Nghe có vẻ khó tin nhưng trào ngược dạ dày thật sự có thể khiến nhịp tim của người bệnh bị rối loạn. Điều này khiến nhiều người nảy sinh tâm lý hoang mang không biết đâu là bệnh tim, đâu là bệnh dạ dày. Cùng với đó, không ít người cũng bày tỏ lo sợ về mức độ nguy hiểm của tình trạng này. Nếu bạn cũng đang bối rối tình trạng rối loạn nhịp tim trong bệnh lý trào ngược, hãy xem ngay bài viết dưới đây.
Mục lục
- Vì sao trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim?
- Trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim nguy hiểm ra sao?
- Phân biệt triệu chứng rối loạn nhịp tim do trào ngược và bệnh tim mạch
- Cách điều trị và phòng ngừa rối loạn nhịp tim do trào ngược dạ dày
- Một số triệu chứng khác thường xảy ra khi trào ngược dạ dày cần lưu ý
Vì sao trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim?
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý xảy ra khi dịch tiêu hoá từ dạ dày tràn lên thực quản gây ra các triệu chứng như: ợ nóng, ợ chua, khó nuốt, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt. Trong khi đó, rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim tăng giảm bất thường dẫn đến cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, tức ngực và khó thở.
Tưởng chừng hai vấn đề này không liên quan gì đến nhau nhưng một nghiên cứu của nha khoa học Velagapudi và cộng sự vào năm 2012 đã cho thấy mối tương quan giữa trào ngược dạ dày và rối loạn nhịp tim do rung nhĩ. Nhiều ý kiến cho rằng, viêm trào ngược thực quản có khả năng khởi phát và duy trì tình trạng rung nhĩ.
Theo đó, trào ngược dạ dày khiến acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây viêm niêm mạc và dây thần kinh phế vị (dây thần kinh điều khiển cảm giác và hoạt động của các cơ quan nội tạng, bao gồm dạ dày và tim). Lúc này, các chất trung gian gây viêm tăng lưu thông trong máu dẫn đến rối loạn chức năng của các tế bào trên màng tim. Hệ quả là mô nhĩ bị tổn thương, thúc đẩy sự xuất hiện cơn rung nhĩ.
Ngoài ra, do thực quản nằm gần với tâm nhĩ (đặc biệt là tâm nhĩ trái) nên khi trào acid gây tổn thương niêm mạc thực quản, chức năng của dây thần kinh phế vị có thể bị ảnh hưởng. Cụ thể, các tế bào trên bề mặt của dây thần kinh phế vị bị kích thích gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Một con đường khác khiến nhịp tim bị rối loạn do trào ngược là viêm xâm nhập vào lớp mỏng của màng ngoài tim, gây ra viêm cơ tim nhĩ và viêm màng ngoài tim tại chỗ.
Bên cạnh yếu tố viêm, trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim cũng có thể do một số yếu tố như: mất cân bằng giao cảm phế vị, gia tăng áp lực lên tim trong thoát vị hoành, giảm lưu lượng động mạch vành và phản ứng tự miễn dịch.
Trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim nguy hiểm ra sao?
Nhịp tim phản ánh hoạt động co bóp bơm máu của tim đến toàn bộ cơ thể. Nhịp tim bị rối loạn đồng nghĩa với chức năng bơm máu của tim bị ảnh hưởng. Rối loạn nhịp tim trong trào ngược dạ dày thường là do rung nhĩ với biểu hiện thường thấy là nhịp tim nhanh hơn bình thường. Thời điểm rung nhĩ rung, máu không thể tống xuống buồng tâm thất. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng tim.
Cục máu đông này có thể được tim bơm ra mạch máu nhỏ hẹp dẫn đến tắc mạch, điển hình như: tắc mạch máu não, mạch thận, mạch vành hoặc mạch chi. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 – 7 lần người bình thường.
Rung nhĩ do trào ngược nếu xảy ra thường xuyên có thể khiến tim co bóp kém, giảm khả năng bơm và tống máu của tim dẫn đến tim không được nuôi dưỡng tốt. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ suy tim đồng thời khiến các bệnh lý khác tiến triển nặng hơn. Người bệnh thậm chí có thể đối diện với nguy cơ tử vong.
Trong những ảnh hưởng nhẹ hơn, rối loạn nhịp tim do trào ngược dạ dày khiến người bệnh luôn có cảm giác hồi hộp, kém tập trung. Mặt khác, lưu lượng máu giảm khiến người bệnh dễ gặp phải tình trạng thiếu máu lên não, mệt mỏi, hay quên, rối loạn giấc ngủ. Những ảnh hưởng này tạo ra tâm lý lo lắng, suy nhược cơ thể và giảm hiệu quả công việc.
