Acid dạ dày đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hoá thức ăn. Thế nhưng, khi lượng acid tiết ra quá mức, người bệnh có thể gặp phải tình trạng trào ngược hay viêm loét dạ dày. Việc sử dụng các loại nước giảm acid dạ dày giúp cải thiện triệu chứng khó chịu, tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Mục lục
Nước uống làm giảm nồng độ acid dạ dày
Một số loại nước có thể trực tiếp làm giảm nồng độ acid, qua đó ngăn quá trình ăn mòn của acid và giảm kích thích lên niêm mạc dạ dày thực quản, điển hình như:
Nước lọc
Khi bạn uống nước, thể tích dịch vị tăng lên sẽ giúp “pha loãng” acid dạ dày. Ngoài ra, nước chảy qua thực quản cũng phần nào làm sạch acid trào ngược lên niêm mạc thực quản. Những tác động này làm giảm các triệu chứng: đau tức dạ dày, nóng rát dạ dày – thực quản.
Một số lưu ý để việc uống nước đạt được hiệu quả tốt nhất gồm:
- Nên uống nước ấm khoảng 35 – 40 độ C sẽ giúp làm dịu niêm mạc thực quản và dạ dày tốt hơn. Không uống nước lạnh vì có thể gây kích thích, khiến dạ dày tăng tiết acid.
- Người bệnh nên uống khoảng 100ml vào thời điểm đau hoặc nóng rát dạ dày. Không nên uống quá 200ml/ lần vì có thể làm tăng áp lực dạ dày, kích thích mở cơ thắt thực quản dưới, làm nặng hơn triệu chứng trào ngược.
- Tránh uống nước gần bữa ăn vì sẽ làm tăng áp lực dạ dày.
Nước ép dưa hấu
Độ pH của nước ép dưa hấu dao động khoảng 5.2 – 5.6, có tính axit nhẹ. Tuy nhiên, trong nước ép dưa hấu giàu khoáng chất như magie (112mg/ 100g) và kali (10mg/ 100g). Điều này khiến các sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình tiêu hoá dưa hấu có tính kiềm. Bởi vậy, dưa hấu được coi là thực phẩm tạo kiềm khi tiêu hoá.
Cũng bởi tác dụng tạo kiềm, nước dưa hấu có khả năng trung hoà acid dư thừa, giảm nồng độ acid dạ dày và làm dịu niêm mạc dạ dày – thực quản. Đây là lý do người bệnh trào ngược thường cảm thấy dễ chịu, giảm đau tức, nóng rát dạ dày – thực quản sau khi uống nước ép dưa hấu.
Mặt khác, trong nước ép dưa hấu chứa nhiều chất chống oxy hoá như: lycopene, vitamin C và vitamin A. Những chất này có tác dụng chống viêm, qua đó giảm đau và hỗ trợ làm lành các vết viêm loét trên niêm mạc dạ dày – thực quản.
Nước dưa hấu giúp trung hòa acid dịch vị
Cách chế biến nước ép dưa hấu rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Dùng một quả dưa hấu đã chín, cắt lấy phần ruột đỏ.
- Bỏ ruột đỏ vào máy ép để ép lấy phần nước.
- Nếu không có máy ép, bạn có thể cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi lọc lấy phần nước rồi uống khi có cảm giác khó chịu.
Bạn nên uống nước dưa hấu khi có triệu chứng khó chịu. Mỗi lần uống không nên quá 200ml và cách bữa ăn tối thiểu 2 tiếng để tránh làm tăng áp lực lên dạ dày.
☛ Tham khảo: Ăn quả gì tốt cho người bị trào ngược dạ dày?
Nước dạ cẩm
Dạ cẩm là dược liệu được người dân Lạng Sơn sử dụng phổ biến trong các bài thuốc chữa viêm loét miệng. Năm 1960, bệnh viện Lạng Sơn đã nghiên cứu tác dụng chữa đau dạ dày của cây dạ cẩm. Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, cây dạ cẩm giúp giảm đau dạ dày, giảm ợ chua và làm lành loét hiệu quả.
Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Lại Quang Long, nước sắc cây dạ cẩm được chứng minh là có tác dụng làm giảm nồng độ acid dạ dày, giảm chỉ số loét. Do đó, uống nước dạ cẩm là biện pháp giúp giảm acid dạ dày trong thời gian dài. Dưới đây là cách sử dụng cây dạ cẩm cho người bị viêm loét và trào ngược dạ dày:
- Lấy 30g dạ cẩm khô cho vào ấm, thêm nước và đun sôi.
- Sau khi nước sôi, giảm nhỏ lửa và đun thêm khoảng 15 phút.
- Chắt lấy phần nước thuốc, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày vào trước mỗi bữa ăn hoặc khi đau.
