Tất cả các loại thực phẩm đều có thể được phân huỷ khi vào dạ dày nhờ sự có mặt của acid trong dịch vị. Thậm chí, một số dị vật như kim loại hay nhựa vô tình vào dạ dày cũng bị acid ăn mòn không còn hình dáng nguyên vẹn. Vậy, acid dạ dày mạnh cỡ nào? Mời bạn đọc tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Acid dạ dày là gì?
Acid dạ dày là acid clohydric, có công thức là HCl. Trong dạ dày, HCl có nồng độ dao động từ 0.0001 – 0.001 Mol/ lít với độ pH khoảng 1.5 – 2.5. Khi có sự xuất hiện của thức ăn, độ pH dạ dày có thể tăng lên khoảng 3.0 – 4.0. Sau khi thức ăn tiêu hoá hết, pH dạ dày ổn định ở khoảng 4.5 – 6.0.
Đọc thêm: Axit dạ dày được tạo ra như thế nào?
Acid dạ dày là thành phần quan trọng của dịch vị, tham gia trực tiếp vào các quá trình:
Phân huỷ thức ăn: Acid dạ dày có khả năng phân huỷ mạnh, phá vỡ cấu trúc protein và chất béo, qua đó giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn.
Kích hoạt enzyme tiêu hoá: Acid tạo môi trường có độ pH thấp (<4.0) giúp chuyển enzyme pepsin trong dạ dày sang dạng hoạt động. Nhờ vậy, enzyme pepsin mới có khả năng phân huỷ protein để cơ thể có thể hấp thu vào máu.
Hấp thu chất khoáng: Acid dạ dày có khả năng hòa tan các loại muối sắt và muối canxi làm tăng hiệu quả hấp thu các chất khoáng này vào cơ thể. Ngoài ra, môi trường acid cũng cho phép sắt kết hợp cùng vitamin C, đường và amin giúp sắt được hấp thu dễ dàng hơn ở tá tràng.
Hấp thu vitamin: Acid dạ dày tham gia vào quá trình giải phòng vitamin B12 khỏi thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi để vitamin này liên kết với yếu tố nội trong dạ dày. Sau quá trình này, vitamin B12 được cơ thể hấp thu tại hồi tràng (ruột non). Ngoài ra, môi trường acid cũng tăng bảo tồn vitamin C, giúp tăng hiệu quả hấp thu.
Phòng ngừa nhiễm trùng: Độ pH thấp của acid dạ dày phá vỡ tế bào hoặc khiến các loại vi sinh vật mất khả năng hoạt động. Nhờ khả năng này, dạ dày trở thành “hàng rào” tự nhiên ngăn chặn vi sinh vật có hại xâm nhập và gây bệnh tại hệ tiêu hoá.
Acid dạ dày mạnh cỡ nào?
Mức độ acid mạnh yếu của một chất lỏng được xác định thông qua thang đo pH có giới hạn từ 0 – 14. Trong đó, dung dịch có chỉ số pH càng thấp thì độ acid càng mạnh. Khi chỉ số pH tăng lên thì độ acid giảm dần, dung dịch chuyển về hướng trung tính (pH = 7.0) và kiềm hoá dần.
Hiện nay, acid mạnh nhất là loại acid sử dụng trong bình ắc quy với pH = 0. Acid dạ dày có độ pH dao động ở mức 1.5 – 2.5, đây là ngưỡng của acid mạnh, khả năng ăn mòn mạnh mẽ, có thể hoà tan cả kim loại, phá huỷ mô, xương và răng.
Kền kền là một loại động vật chuyên ăn xác thối. Vậy nên, hệ tiêu hoá của chúng thường xuyên tiếp cận với rất nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng. Thế nhưng, độ pH dịch vị khoảng 1.0 đã tiêu tiệt hầu hết những vi sinh vật có hại này. Độ pH này không có sự chênh lệch quá lớn với pH dịch vị của người.