☛ Tìm hiểu: Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Phân biệt triệu chứng rối loạn nhịp tim do trào ngược và bệnh tim mạch
Cách chính xác nhất để phân biệt rối loạn nhịp tim do trào ngược và do bệnh tim mạch là người bệnh cần đến cơ sở y tế để làm các kiểm tra cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu chưa thể sắp xếp thăm khám ngay, bạn có thể tham khảo một số điểm khác biệt của hai tình trạng này trong bảng so sánh dưới đây:
Rối loạn nhịp tim do trào ngược | Rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch | |
Thời điểm xuất hiện | Thường xuất hiện sau cơn trào ngược: cảm giác ợ nóng, ợ chua hoặc nôn trớ thức ăn. | Có thể xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. |
Kéo dài | Vài giây đến vài phút | Không xác định. Trong một số dạng bệnh lý, rối loạn nhịp tim diễn ra liên tục (ví dụ như: rung nhĩ kéo dài hay rung nhĩ vĩnh viễn) |
Triệu chứng đi kèm |
|
|
Cách điều trị và phòng ngừa rối loạn nhịp tim do trào ngược dạ dày
Nếu nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim do trào ngược dạ dày, người bệnh chỉ cần điều trị tốt tình trạng trào ngược thì nhịp tim cũng giữ được ổn định bình thường. Dưới đây gợi ý chi tiết về cách điều trị và phòng ngừa:
Phương pháp điều trị
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản có nhiều phương pháp khác nhau. Tuỳ vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một hoặc một vài biện pháp như:
Dùng thuốc
Phác đồ thuốc điều trị trào ngược dạ dày cần đáp ứng các mục tiêu: giảm triệu chứng và kiểm soát nguyên nhân gây bệnh. Những thuốc thường dùng như:
- Thuốc kháng acid và alginate: Có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm đau nhanh. Thành phần của các thuốc này có thể là: nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd, canxi carbonate,…
- Thuốc kháng H2: Giảm tiết acid dạ dày, giảm đau và hỗ trợ quá trình lành loét. Hoạt chất thường gặp như: cimetidine, famotidine, ranitidine,…
- Thuốc ức chế bơm proton: Ức chế tiết acid mạnh nhất, giảm đau – nóng rát và hiệu quả trong các trường hợp có loét thực quản. Hoạt chất phổ biến như: omeprazole, rabeprazole, pantoprazole, esomeprazole,…
Lưu ý: Người bệnh không tự ý mua thuốc uống khi chưa được thăm khám và chẩn đoán. Việc sử dụng thuốc điều trị cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
Can thiệp ngoại khoa
Những trường hợp trào ngược nghiêm trọng hoặc do bất thường giải phẫu, người bệnh có thể cần thực hiện các biện pháp điều trị ngoại khoa như:
- Nội soi can thiệp: Bác sĩ thực hiện thắt cơ thắt thực quản dưới nhằm tăng khả năng ngăn acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Kỹ thuật này có thể được thực hiện thông qua nội soi.
- Phẫu thuật: Được thực hiện để củng cố hoặc thắt chặt cơ vòng thực quản dưới, ngăn chặn trào ngược. Ngoài ra, tình trạng trào ngược do thoát vị hoành cũng được giải quyết bằng phương pháp này.
- Thắt từ tính: Bác sĩ sử dụng các hạt từ tính (nam châm) nhỏ quấn quanh cơ vòng thực quản nhằm tăng lực thắt của cơ vòng sau khi ăn, giúp ngăn trào ngược.
Cách phòng ngừa
Trào ngược dạ dày có thể được khởi phát bởi các yếu tố như: căng thẳng, béo phì, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Do đó, các biện pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày được xây dựng bằng cách kiểm soát tốt những yếu tố trên, cụ thể:
- Áp dụng các biện pháp khoa học để kiểm soát cân nặng ở ngưỡng bình thường, thể hiện qua chỉ số BMI từ 18.5 – 24.9.
- Vận động đúng cách, tránh tập luyện quá sức, tập các bài tập tăng lực ở vùng bụng – ngực hay tập luyện sau khi ăn no.
- Cân đối chế độ nghỉ ngơi và làm việc để tránh căng thẳng, tránh rơi vào trạng thái stress kéo dài.
- Khi ngủ, nên kê cao đầu khoảng 10 – 15cm so với chân để giảm trào ngược.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm dễ gây trào ngược như: đồ ăn cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, đồ uống chứa cafein, thức uống chứa cồn hay các loại thực phẩm công nghiệp đóng gói sẵn.
- Tránh ăn quá nhiều, ăn quá khuya, ăn quá nhanh hoặc bỏ bữa.
- Tránh mặc các loại quần áo bó sát vào cơ thể.
☛ Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để nhanh hồi phục?
Một số triệu chứng khác thường xảy ra khi trào ngược dạ dày cần lưu ý
Bên cạnh rối loạn nhịp tim, trào ngược dạ dày còn gây ra một số triệu chứng khác như:
Trào ngược dạ dày gây khó thở
Trong trào ngược dạ dày, acid dịch vị có thể tràn vào khí quản gây co thắt và tạo cảm giác khó thở. Mặt khác, acid dạ dày cũng gây kích thích các đầu mút thần kinh trên niêm mạc thực quản. Kích thích này khiến các cơ lồng ngực co rút, chèn ép vào khí quản làm tăng cảm giác khó thở. Khoảng 45% người bệnh trào ngược có xuất hiện triệu chứng khó thở.
Trào ngược dạ dày gây đau ngực
Triệu chứng đau tức ngực xảy ra trong trào ngược dạ dày được lý giải do sự tác động của acid với niêm mạc thực quản. Quá trình này kích thích các thụ thể hoá học nhạy cảm với acid, thụ thể nhiệt hoặc thụ thể cơ học của hệ thần kinh trên niêm mạc dạ dày và khởi phát cảm giác đau.
Đau ngực trong trào ngược dạ dày thường có một số đặc điểm như:
- Tính chất đau thường là đau nóng rát, cảm giác rất khó chịu.
- Cơn đau tập trung phía sau xương ức hoặc lan dọc theo ống thực quản, có thể xuyên ra phía sau lưng.
- Đau thường xuất hiện khi người bệnh cúi gập người, vận động quá sức hoặc nằm sau khi ăn.
Tìm hiểu thêm:
Rối loạn nhịp tim trong trào ngược dạ dày thường do tình trạng rung nhĩ gây ra. Người bệnh có thể gặp nguy hiểm nếu cơn rung nhĩ kéo dài với tần suất thường xuyên. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh nên chủ động đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo:: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7550002/