Chữa chướng bụng đầy hơi bằng thuốc dân gian là phương pháp được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Việc lựa chọn cây thuốc và cách dùng thuốc có sự khác biệt bởi đặc trưng thổ nhưỡng và văn hoá của từng vùng miền. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc 6 cây thuốc dân gian chữa chướng bụng đầy hơi được sử dụng phổ biến.
Mục lục
Hiểu về tình trạng chướng bụng đầy hơi
Chướng bụng đầy hơi là tình trạng ống tiêu hoá tích tụ đầy khí hoặc dịch lỏng gây cảm căng tức, sình bụng, đầy ứ ở bụng. Tình trạng này xảy ra khi hoạt động tiêu hoá bị trì trệ khiến thức ăn bị ứ đọng trong đường ruột, lên men, sinh hơi, sinh khí và làm mất cân bằng môi trường pH đường ruột. Điều này có thể làm tổn thương nhu mô ruột, loạn khuẩn đường ruột, ảnh hưởng quá trình tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất.
Một số triệu chứng có thể xảy ra đồng thời với đầy bụng chướng hơi gồm:
- Đau thắt, đau quặn, chướng tức ở bụng, khó thở.
- Ợ hơi, ợ chua, nóng rát dạ dày và vùng ngực (thượng vị).
- Sôi bụng, tăng xì hơi.
- Không có cảm giác đói bụng, ăn không ngon miệng.
- Tính chất phân bất thường: lỏng nát, lổn nhổn, phân sống, táo bón, lẫn nhầy máu,….
Đầy hơi chướng bụng xuất hiện đơn độc ở mức độ nhẹ đến vừa thường do rối loạn tiêu hoá gây nên. Trường hợp này, người bệnh mặc dù khó chịu nhưng sẽ không gặp phải nguy hiểm. Cảm giác tức bụng có xu hướng giảm dần sau một vài giờ hoặc khỏi hẳn khi người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Ngược lại, nếu đầy hơi chướng bụng xảy ra đồng thời cùng nhiều triệu chứng khác, bạn cần cảnh giác với các bệnh lý tiêu hoá như: trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, nấm ruột, thiếu men tiêu hoá, celiac,… Để an tâm, người bệnh cần thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
6 vị thuốc dân gian chữa chướng bụng đầy hơi
Các vị thuốc dân gian có thể tác động vào quá trình đầy bụng, chướng hơi, qua đó giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Dưới đây là một vài vị thuốc và tác dụng cụ thể:
1. Gừng
Trong Đông y, củ gừng được xếp vào nhóm khử hàn, làm ấm. Vị thuốc này có tác dụng làm ấm tỳ vị, giảm nôn, trị khó tiêu, dẫn khí giảm đầy hơi chướng bụng. Y học hiện đại phát hiện được trong củ gừng chứa hợp chất gingerol có khả năng chuyển đổi thành shogaols và zingerone sau khi được xử lý nhiệt.
Shogaols và gingerol có khả năng làm tăng nhu động ruột giúp tăng cường tốc độ tiêu hoá. Điều này giúp thức ăn trong dạ dày được tiêu hoá nhanh hơn, đẩy khí từ dạ dày di chuyển xuống ruột non, khắc phục tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Bên cạnh đó, zingerone còn tác dụng ức chế co bóp tự phát và nhu động ở đại tràng, qua đó giảm triệu chứng đau quặn, đau thắt bụng.
Cách sử dụng củ gừng cho người bị đầy bụng như sau:
- Đem một củ gừng đi rửa sạch rồi cắt lấy 2 – 3 lát mỏng, bỏ vào cốc nhỏ.
- Chế thêm khoảng 100ml nước sôi, đậy kín cốc, ủ trong khoảng 10 – 15 phút.
- Uống khi nước gừng còn ấm. Có thể thêm một chút mật ong để điều vị và tăng hiệu quả.
2. Bạc hà
Bạc hà chứa nhiều tinh dầu có tác dụng giảm co thắt ruột, giúp khí và thức ăn di chuyển thuận lợi hơn trong ống tiêu hoá. Nhờ tác động này, người sử dụng bạc hà có thể giảm nhẹ triệu chứng: đau thắt, đau quặn bụng, đầy hơi, tức bụng, khó tiêu.
Cách sử dụng bạc hà chữa đầy hơi chướng bụng như sau:
- Lấy 1 thìa lá bạc hà khô (khoảng 1.5g) hoặc 17g lá bạc hà tươi, rửa sạch và cho vào cốc.