Lưu ý: Không dùng nước sắc lá dạ cẩm cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú khi chưa được bác sĩ đồng ý. Sau khi uống thuốc, nếu có dấu hiệu khó chịu như: buồn nôn, nôn, đau bụng,… thì cần ngưng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ nếu triệu chứng không giảm.
Nước uống giúp giảm tiết acid
Mặc dù không làm giảm nồng độ acid ngay lập tức nhưng một số loại nước lại có thể giúp ngăn dạ dày tăng tiết acid dư thừa. Khi sử dụng thời gian dài, nhóm nước này hỗ trợ thiết lập sự cân bằng của hoạt động tiết acid, đem lại hiệu quả ngăn trào ngược bền vững hơn.
Trà cam thảo
Rễ cam thảo chứa glycyrrhizin – Một hoạt chất đã được nghiên cứu chứng minh về khả năng làm dịu và giảm kích thích niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, thành phần carbenoxolone trong chiết xuất cam thảo có khả năng ức chế tiết gastrin – một loại hormone kích thích dạ dày tiết acid. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, cam thảo có khả năng chống viêm loét và kích thích dạ dày tăng sinh chất nhầy bảo vệ niêm mạc.
Vì những lý do trên, trà cam thảo được xếp vào nhóm những loại nước giảm tiết acid dạ dày. Cách dùng khá đơn giản, bạn chỉ cần:
- Lấy một vài lát cam thảo khô đem hãm cùng nước sôi.
- Uống thay trà hàng ngày hoặc uống khi bị đau, nóng rát dạ dày thực quản.
Khi dùng nước cam thảo, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Liều dùng khuyến cáo từ 4 – 80g/ ngày. Người bệnh không tự ý dùng quá liều lượng này vì có thể làm giảm nồng độ kali, ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch.
- Không dùng cam thảo cho phụ nữ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non.
- Những người hay bị đầy bụng, phù trướng bụng cũng không dùng cam thảo khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Cam thảo tương tác với các loại thuốc như: thuốc hạ kali, thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chứa coumarin, thuốc tránh thai và thuốc chống viêm. Do đó, người bệnh không tự ý dùng cam thảo khi đang uống những thuốc này.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc chứa Apigenin – Một hoạt chất có tác dụng làm dịu đường tiêu hoá, giảm triệu chứng đau – nóng rát và giảm kích thích lên hệ thần kinh, qua đó ngăn dạ dày tăng tiết acid. Mặt khác, trà hoa cúc cũng giúp giảm rối loạn nhu động ruột dạ dày, qua đó cải thiện triệu chứng trào ngược và cảm giác buồn nôn, nôn do hiệu quả.
Việc sử dụng trà hoa cúc cũng giúp cải thiện lo lắng và mất ngủ ở bệnh nhân trào ngược. Tác dụng này gián tiếp ức chế quá trình tiết acid tại dạ dày và tăng cường chất lượng sống cho người bệnh. Để dùng trà cúc hoa giảm tiết acid, bạn làm như sau:
- Dùng một nắm trà cúc hoa khô hãm cùng nước sôi, ủ trà trong khoảng 15 phút.
- Rót lấy nước trà, uống khi còn ấm.
- Bạn có thể dùng trà hoa cúc như nước uống hàng ngày, uống vào thời điểm trước khi đi ngủ khoảng 30 – 1 tiếng hoặc khi bị đau, nóng rát dạ dày.
Một số lưu ý khi dùng trà hoa cúc cho người tăng tiết acid dạ dày gồm:
- Chỉ nên dùng 5g hoa cúc khô mỗi ngày. Việc sử dụng quá nhiều trà hoa cúc có thể khiến người bệnh bị buồn nôn, tiêu chảy.
- Không dùng trà hoa cúc cho phụ nữ có thai và cho con bú khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Trà hoa cúc có thể tương tác với thuốc chống đông máu chứa coumadin. Vì vậy, không tự ý dùng trà hoa cúc khi đang sử dụng loại thuốc này.
- Trà hoa cúc có thể gây dị ứng. Vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng như: phát ban, khó thở, sưng cổ họng,… cần ngưng uống trà ngay lập tức và hỏi ý kiến bác sĩ.
- Những người làm công việc như lái xe, vận hành máy móc,… không nên uống trà hoa cúc trước và trong khi làm việc vì có thể gây cảm giác buồn ngủ.
☛ Tham khảo: Mật ong có chữa được trào ngược dạ dày như lời đồn?
Nước khôi tía
Trong lá khôi tía chứa hai thành phần chính là Glycosid và Tanin. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y học của tác giả Bùi Thị Xuân – Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chứng được những hoạt chất này có tác dụng chống viêm, hỗ trợ lành loét và ức chế tiết acid dạ dày. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chứng minh được, khi sử dụng cao lá khôi với liều 450mg/ kg/ ngày sẽ làm giảm số điểm loét trung bình, giảm chỉ số loét, giảm nồng độ acid, giảm thể tích dịch vị và tăng pH dịch vị.
