấy, căng thẳng kéo dài có liên quan đến khoảng 3.9% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Theo đó, stress kéo dài gây kích thích lên hệ thống dây thần kinh phế vị, khiến dạ dày tiết acid nhiều hơn. Lượng acid dư thừa này có thể phá huỷ lớp chất nhầy và tấn công lên niêm mạc dạ dày.
Bên cạnh đó, các kích thích do stress gây ra khiến dạ dày tăng co bóp quá mức, dẫn đến rối loạn tiêu hoá và tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Trong một số trường hợp, stress kéo dài còn làm giảm lượng máu nuôi đến niêm mạc dạ dày, làm chậm lành tổn thương và khiến người bệnh đối diện với nguy cơ xuất huyết.
Làm thế nào để phòng ngừa loét dạ dày tá tràng?
Phòng ngừa loét dạ dày tá tràng là một quá trình mà người bệnh cần có kế hoạch cụ thể và nghiêm túc thực hiện. Những điều bạn cần làm để ngăn loét dạ dày tá tràng quay trở lại gồm:
Sử dụng thuốc hợp lý
Bất kỳ loại thuốc nào cũng sẽ tiềm ẩn những “rủi ro” nếu bạn sử dụng không đúng cách và không đúng mục đích. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là không dùng thuốc khi chưa nắm được tình trạng sức khoẻ của mình và không kiểm soát được những “hậu quả” mà loại thuốc đó mang lại.
Nhiều người có thói quen dùng thuốc “theo kinh nghiệm” của mình, hay thậm chí là của người khác. Điều này khiến bạn không đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và đối diện với nguy cơ tác dụng phụ lớn hơn. Vì vậy, hãy lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc sau khi thăm khám và được bác sĩ chỉ định.
- Dùng đúng loại thuốc đã được bác sĩ kê đơn, trường hợp thay đổi, giảm bớt hoặc kết hợp thêm thuốc cần được sự đồng ý của bác sĩ.
- Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về liều dùng, cách dùng, thời điểm và thời gian uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp phải triệu chứng bất thường, bạn cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.
☛ Chi tiết: Tổng Hợp Các Loại Thuốc Đặc Trị Viêm Loét Dạ Dày – Tá Tràng
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống liên hệ mật thiết với hoạt động bài tiết acid, làm lành vết thương và cơ chế tự bảo vệ của dạ dày. Bởi vậy, muốn ngăn ngừa loét dạ dày phát triển, bạn nhất định phải có một chế độ ăn uống lành mạnh, cụ thể:
Loại bỏ hoặc hạn chế tối đa thức ăn gây tổn hại niêm mạc dạ dày tá tràng như: rượu bia, thuốc lá, đồ quá chua cay, thuốc lá,…
Tránh ăn những đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid, kích ứng tổn thương trong dạ dày hoặc làm chậm quá trình tiêu hoá thức ăn.
Giới hạn lượng chất béo cho một ngày khoảng 65g, ưu tiên nhóm chất béo không bão hoà nhằm kiểm soát quá trình hoạt hoá acid mật, hạn chế tổn thương dạ dày.
Tạo môi trường đệm ổn định trong dạ dày bằng cách: chia nhỏ bữa ăn thành 4 – 6 bữa/ ngày, không nên ăn quá no, ưu tiên đồ ăn lỏng nhẹ dễ tiêu hoá, bữa ăn cuối cách giờ đi ngủ 3 tiếng, không ăn sau 23h đêm.
Ưu tiên những món ăn dinh dưỡng, dễ tiêu hoá giúp tạo điều kiện thuận lợi cho tổn thương trong dạ dày lành lại nhanh hơn, ví dụ như: sữa ít béo, cháo dinh dưỡng, đậu phụ, cá, bột ngó sen,…
Bổ sung thực phẩm giàu probiotics như sữa chua, kefir, natto, trà kombucha,… giúp bảo vệ dạ dày và thúc đẩy hoạt động tiêu hoá.
Sử dụng hợp lý các loại thảo dược có khả năng hỗ trợ tiêu hoá, giúp cải thiện các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng như: cam thảo, gừng, thì là, hoa cúc, lá mơ,…
Bên cạnh việc điều chỉnh và chọn lựa thực phẩm, bạn cũng cần chú ý cách chế biến thức ăn phù hợp: thái nhỏ, nấu chín mềm và ưu tiên món luộc, hấp hay ninh nhừ. Trong khi ăn, bạn nên ăn chậm nhai kỹ để thức ăn được nghiền nát và tiêu hoá dễ hơn. Sau bữa ăn, bạn nên dành khoảng 30 phút để nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hoặc làm việc ngay để dạ dày có thời gian tiêu hoá tốt nhất.
☛ Tham khảo thêm: Bị viêm loét dạ dày có nên uống sữa không?
Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Điều chỉnh lối sống lành mạnh giúp bạn vứt bỏ những tác nhân “độc hại” với sức khỏe tinh thần và thể chất từ môi trường. Tất cả những điều bạn cần làm là:
Cân đối lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh để bản thân rơi vào trạng thái kiệt sức vì mệt mỏi quá mức.
Trang bị kỹ năng giải tỏa stress, đảm bảo cơ thể luôn được nạp năng lượng tích cực. Điều này không chỉ giúp bảo vệ dạ dày mà còn tăng hiệu suất làm việc và học tập.
Ngủ sớm và ngủ đủ 6 – 8 tiếng/ ngày để cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn, có thời gian tái tạo năng lượng và phục hồi tổn thương.
Duy trì hoạt động thể chất với các bộ môn thể thao phù hợp như: chạy bộ, đi bộ, bơi lội, thiền định,… Đây là cách hiệu quả để giải toả năng lượng tiêu cực, điều hoà nhịp thở, huyết áp và ổn định hoạt động tiêu hoá.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt: dùng riêng đồ cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không hôn môi hoặc mớm đồ ăn cho trẻ,… nhằm ngăn ngừa nhiễm khuẩn HP.
Giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ: đi vệ sinh đúng chỗ, xử lý chất thải đúng cách,… nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
Tỷ lệ loét dạ dày tá tràng tăng nhanh trong thời gian gần đây do những tác động từ môi trường sống căng thẳng, nhịp sống tăng nhanh, lạm dụng thuốc và lây nhiễm vi khuẩn HP. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt là cần thiết để ngăn chặn xu hướng này.
Mỗi người đều có trách nhiệm trong việc kiểm soát tỷ lệ viêm loét dạ dày gia tăng. Nếu làm tốt điều này, không chỉ sức khoẻ của mọi người được bảo vệ mà gánh nặng về kinh tế xã hội cũng được giảm tải. Mong rằng, bài viết hôm nay đã mang đến bạn đọc kiến thức hữu ích. Nếu cần thêm thông tin, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ đến hotline: 1900 545 518.