Đau lưng thường xuất hiện ngay sau cơn ợ nóng khiến nhiều người tin rằng trào ngược dạ dày là “thủ phạm” gây ra tình trạng này. Nếu bạn cũng đang khó chịu bởi tình trạng này, xem ngay bài viết dưới đây để có giải đáp chi tiết.
Mục lục
Vì sao trào ngược dạ dày gây đau lưng?
Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản. Trong dịch vị chứa acid và enzyme tiêu hoá có thể khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương và gây ra các triệu chứng: nóng rát, đau tức dạ dày – thượng vị – thực quản. Cơn đau có thể đau xuyên ra phía sau gây nhức mỏi lưng.
Cơ chế trào ngược dạ dày gây đau lưng được lý giải như sau: Niêm mạc thực quản không có lớp chất nhầy bảo vệ như ở dạ dày. Vì vậy, acid dạ dày trào ngược lên dễ dàng gây tổn thương niêm mạc và tạo ra kích thích vào các đầu mút thần kinh. Khi tác động vào các dây thần kinh chi phối cảm giác ở ngực, vai và lưng, người bệnh gặp phải triệu chứng đau tức kéo dài từ vùng ngực lan lên vai và ra sau lưng.
Ngoài ra, người bệnh trào ngược dạ dày có xu hướng điều chỉnh tư thế ngủ ngủ cao đầu và nằm nghiêng về bên trái nhiều hơn. Tư thế này làm tăng áp lực và khiến độ cong sinh lý của cột sống bị biến đổi. Bởi vậy, người bệnh có thể cảm thấy đau lưng, nhức mỏi người sau một thời gian thực hiện.
Một số yếu tố có khả năng thúc đẩy triệu chứng đau lưng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản gồm:
- Béo phì: Làm tăng áp lực lên dạ dày, khiến dịch vị dạ dày bị đẩy lên thực quản dễ dàng hơn. Mặt khác, thừa cân cũng làm tăng áp lực lên cột sống, dẫn đến triệu chứng đau lưng nghiêm trọng hơn.
- Mang thai: Sự phát triển của thai nhi gây ra các biến đổi nội tiết và tăng chèn ép lên dạ dày khiến mẹ bầu thường xuyên bị trào ngược. Bên cạnh đó, thai lớn cũng làm tăng áp lực lên cột sống, gây đau lưng kéo dài.
- Sản phẩm kích thích: Bao gồm đồ uống có gas, chứa cồn hoặc caffeine, nicotine gây giãn co thắt thực quản dưới, làm tăng tần suất và mức độ trào ngược dạ dày.
- Thực phẩm kích thích: Đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn chay chua làm tăng tiết acid dạ dày, dẫn đến tăng tần suất trào ngược và khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu nhận biết đau lưng do trào ngược dạ dày
Đau lưng do trào ngược dạ dày thường được miêu tả bởi cảm giác rát như bị bỏng, tổn thương hở, căng cứng như bị chuột rút hoặc đau co thắt mạnh mẽ. Đôi khi, người bệnh cảm giác như chứng ợ nóng bao bọc hoặc lan xuyên từ ngực đến vị trí bất kỳ trên lưng. Vùng thắt lưng có thể xảy ra cơn đau âm ỉ.
Triệu chứng đau lưng do trào ngược dạ dày thường xảy ra sau khi người người bệnh ăn quá nhiều, ăn thực phẩm gây kích thích dạ dày, tập luyện quá sức (đặc biệt là các động tác cúi gập người), buổi sáng khi mới thức dậy. Đây là những thời điểm người bệnh dễ bị trào ngược nhất.
Ngoài ra, người bệnh có thể nhận biết đau lưng do trào ngược thông qua một số triệu chứng kèm theo như:
- Thường ợ lên dịch lỏng có vị chua, khó chịu ở miệng và cổ họng.
- Nuốt nước bọt liên tục do cơ thể tăng tiết nước bọt để trung hoà acid trào ngược lên khoang miệng.
- Khàn tiếng, thường xuất hiện vào buổi sáng mới ngủ dậy hoặc sau khi bị trào ngược.
- Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, hơi thở có mùi khó chịu.
Trong hầu hết trường hợp, đau lưng do trào ngược dạ dày đều không nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người bệnh bị đau lưng nghiêm trọng có thể gặp khó khăn khi đi lại, cúi người hoặc ngồi xuống đứng lên. Người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu gặp phải vấn đề như:
- Cơn đau lưng không biến mất mà kéo dài hoặc có xu hướng nặng lên.