Như vậy, acid dạ dày ở người rất mạnh mẽ, có khả năng đảm bảo cho cơ thể thích nghi với môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Điều này mang lại lợi thế nhưng cũng dẫn đến rủi ro cho sức khoẻ nếu acid dạ dày dư thừa.
Tại sao dạ dày không bị acid tấn công?
Acid dạ dày rất mạnh, vậy tại sao chúng ta lại không bị nó ăn mòn? Điều này được giải thích bởi cơ chế tự bảo vệ hoàn hảo của cơ thể. Để ngăn chặn acid tấn công dạ dày, tế bào niêm mạc tiết ra một lượng lớn chất nhầy với thành phần gồm: mucin, phospholipid, chất điện giải và nước.
Trong đó, thành phần mucin là một loại glycoprotein cao phân tử bị tiêu huỷ chậm trong môi trường acid. Phospholipid là một loại chất béo ngăn acid thẩm thấu vào phía trong thành dạ dày. Chất điện giải chủ yếu là bicarbonat (HCO3-) có tác dụng trung hòa acid dạ dày.
Như vậy, để tiếp cận được với niêm mạc dạ dày, acid cần ăn mòn hoàn toàn lớp chất nhầy được phủ phía trên. Sự ăn mòn của acid diễn ra liên tục. Tuy nhiên, lớp chất nhầy cũng được cơ thể sản xuất đều đặn. Quá trình này tạo nên “tình thế” cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công, ngăn dạ dày bị tiêu hoá bởi chính acid do nó tiết ra.
Ngoài ra, thức ăn sau khi tiêu hoá tại dạ dày sẽ di chuyển đến tá tràng. Tại đây, acid dạ dày được trung hoà bởi thành phần bicarbonat trong dịch tụy. Quá trình này giúp độ pH của dịch thức ăn tăng lên khoảng 4.5 – 5.0. Ở độ pH này, tế bào niêm mạc ruột an toàn và hoạt động bình thường mà không cần đến lớp chất nhầy bảo vệ như ở dạ dày.
Điều gì xảy ra khi acid dạ dày “yếu” đi?
Acid dạ dày đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu hoá và bảo vệ cơ thể. Vì vậy, nồng độ acid dạ dày giảm hoặc thiếu acid dạ dày có thể gây ra một số vấn đề sau:
Nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hoá
Khi thiếu hụt acid, độ pH tăng lên khiến cho nhiều loại vi sinh vật có khả năng thích nghi trong môi trường dạ dày. Lúc này, dịch vị mất đi vai trò hàng bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Hai loại vi khuẩn dễ xâm nhập vào hệ tiêu hoá trong thời điểm này gồm: vi khuẩn Vibrio và Helicobacter Pylori. Trong đó:
Vi khuẩn Vibrio: Có khả năng gây bệnh tả hoặc viêm dạ dày – ruột. Người mắc bệnh do vibrio gây ra thường bị tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt, đau đầu và ớn lạnh. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng, mất nước nhanh chóng, đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP): Tiết ra men urease phá huỷ lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này cũng tiết độc tố gây hoại tử tế bào niêm mạc, gây viêm loét dạ dày tá tràng. Người bị viêm loét dạ dày thường đau thượng vị – dạ dày, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu. Vi khuẩn HP làm tăng nguy cơ ung thư ở bệnh nhân viêm loét dạ dày.
Rối loạn tiêu hoá
Khi pH dạ dày vượt quá 4, enzyme pepsin của dạ dày trở về trạng thái bất hoạt. Điều này làm gián đoạn quá trình tiêu hoá thức ăn tại dạ dày. Ngoài ra, môi trường acid suy yếu ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của dạ dày, làm giảm tốc độ tiêu hoá thức ăn.
Thức ăn không được phân giải hết, thời gian lưu trữ tăng lên tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra các vấn đề về tiêu hoá sau:
- Đầy bụng khó tiêu, ợ hơi, ợ chua.
- Táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân sống.
- Đau bụng, buồn nôn, nôn.
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
Giảm hấp thu
Acid dạ dày thiếu hụt làm giảm hiệu quả tiêu hoá – hấp thu: protein, sắt, vitamin B12, vitamin C và canxi. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị thiếu hụt dinh dưỡng và đối diện với các vấn đề về sức khoẻ như:
- Thiếu máu: Thiếu sắt và vitamin B12 làm giảm quá trình sản xuất hồng cầu hoặc tế bào hồng cầu bị bất thường, dẫn đến thiếu máu mạn tính, suy giảm trí nhớ.
- Suy nhược cơ thể: Cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng dẫn đến thiếu hụt năng lượng, dễ mệt mỏi, xanh xao, gầy yếu.
Acid dạ dày tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hoá và hấp thu: protein, sắt, vitamin B12, vitamin C và canxi. Khi acid bị thiếu hụt, thực phẩm protein không được phân huỷ hoàn toàn, vitamin B12 không
Các bệnh lý liên quan đến tăng axit dạ dày
Tăng tiết acid dạ dày được xác định khi chỉ số gastrin huyết thanh lúc đói tăng gấp 10 lần trở lên và lớn hơn 1000pg/ mL. Tình trạng này có thể gây ra một số bệnh lý dưới đây:
Viêm loét dạ dày tá tràng
Acid dạ dày tăng tiết quá mức có thể phá huỷ lớp chất nhầy, tấn công lên niêm mạc gây ra các tổn thương như: sưng tấy, phù nề, viêm trợt hoặc loét. Bên cạnh đó, lượng acid dư thừa không được trung hoà hết bởi dịch tuỵ làm tổn thương tá tràng và rối loạn hệ vi sinh đường ruột.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị viêm loét dạ dày gồm:
- Đau rát, đau âm ỉ, đau nhói vùng thượng vị – dạ dày.
- Đau có thể xảy ra khi đói, lệch về bên trái (viêm loét dạ dày) hoặc khi no, lệch về bên phải (viêm loét tá tràng).
- Thường xuyên ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn.
- Hay rối loạn tiêu hoá, đầy bụng, chướng hơi.
Nếu không được điều trị kịp thời, acid dạ dày có thể ăn sâu vào vết viêm loét dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Xuất huyết dạ dày: Do mạch máu bị phá huỷ gây ra các triệu chứng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân lẫn máu.
- Thủng dạ dày: Xảy ra khi acid theo ổ loét ăn mòn thành dạ dày khiến dịch vị tràn vào khoang bụng, phá huỷ nội tạng. Triệu chứng thường gặp gồm: đau bụng dữ dội, bụng cứng như gỗ, nôn ra máu, sốc nhiễm trùng,…
- Ung thư dạ dày: Do tế bào niêm mạc bị acid tổn thương lặp lại nhiều lần, bị biến đổi và phát triển thành khối u. Ung thư dạ dày thường không có triệu chứng rõ ràng.
☛ Tham khảo: Tổng Hợp Các Loại Thuốc Đặc Trị Viêm Loét Dạ Dày – Tá Tràng
Trào ngược dạ dày thực quản
Tăng tiết acid dạ dày tạo kích thích lên cơ thắt thực quản dưới, khiến cơ thắt này suy yếu và dễ bị giãn mở bất thường. Hệ quả là dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây tổn thương niêm mạc thực quản và dẫn đến các triệu chứng:
- Nóng rát kéo dài từ dạ dày lên vùng ngực.
- Ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn.
- Nuốt nước bọt liên tục, thường có cảm giác nghẹn vướng ở họng và ngực khi nuốt.
- Thường xuyên bị viêm họng, ho, khản giọng kéo dài.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Trào ngược dạ dày thực quản – nguyên nhân triệu chứng điều trị
Acid dạ dày trào ngược lên thực quản trong thời gian dài khiến niêm mạc bị viêm loét. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như:
- Chít hẹp thực quản: Do các sẹo hình thành sau vết loét gây co rút làm hẹp lòng thực quản.
