Nấc cụt do trào ngược dạ dày là vấn đề khiến nhiều người lo lắng vì khó kiểm soát và dễ tái phát. Triệu chứng này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn cảnh báo dạ dày đang bị tổn thương. Vậy khi gặp tình trạng này, bạn nên làm gì để giảm bớt khó chịu?
Mục lục
1. Tại sao trào ngược dạ dày gây nấc cụt?
Trào ngược dạ dày xảy ra khi thức ăn và axit từ dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, phổ biến nhất là ợ nóng. Tuy nhiên, ngoài ợ nóng, trào ngược dạ dày còn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác, bao gồm cả nấc cụt.
Đặc biệt, ở những trường hợp trào ngược dạ dày nghiêm trọng hơn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc thoát vị hoành, nấc cụt kéo dài dễ xảy ra hơn. Nếu bạn thường xuyên bị nấc cụt không rõ nguyên nhân, rất có thể dạ dày chính là “thủ phạm” gây ra tình trạng này.
Cơ hoành là một cơ mỏng, rộng, nằm giữa khoang ngực và khoang bụng, có vai trò quan trọng trong quá trình hít thở. Bình thường, dạ dày nằm bên dưới cơ hoành và thực quản nằm phía trên. Nhưng khi axit hoặc thức ăn từ dạ dày trào ngược lên, thậm chí trong trường hợp thoát vị hoành, một phần dạ dày bị đẩy lên phía trên cơ hoành, gây áp lực và kích thích cơ này.
Khi cơ hoành bị kích thích, nó sẽ co thắt không kiểm soát, làm gián đoạn quá trình thở bình thường. Sự co thắt này kết hợp với việc dây thanh âm đóng mở đột ngột tạo ra âm thanh đặc trưng của nấc cụt. Để chấm dứt tình trạng nấc cụt, cần giảm áp lực lên cơ hoành và ổn định hoạt động của nó.
Nếu bạn bị nấc cụt kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, rất có thể nguyên nhân bắt nguồn từ bệnh lý dạ dày và cần được thăm khám, điều trị kịp thời.
Trong những trường hợp nấc cụt kéo dài bất thường, các bác sĩ thường cần thực hiện nhiều xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân chính xác. Các phương pháp kiểm tra có thể bao gồm chụp X-quang hoặc nội soi để đánh giá tình trạng thực quản, dạ dày và vùng ngực, đồng thời xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để phát hiện các vấn đề liên quan đến gan, thận hoặc nhiễm trùng. Đặc biệt, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp thử nghiệm bằng cách bơm dung dịch axit clohydric loãng vào thực quản. Nếu nấc cụt xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nấc cụt có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
2. Phân biệt nấc cụt thông thường hay do trào ngược
Nấc cụt thông thường | Nấc cụt do trào ngược dạ dày |
---|---|
Xuất hiện đột ngột, kéo dài vài phút đến vài giờ. | Kéo dài hơn, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. |
Thường tự hết mà không cần điều trị. | Tái diễn thường xuyên |
Do các nguyên nhân tạm thời như ăn nhanh, uống đồ có ga, thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc phản ứng cảm xúc mạnh. | Đi kèm với các triệu chứng của trào ngược dạ dày như ợ nóng, ợ chua, đau tức ngực. |
Nấc cụt do trào ngược dạ dày thường xảy ra trong các tình huống sau:
- Sau khi ăn: Đặc biệt là sau khi ăn các bữa ăn lớn hoặc ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Khi nằm xuống hoặc cúi người: Do tư thế nằm ngang hoặc cúi người làm tăng áp lực lên dạ dày, khiến axit dễ trào ngược lên thực quản.
- Khi có stress hoặc lo âu: Stress làm tăng tiết axit dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.
Nấc cụt do trào ngược dạ dày có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh trào ngược dạ dày, nhưng phổ biến hơn ở các giai đoạn sau:
- Giai đoạn đầu: Có thể xuất hiện khi người bệnh bắt đầu có các triệu chứng nhẹ của trào ngược dạ dày như ợ nóng hoặc ợ chua.
- Giai đoạn tiến triển: Khi các triệu chứng của trào ngược dạ dày trở nên nặng hơn và thường xuyên hơn, nấc cụt kéo dài cũng trở nên phổ biến hơn.
- Giai đoạn mãn tính:Ở giai đoạn này, nấc cụt có thể trở thành triệu chứng mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hiểu rõ hiện tượng nấc cụt do trào ngược dạ dày và biết cách phân biệt với nấc cụt thông thường là rất quan trọng. Điều này giúp người bệnh nhận biết sớm các triệu chứng, tìm kiếm sự tư vấn y tế kịp thời và áp dụng các biện pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả.
☛ Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày nghẹn cổ họng – khi nào cần đi khám ngay?