- Đau lưng kèm theo cảm giác ngứa ran hoặc tê bì.
- Cảm giác vùng cơ lưng bị suy yếu, khó khăn khi di chuyển hoặc thực hiện các động tác đơn giản.
- Đau tức ngực dữ dội, nôn nhiều kèm theo máu.
- Mất cảm giác thèm ăn, sụt cân không rõ lý do.
Cách giảm đau lưng cho bệnh nhân trào ngược dạ dày tại nhà
Đau lưng do trào ngược dạ dày có thể diễn ra thường xuyên nếu bệnh lý trào ngược không được kiểm soát tốt. Lúc này, việc giảm đau lưng nhanh chóng là nhu cầu của rất nhiều bệnh nhân. Dưới đây là một số gợi ý để bạn đọc tham khảo:
Uống thuốc giảm đau
Sử dụng thuốc có thể giúp người bệnh kiểm soát cơn đau nhanh chóng và hiệu quả. Hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất là Paracetamol với liều lượng từ 10 – 15mg/ kg/ lần. Mỗi lần dùng thuốc cần cách nhau 4 – 6 tiếng. Paracetamol có khả năng giảm đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, do mọi nguyên nhân.
Thuốc ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý:
- Không uống thuốc sau khi sử dụng rượu bia.
- Không dùng thuốc khi có tiền sử dị ứng với paracetamol.
- Những bệnh nhân mắc bệnh lý gan, thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Massage
Massage là phương pháp thúc đẩy lưu thông máu, giãn cơ và giảm tình trạng căng cứng khớp. Qua đó giúp giảm các cơn đau co thắt, đau cứng cơ và đau mỏi cơ khớp ở vùng lưng hiệu quả. Một số động tác massage hiệu quả và dễ thực hiện như sau:
- Dùng lòng bàn tay trượt nhẹ trên lưng kết hợp với động tác xoa bóp nhẹ nhàng.
- Dùng đầu ngón tay ấn nhẹ lên những vị trí cơ bắp bị đau trên lưng. Tại những điểm đau, có thể dùng đầu ngón tay cái ấn và day để giảm căng cơ.
- Dùng lòng bàn tay day ở các vùng đau trên lưng để làm giãn cơ và giảm căng thẳng.
- Đặt bàn tay song song với cột sống và di chuyển từ trên xuống dưới, chú ý không dùng lực mạnh lên cột sống.
- Đặt bàn tay ở hai bên cơ trên lưng và kéo giãn về hai phía khác nhau.
Massage là cách giúp giảm đau lưng hiệu quả cho người bệnh trào ngược. Tuy nhiên, việc nằm sấp quá lâu hoặc sử dụng lực quá mạnh có thể tạo sức ép lên dạ dày dẫn đến trào ngược. Do đó, người bệnh cần chú ý, chỉ nên massage khoảng 10 – 15 phút/ lần thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chỉ dùng lực ấn vừa phải lên vùng cơ, tránh tạo lực ép mạnh lên cơ thể gây chèn ép vào dạ dày.
Chườm ấm
Nhiệt độ cao gây giãn cơ, giãn mạch máu, tạo điều kiện cho máu lưu thông tốt hơn, qua đó giảm các triệu chứng đau nhức, đau mỏi, đau cứng, đau âm ỉ hay đau co thắt ở vùng lưng. Cách thực hiện chườm nóng khá đơn giản, bạn chỉ cần:
- Cho nước ấm khoảng 40 – 50 độ C vào túi chườm chuyên dụng.
- Di chuyển túi chườm quanh vị trí lưng bị đau khoảng 10 – 15 phút.
- Thực hiện khi bị đau hoặc 2 – 3 lần/ ngày.
Ngoài ra, người bệnh có thể ngâm mình trong nước ấm cũng giúp giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với một chút tinh dầu trong nước sẽ giúp toàn bộ cơ thể được thư giãn, thả lỏng, tăng cường hiệu quả trị liệu.
Tham khảo: Bấm huyệt giúp giảm đau lưng do trào ngược dạ dày
Tập luyện
Tập luyện khoa học giúp tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt của cơ lưng, cột sống. Qua đó, giúp tăng cường thể chất và nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể khi gặp phải tác động của acid sau cơn trào ngược. Mặt khác, thể dục điều độ cũng hỗ trợ hoạt động tiêu hoá, góp phần cải thiện chứng trào ngược dạ dày thực quản, giảm thiểu tình trạng đau lưng.