- Thêm khoảng 50 – 100ml nước sôi, đậy kín và ủ trong khoảng 5 – 10 phút.
- Uống nước trà khi còn ấm.
3. Lá mơ
Trong Đông y, lá mơ lông có vị chua, tính bình được sử dụng để tiêu thực (tăng cường tiêu hoá), trị thực tích (đầy bụng khó tiêu), kiết lỵ, chỉ thống (đau bụng) và cam tích (suy dinh dưỡng). Ở Bangladesh, lá mơ được dùng để trị tiêu chảy, lá giã nhuyễn đắp lên bụng trị chướng bụng đầy hơi. Tại trung Quốc, lá mơ lông được dùng trị viêm loét dạ dày cho kết quả tốt.
Trong Y học hiện đại, xuất ethanol của lá mơ lông có tác dụng chống co thắt ở ruột non, giảm triệu chứng đau quặn bụng, thúc đẩy hoạt động tiêu hoá, giảm triệu chứng sình bụng, ọc ạch bụng, khó tiêu. Ngoài ra, trong lá mơ giàu hợp chất phenolic có khả năng chống oxy hoá, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm đường tiêu hoá. Bạn có thể sử dụng lá mơ lông như sau:
- Lấy một nắm lá mơ lông tươi, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng trong khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo.
- Đem lá mơ lông đi xay hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt để uống.
- Thực hiện liên tục khoảng 2 – 3 ngày.
4. Quế
Quế là thảo dược làm ấm điển hình và là gia vị thông dụng trong bếp ăn của các gia đình Việt. Trong Y học cổ truyền, cây quế có vị ngọt cay, tính đại nhiệt được sử dụng để giữ ấm cho phụ nữ sau sinh, chữa sình bụng, đau bụng hoặc đau mỏi lưng gối.
Trong Y học hiện đại, quế giàu tinh dầu có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, tăng nhu động ruột, cải thiện tiêu hoá, khắc phục tình trạng đầy hơi, tức bụng. Vị thuốc này cũng có tính sát khuẩn mạnh, chống viêm tốt, khắc phục hiệu quả tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột hay viêm ruột.
Cách dùng quế cho người bị chướng bụng như sau:
- Đun sôi khoảng 200ml nước.
- Thêm vào nước sôi 1 – 2g quế ở dạng bột hoặc thanh khô đều được.
- Đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 5 phút rồi gạn lấy phần nước.
- Uống khi nước thuốc còn ấm.
5. Trần bì
Ở những gia đình xưa, vỏ quả quýt chín được đem phơi khô, để dành khi nấu ăn hoặc dùng làm thuốc trị chứng rối loạn tiêu hoá. Trong Đông y, vị thuốc này được gọi là trần bì. Trần bì có vị cay đắng, tính ấm có tác dụng tiêu chướng (trị đầy chướng bụng), chống nôn, tiêu đờm nhầy, trị đầy hơi, thúc đẩy tiêu hoá, tăng cảm giác ngon miệng.
Y học hiện đại cũng phát hiện trong trần bì chứa tinh dầu có tác dụng thúc đẩy tiêu hoá, cải thiện tình trạng chướng bụng đầy hơi. Cách dùng trần bì khá đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện như sau:
- Lấy khoảng 4 – 8g vỏ quả quýt chín đã phơi khô xé nhỏ rồi rửa qua với nước ấm để loại bỏ bụi bẩn.
- Bỏ trần bì vào cốc, chế thêm khoảng 50 – 100ml nước sôi.
- Đậy kín cốc, ủ trong khoảng 15 – 20 phút.
- Uống khi nước còn ấm nóng, bỏ phần bã.
6. Thì là
Trong Y học cổ truyền, hạt thì là là vị thuốc có công năng đuổi khí lạnh, cầm nôn mửa, trị đầy bụng, đau bụng khó tiêu, đầy hơi, sình bụng. Trà hạt thì là có vị thơm ngọt nhẹ như cam thảo, rất dễ chịu. Theo Y học hiện đại, trà thì là chứa hợp chất anethole có tác dụng chống co thắt, thư giãn cơ đường tiêu hoá, qua đó giảm đầy hơi, chướng bụng hiệu quả.
Cách dùng hạt thì là như sau:
- Lấy 4g hạt thì là, 3 lát gừng tươi cho vào trong bình nước.
