Acid dạ dày đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu hoá protein, vitamin và chất khoáng. Tuy nhiên, acid dư thừa lại là tác nhân gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Trường hợp này, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp trung hòa acid giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm nhanh triệu chứng khó chịu.
Mục lục
Vì sao trung hòa acid dạ dày lại giúp giảm nhanh đau rát?
Acid dạ dày là Axit Clohydric – Một chất hóa học được sản xuất bởi tế bào thành nằm trong các tuyến trên niêm mạc dạ dày. Độ pH của acid dạ dày dao động từ 1 – 3, giữ cho môi trường dạ dày luôn có tính acid cao. Đây là một trong những “hàng rào miễn dịch” tự nhiên, giúp tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập vào dạ dày.
Bên cạnh đó, nồng độ acid cao giúp phân huỷ thức ăn, bao gồm cả những loại thức ăn xơ cứng khó tiêu hoá. Acid dạ dày cũng kích hoạt enzyme pepsin, tham gia vào quá trình tiêu hoá protein, vitamin B12 và các chất khoáng như: magie, canxi và sắt.
Khi acid dạ dày được tiết ra dư thừa trong thời gian dài, chúng có thể phá huỷ lớp chất nhầy và tấn công vào niêm mạc dạ dày. Một trong những cách ngăn chặn tình trạng này nhanh chóng và hiệu quả là tạo ra phản ứng trung hòa trong dạ dày.
Phản ứng trung hòa là phản ứng xảy ra khi acid dạ dày tiếp xúc với một chất có tính kiềm tạo ra muối và nước. Sau phản ứng, một lượng acid dạ dày sẽ chuyển thành muối và nước, nồng độ acid giảm đi và pH dạ dày tăng lên. Quá trình này loại bỏ phần lớn acid tấn công vào niêm mạc dạ dày, qua đó khắc phục nhanh triệu chứng đau, nóng rát dạ dày.
Những trường hợp cần áp dụng biện pháp trung hòa acid dạ dày gồm:
- Người bị tăng tiết acid gây ra triệu chứng: ợ chua, nóng rát dạ dày, nóng rát thực quản, khó tiêu, đau dạ dày.
- Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng.
- Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Sử dụng thảo dược trung hòa acid
Sử dụng thảo dược trung hòa acid là biện pháp an toàn và hiệu quả cao. Phương pháp này được rất nhiều người bệnh đau dạ dày mạn tính lựa chọn nhằm hạn chế tác dụng phụ cho cơ thể. Dưới đây là một số loại thảo dược được sử dụng phổ biến.
Cây khôi tía
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sử dụng dịch chiết lá khôi tía với liều lượng 150mg/ kg/ ngày và 450mg/ kg/ ngày có tác dụng trung hòa, giảm nồng độ acid và tăng chỉ số pH dạ dày. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra dịch chiết lá khôi có tác dụng giảm số điểm loét, giảm chỉ số loét dạ dày hiệu quả.
Để sử dụng lá khôi trung hòa acid dạ dày, người bệnh có thể áp dụng liều từ 40 – 80g dược liệu khô/ ngày. Cách dùng như sau:
- Lấy khoảng 50g lá khôi cho vào ấm, thêm khoảng 500ml nước và đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 5 phút. Hoặc, bạn cũng có thể đem đi pha trà, ủ trà khoảng 15 – 20 phút.
- Chắt lấy phần nước thuốc, chia làm 2 – 3 lần uống trước bữa ăn hoặc khi bị đau, nóng rát dạ dày.
Cây dạ cẩm
Dạ cẩm là một trong số ít dược liệu đã trải qua nghiên cứu lâm sàng về tác dụng điều trị viêm loét dạ dày tại Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn vào năm 1960. Kết quả cho thấy, cây dạ cẩm khắc phục hiệu quả triệu chứng đau dạ dày, ợ chua và làm lành vết loét. Sau nghiên cứu, cây thuốc này cũng được đưa vào danh mục thuốc điều trị dạ dày của bệnh viện vào năm 1962.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, nước sắc dược liệu khô với tỷ lệ 2:1 ở liều 4g/ kg/ ngày có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm thể tích dịch vị 77.3%. Bên cạnh đó, nước sắc dạ cẩm cũng giảm chỉ số điểm loét 83.38% và có tác dụng ức chế vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Liều dùng dược liệu khô dạ cẩm mỗi ngày dao động từ 10 – 25g. Cách sử dụng như sau:
- Lấy khoảng 20g dược liệu khô, thêm 500ml nước và đun sôi .
- Chắt lấy phần nước, chia làm 2 – 3 bữa, uống trước bữa ăn hoặc khi có triệu chứng đau, nóng rát dạ dày.
- Người bệnh có thể thêm một ít đường cho dễ uống và nên uống khi nước thuốc ấm.