3. Mẹo hết nấc cụt nhanh chóng
Trong trường hợp bạn bất ngờ gặp phải cơn nấc cụt do trào ngược dạ dày gây ra, hãy thử áp dụng một vài mẹo dân gian sau để tạm thời loại bỏ tình trạng nấc cụt gây khó chịu cho bạn.
1/ Uống nước nhanh: Uống một cốc nước đầy và nuốt liên tục giúp tạm ngưng hoạt động cơ hoành, cắt cơn nấc.
2/ Nín thở: Hít sâu và giữ hơi trong 10 giây, lặp lại 3 lần giúp cơ hoành ổn định lại.
3/ Thở vào túi giấy: Hít thở chậm vào túi giấy để tăng CO₂ trong máu, giúp điều hòa hoạt động của cơ hoành.
4/ Há miệng hít thở sâu: Hít sâu bằng miệng để giãn căng lồng ngực, giúp cơ hoành thoát khỏi tình trạng co thắt.
5/ Bịt chặt lỗ tai: Dùng tay bịt tai trong 20-30 giây để kích thích dây thần kinh phế vị, giúp giảm nấc cụt.
6/ Ép tay lên vùng cơ hoành: Dùng tay ấn nhẹ vào vùng dưới mũi ức hoặc cúi gập người để giảm co thắt cơ hoành.
7/ Kéo thẳng tóc về phía đỉnh đầu: Nhẹ nhàng kéo tóc kích thích hệ thần kinh, giúp phân tán sự tập trung vào cơn nấc.
8/ Ăn đường, mật ong hoặc bơ đậu phộng: Ngậm một thìa đường hoặc mật ong để kích thích dây thần kinh phế vị, làm dịu cơn nấc.
9/ Gõ hoặc xoa vùng sau gáy: Massage nhẹ nhàng vùng gáy trong 15-30 giây giúp kích thích hệ phó giao cảm, giảm co thắt.
10/ Kích thích vùng hầu họng: Dùng tăm bông hoặc kéo lưỡi nhẹ nhàng để kích thích dây thần kinh phế vị, làm dịu nấc cụt.
11/ Ép tay vào động mạch cảnh: Xoa bóp nhẹ vùng động mạch cảnh dưới góc hàm trong 10-15 giây, thực hiện một bên mỗi lần.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày có nên uống trà gừng không?
4. Điều trị trào ngược dạ dày để hết nấc cụt dứt điểm
Việc xử lý các cơn nấc cụt tạm thời chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề. Để chấm dứt tình trạng nấc cụt kéo dài do trào ngược dạ dày, cần điều trị tận gốc bệnh lý.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh lý mạn tính, có thể kiểm soát hiệu quả nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, khả năng chữa khỏi hoàn toàn còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, nguyên nhân gây ra và khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh.
Ở giai đoạn nhẹ: Nếu phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống kết hợp điều trị bằng thuốc, triệu chứng có thể cải thiện rõ rệt và có khả năng khỏi hoàn toàn.
Ở giai đoạn mạn tính hoặc biến chứng: Việc kiểm soát triệu chứng là mục tiêu chính, khó chữa khỏi hẳn. Bệnh nhân có thể cần dùng thuốc kéo dài hoặc can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) trong trường hợp nghiêm trọng.
Các biện pháp điều trị trào ngược dạ dày:
Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống.
- Tránh thực phẩm gây kích thích: Hạn chế đồ chua, cay, nhiều dầu mỡ, caffeine, rượu bia.
- Chia nhỏ bữa ăn: Không ăn quá no, chia thành 4-6 bữa/ngày.
- Không nằm ngay sau khi ăn: Đợi ít nhất 2-3 giờ trước khi nằm hoặc đi ngủ.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
- Nâng cao đầu giường: Khi ngủ, kê cao đầu khoảng 15-20cm giúp giảm trào ngược.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày có tập gym được không?
Sử dụng thuốc theo chỉ định
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giảm tiết axit dạ dày (omeprazole, esomeprazole…).
- Thuốc kháng histamin H2: Hỗ trợ giảm axit (ranitidine, famotidine…).
- Thuốc trung hòa axit (antacid): Giảm triệu chứng nhanh, dùng khi cần thiết.
- Thuốc tăng cường vận động đường tiêu hóa: Giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, hạn chế trào ngược.
⚠️ Lưu ý: Việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với thuốc PPI thường phải duy trì từ 4-8 tuần, thậm chí dài hơn nếu bệnh mạn tính.
☛ Chi tiết: Tất tần tật các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày
Can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật)
Nếu các phương pháp nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh gây biến chứng nặng (hẹp thực quản, Barrett thực quản…), bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật Nissen fundoplication – thắt đáy vị để ngăn trào ngược.