- Thêm khoảng 200 – 300ml nước sôi, đậy kín bình, ủ trà trong khoảng 10 – 15 phút.
- Rót nước trà uống khi còn ấm.
Chữa đầy hơi chướng bụng bằng thuốc dân gian có hiệu quả không?
Câu trả lời là: Có. Chữa đầy hơi chướng bụng bằng thuốc dân gian đã được truyền qua nhiều thế hệ. Điều này phần nào cho thấy biện pháp này thật sự đem lại hiệu quả cho người dùng. Mặt khác, sự phát triển của Y học hiện đại cũng góp phần làm sáng tỏ tác dụng của những vị thuốc này.
Ưu điểm khi dùng thuốc dân gian trị đầy bụng là tính an toàn cao, ít hoặc hiếm khi gây tác dụng cho người sử dụng. Bên cạnh đó, đa số vị thuốc dân gian đều dễ tìm, dễ mua và chi phí tiết kiệm. Điều này đem lại lợi ích rõ rệt cho những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, tính đến hiện nay chưa có thử nghiệm lâm sàng hay thống kê chính xác về tỷ lệ điều trị thành công đầy bụng từ các vị thuốc dân gian. Bên cạnh đó, hiệu quả chữa bệnh của những vị thuốc này thiếu ổn định, có thể chữa khỏi cho người này nhưng lại không có tác dụng với người khác, phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa
Vì lý do này, các vị thuốc dân gian chữa đầy bụng không được áp dụng trong các phác đồ điều trị chính quy, người bệnh chỉ dùng thuốc theo kinh nghiệm cá nhân. Mặt khác, quá trình chế biến và dùng thuốc khá lích kích, không phải là lựa chọn phù hợp với người bận rộn.
Thuốc dân gian thường phát huy hiệu quả tốt trong trường hợp đầy hơi chướng bụng nhẹ, do rối loạn tiêu hoá thông thường. Nếu đầy bụng nghiêm trọng hoặc do các bệnh lý tiêu hoá, những vị thuốc này thường được sử dụng để phụ trợ, giúp giảm nhẹ triệu chứng và không có khả năng thay thế phác đồ điều trị chuyên khoa. Việc sử dụng các vị thuốc dân gian ở thời điểm này cũng cần được sự đồng ý của bác sĩ.
☛ Tìm hiểu thêm: Đầy bụng khó tiêu uống thuốc gì nhanh khỏi?
Những lưu ý khi chữa đầy bụng bằng thuốc dân gian
Tình trạng chướng bụng đầy hơi có thể xuất hiện ở thời điểm bất kỳ, khi chức năng tiêu hoá bị đình trệ. Bởi vậy, để các biện pháp dân gian phát huy hiệu quả tốt và bền vững, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
Đảm bảo lượng chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày duy trì ở mức 25 – 38g giúp tiêu hoá thuận lợi, hạn chế tình trạng táo bón, khó tiêu, đầy hơi.
Tăng cường thực phẩm giàu probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh, tăng cường khả năng chuyển hoá và hấp thu chất dinh dưỡng.
Xây dựng thói quen ăn uống khoa học: ăn chậm nhai kỹ, không xem tivi, điện thoại khi ăn, không uống nước và hạn chế nói chuyện trong khi ăn.
Hạn chế hoặc loại bỏ những thực phẩm không tốt cho đường ruột như: nước ngọt, đồ uống có ga, soda, rượu, bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn quá cay, chua.
Xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày nhằm tăng cường sức khoẻ tổng thể và điều hoà nhu động tiêu hoá, giúp trục xuất khí dư ra ngoài.
Ghi chép lại chế độ ăn uống hàng ngày và loại bỏ những phẩm khiến bạn bị đầy hơi chướng bụng sau khi ăn.
Giảm những thực phẩm dễ sinh hơi, sinh khí trong quá trình tiêu hoá như: đậu, bông cải xanh, bắp cải, hành củ, trứng, ngũ cốc, sữa, dưa hấu,…
Không sử dụng thuốc dân gian khi đầy bụng kéo dài và kèm nhiều triệu chứng phức tạp khác. Trường hợp này thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là bài viết về phương pháp chữa đầy bụng từ 6 vị thuốc dân gian. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích để đối phó với tình trạng này. Nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp, hãy để lại lời nhắn hoặc liên hệ với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.