Cây chè dây
Một nghiên cứu khác cho thấy dịch chiết chè dây có tác dụng trung hòa acid dạ dày tương đương với các thuốc kháng antacid (nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd). Đặc biệt hơn, tác dụng này có thể kéo dài đến 20 giờ. Ngoài ra, chè dây có khả năng ức chế bài tiết acid dạ dày tương đương thuốc kháng histamin H2, giúp làm lành vết loét và tiêu diệt vi khuẩn HP.
Liều dùng khuyến cáo của chè dây để trung hòa acid dạ dày là dưới 70g/ ngày. Cách sử dụng như sau:
- Lấy khoảng 10 – 15g lá chè dây khô hoặc sao vàng.
- Cho dược liệu vào ấm pha trà, thêm 1 ít nước sôi để tráng sạch dược liệu.
- Thêm tiếp 100ml nước sôi, đậy ấm và ủ khoảng 15 phút.
- Chắt lấy phần nước trà, uống khi còn ấm vào trước bữa ăn hoặc khi đau.
- Duy trì liên tục khoảng 15 – 20 ngày cho một đợt sử dụng.
☛ Xem thêm: Uống nước gì để giảm acid dạ dày trào ngược?
Dùng thực phẩm trung hòa acid
Một vài loại thực phẩm có tính kiềm có thể tác dụng với acid dạ dày tạo ra phản ứng trung hòa, giúp giảm nồng độ acid và cải thiện triệu chứng đau, nóng rát dạ dày nhanh chóng. Dưới đây là một số thực phẩm điển hình:
Baking Soda
Baking soda là một loại phụ gia thực phẩm thường gặp trong nhà bếp, có công thức hoá học là NaHCO3. Khi vào trong dạ dày, baking soda tác dụng với acid dạ dày (HCl) tạo thành muối NaCl, nước và giải phóng khí CO2. Phản ứng này làm giảm nhanh nồng độ acid, khắc phục triệu chứng đau dạ dày – thượng vị hiệu quả.
Cách sử dụng baking soda trung hòa acid dạ dày như sau:
- Lấy nửa thìa cà phê baking soda hoà tan cùng 100ml nước.
- Khuấy cho tan hết rồi uống khi đau.
Nước dừa
Độ pH của nước dừa khoảng 5.0 – 5.4, có tính acid nhẹ. Tuy nhiên, trong nước dừa lại chứa hàm lượng lớn các chất điện giải như: Natri, Kali và Magie . Những chất điện giải này có thể phản ứng với acid dạ dày (HCl) tạo ra muối và nước, giúp giảm nồng độ acid dạ dày.
Để trung hòa acid dạ dày, bạn có thể uống 100 – 150ml nước dừa/ lần khi có triệu chứng đau hoặc nóng rát khó chịu. Bạn nên uống nước dừa tươi, tránh sử dụng nước dừa qua đêm. Ngoài ra, bạn cần tránh uống quá nhiều nước dừa vì có thể gây hạ huyết áp, đầy bụng, mất cân bằng điện giải và tăng áp lực cho thận.
Sữa tách béo
Độ pH của sữa dao động trong khoảng 6.5 – 6.9, tương đối trung tính. Ở độ pH này, sữa có thể phần nào giảm bớt nồng độ acid dạ dày và đóng vai trò như một chất đệm tạm thời giữa niêm mạc dạ dày và dịch vị, ngăn acid tấn công vào niêm mạc dạ dày.
Tuy nhiên, chỉ những sữa tách béo hoặc ít béo mới đạt được hiệu quả này. Loại sữa nguyên chất chứa phần lớn chất béo bão hoà có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng trào ngược dạ dày. Một số lưu ý khác khi uống sữa cho bạn như sau:
- Không uống quá nhiều sữa vì có thể gây rối loạn tiêu hoá, tăng cân.
- Không nên uống sữa ngay trước giờ đi ngủ vì có thể làm tăng nguy cơ trào ngược.
- Không uống chung sữa với nước trái cây, thuốc hoặc khi ăn hải sản.
- Không đun sôi sữa vì có thể ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng trong sữa.
☛ Tham khảo thêm: 7 loại trái cây giảm axit dạ dày, tốt cho người trào ngược
Trung hòa acid dạ dày bằng thuốc kháng acid (antacid
Thuốc antacid có tác dụng trung hòa acid dạ dày và làm giảm hoạt động của enzyme tiêu hóa pepsin (do pH dạ dày tăng lên trên 4.0). Nhờ đó, thuốc giúp giảm nhanh triệu chứng đau và nóng rát ở dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi để các tổn thương trên niêm mạc lành lại nhanh hơn. Dưới đây là 3 loại thuốc thường dùng:
Canxi Cacbonat (CaCO3)
Canxi cacbonat được xếp vào nhóm thuốc trung hòa acid hấp thụ được. Đây là một trong những thuốc kháng acid mạnh nhất, có khả năng trung hòa nhanh chóng và hoàn toàn. Nhờ vậy, các triệu chứng đau và nóng rát dạ dày được kiểm soát hiệu quả, trong thời gian ngắn.