Một số lưu ý trong tập luyện cho người bệnh trào ngược dạ dày gồm:
- Nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như: chạy bộ, đi bộ, bơi lội hoặc yoga điều hoà hơi thở nhẹ nhàng.
- Tránh những động tác cúi gập người, nâng đỡ vật nặng hoặc tập luyện quá sức gây sức ép lên dạ dày và vùng lưng.
- Không tập luyện khi quá đói hoặc khi vừa mới ăn xong, nên cách bữa ăn ít nhất 30 phút.
- Với các bài tập vật lý trị liệu, người bệnh cần trao đổi với chuyên gia để hiểu rõ hiệu quả và nắm được cách thực hiện đúng.
Làm thế nào để ngăn trào ngược dạ dày gây đau lưng?
Các biện pháp giảm đau lưng mặc dù hiệu quả nhưng chỉ mang tính tạm thời. Cơn đau vẫn sẽ trở lại mỗi khi người bệnh bị trào ngược. Vậy nên, chỉ khi điều trị tốt trào ngược dạ dày, người bệnh mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng đau lưng.
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Đa số trường hợp trào ngược dạ dày đều có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc kiểm soát nồng độ acid. Tuỳ vào tình trạng cụ thể mà người bệnh cần dùng một hoặc đồng thời nhiều thuốc dưới đây:
Thuốc ức chế bơm Proton (PPI): Là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ. Thuốc thường được chỉ định dùng trước bữa ăn 30 – 60 phút, kéo dài liên tục 4 – 8 tuần. Nếu không giảm bớt, người bệnh có thể cần tăng liều gấp đôi và tiếp tục duy trì thời gian sử dụng từ 4 – 8 tuần. Một số hoạt chất điển hình của nhóm này gồm: omeprazole, esomeprazole, pantoprazole, lansoprazole,…
Thuốc ức chế histamin H2 (H2RA): Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp cùng PPI và antacid để kiểm soát triệu chứng trào ngược. Thuốc phát huy tốt hiệu quả giảm tiết acid dạ dày vào ban đêm nên thường được dùng trước khi đi ngủ. Một số hoạt chất thường dùng gồm: cimetidine, famotidine, ranitidine,…
Thuốc trung hòa acid: Có khả năng giảm triệu chứng ngay sau khi sử dụng. Thuốc thường dùng sau ăn khoảng 1 – 3 tiếng, có thể phối hợp với PPI hoặc dùng đơn độc trong trường hợp trào ngược nhẹ. Hoạt chất thường gặp như: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd và canxi cacbonat.
Thuốc giãn cơ vân: Phổ biến nhất là baclofen, được chỉ định trong trường hợp thất bại điều trị với PPI. Baclofen ức chế sự giãn đột ngột của cơ thắt thực quản dưới, nhờ đó giảm trào ngược dạ dày sau ăn.
☛ Tham khảo đầy đủ: Chi tiết các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng lên cơ thể. Vậy nên, người bệnh chỉ dùng thuốc sau khi được bác sĩ thăm khám và kê đơn. Tuyệt đối, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà để tránh gặp rủi ro.
Ngăn trào ngược dạ dày tái phát
Trào ngược dạ dày thực quản bị ảnh hưởng rất lớn bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Vậy nên, bệnh rất dễ tái phát nếu người bệnh có lối sống thiếu lành mạnh. Để phòng ngứa trào ngược dạ dày tái phát, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Theo dõi và duy trì cân nặng ở mức bình thường, dựa trên chuẩn BMI từ 18.5 – 24.9.
- Xây dựng thói quen ăn uống khoa học: ăn đủ bữa, ăn đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá no.
- Tránh dùng sản phẩm hoặc thực phẩm gây tăng tiết acid hoặc ảnh hưởng đến cơ thắt thực quản dưới như: đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn công nghiệp, đồ uống chứa cồn, có gas hay sản phẩm chứa caffeine, nicotin,..
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh để cơ thể bị căng thẳng kéo dài.
- Nên đi ngủ sớm và duy trì lịch ngủ đều đặn, tốt nhất là ngủ trước 23h00.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần hoặc tái khám trào ngược dạ dày theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
☛ Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để nhanh hồi phục?
Trào ngược dạ dày gây đau lưng có thể được giải quyết dứt điểm nếu người bệnh được điều trị đúng cách. Vậy nên, người bệnh không nên quá lo lắng, căng thẳng sẽ khiến trào ngược nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.