Chảy máu dạ dày là một tình trạng nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh với các triệu chứng đa dạng. Để tìm hiểu rõ hơn về chảy máu dạ dày và các biện pháp xử lý đúng khi gặp tình trạng này, hãy cùng các chuyên gia Hantacid tham khảo bài viết sau đây.
Mục lục
Chảy máu dạ dày (xuất huyết dạ dày) là gì?
Chảy máu dạ dày hay còn gọi là xuất huyết dạ dày (GI) là tình trạng dạ dày bị tổn thương và gây ra xuất huyết. Một số dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này là xuất hiện máu trong phân hoặc bị nôn ra máu. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải lúc nào cũng biểu hiện và nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuỳ theo mức độ tổn thương, xuất huyết dạ dày có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng, thậm chí là có thể đe doạ tính mạng của người bệnh khi bị chảy máu cấp tính. Do vậy, đây là tình trạng nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để ảnh hưởng đến sức khoẻ về lâu dài.
Nguyên nhân gây chảy máu dạ dày
Xuất huyết dạ dày có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp người bệnh tìm ra hướng điều trị hiệu quả nhất. Dưới đây là tổng hợp nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây xuất huyết dạ dày thường gặp.
Các bệnh lý liên quan đến dạ dày
Theo thống kê có khoảng 20- 40% số ca xuất huyết dạ dày có liên quan đến viêm loét dạ dày tá tràng. Nguyên nhân là do khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, chúng hình thành các ổ viêm và các vết loét. Nếu không điều trị đúng cách, dưới sự tác động của acid, pepsin, vi khuẩn,… các vết loét phát triển, ăn sâu lan rộng vào các lớp trong của thành dạ dày dẫn đến tổn thương các mạch máu.
Trường hợp nhẹ, ổ loét gây tổn thương các mao mạch nhỏ gây rỉ máu, cơ thể có thể tự cầm máu và ít ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trường hợp nghiêm trọng hơn, ổ loét gây tổn thương đến các mạch máu lớn gây chảy máu ồ ạt và không kiểm soát vào trong lòng dạ dày.
☛ Tìm hiểu thêm: Tổng quan bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá
Sử dụng rượu bia, thuốc lá thường xuyên là thói quen không tốt, không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng gan và thận mà còn có nguy cơ gây xuất huyết dạ dày. Các chất trong rượu bia, khói thuốc lá có thể gây bào mòn niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ hình thành các ổ viêm và các vết loét. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng rượu bia còn khiến cho lớp niêm mạc dạ dày tăng thẩm thấu, dẫn đến nguy cơ chảy máu dạ dày.
Căng thẳng, stress kéo dài
Người thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lo lắng,… sẽ có nguy cơ xuất huyết dạ dày cao hơn bình thường. Đặt biệt, ở những người thường xuyên căng thẳng kéo dài, cơ thể tăng tiết hormone Cortisol – hormone kích thích dạ dày tăng co bóp và tăng tiết acid nhiều hơn gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Đồng thời, căng thẳng kéo dài cũng gây suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển và gây ra viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày.
Đọc chi tiết: Lý do vì sao căng thẳng gây bệnh dạ dày
Chế độ ăn uống thiếu khoa học
Một trong những yếu tố nguy cơ gây xuất huyết dạ dày rất phổ biến hiện nay là do chế độ ăn uống thiếu khoa học. Khi thường xuyên sử dụng các nhóm thực phẩm thiếu lành mạnh như đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia, đồ chua, đồ cay nóng,… sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, trì trệ quá trình tiêu hoá,… lâu dần dẫn đến nguy cơ viêm loét và chảy máu bao tử.
Lạm dụng thuốc
Việc lạm dụng thuốc điều trị hoặc dùng thuốc không đúng chỉ dẫn của bác sĩ không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Đặc biệt là các nhóm thuốc chống viêm giảm đau nhóm NSAID (Ibuprofen, Aspirin, Diclofenac,…) hoặc Corticoid (Dexamethasone, Betamethasone, Prednisolone,…). Nếu lạm dụng các nhóm thuốc này trong một thời gian dài, thuốc sẽ gây tổn hại đến lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ viêm loét, xuất huyết dạ dày.
Do các yếu tố khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, xuất huyết dạ dày cũng có thể khởi phát do một số yếu tố khác như:
- Người có tiền sử bệnh lý viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, hội chứng ruột kích thích,… có nguy cơ chảy máu dạ dày cao hơn bình thường.
- Yếu tố di truyền mắc bệnh từ người trong cùng một gia đình.
- Bệnh lý ung thư, dị dạng mạch máu do phình mạch,…
- Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, dạ dày, tá tràng gây tăng lưu lượng máu đến dạ dày.
Dấu hiệu nhận biết chảy máu dạ dày
Tùy theo mức độ tổn thương mạch máu, tốc độ và vị trí chảy máu trên đường tiêu hóa, xuất huyết dạ dày sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:
Chảy máu giai đoạn nhẹ
Trong giai đoạn đầu, các ổ loét chỉ gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ, gây chảy máu với lượng tương đối ít và cơ thể hoàn toàn có thể tự cầm máu. Khi đó, người bệnh thường không xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng, chỉ khi thực hiện các xét nghiệm y khoa mới phát hiện ra xuất huyết.