Liều dùng của Canxi cacbonat cho người trưởng thành là 1.250 – 3.750mg/ ngày, chia thành 2 – 4 lần uống vào sau bữa ăn khoảng 1 tiếng hoặc khi có triệu chứng đau dạ dày. Liều dùng tối đa là 7.890mg/ ngày. Người dùng không được tự ý vượt liều nếu không được bác sĩ chỉ định.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng Canxi cacbonat gồm:
- Kiếm máu dẫn đến buồn nôn, đau đầu và yếu cơ.
- Phát ban, khó thở, sưng môi – lưỡi – họng.
- Chán ăn, táo bón, khô miệng, đi tiểu nhiều.
Những trường hợp sau đây chỉ sử dụng thuốc khi có sự cho phép của bác sĩ:
- Phụ nữ có thai, dự định có thai và phụ nữ cho con bú.
- Người có cơ địa dị ứng, đã từng dị ứng với thuốc kháng acid.
- Người suy tim, sỏi thận, rối loạn tuyến giáp hoặc huyết áp cao.
- Người đang sử dụng các loại thuốc như: thuốc kháng sinh quinolon, thuốc chống viêm corticosteroid, thuốc lợi tiểu và thuốc chống động kinh.
Nhôm hydroxyd – Al(OH)3
Nhôm hydroxyd là thuốc kháng axit tương đối an toàn, được sử dụng phổ biến. Thuốc tạo phản ứng trung hòa với acid dạ clohydric dư thừa trong dạ dày, giúp giảm nhanh nồng độ acid trong dạ dày và cải thiện các triệu chứng: đau, nóng rát, ợ chua, ợ nóng.
Liều dùng của nhôm hydroxyd cho bệnh nhân viêm loét dạ dày là: 15 – 45ml/ lần x 2 – 3 lần/ ngày, uống vào sau bữa ăn khoảng 1 – 3 tiếng hoặc trước khi đi ngủ.
- Nhôm hydroxyd được sử dụng phổ biến
Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng nhôm hydroxyd gồm:
- Nhôm liên kết với phosphate trong đường tiêu hoá, làm giảm hấp thu canxi của cơ thể, giảm phosphate máu, gây buồn nôn, chán ăn và yếu cơ.
- Gây nhuyễn xương, giảm trí nhớ, thiếu máu hồng cầu nhỏ ở bệnh nhân suy thận mãn tính dùng nhôm hydroxyd kéo dài.
- Gây ngộ độc nhôm và nhuyễn xương ở bệnh nhân có hội chứng urê huyết cao.
- Gây táo bón, chát miệng, cứng bụng, phân trắng.
Một số trường hợp dưới đây chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn:
- Bệnh nhân suy tim sung huyết, suy thận, phù , xơ gan và người mới chảy máu đường tiêu hoá.
- Người cao tuổi đang điều trị các bệnh lý nền khác nhau.
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú
Magnesi Hydroxyd
Magnesi hydroxyd là một chất kiềm mạnh, có tác dụng kháng acid hiệu quả hơn nhôm hydroxyd. Khi có thức ăn, thuốc có khả năng tăng pH dịch vị lên khoảng 5 trong vòng 1 giờ, ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của acid vào niêm mạc dạ dày.
Liều dùng của magnesi hydroxyd cho người lớn là 300 – 600mg/ ngày, chia làm 2 – 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 – 3 tiếng hoặc trước khi đi ngủ.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng magnesi hydroxyd gồm:
- Miệng đắng chát, đau bụng tiêu chảy.
- Buồn nôn, nôn, cứng bụng.
- Biếng ăn, yêu cơ, nôn mửa, ngứa ngáy, khó thở, sưng phù môi – miệng – lưỡi.
- Tăng magnesi huyết ở bệnh nhân suy thận.
Không dùng magnesi hydroxyd cho bệnh nhân suy thận nặng, dị ứng với magnesi và trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ suy thận). Những trường hợp cần thận trọng khi dùng magnesi hydroxyd bao gồm:
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
- Người có tiền sử mắc bệnh thận.
- Người đang sử dụng các thuốc điều chống đông máu, thuốc trị nấm.
- Suy thận nặng (nguy cơ tăng magnesi huyết).
Trung hòa acid dạ dày là cách giảm nhanh các triệu chứng do tăng acid dạ dày gây ra. Tuy nhiên, đa số các biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, không thể thay thế thuốc điều trị. Vậy nên, người bệnh không nên phụ thuộc vào những cách này. Thay vào đó, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.