- Barrett thực quản: Là biến chứng tiền ung thư, xảy ra khi tế bào vảy trên niêm mạc thực quản bị biến đổi thành tế bào trụ.
- Ung thư thực quản: Xảy ra khi tế bào trụ tiếp tục bị acid tổn thương và biến đổi, phát triển thành khối u ác tính trên niêm mạc thực quản.
Các câu hỏi liên quan đến acid dạ dày
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến acid dạ dày:
Axit dạ dày mạnh có thể ăn mòn dạ dày không?
Ở người bình thường, acid không thể ăn mòn dạ dày do niêm mạc được phủ lớp chất nhầy bảo vệ. Tuy nhiên, nếu acid dạ dày dư thừa hoặc người bệnh bị nhiễm khuẩn HP, lớp chất nhầy có thể bị phá huỷ. Lúc này, acid sẽ tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc, ăn mòn và gây ra các ổ viêm, loét.
Làm sao để biết tôi có thừa axit dạ dày hay không?
Cách chính xác nhất để biết một người có thừa acid dạ dày không là thực hiện xét nghiệm nồng độ gastrin huyết thanh lúc đói. Nếu chỉ số này lớn hơn 10 lần bình thường và vượt quá 1000pg/ ml, người đó được xác định là dư acid dạ dày.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phán đoán tình trạng dư acid dựa trên một số triệu chứng như:
- Thường xuyên đau và nóng rát ở vùng thượng vị, dạ dày.
- Hay ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn.
- Miệng và hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Hay nuốt nước bọt liên tục hoặc có cảm giác vướng nghẹn khi nuốt.
Khi nào cần dùng thuốc để điều chỉnh lượng axit dạ dày?
Sử dụng thuốc điều chỉnh lượng acid dạ dày được thực hiện trong các trường hợp dưới đây:
- Người bệnh thực hiện xét nghiệm và được xác định bị thiếu hụt hoặc tăng tiết acid dạ dày.
- Người bệnh thực hiện nội soi và tìm thấy các tổn thương trên niêm mạc dạ dày, thực quản.
- Người bệnh gặp phải các triệu chứng lâm sàng rõ rệt như: đau dạ dày, trào ngược acid, đau thượng vị, ợ chua, buồn nôn,…
Người bệnh chỉ dùng thuốc điều chỉnh acid sau khi thăm khám và được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự đoán bệnh tại nhà và điều trị theo kinh nghiệm của người khác để tránh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
Những thực phẩm nào nên tránh và nên ăn để bảo vệ dạ dày
Để bảo vệ dạ dày, bạn nên lựa chọn những thực phẩm tươi sống và tự chế biến tại nhà. Ưu tiên các loại:
- Rau củ quả nhiều màu sắc giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào và hỗ trợ làm lành tổn thương.
- Protein nạc như: cá hồi, ức gà, thịt thăn,… giúp cung cấp nguyên liệu phục hồi tổn thương.
- Thực phẩm chứa probiotics như sữa chua, kefir,… hỗ trợ quá trình tiêu hoá thức ăn.
- Chất béo không bão hoà như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu óc chó,… có lợi cho tiêu hoá và ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP
- Các loại trà thảo mộc có lợi cho tiêu hoá như trà gừng, trà hoa cúc, trà thì là,…
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm có hại như: đồ ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, gia vị cay nóng, đồ uống có cồn, thức uống chứa caffeine và thuốc lá.
Acid dạ dày là một acid mạnh. Điều này mang đến lợi thế cho quá trình tiêu hoá, phát triển cơ thể nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Vậy nên, mỗi người cần chủ động duy trì sự cân bằng trong hoạt động bài tiết acid dạ dày để bảo vệ sức khỏe bản thân.