Một số biểu hiện mà người bệnh có thể cảm nhận thấy trong giai đoạn này như đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, người mệt mỏi, da xanh xao, hay bị choáng váng khi ngồi dậy, trống ngực nhanh… đôi khi đi ngoài lẫn máu, hoặc phân có màu đen hoặc màu như bã cà phê,…
Chảy máu giai đoạn nặng
Tình trạng xuất huyết dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn đồng nghĩa với việc các dấu hiệu xuất huyết dần xuất hiện rõ ràng. Lúc này, ổ loét xâm lấn đến các mạch máu lớn, gây chảy máu cấp tính vào lòng dạ dày. Khi lượng máu chảy ra nhiều và thường xuyên hơn, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như cảm thấy hoa mắt, mệt mỏi, mạch đập nhanh, hoa mắt, vã mồ hôi, chân tay lạnh,… Tình trạng đi ngoài phân đen cũng diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt, lúc này phân chuyển thành màu rỉ sắt hoặc như bã cà phê, mùi hôi rất khó chịu (như mùi cóc chết).
Đối với trường hợp ổ loét gây tổn thương động mạch gây chảy máu ồ ạt và không kiểm soát vào trong lòng dạ dày, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, quằn quại, nôn ra máu tươi, niêm mạc nhợt, ngất xỉu do sốc mất máu,… Lúc này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Chảy máu dạ dày có nguy hiểm không?
Như đã đề cập ở trên, chảy máu dạ dày là tình trạng nguy hiểm. Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, lượng máu chảy ít, nếu điều trị đúng cách thì cơ thể sẽ nhanh chóng hồi phục. Ngược lại, nếu chảy máu cấp tính, tình trạng mất máu xảy ra nhanh, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
Một số biến chứng có thể gặp khi bị xuất huyết dạ dày là:
- Thiếu máu, suy nhược cơ thể: Tình trạng xuất huyết kéo dài khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, lâu dần có thể dẫn đến thiếu máu, thiếu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Dần dần, cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược. Người bệnh dễ bị hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, ngất xỉu,…
- Ung thư dạ dày: Tổn thương niêm mạc dạ dày kéo dài làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ác tính. Tế bào niêm mạc dạ dày bị biến đổi cấu trúc và tăng sinh mất kiểm soát hình thành ung thư. Đây là biến chứng hết sức nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao hiện nay.
☛ Tham khảo: Xuất huyết dạ dày khi nào cần nhập viện?
Cách xử lý khi bị chảy máu dạ dày
Khi bị chảy máu dạ dày, tuỳ thuộc vào mức độ chảy máu của người bệnh để đưa ra các phương pháp xử lý đúng cách.
Xử lý với trường hợp chảy máu dạ dày nhẹ
Đối với chảy máu dạ dày ở mức độ nhẹ, thông thường người bệnh không có những biểu hiển cụ thể, một số trường hợp có thể nhận biết bằng biểu hiện đi ngoài phân đen thường xuyên. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau để cải thiện như:
- Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, hạn chế tối đa việc thức khuya.
- Người bệnh nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hoá như cơm nát, cháo, súp,… hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ, gân, sụn,… thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc tránh các gia vị chua, cay nóng,…
- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế làm việc nặng dẫn đến bị căng thẳng, stress.
- Duy trì thói quen tập thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Không lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh,… khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
- Tuân thủ điều trị y tế theo đúng phác đồ do bác sĩ chỉ định (nếu có), để giúp cải thiện nhanh chóng triệu chứng bệnh và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
☛ Đọc thêm:
Xử lý với trường hợp chảy máu dạ dày cấp tính
Đối với trường hợp chảy máu dạ dày cấp tính, tình trạng này thường xảy ra đột ngột và cần sơ cứu điều trị ngay lập tức. Một số biện pháp dưới đây, có thể thực hiện cho người bệnh để sơ cứu cấp bách tại nhà và ngăn chặn các triệu chứng xuất huyết dồn dập gây ra mất nhiều máu, cơ thể suy nhược…
Đối với người bệnh còn tỉnh táo, người nhà cần thực hiện các bước sơ cứu như sau:
- Đặt người bệnh nằm nghiêng, kê chân cao hơn thân trên và kê đầu thấp hơn phần thân để máu lưu thông dễ dàng. Người bệnh cần nằm nghỉ tuyệt đối, không nên đứng, ngồi hoặc đi lại.
- Đắp chăn mỏng cho người bệnh để ủ ấm cơ thể, bởi mất máu nên có thể dễ bị tụt huyết áp, lạnh tay chân.
- Nếu người bệnh nôn nhiều, có thể cho uống bù nước điện giải, tuy nhiên cần lưu ý cho người bệnh uống từng ngụm nhỏ, tránh uống liền một hơi.
- Liên hệ ngay với bác sĩ và đưa người bệnh đi cấp cứu tại các cơ sở y tế để có phương án điều trị kịp thời, tránh để nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
- Tại các cơ sở y tế, người bệnh có thể được chỉ định can thiệp y tế để giúp cầm máu, đồng thời truyền thêm máu bù lại lượng máu đã mất.
Trong trường hợp người bệnh ngất xỉu do mất máu quá nhiều, người nhà cần ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn bất cứ thứ gì khác ngoại trừ bổ sung nước điện giải, khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Đồng thời, người nhà tuyệt đối không cho bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau để điều trị đau bụng, bởi chúng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng chảy máu.