Bởi những tác dụng trên, nước khôi tía thường được người bệnh viêm loét và trào ngược dạ dày sử dụng rất phổ biến. Cách dùng như sau:
- Lấy một nắm lá khôi cho vào ấm, thêm nước và đun sôi trong khoảng 5 phút.
- Chắt lấy phần nước, uống khi còn ấm vào trước bữa ăn hoặc khi có triệu chứng khó chịu.
Một số lưu ý khi dùng lá khôi tía như sau:
- Chỉ nên dùng 40 – 80g lá khôi tía/ ngày. Không dùng quá 250g/ ngày vì có thể gây mệt mỏi, người uể oải, da tái xanh.
- Không dùng lá khôi tía cho phụ nữ mang thai và cho con bú nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
- Không dùng lá khôi tía cho những người bị rối loạn đông máu hoặc có tiền sử dị ứng với dược liệu này.
- Nếu có triệu chứng bất thường như: mẩn ngứa, đau bụng, buồn nôn, nôn,… sau khi uống nước lá khôi, bạn cần ngưng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ.
Nước giảm áp lực dạ dày, ngăn acid trào ngược
Những loại nước giảm áp lực dạ dày giúp giảm sức ép lên cơ thắt thực quản dưới, qua đó hạn chế tình trạng trào ngược acid lên thực quản. Một số loại nước thường dùng như:
Trà gừng
Trong củ gừng có chứa gingerol. Hoạt chất khi được làm nóng sẽ chuyển thành shogaols cho vị hăng gấp đôi gừng tươi. Thế nhưng, shogaol và gingerol lại có tác dụng tăng cường nhu động ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hoá thức ăn, làm giảm áp lực cho dạ dày. Bên cạnh đó, hoạt chất zingerone trong củ gừng cũng ức chế các co bóp tự phát và giảm nhu động ở đại tràng, qua đó giảm triệu chứng buồn nôn và nôn.
Cách chế biến trà gừng rất đơn giản, bạn có thể làm như sau:
- Cắt 2 – 3 lát gừng tươi cho và hãm cùng khoảng 50ml nước sôi trong khoảng 10 – 15 phút.
- Uống khi nước trà còn ấm vào ngay trước hoặc sau bữa ăn.
- Có thể thêm một chút mật ong trước khi uống để tăng tác dụng.
Một số lưu ý khi dùng trà gừng như sau:
- Chỉ nên dùng khoảng 3 – 4g chiết xuất gừng tươi/ ngày. Việc dùng quá liều trong thời gian dài có thể làm tăng chảy máu, khó chịu ở bụng, tiêu chảy, buồn nôn, kích ứng họng, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ trầm cảm.
- Phụ nữ có thai không nên dùng quá 1g chiết xuất gừng/ ngày.
- Không sử dụng trà gừng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
☛ Tham khảo thêm: Gừng ngâm giấm chữa trào ngược dạ dày-tin được không?
Trà hạt thì là
Trong Đông y, thì là là dược liệu có vị cay, tính đắng, có tác dụng tiêu chướng bụng, trục xuất khí dư thừa ra khỏi đường tiêu hoá, chữa đau bụng. Phân tích khoa học cho thấy, trong hạt thì là chứa anethole – một chất có tác dụng thư giãn cơ trơn đường tiêu hoá, chống co thắt. Vì vậy, việc sử dụng thì lá giúp giảm áp lực cho dạ dày.
Cách chế biến trà thì là như sau:
- Lấy một thìa cà phê hạt thì là đem đi giã vỡ (khoảng 4g).
- Cho trà thì là vào ấm nhỏ hoặc cốc rồi chế thêm khoảng 100ml nước vừa đun sôi.
- Ủ trà khoảng 10 phút rồi uống khi còn ấm.
- Uống 2 – 3 lần/ ngày để có hiệu quả tốt.
Một số lưu ý khi dùng trà thì là gồm:
- Không dùng trà thì là cho phụ nữ có thai vì có thể gây kích thích tử cung.
- Tránh dùng hạt thì là quá nhiều vì có thể gây hại cho thần kinh, tăng nguy cơ ảo giác và co giật.
Trên đây là bài viết giới thiệu một số loại nước uống giảm acid dạ dày, hỗ trợ cải thiện tình trạng trào ngược. Mong rằng những chia sẻ này sẽ đem đến cho bạn đọc thêm thông tin hữu ích. Nếu cần tư vấn thêm, bạn đọc có thể liên hệ với chuyên viên tư vấn qua hotline: 1900 545 518.